Một chút lòng nhân cảm hóa tâm dũng sĩ 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Xưa Triệu Thuẫn giúp đỡ một viên tiểu lại có thân phận thấp kém, nhưng sau này viên tiểu lại này đã liều mạng cứu ông khỏi hiểm nguy. Sư gia của Ngụy Văn Hầu mua một con ngựa già, cử chỉ nhỏ này vì sao mà lại thu phục được các dũng sĩ trong thiên hạ? Một con bọ ngựa chắn bánh xe, Tề Trang Công  Khương Câu vòng qua mà tránh, ai hay cử chỉ nhỏ vậy mà có tác dụng lớn vô cùng .

Thời Xuân Thu, năm ấy Tấn quốc Chính khanh Triệu Thuẫn (?- 601 TCN, thụy hiệu Tuyên Tử), đang trên đường đi đến thủ đô Giáng Ba, thấy dưới gốc dâu có người nằm, người đó vì đói mà kiệt sức không bò dậy được.

Triệu Thuẫn giúp người đói dưới gốc dâu

Triệu Thuẫn dừng xe, đưa đồ ăn, lại còn đút cho mấy miếng, người kia lấy lại chút sinh khí, từ từ mở mắt. Qua hỏi thăm, được biết ông ấy là một sai dịch nhỏ, trên đường về quê thì cạn lương khô, lại xấu hổ khi phải xin ăn, mà lại rất ghét thói trộm cắp, nên chịu đói lả. Triệu Thuẫn đối xử với mọi người khoan dung, hòa ái, thế nên ông đã cho người kia hai miếng thịt khô. Viên sai dịch bái tạ Triệu Thuẫn, nhận tặng vật, dù đang đói nhưng không vội ăn ngay. Triệu Thuẫn lấy làm lạ, liền hỏi nguyên nhân. Thì ra ông muốn mang đồ ngon về nhà dâng cho mẹ. Triệu Thuẫn thấy lòng hiếu thuận vậy mà sinh thương cảm, bảo cứ ăn hai miếng đó đi, còn cho thêm hai gói thịt khô cùng trăm đồng tiền, cũng chẳng hỏi thăm danh tính, vội vã lên đường.

Về sau, có một lần Tấn Linh Công mời Triệu Thuẫn dự tiệc, đặt phục binh mưu sát, Triệu Thuẫn biết được, vội rời khỏi tiệc, Tấn Linh Công phái người truy sát, đang lúc nguy nan, bỗng đâu xuất hiện một binh sĩ, giục ông mau lên xe mà thoát thân, còn mình thì sẽ tử chiến cùng quân địch. Đó chính là người mà ông cứu đói dưới gốc dâu 3 năm về trước.

Việc này truyền ra, người trong thiên hạ đều ca tụng ông là người có nhân nghĩa. Cổ thư viết “Đức vô tiểu giả “, đại ý nói, không có ân đức nào là nhỏ cả. Có lẽ cả Triệu Thuẫn cũng không nghĩ được rằng, nghĩa cử giúp người ngày ấy lại cứu được mạng của ông.

Ảnh: Miền công cộng

Tử Phương thương xót ngựa già, được võ sĩ suy tôn

Thời chiến quốc, nước Ngụy có một người có lòng nhân hậu họ Điền tên Vô Trạch, tự là Tử Phương. Ngụy Văn Hầu nghe danh ông, bái ông làm thầy, thường thỉnh giáo ông về sách lược trị quốc. Ngày nọ, Điền Tử Phương trên đường đi thấy một con ngựa già, trong lòng sinh thương xót, hỏi phu xe: “Ngựa già của nhà ai vậy?”

Phu xe đáp: “Nguyên là ở nhà công hầu khanh tướng, do già bệnh nên bị bán đi”.

Tử Phương nghe xong cảm khái thốt lên: “Khi ngựa khỏe, bị người tham lam vắt kiệt lực, khi già mang bệnh lại vứt đi, người nhân từ không nên làm vậy!”

Thế là ông dùng một súc lụa chuộc lấy ngựa già. Lúc này, nước Ngụy có không ít những võ sĩ đã già yếu, đã không còn được trọng dụng, những vị này nghe được câu chuyện Điền Tử Phương chuộc ngựa, từ đó mà hết lòng ủng hộ ông.

Bọ ngựa chắn đường Trang Công tránh, thu phục nhân tâm tráng sĩ Tề

Năm ấy, Tề Trang Công Khương Câu ra ngoài săn bắn, trên đường xuất hiện một con côn trùng giương càng chặn trước bánh xe, Trang Công nhìn thấy nhưng không biết là con gì nên hỏi phu xe, phu xe đáp: “Con này gọi là bọ ngựa, chỉ biết tiến chẳng biết lùi, không lượng sức mình mà thường coi nhẹ đối phương”.

Lỗi, Bọ Ngựa, Săn Mantis, Côn Trùng, Động Vật Ăn Thịt
Ảnh: Pixabay

Tề Trang Công nghe đặc tính của con côn trùng như vậy liền nói: “Nếu nó là người thì nhất định sẽ là một võ sĩ anh dũng trong thiên hạ”.

Nói xong, Tề Trang Công lệnh phu xe vòng tránh bọ ngựa mà đi. Các dũng sĩ nước Tề nghe được chuyện này, trong lòng rất tôn kính Trang Công, sẵn lòng hi sinh vì xã tắc.

Điền Tử Phương thương xót ngựa già, cảm động được võ sĩ ủng hộ, Tề Trang Công tôn vinh dũng khí, động lòng thương bọ ngựa, đi vòng tránh đường, làm dũng sĩ nước Tề nguyện quy phục.

Những câu chuyện như vậy, có không ít trong lịch sử. Thời thượng cổ, vị vua khai quốc triều Thương là vua Thang bảo người mở lưới ba mặt, và còn hướng lên Trời mà nói với muông thú: “ Đừng vào lưới ta”. Ông đối với các sinh linh hết mực nhân từ, cảm động 14 chư hầu quy phục. Chu Văn Vương Cơ Phát trị vì Tây Kỳ, thấy ven đường có một thi hài, động lòng trắc ẩn mà sai người chôn cất, lưu lại điển cố “Đức trạch khô cốt” (Ân đức đến cả bộ xương khô), thu phục được 9 bộ tộc . Chu Vũ Vương Cơ Xương dìu một người say nắng vào bóng râm, tay trái ôm thân, tay phải quạt mát. Vũ Vương nhân từ với dân, làm người trong thiên hạ đều qui thuận.

Thời cổ, vua nhân từ, quan hiền đức, cho dù với những việc nhỏ cũng thể hiện ra nhân đức của mình. Những cử chỉ nhân nghĩa đó, như mưa xuân thấm nhuần vạn vật mà cần lời nói, có ảnh hưởng rất lớn đến đại cục .

Thái Bình
Theo Epochtimes

Tài liệu tham khảo: "Hoài Nam Tử - Nhân gian huấn", quyển 18



BÀI CHỌN LỌC

Một chút lòng nhân cảm hóa tâm dũng sĩ