Một bài thơ tránh khỏi bị Hoàng đế truy sát

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cổ nhân có câu: "Nhất tướng công thành vạn cốt khô" - một tướng công thành danh toại thì đánh đổi bởi vạn người phơi xác nơi sa trường. Tuy nhiên, khi danh tướng công thành danh toại thì cũng là ngày ông ta bước đến hủy diệt...

Năm 1368, Hoàng đế khai quốc triều Minh là Chu Nguyên Chương đã đánh bại tất cả các địch thủ, xưng đế và xây dựng kinh đô ở Nam Kinh, lấy niên hiệu là Hồng Vũ. Nhà Minh vừa mới thành lập, những huynh đệ vào sinh ra tử cùng với Chu Nguyên Chương trong lòng đang mong chờ những ngày tươi đẹp thăng quan tiến chức, phú quý vinh hoa sắp đến. Nhưng đáng thương thay, đợi chờ họ phía trước lại là một cuộc thảm sát tàn bạo.

Lầu Mừng Công ẩn chứa sát khí

Chu Nguyên Chương tính tình đa nghi, hay đố kỵ, không thể bao dung bất kỳ bề tôi nào mảy may ăn ở hai lòng. Ông ta thường lo lắng các công thần danh tướng sẽ giết vua cướp ngôi, nhòm ngó ngôi vị hoàng đế của mình. Thế là Chu Nguyên Chương đã áp dụng một loạt biện pháp tiêu trừ sức ảnh hưởng của các công thần, vung dao đồ tể về phía các huynh đệ đã vào sinh ra tử cùng mình năm xưa.

Để quăng một mẻ lưới bắt hết những công thần, Chu Nguyên Chương đã lệnh cho xây dựng một tòa lâu đài gọi là Lầu Mừng Công, phỏng theo điển cố 24 công thần của Đường Thái Tông ở Lăng Uyên Các, để tuyên dương chiến công, công lao của những công thần. Ngày Lầu Mừng Công hoàn thành, Chu Nguyên Chương cho mời những đại thần tham gia lễ khánh thành.

Chu Nguyên Chương đã áp dụng một loạt biện pháp tiêu trừ sức ảnh hưởng của các công thần, vung dao đồ tể về phía các huynh đệ đã vào sinh ra tử cùng mình năm xưa.
Chu Nguyên Chương đã áp dụng một loạt biện pháp tiêu trừ sức ảnh hưởng của các công thần, vung dao đồ tể về phía các huynh đệ đã vào sinh ra tử cùng mình năm xưa. (Ảnh: Wikipedia)

Nhưng sau khi quần thần vào chỗ ngồi thì Chu Nguyên Chương mượn cớ rời khỏi Lầu Mừng Công, đồng thời lệnh cho người phóng hỏa thiêu đốt lầu. Ngọn lửa rừng rực đã nuốt chửng ngôi lầu cùng tính mệnh của bao nhiêu công thần. Những công thần chinh chiến nơi sa trường trăm trận mà không chết kia thì nay lại vong thân trong lửa thiêu.

Ngày phóng hỏa đốt lầu, chỉ có hai người là Từ Đạt và Lưu Bá Ôn thoát khỏi kiếp nạn. Từ Đạt do về trước nên mới thoát chết, còn Lưu Bá Ôn thì không đến dự tiệc. Sau đó không lâu, Từ Đạt cũng bị Chu Nguyên Chương dùng phương thức ban thưởng thịt ngỗng (tẩm thuốc độc) mà trừ khử.

Chu Nguyên Chương đọc thơ bừng tỉnh ngộ

Sau khi trừ khử Từ Đạt, Chu Nguyên Chương sai người đến nhà Lưu Bá Ôn ở Thanh Điền để triệu Lưu Bá Ôn về triều đình. Sứ thần đi ngày đêm không nghỉ, ngựa phóng như bay đến Thanh Điền. Khi đến Lưu Phủ, chỉ thấy nhà dựng rạp đám ma, tiếng nhạc nhà đám bi ai, người ra vào ai nấy đều đội khăn tang trắng. Thì ra Lưu Bá Ôn đã chết trước đó một ngày rồi.

Sau khi sứ thần trở về bẩm báo, Chu Nguyên Chương như trút được gánh nặng trong lòng. Nhưng qua mấy ngày, ông ta càng nghĩ càng cảm thấy không ổn, bèn quyết định đích thân vi hành đi điều tra.

Một hôm Chu Nguyên Chương dẫn theo mấy tùy tùng lặng lẽ đến nhà Lưu Bá Ôn ở Thanh Điền. Khi đi qua một ngôi chùa nát, Chu Nguyên Chương bất giác nhớ lại tình cảnh làm hòa thượng năm xưa, thế là ông ta bước vào trong chùa.

Vừa vào trong chùa, Chu Nguyên Chương liền thấy trên tường có vẽ một hòa thượng khoác trên lưng một cái túi lớn, bên cạnh có một bài thơ rằng:

Khi đi qua một ngôi chùa nát, Chu Nguyên Chương bất giác nhớ lại tình cảnh làm hòa thượng năm xưa, thế là ông ta bước vào trong chùa.
Khi đi qua một ngôi chùa nát, Chu Nguyên Chương bất giác nhớ lại tình cảnh làm hòa thượng năm xưa, thế là ông ta bước vào trong chùa. (Ảnh: Shutterstock)

Đại thiên thế giới mênh mông
Việc chi thâu tóm vào trong túi này?
Anh hùng hào kiệt xưa nay
Tồn vong sống chết bởi hay Đạo Trời

Chu Nguyên Chương nhìn kỹ lại, thấy hòa thượng trong tranh rất giống mình, xem lại bài thơ, bỗng bừng tỉnh ngộ. Chu Nguyên Chương than một tiếng dài rồi lệnh cho người chép lại bài thơ này, sau đó lập tức trở về kinh thành.

Một bài thơ tránh khỏi bị Hoàng đế truy sát

Bài thơ này là do Lưu Bá Ôn để lại. Để tránh khỏi bị Hoàng đế truy sát, Lưu Bá Ôn đã dùng kế "dối trời qua biển", giả chết, khoác Đạo bào bỏ nhà ra đi. Khi đi đến ngôi chùa nát cách nhà không xa này, ông cảm khái vạn phần, bèn vẽ lên tường bức tranh và đề bài thơ này để lại.

Ngôi chùa này là nơi mà từ kinh thành đến Thanh Điền ắt phải đi qua. Lưu Bá Ông biết trước Chu Nguyên Chương đa nghi, ắt sẽ không chịu dễ dàng bỏ qua. Thế nên, để lại bài thơ ở nơi này, thứ nhất là bày tỏ tâm trí, thứ hai là để sứ thần trông thấy về bẩm báo lại cho Chu Nguyên Chương, có lẽ cũng vãn hồi được cái tâm của Hoàng đế chăng?...

Quả nhiên, sau khi xem bài thơ này, Chu Nguyên Chương đã được cảnh tỉnh. Còn Lưu Bá Ôn thì nhờ một bài thơ mà thoát khỏi cảnh bị Hoàng đế truy sát. Hành động này đã thể hiện đại trí huệ của ông. Kể từ đó về sau, câu thơ "Tồn vong sống chết bởi hay Đạo Trời" của Lưu Bá Ôn cũng đã trở thành danh ngôn lưu truyền thiên cổ, được hậu thế ưa dùng.

Trung Hòa (biên dịch).

Theo secretchina.com



BÀI CHỌN LỌC

Một bài thơ tránh khỏi bị Hoàng đế truy sát