Mất trí nhớ kỳ lạ: 15 người thật và chuyện thật trong phim

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong phim ảnh hay tiểu thuyết đều có tình tiết hấp dẫn, đó là nhân vật chính bị mất trí nhớ, những nội dung như vậy không phải lúc nào cũng là hư cấu mà ngược lại, rất nhiều câu chuyện bắt nguồn từ những trường hợp có thật ngoài đời. Sau đây là 15 trường hợp mất trí nhớ kỳ lạ có thật.

Người bạn gái mất trí nhớ của tôi (50 First Dates)

Trong bộ phim “50 First Dates” của Mỹ, nữ diễn viên Drew Barrymore vào vai một người phụ nữ bị chấn thương nặng ở đầu trong một vụ tai nạn xe hơi. Kết quả là để lại một di chứng hiếm gặp - chứng hay quên Anterograde (giảm khả năng lưu trữ thông tin mới), khiến cho cô sau khi tỉnh dậy vào ngày hôm sau, quên hết tất cả những ký ức mới của ngày hôm trước, và cô cho rằng ngày hôm đó chính là ngày cô bị tai nạn xe.

Tình tiết này của bộ phim thực sự có thật trong cuộc sống. Năm 1985, cô Michelle Philpots bị chấn thương ở đầu trong một vụ tai nạn xe máy. Năm năm sau, cô gặp một tai nạn ô tô khác và bị chấn thương nặng ở đầu. Những tổn thương tích tụ này khiến Philpots bắt đầu lên cơn co giật. Đến năm 1994, cô mắc chứng hay quên Anterograde và mất hoàn toàn khả năng tạo ra những ký ức mới. Kết quả là tất cả ký ức mới của gần 20 năm về sau của cô đều hoàn toàn biến mất sau khi ngủ dậy. Ngay khi tỉnh dậy, cô luôn nghĩ rằng ngày đó vẫn là năm 1994.

Dù từng sống chung với người chồng hiện tại trước khi bị mất trí nhớ, nhưng mãi đến năm 1997, cô mới chính thức kết hôn.

Do đó, chồng của Philpots phải cho cô xem ảnh cưới của hai người vào mỗi buổi sáng để nhắc cô nhớ lại. Trong một chương trình trò chuyện truyền hình “The Today Show”, Philpots thực sự đã quên tên người dẫn chương trình Matt Lauer. Để ngăn chặn một cơn co giật khác, Philpots đã tiến hành phẫu thuật loại bỏ một số tế bào bị tổn thương trong não, nhưng có vẻ như tình trạng bệnh không thuyên giảm và việc mất trí nhớ có thể không được phục hồi.

Ghép hình ký ức (Memento)

Trong bộ phim “Memento” của đạo diễn Christopher Nolan, nam diễn viên bị chấn thương nặng ở đầu và mắc chứng mất trí nhớ Anterograde. Mặc dù anh ấy vẫn nhớ về quá khứ của mình, nhưng không thể tạo ra bất kỳ ký ức mới nào.

Tình huống này có thật trong thực tế, và nó còn hiếm hơn “chứng mất trí nhớ ngược chiều” (retrograde amnesia). Tuy nhiên, học giả âm nhạc người Anh Clive Wearing mắc cả hai cùng một lúc.

Clive Wearing với trí nhớ chỉ trong vài giây. (Ảnh: aboluowang)
Clive Wearing với trí nhớ chỉ trong vài giây. (Ảnh: aboluowang)

Vào ngày 27 tháng 3 năm 1985, khi 46 tuổi, Wearing bị viêm não do virus herpes, một loại virus rất hiếm tấn công đặc biệt vào hệ thần kinh trung ương. Kể từ đó, ông không thể nhớ về quá khứ, cũng như không thể lưu giữ những ký ức mới.

Sau đó, virus này tiếp tục gây hại đến vùng hải mã (hippocampus) trong não của ông, đây là vùng não có chức năng chuyển trí nhớ ngắn hạn thành trí nhớ dài hạn, vì vậy ông đã quên ngay những ký ức mới mà não chỉ vừa mới lưu trữ một vài giây.

Wearing không thể nhớ hầu hết các chi tiết trong cuộc sống của mình trước khi lâm bệnh vào năm 1985. Ông có thể nhớ một chút về cuộc hôn nhân trong quá khứ và có vài đứa con với vợ cũ, nhưng không thể nhớ tên của họ. Ông nhớ rằng mình rất yêu người vợ hiện tại nhưng thường quên rằng họ đã kết hôn. Tuy nhiên, “trí nhớ thủ tục” (procedural memory) của ông vẫn còn nguyên vẹn, có nghĩa là mặc dù không thể nhớ mình có nền tảng âm nhạc nhưng ông vẫn biết chơi piano. Nghe có vẻ như một cơn ác mộng, nhưng Wearing đã sống trong tình cảnh khổ sở như vậy, ngày này qua ngày khác như thế trong suốt 31 năm.

Thân phận Bourne (The Bourne Identity)

Trường hợp mất trí nhớ nổi tiếng nhất là Jason Bourne. Nhân vật chính Jason Bourne xuất hiện trong bộ phim The Bourne Identity, thực chất được lấy nguyên mẫu từ một bệnh nhân có thật tên là Ansel Bourne (1826-1910).

Ansel Bourne (1826-1910). (Ảnh: Wikimedia)
Ansel Bourne (1826-1910). (Ảnh: Wikimedia)

Ansel Bourne, một nhà truyền giáo sống ở Rhode Island. Vào ngày 17 tháng 1 năm 1887, ông đã đến Providence để thăm em gái. Tuy nhiên, không biết vì sao ông không quay về nhà mà mang tất cả tiền tiết kiệm của mình đến Norristown, Pennsylvania. Ở đó, ông lấy tên là Albert Brown, mở một cửa hàng và bắt đầu một cuộc sống mới.

Hai tháng sau, vào sáng ngày 15 tháng 3, khi Bourne tỉnh dậy, ông thậm chí còn không biết mình đang ở đâu. Khi những người dân gần đó nói rằng ông tên là Brown, ông đã rất bối rối, trong lòng ông vẫn chỉ nghĩ ngày hôm đó là ngày 17 tháng 1, tức là hai tháng trước.

Ansel Bourne (1826-1910) và câu chuyện hành động của một phim bom tấn ‘The Bourne Identity’. (Ảnh: aboluowang)
Ansel Bourne (1826-1910) và câu chuyện hành động của một phim bom tấn ‘The Bourne Identity’. (Ảnh: aboluowang)

Sau khi Bourne trở về quê hương của mình, ông đã được Hiệp hội Nghiên cứu Vật lý nghiên cứu. Trong trạng thái thôi miên, Bourne tự cho mình là Brown. Câu chuyện của Brown giống như câu chuyện của chính ông, nhưng ông không biết gì về Ansel Bourne. Đây có thể là “trạng thái fugue’ đầu tiên được ghi nhận thuộc chứng mất trí nhớ, tức là một người mất trí nhớ về thân phận của mình trước khi đột ngột lấy lại trí nhớ. Sau khi được thôi miên, Ansel Bourne sống trong danh tính ban đầu của mình và không bao giờ tự nhận mình là Brown nữa.

“Hôm nay tạm ngừng lại” (Groundhog Day)

Tình tiết trong bộ phim “Groundhog Day” không phải là hư cấu hoàn toàn.

“Bệnh nhân WO” (Patient WO), tên là William, chỉ nhớ tất cả những gì xảy ra với mình trước 1 giờ 40 phút ngày 14 tháng 3 năm 2005, tức là trước khi anh được tiêm thuốc tê định kỳ khi điều trị tủy răng.

Bộ phim “Groundhog Day”. (Ảnh: Wikimedia)
Bộ phim “Groundhog Day”. (Ảnh: Wikimedia)

Kể từ ngày đó, ký ức của William, người đàn ông người Anh năm nay 48 tuổi, chỉ có thể được lưu trữ trong 90 phút. Khi kiểm tra não của William không phát hiện ra bất kỳ vết thương nào, và các bác sĩ tâm lý thần kinh cũng không hiểu nguyên nhân gây ra vấn đề này.

Các triệu chứng của William có phần giống với chứng hay quên Anterograde, tức là khi một số khu vực của não bị tổn thương, nó sẽ dẫn đến giảm nhận thức và mất trí nhớ nhanh chóng và hoàn toàn. Các chuyên gia cho rằng chứng hay quên của William có thể là do quá trình tổng hợp protein trong não bị trục trặc.

Mặc dù William chỉ có thể nhớ mọi thứ trước ngày 14 tháng 3 năm 2005, anh vẫn sử dụng nhật ký điện tử để ghi chép lại hàng ngày.

Jody Roberts

Năm 1985, ở Tacoma, Washington, Jody Roberts, 26 tuổi, làm phóng viên cho Tacoma News Tribune. Vào tháng 5, gia đình và bạn bè của Roberts bắt đầu nhận thấy một số thay đổi kỳ lạ ở cô, cô không còn chăm sóc cho bản thân mình và bắt đầu uống rượu. Ngày 20/5, cô đột ngột mất tích bí ẩn, bỏ lại gia đình và bạn bè suốt 12 năm.

Cô Jody Roberts dường như trở thành một người hoàn toàn khác. (Ảnh: aboluowang)
Cô Jody Roberts dường như trở thành một người hoàn toàn khác. (Ảnh: aboluowang)

Mọi người chỉ mơ hồ biết rằng 5 ngày sau, cô xuất hiện trong một trung tâm mua sắm ở Aurora, Colorado, cách đó 1600km, cô đi lang thang như thể bị lạc. Cô không mang theo giấy tờ tùy thân, có chìa khóa xe Toyota nhưng không thấy xe. Cô được đưa vào một bệnh viện ở Denver và bác sĩ chẩn đoán rằng cô đang rơi vào tình trạng mất trí nhớ.

Sau khi Roberts xuất viện, do không thể tiết lộ danh tính thực sự của mình, vì vậy cô bắt đầu cuộc sống mới với cái tên mới là "Jane Dee".

Jane đã tìm được một công việc trong một nhà hàng thức ăn nhanh và đăng ký vào Đại học Denver. Sau khi chuyển đến thị trấn nhỏ Sitka, Alaska, cô kết hôn với một ngư dân, có hai cô con gái sinh đôi và bắt đầu sự nghiệp khác với tư cách là một nhà thiết kế web chuyên nghiệp.

Năm 1997, đồng nghiệp người Alaska của Jody nhìn thấy bức ảnh của cô được tờ Seattle News đăng tải và nhận ra cô. Vì vậy, Jody cuối cùng đã đoàn tụ với gia đình và những người bạn cũ của cô tại ngôi nhà của cô ở Tacoma, nhưng cô vẫn không có ấn tượng gì về họ.

Mặc dù một số người cho rằng tình trạng của cô là do căng thẳng nghiêm trọng, nhưng người ta vẫn chưa biết được làm sao Jody bị cắt đứt mọi ký ức về Colorado.

Raymond Robins

Raymond Robins (1873-1954) là một nhà kinh tế học nổi tiếng và là một nhà tổ chức công đoàn chịu trách nhiệm điều phối các vấn đề ngoại giao và cấm vận của Nhà Trắng. Vào ngày 3 tháng 9 năm 1932, Robbins có lịch gặp với Tổng thống Hoa Kỳ Herbert Hoover, nhưng ông đã không xuất hiện. Lần xuất hiện cuối cùng của ông là khi rời City Club ở Manhattan.

Raymond Robins sau khi ông “biến mất” được một tuần và sau dđó tự nhận mình là một thợ mỏ ở Kentucky. (Ảnh: Wikimedia)
Raymond Robins sau khi ông “biến mất” được một tuần và sau đó tự nhận mình là một thợ mỏ ở Kentucky. (Ảnh: Wikimedia)

“Sự biến mất” của Robins đã gây xôn xao trên các mặt báo, có nguồn tin cho rằng có thể ông là nạn nhân của một tổ chức tội phạm, nhưng cũng có nguồn tin cho rằng ông đang lang thang trên đường phố Chicago và cư xử kỳ lạ.

Vào ngày 18 tháng 11, Robins được phát hiện dưới cái tên Reynolds H. Rogers tại một thị trấn nhỏ ở Whittier, North Carolina. Khoảng thời gian đó là sau khi ông “biến mất” được một tuần và ở đây ông tự nhận mình là một thợ mỏ ở Kentucky.

Ông sống trong một ký túc, dành phần lớn thời gian để thăm dò khoáng sản, và trở thành một nhân vật nổi tiếng ở địa phương. Dù lúc đó Robins đã để râu nhưng vẫn bị cậu bé 12 tuổi nhận ra từ bức ảnh trên báo, đã thông báo cho cơ quan chức năng và liên hệ với cháu trai của Robins để đến Whittier và xác nhận đó chính là ông, nhưng Robins không nhận ra cháu trai của mình, cũng như không có bất kỳ ký ức nào trước đây.

Robins đoàn tụ với vợ và được điều trị tâm thần, và cuối cùng bắt đầu phục hồi trí nhớ.

Người ta suy đoán rằng áp lực công việc kết hợp với cảm xúc căng thẳng có thể đã khiến Robbins rơi vào trạng thái lang thang và tìm kiếm một thân phận mới.

Doug Bruce

Sáng ngày 3 tháng 7 năm 2003, một người đàn ông Anh không rõ danh tính bước vào đồn cảnh sát ở New York và nói rằng anh ta không biết mình là ai. Anh ta không mang theo chứng minh thư và không biết tên, chỉ nói rằng khi anh ta tỉnh dậy đột ngột trên tàu điện ngầm gần đó, và cũng không biết làm thế nào mà mình lên tàu được.

Sau khi người đàn ông được đưa đến bệnh viện gần đó vài ngày, anh ta tìm thấy một số điện thoại trong ba lô của mình, hóa ra là một người quen cũ của anh. Cô xuất hiện và xác định tên của người đàn ông là Doug Bruce.

Doug Bruce: triệu phú chọn mất trí nhớ? (Ảnh: aboluowang)
Doug Bruce: triệu phú chọn mất trí nhớ? (Ảnh: aboluowang)

Bruce mang quốc tịch Anh, làm việc tại Paris, là chủ ngân hàng với khối tài sản một triệu USD, sau đó chuyển đến thành phố New York để theo đuổi học vị về nhiếp ảnh. Khi Bruce được hộ tống trở về biệt thự của mình ở Manhattan, anh không còn nhớ về nơi này hay bất kỳ chi tiết nào khác về cuộc đời mình.

Bruce được chẩn đoán là mắc chứng mất trí Anterograde và trở thành chủ đề của bộ phim tài liệu nổi tiếng “Người đàn ông da trắng không tên” (Unknown White Male). Bộ phim đã gây ra một số tranh cãi, với một số cáo buộc rằng câu chuyện của Bruce là một trò lừa bịp được dàn dựng tỉ mỉ. Các chuyên gia cũng chưa thể tìm ra lý do gì khiến Bruce mất trí nhớ nhưng một số người cho rằng đó là chuyện thật. Không lâu trước khi xảy ra sự việc này, một người bạn của Bruce vừa gặp tai nạn và bị chấn thương ở đầu gây mất trí nhớ ngắn hạn, sự việc này có thể khiến Bruce nảy sinh mưu đồ lừa đảo.

Bất kể Bruce có ngụy trang hay không hiện vẫn không có dấu hiệu cho thấy anh khôi phục lại trí nhớ.

Benjaman Kyle

Vào ngày 31 tháng 8 năm 2004, một người đàn ông khỏa thân được tìm thấy tại bãi rác phía sau một cửa hàng ăn nhanh Burger King ở Richmond Hill, bang Georgia. Người đàn ông nằm trên đường với vết thương ở đầu. Khi tỉnh dậy, anh không biết mình là ai. Không thể nhớ tên, hoặc thậm chí không nhận ra khuôn mặt của chính mình. Người đàn ông bí ẩn này cuối cùng được chẩn đoán mắc chứng mất trí nhớ phân ly.

Cảnh sát gọi anh ta là “Tom Burger King” và đưa anh ta đến Trung tâm Y tế của Đại học Y Memorial, nơi anh ta được ghi nhận là bị bán hôn mê. Sau đó, anh đã hồi phục nhưng không thể phục hồi trí nhớ. Ban đầu, anh quyết định sử dụng tên viết tắt của Burger King, cửa hàng nơi anh được tìm thấy, là B.K, Hiện tên đầy đủ của anh là Benjaman Kyle.

Benjaman Kyle với danh tính vẫn còn là một bí ẩn. (Ảnh: Wikimedia)
Benjaman Kyle với danh tính vẫn còn là một bí ẩn. (Ảnh: Wikimedia)

Khi tỉnh dậy, Kyle đã bị đục thủy tinh thể ở cả hai mắt. Sau 9 tháng, tổ chức từ thiện thay ông quyên góp tiền để làm phẫu thuật cho ông, chỉ khi nhìn thấy mình trong gương, ông mới nhận ra mình già hơn mình nghĩ đến 20 tuổi.

Ông mơ hồ nhớ rằng mình sống ở Indianapolis khi còn nhỏ và sau đó chuyển đến Denver. Mẫu DNA của ông đã được gửi đến Bộ phận Dịch vụ Thông tin Tư pháp Hình sự Quốc gia của Cục Điều tra Liên bang (FBI) ở Tây Virginia và nói rằng sinh nhật của ông trước ngày sinh của Michael Jackson (29/8/1958) 10 năm 1 ngày, nhưng danh tính thực sự của ông vẫn còn là một bí ẩn.

Một số cư dân mạng đã ký tên và yêu cầu Quốc hội cấp cho Kyle một số an sinh xã hội mới (chứng minh nhân dân). Vào tháng 2 năm 2015, ông ngừng làm việc với chuyên gia phả hệ pháp y Colleen Fitzpatrick. Vào thời điểm đó, Colleen cho biết cô đã sắp tìm ra người có DNA phù hợp với Kyle. Có lẽ Kyle chỉ muốn sống với hiện tại.

Mặc dù câu chuyện của Kyle được biết đến rộng rãi, nhưng chứng hay quên của ông đã trở thành trường hợp đặc biệt duy nhất được liệt kê là “không rõ tung tích” ở Hoa Kỳ.

Agatha Christie

Bởi vì Agatha Christie là một tiểu thuyết gia bí ẩn nổi tiếng, và đặc biệt hơn, bà còn là nhân vật chính của một sự việc kỳ lạ.

Vào đêm ngày 3 tháng 12 năm 1926, Christie, 36 tuổi, mất tích một cách bí ẩn khỏi nhà của mình ở Sunningdale, Anh.

Bà Agatha Christie (1890-1976). Ảnh: Wikimedia.
Bà Agatha Christie (1890-1976). Ảnh: Wikimedia.

Sáng hôm sau, người ta tìm thấy chiếc xe của bà bị bỏ rơi ở Newlands Corner, cách đó một giờ lái xe, nhưng bản thân bà thì đã biến mất không dấu vết. Sự biến mất của bà ngay lập tức trở thành một tin nóng, bởi vì người chồng Archibald của bà chỉ mới đệ đơn ly dị gần đây, và có nhiều suy đoán rằng ông ta đã nhân cơ hội này để giết vợ mình Christie.

Sau 11 ngày, vào ngày 14 tháng 12, Christie được phát hiện vẫn còn sống, và mang tên Teresa Neele, đang ở khách sạn Swan Hydropathic tại Harrogate. Bà tuyên bố rằng không nhớ làm thế nào tới được nơi này.

Về vụ mất tích 11 ngày của nữ tiểu thuyết gia này, có nhiều ý kiến ​​khác nhau. Một số người cho rằng vụ mất tích của bà là một màn kịch tự đạo diễn, trắng trợn, hòng kéo người chồng về, vì cái tên Teresa bà đăng ký khi ở khách sạn chính là tên tình nhân của chồng. Tuy nhiên, một số người cho rằng Christie đã thực sự bước vào trạng thái lang thang, và mất trí nhớ thực sự.

Vì vào buổi sáng khi bà mất tích, có người đã chứng kiến bà đi trên đường. Bất chấp thời tiết giá lạnh, bà chỉ mặc một chiếc váy mỏng tang trông có vẻ bất an và bối rối.

Người ta đồn đoán rằng vì Christie sắp ly hôn, lại thêm việc mẹ bà vừa qua đời, đã khiến bà rơi vào trạng thái trầm cảm tột độ. Bà còn bị tai nạn xe, điều này có thể vượt quá sức chịu đựng của bà nên gây ra chứng mất trí.

Agatha Christie qua đời vào năm 1976, đem theo toàn bộ bí ẩn theo mình.

Anthelme Mangin

Ngày 4 tháng 2 năm 1918, một người lính Pháp được tìm thấy khi đi lang thang gần sân ga xe lửa Brotteaux ở Lyon. Người lính không mang theo giấy tờ tùy thân, nhưng khi được hỏi, anh trả lời rằng anh tin mình là Anthelme Mangin.

Anthelme Mangin, người lính bị bắt và không nhớ được bất kỳ ai. (Ảnh: aboluowang)
Anthelme Mangin, người lính bị bắt và không nhớ được bất kỳ ai. (Ảnh: aboluowang)

Tuy nhiên, anh không thể nhớ được những thành tích của mình, và cũng biết làm thế nào mình lại xuất hiện ở nơi đó. Mangin được đưa đến một bệnh viện tâm thần, và chuyển tới nhiều cơ quan nghiên cứu để tìm ra danh tính của anh.

Ga xe lửa Brotteaux ở Lyon, nơi Anthelme Mangin đi lang thang và được tìm thấy. (Ảnh: Wikimedia)
Ga xe lửa Brotteaux ở Lyon, nơi Anthelme Mangin đi lang thang và được tìm thấy. (Ảnh: Wikimedia)

Những bức ảnh của Mangin được đăng tải rộng rãi trên các tờ báo, và hơn 300 gia đình đã đến để xác nhận là người thân của anh. Tuy nhiên, Mangin không thể nhớ bất cứ ai, và không gia đình nào có thể cung cấp bằng chứng xác thực được họ là người thân của anh.

Cuối cùng, vào năm 1930, một gia đình từ Saint-Maur đến xác định rằng Mangin từng là bồi bàn tên là Octave Monjoin và sau đó đã tham gia Thế chiến I.

Vào tháng 8 năm 1914, Monjoin bị thương và bị bắt ở Mặt trận phía Tây cùng với 65 lính Pháp khác. Sau ba năm rưỡi trong trại tù binh, những người lính này được hồi hương về Pháp vào tháng 1 năm 1918.

Tuy nhiên, các tài liệu của Monjoin đã bị thất lạc, vì vậy gia đình anh thậm chí không biết rằng anh đã xuất ngũ, hồi hương. Người ta cho rằng vì những trải nghiệm đau đớn trong chiến tranh đã khiến Monjoin mất trí nhớ.

Ken Cochrane

Vào tháng 10 năm 1981, Ken Cochrane vừa nghỉ việc ở nhà máy và đang lái xe máy về nhà thì bị tai nạn, bị thương ở đầu và trí nhớ bị tổn thương nghiêm trọng. Anh không thể nhớ quá khứ hay tương lai của mình, nhưng vẫn giữ được bộ nhớ ngữ nghĩa (Semantic memory: trí nhớ có thể được hình thành thông qua sự hiểu biết trừu tượng như ngôn ngữ, chữ số). Do đó, Cochrane (còn được gọi là bệnh nhân K.C) chỉ có thể nhớ được những thông tin thực tế chung chung, nhưng không thể nhớ các chi tiết cảm xúc của sự việc, chẳng hạn như cái chết của em trai mình, và sự việc nguy hiểm anh gặp phải ở nhà.

Ken Cochrane (1951-2014), còn được gọi là bệnh nhân K.C, chỉ có thể nhớ được những thông tin thực tế chung chung. (Ảnh chụp màn hình)

Trường hợp của Cochrane đã làm đảo lộn nhận thức của các nhà khoa học về ghi nhớ của não bộ.

Nó chỉ ra rằng trong một số trường hợp, trí nhớ có thể đi qua “hồi hải mã” của não. Trong quá khứ, hồi hải mã được công nhận là một phần của não bộ tạo ra những ký ức mới đồng thời duy trì những ký ức cũ. Tuy nhiên, Cochrane có thể nhớ một số sự kiện nhất định mà không cần sử dụng đến hồi hải mã.
Bộ não của Cochrane đóng một vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu các chủ đề như bệnh thần kinh, chấn thương nội sọ, bệnh Alzheimer và động kinh. Được biết, trước khi qua đời không lâu, ông mới biết về sự đóng góp của mình cho cộng đồng khoa học.

Henry Gustav Molaison

Một người khác mà các nhà thần kinh học khác cần cảm ơn là Henry Gustav Molaison (còn được gọi là Bệnh nhân HM), ông là một bệnh nhân bị chứng hay quên.

Henry Gustav Molaison, năm 1953, trước khi phẫu thuật. (Ảnh: Wikimedia)
Henry Gustav Molaison, năm 1953, trước khi phẫu thuật. (Ảnh: Wikimedia)

Molaison mắc chứng động kinh từ nhỏ, đây có thể là di chứng của một vết thương ở đầu năm 7 tuổi. Đến năm 27 tuổi, bệnh động kinh thi thoảng lại lên cơn khiến ông không thể đi làm bình thường. Năm 1953, các bác sĩ đã thực hiện “cắt bỏ thùy thái dương trung gian giữa hai bên” cho ông, bao gồm cả hồi hải mã và hạch hạnh nhân ở cả hai bên. Khi đó, bác sĩ phẫu thuật đã sử dụng một máy khoan tay, một máy hút chân không nhỏ và một ống hút bằng bạc để khoan một lỗ trên hộp sọ của Molaison và loại bỏ những bộ phận đó. Mặc dù ca phẫu thuật này đã kiểm soát thành công chứng động kinh của Molaison, nhưng ông lại bị mất trí nhớ ngược dòng trầm trọng. Kể từ đó, thời gian Molaison nhớ được mọi thứ không quá 30 đến 60 giây.

Molaison tình nguyện đóng vai chuột bạch, cho phép các nhà khoa học nghiên cứu mối quan hệ giữa não và trí nhớ trong nhiều thập kỷ.

Năm 1957, tại Montreal, Brenda, một nhà tâm lý học tại Đại học McGill ở Montreal, Tiến sĩ Brenda Milner, đã công bố kết luận sơ bộ của thử nghiệm chính thức, và trở thành một trong những bài báo được trích dẫn nhiều nhất trong cộng đồng khoa học thần kinh. Molaison đã có những cống hiến hết sức nổi bật cho giới y học.

Michael Boatwright

Vào ngày 28 tháng 2 năm 2013, một người đàn ông bất tỉnh trong một nhà nghỉ ở Palm Springs, bang California. Trong người ông có mang theo nhiều loại giấy tờ tùy tân, bao gồm thẻ an sinh xã hội, hộ chiếu, thẻ căn cước California, ảnh chụp với các thành viên trong gia đình và thẻ y tế dành cho cựu chiến binh.

Michael Boatwright là người Mỹ nhưng chỉ nói tiếng Thụy Điển sau khi tỉnh lại. (Ảnh: aboluowang)
Michael Boatwright là người Mỹ nhưng chỉ nói tiếng Thụy Điển sau khi tỉnh lại. (Ảnh: aboluowang)

Người đàn ông được xác nhận là Michael Boatwright, và được gửi đến Trung tâm Y tế Desert Region Medical Center. Nhưng ông không có ấn tượng gì về việc mình là Boatwright, cũng như không biết những người trên giấy tờ tùy thân và ảnh của mình. Sinh ra ở Florida, Hoa Kỳ nhưng ông hiện chỉ nói được tiếng Thụy Điển. Ông tự xưng là Johan Ek, và được chẩn đoán mắc chứng mất trí nhớ toàn diện tạm thời.

Bác sĩ trị liệu của Boatwright tin rằng việc mất trí nhớ này là do chấn thương thể chất hoặc tinh thần. Người đàn ông 61 tuổi cho biết khi lần đầu nhìn thấy mình trong gương, ông gần như nôn mửa.

Câu chuyện của Boatwright đã thu hút sự chú ý của cả thế giới. Một tờ báo địa phương đã phát hiện ra chị gái và một người bạn đến từ Trung Quốc của ông - Gifford Seals, và ghép lại quá khứ của ông. Seals giải thích rằng Boatwright đã chuyển về quê hương của mình ở sa mạc và nhận công việc như một huấn luyện viên quần vợt, nhưng đã bị sa thải vì mất trí nhớ.

Ông EK mới xuất hiện đã chuyển đến Thụy Điển và bắt đầu một cuộc sống mới. Ông không bao giờ nói được tiếng Anh nữa và qua đời ở Thụy Điển vào tháng 4 năm 2014.

Naomi Jacobs

Vào một buổi sáng năm 2008, một người phụ nữ 32 tuổi sống ở Manchester, Anh, vừa thức dậy ở nhà, đột nhiên không nhận ra con mình, và còn nghĩ rằng mình mới 15 tuổi.

Cô Naomi Jacobs nói: khi tỉnh dậy tôi nghĩ mình chỉ mới 15 tuổi. (Ảnh: aboluowang)
Cô Naomi Jacobs nói: khi tỉnh dậy tôi nghĩ mình chỉ mới 15 tuổi. (Ảnh: aboluowang)

Cô không bị tổn thương ở đầu, vì vậy được cho rằng rằng chứng hay quên là do căng thẳng, và nó có thể chỉ là chứng hay quên tạm thời. Jacobs đã rất sốc khi lần đầu tiên nghe con trai gọi cô là mẹ. Cô vẫn còn giữ được bộ nhớ ngữ nghĩa, cách lái xe và số điện thoại của một số người quan trọng. Tuy nhiên, cô đã mất đi ký ức cảm xúc. Ký ức cuối cùng của cô là khi ở tuổi thiếu niên và ngủ chung giường tầng với em gái. Sau 8 tuần, trí nhớ của Jacobs trở lại bình thường. Cô đã tiết lộ những chi tiết này trong cuốn sách “Cô gái bị lãng quên” (Forgotten Girl) của mình.

Andy Wray

Andy, một cựu cảnh sát 32 tuổi ở Colchester, Essex, Anh, bị mắc một loại bệnh hiếm gặp thuộc chứng mất trí nhớ phân ly (dissociative amnesia), trí nhớ của anh chỉ có thể duy trì trong 48 giờ.

Andy Wray, trí nhớ của anh bị quay về 0 cứ sau 2 ngày. (Ảnh: aboluowang)
Andy Wray, trí nhớ của anh bị quay về 0 cứ sau 2 ngày. (Ảnh: aboluowang)

Năm 2000, Andy gia nhập cảnh sát Anh. Trong 4 năm làm việc, Andy đã tiếp xúc với rất nhiều các vụ đâm xe và tự sát, khiến tinh thần của anh bị giày vò rất lớn.

Năm 2004, sau khi giải quyết một vụ án thiếu niên tự tử, Andy cuối cùng đã suy sụp hoàn toàn và rời sở cảnh sát. Sau đó anh tìm một công việc ở siêu thị Tesco. Gia đình hy vọng rằng Andy có thể nhân cơ hội này thư giãn một chút, tuy nhiên, hai năm sau đó, Andy vẫn chưa thể thoát ra khỏi bóng tối.

Năm 2006, Andy đột nhiên mất tất cả ký ức - anh không nhớ người vợ Joe, người đã ở bên anh 13 năm, cô con gái mới chào đời Chloe, hay bất kỳ chi tiết nào khác về cuộc sống!

Bác sĩ đã ghép ảnh gia đình Andy vào thẻ nhớ để cho anh xem nhiều lần, và khuyến khích anh bắt đầu viết nhật ký, để giúp anh nhớ lại những gì đã xảy ra hàng ngày.

Một dòng trong cuốn nhật ký của anh viết rất xúc động: “Hôm nay, tôi nhìn thấy một cô bé tên là Chloe. Họ nói rằng cô bé là con gái 8 tháng tuổi của tôi, nhưng tôi không nhớ đã từng gặp cô bé lúc nào. Cô bé có nụ cười dễ thương khiến tôi rất vui nhưng cũng rất đau lòng”.

Một đoạn nhật ký khác viết: “Hôm nay cô Joe lại đến đây. Cô ấy rất xinh đẹp và thân thiện, nhưng tôi không nhớ những chuyện cô ấy nhắc tới”.

Vài tháng sau, trí nhớ của Andy có thể kéo dài đến 48 giờ và anh được phép xuất viện về nhà. Nhưng Andy nói: “Tôi chỉ có ký ức của hai ngày. Nếu vợ tôi, Joe bỏ tôi hơn hai ngày, tôi sẽ không nhận ra cô ấy ngay cả khi gặp cô ấy trên đường”.

Minh An

Theo Secretchina



BÀI CHỌN LỌC

Mất trí nhớ kỳ lạ: 15 người thật và chuyện thật trong phim