Mắng chửi nói tục - bệnh dịch lây lan còn hơn Covid [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nói tục chửi bậy đã lan ra khắp ngóc ngách xã hội, từ trong nhà, ra ngoài đường, nơi công sở, đến trường học, cho đến cả những người được coi là ‘có văn hóa’ và có trọng trách gìn giữ và phát huy ‘văn hóa’ tốt đẹp của dân tộc. Nguy hại hơn, khá nhiều người còn mặc nhiên cho rằng 'chửi’ cũng là một loại 'văn hóa'.

Mắng chửi tục tĩu - bệnh trên mạng hay bệnh toàn xã hội?

Gần đây, trên facebook của một nghệ sỹ khá nổi tiếng, đồng thời là Hiệu phó của một trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch có đăng những dòng status tục tĩu, chửi bậy khiến dư luận phản ứng mạnh mẽ. Thật bất ngờ bởi một người có danh hiệu nghệ sỹ ưu tú và hiệu phó của một trường Cao đẳng Văn hóa, với vai trò và chức trách hoằng dương văn hóa tốt đẹp, gieo mầm thiện lương cho con người thì lại xảy ra ‘sự cố’ gieo rắc sự thô thiển, dung tục ‘vô văn hóa’, và những hạt giống xấu xí ‘vô giáo dục’ cho cộng đồng. Tuy 5 ngày sau, nghệ sỹ này có biện hộ rằng: “Cậu con nuôi quản lý đồng tiền ảo của tôi (bitcoin) nên có mật khẩu Facebook. Hôm đó, cháu nó nghịch dại, viết lên Facebook status đó. Bản thân nó cũng không lường được hậu quả lại rùm beng lên thế” (kênh 14). Không biết lời bào chữa muộn màng của ông đúng sai thực hư như thế nào, nhưng sau đó 2 ngày thì trường học nơi ông công tác đã ra quyết định miễn nhiệm chức vụ Hiệu phó của ông.

Trước đó không lâu, một CEO đồng thời là vợ một đại gia tên tuổi cũng livestream, trong đó có vạch trần góc khuất của một số nghệ sỹ, và có khá nhiều nghệ sỹ đã nhắn tin chửi rủa. Bà cho biết: “Tôi không hiểu tại sao nhiều người trong giới nghệ sĩ lại đi chửi rủa, đả kích, chỉ trích tôi dữ dội như vậy trong khi tôi không hề đụng chạm tới họ” (soha).

Mắng chửi tục tĩu không còn là chuyện của mấy bà bán hàng chợ xích mích nhau, cũng không còn là chuyện mấy bà ngoa ngoắt chốn làng quê bực tức mất con gà chửi đổng nữa. Nói tục chửi bậy đã lan ra khắp ngóc ngách xã hội, từ trong nhà, ra ngoài đường, nơi công sở, đến trường học, cho đến cả những người được coi là ‘có văn hóa’ và có trọng trách gìn giữ và phát huy ‘văn hóa’ tốt đẹp của dân tộc. Nguy hại hơn, khá nhiều người còn mặc nhiên cho rằng 'chửi’ cũng là một loại 'văn hóa', thậm chí còn có khá nhiều trang mạng còn “dạy chửi” với loạt bài như:

  • Những câu chửi tục tĩu ấn tượng nhất
  • TOP những câu chửi tục mất dạy nhất
  • Top những câu chửi tục, chửi bậy trên Facebook
  • Chọn lọc những câu chửi hay không tục đặc sắc nhất
  • Những câu chửi tục tĩu nhất ngắn gọn
  • 1009 Câu chửi tục siêu chất khiến nhiều người ngỡ ngàng
  • Những Câu Chửi Tục Tĩu hay nhức nhối, thối tận Tim

....

Câu chuyện của người được tôn là "Thánh chửi"

Những người coi ‘mắng chửi tục tĩu’ cũng là một loại ‘văn hóa’ thường lấy tích Gia Cát Lượng mắng chết Vương Lãng ra để làm căn cứ biện giải, họ còn tôn Khổng Minh là “Thánh chửi”. Chúng ta hãy xem chuyện Gia Cát Lượng, Thừa tướng nhà Thục Hán, đã mắng Vương Lãng, người giữ chức Tư đồ (ngang hàng tướng quốc) của nhà Tào Ngụy, như thế nào mà khiến Vương Lãng chết ngay tại chỗ.

Ảnh: NTDVN tổng hợp
Gia Cát Lượng mắng Vương Lãng. Ảnh: NTDVN tổng hợp

Khi quân Thục và quân Ngụy dàn trận, Vương Lãng sai mời Gia Cát Lượng ra trước trận, muốn dùng 3 tấc lưỡi để dạy đời và chiêu hàng Gia Cát Lượng. Sau khi nghe Vương Lãng nói hết, Gia Cát Lượng phe phẩy quạt lông, cứng rắn đáp lời:

“Ta tưởng ông là lão thần nhà Hán. Trước ba quân tướng sĩ dâng hiến cao luận gì. Nào ngờ, ông dám thở ra những lời lẽ thô bỉ, hôi thối đến thế. Tôi có mấy lời xin chư vị lắng nghe:

Trước đây dưới thời Hoàn Đế, Linh Đế, rường cột nhà Hán rối tung, hoạn quan gây họa, giặc cướp hoành hành, bốn phương hỗn loạn. Tiếp đó, Đổng Trác, Quách Dĩnh, Lý Thôi thừa dịp nổi lên ức hiếp thiên tử, tàn hại sinh linh. Vì vậy chỗ Triều đình gỗ mục làm quan, nơi cung cấm cầm thú ăn lộc, một lũ sói lang chấp chính cầm quyền, nên xã tắc biến thành gò hoang, trăm họ dân lành điêu linh thống khổ. Trong cơn quốc nạn đó, quan tư đồ Vương Lãng đã làm gì?

Hành tung Vương Tư đồ ta còn lạ gì. Ông ra đời ven bờ Đông Hải, lấy danh nghĩa ‘hiếu liêm’ mà bước lên chốn quan trường. Là bề tôi nhà Hán, đáng lẽ ông phải góp sức yên dân, khôi phục chính thống, dựng lại họ Lưu. Nhưng không, ông đã hùa theo nghịch tặc, đồng mưu cướp ngôi, tội ác chất chồng, trời đất không dung”.

Vương Lãng nghẹn lời: “Tên thôn phu Gia Cát Lượng mi dám…”.

Gia Cát Lượng thấy kế tâm lý chiến của mình quả thực đã phát huy tác dụng đúng như ý, bèn bồi tiếp:

“Câm ngay! Tên giặc già vô liêm sỉ. Ngươi không biết muôn dân khắp bốn cõi đang muốn xé xác, moi gan mi sao còn múa mép. Chiêu Liệt hoàng đế ta nối dựng đại Thục ở Tây Xuyên. Nay ta vâng chiếu chỉ tự quân xuất nghĩa phạt tặc. Kẻ đớn hèn, xu nịnh như mi như rùa rụt cổ khom lưng cầu xin bát cơm thừa, manh áo cũ cho xong sao còn dám ra trước hàng quân mà nói năng càn rỡ, đổ tại số trời. Tên thất phu đầu bạc, tên giặc già râu trắng kia. Nay mai dưới suối vàng mi còn mặt mũi nào mà thấy 24 tiên đế nhà Hán ta. Tên nghịch tặc nhục nhã, mi sống uổng 76 năm trời, mồm nói Thuấn, Nghiêu mà bán mình cho Tào Tháo. Mi không biết thân phận khuyển ưng mà ra trước hàng quân nói năng càn rỡ. Xưa nay ta chưa thấy ai mặt dày vô liêm sỉ như ngươi!”.

Nói tới đây, Vương Lãng uất giận, hú lên một tiếng mà ngã đột tử dưới chân ngựa.

Gia Cát Lượng thần cơ diệu toán, tài đức song toàn, “cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi” thì đông đảo độc giả đều đã biết, do đó không cần nói đến Khổng Minh mà chỉ cần nói qua về Vương Lãng. Ông bước chân vào quan trường với tước danh Hiếu liêm. Hiếu liêm là chế độ tìm chọn đề cử nhân tài do Hán Vũ Đế khởi xướng, tức là triều đình tìm người con hiếu thuận, những viên quan lại liêm khiết để bổ nhiệm làm quan hoặc thăng chức. Khi phụ trách tư pháp, Vương Lãng chủ trương "làm việc cốt phải tha thứ, tội còn nghi ngờ thì kết án nhẹ", được triều đình và người dân khen ngợi. Ông còn dành thời gian viết mấy bộ sách như Dịch truyện, Xuân thu Tả thị truyện, Hiếu kinh truyện, Chu quan truyện. Có thể nói Vương Lãng cũng là bậc tài đức song toàn, và chức danh tương đương với Khổng Minh.

Gia Cát Lượng là mẫu mực cho kẻ bề tôi tận trung, ông dùng chính đạo lý “tận trung” này để “nói đạo lý” với Vương Lãng. Kẻ sỹ trung nghĩa xưa không thờ 2 chủ. Gặp minh quân thì dốc sức phò tá, an bang tế thế, gặp hôn quân thì từ quan vui thú điền viên, hoặc dạy học, hoặc ẩn cư nơi non xanh nước biếc:

Lại kia trên núi Thú San,
Di, Tề nhịn đói chẳng màng thóc Chu
(Côn Sơn ca - Nguyễn Trãi)

Vương Lãng cũng là người hiểu rất rõ đạo lý, nên mới thấy “nhục nhã” vì cả đời tu dưỡng đạo đức lại bị thất tiết, mang tiếng “bất trung”, tức giận mà chết, cũng là cái chết của người có nghĩa khí, liêm sỉ. Những lời “mắng chửi” của họ đều là lời đạo lý, đều lấy các tiêu chuẩn đạo đức xã hội làm thước đo, chứ không hề sử dụng những lời ô uế, dung tục nhục mạ xúc phạm cá nhân như người hiện đại.

“Văn hóa mắng chửi” trở thành, "quốc sách" và “đường lối ngoại giao” của "cường quốc"?

Cũng không lạ khi thấy lời tục tĩu chửi rủa ở khắp nơi, và nó lây lan cả đến những tầng lớp cao của xã hội. Nó hoàn toàn giống như một loài virus độc hại, đang lây lan rất mạnh. Thậm chí có “cường quốc” còn nâng cấp “văn hóa mắng chửi” thành "quốc sách", thành “đường lối ngoại giao” mà chúng ta đã quen thuộc: Ngoại giao chiến lang, hay ngoại giao chiến binh sói của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Các nhà ngoại giao "chiến lang" của Đảng Cộng sản Trung Quốc. (Epoch Times tổng hợp)
Các nhà ngoại giao "chiến lang" của Đảng Cộng sản Trung Quốc. (Epoch Times tổng hợp)

Hình ảnh Dương Khiết Trì phùng mang trợn mắt, nói văng nước bọt, tay chém phần phật trong cuộc Đối thoại Mỹ - Trung tại Alaska, Mỹ vào tháng 3 năm 2021 được lan truyền khắp thế giới, và được CCTV phát đi phát lại nhiều lần dáng vẻ vỉ hả, cùng với những bình luận của "đội quân Ngũ mao" khổng lồ kích động tâm lý chống Mỹ của người dân Trung Quốc. Có thể thấy, giới cầm quyền Bắc Kinh đã tự cho mình là “siêu cường”, là “đế quốc” thống trị thế giới, nên không cần tuân thủ bất kỳ nghi lễ ngoại giao nào, dường như muốn thể hiện “luật là tao, tao là luật”. Không chỉ có vậy, một loạt các quan chức ngoại giao Bắc Kinh đã “hòa tấu” bản giao hưởng “ngoại giao chiến lang”, phô diễn văn hóa mắng chửi - đặc sản quốc gia, ra khắp thế giới.

Tháng 3 năm 2020, nghị sĩ Eduardo Bolsonaro, con trai của Tổng thống Bolsonaro, đã đăng trên Twitter gọi virus SARS-CoV-2 là “virus Trung Quốc”, Đại sứ Trung Quốc tại Brazil là Dương Vạn Minh (Yang Wanming) đã đáp trả: “Trong lần trở về từ Miami, bạn đã không may nhiễm phải một loại virus tâm thần, hủy hoại tình hữu nghị giữa các dân tộc chúng ta”. (rfa)

Cũng trong tháng 3 năm 2020, khi các chính trị gia Venezuela cũng đề cập đến virus Covid-19 là “virus Trung Quốc”, Đại sứ Trung Quốc tại Venezuela là Lý Bảo Vinh (Li Baorong) cũng đã mạnh mẽ đáp trả: “Hãy nhanh chóng tìm cách điều trị thích hợp. Bước đầu tiên là đeo khẩu trang và câm miệng”. (rfa).

Người xưa nói “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, hay “nhà dột từ nóc”, do đó khá dễ hiểu khi tại sao chúng ta thấy những lời bình luận thô tục, chửi rủa của đội quân Ngũ mao (đội quân 5 hào, đảng 5 hào, ngũ mao đảng) của ĐCSTQ trên các trang mạng xã hội tiếng Trung. Theo Wikipedia, "Ngũ Mao Đảng" (Đảng 50 xu) là tên gọi không chính thức mang ý nghĩa miệt thị, rẻ tiền. Tên gọi này được cư dân mạng Trung Quốc sử dụng như một sự châm biếm, mỉa mai. Cũng có nguồn gốc cho rằng tên gọi đó là từ thông tin của Thời báo Hoàn cầu cho biết phụ cấp cho mỗi bài viết của bình luận viên trực tuyến tại Ban tuyên truyền thành phố Trường Sa là 50 xu tại thời điểm tháng 10/2004.

Nghịch lý người Việt: Chống Trung Quốc lại nhiễm virus chửi bậy của Bắc Kinh

Trong suốt 2000 năm lịch sử, người Việt đã liên tiếp chống lại các cuộc xâm lược của các triều đại phong kiến Trung Quốc, đồng thời cũng tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa Trung Hoa, khiến các triều đại phong kiến Việt Nam xưa cũng trở thành cái nôi của văn minh Á Đông, nhưng đồng thời cũng khiến tâm lý đề phòng, chống lại sự xâm lược của các triều đại Trung Quốc ăn sâu vào tâm khảm mỗi người Việt.

Nhất là trong thế kỷ 20, ĐCSTQ nuôi dưỡng và lệnh cho Khmer đỏ tấn công, xâm chiếm và giết hại đồng bào ở các tỉnh biên giới Tây Nam năm 1978, và cuộc tấn công xâm lược trên toàn tuyến biên giới Việt Trung, giết hại đồng bào, tàn phá làng mạc, cơ sở hạ tầng 6 tỉnh biên giới khiến người dân Việt Nam không thể nào quên. Hoàn Cầu Thời báo bản điện tử ngày 2/3/2015 dẫn nguồn Trung Quốc viết rằng: “Trong cuộc phản kích tự vệ này, quân ta đã chiếm được Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu, Quảng Ninh, Hà Tuyên và 21 huyện, thị trấn khác nhau của Việt Nam; tiêu diệt 4 sư đoàn, 7 trung đoàn, 25 tiểu đoàn của Việt Nam. Tổng số binh lính Việt Nam bị tiêu diệt là hơn 50.000 người; 2.173 lính đầu hàng”.

Sau chiến tranh Biên giới, năm 1991, hai nước “bình thường hóa” quan hệ, hai bên cam kết thực hiện theo phương châm 16 chữ vàng mà lãnh đạo ĐCSTQ đề ra là "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai", và sau đó thêm phương châm “4 tốt” là: “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Hải quân Mỹ hoàn toàn vắng bóng trên biển Đông trong năm 2014 - đây cũng là năm mà Trung Quốc đẩy mạnh việc xây dựng đảo phi pháp dữ dội nhất, đồng thời ngang nhiên đặt giàn khoan dầu HD981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan dầu HD981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. (Ảnh chụp video)

Thế nhưng, nhà cầm quyền Bắc Kinh liên tiếp lấn chiếm, bồi đắp và xây dựng đảo trái phép ở các hòn đảo và bãi đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các tàu cá ngư dân Việt Nam cũng liên tiếp bị “tàu lạ” đâm chìm. Đỉnh điểm là vị Trung Quốc đưa giàn khoan thăm dò dầu khí Hải Dương 981 vào sâu trong lãnh hải và khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014 đã làm bùng nổ các cuộc biểu tình chống Trung Quốc của người Việt khắp trong và ngoài nước. Tinh thần chống Trung Quốc dâng lên mạnh mẽ trong lòng mỗi người dân Việt Nam, bất kể là trong nước hay ở hải ngoại.

Tuy nhiên, rất lạ là những lời tục tĩu, chửi bới nguyền rủa theo phong cách đặc trưng của “Ngũ mao đảng” Trung Quốc, tràn ngập các trang mạng người Hoa, lại lây lan sang các mạng người Việt. Nếu theo dõi những bình luận trên mạng của các nước, thì có lẽ các trang mạng tiếng Trung và tiếng Việt có nhiều bình luận dung tục, hạ lưu nhất.

Người Việt bao đời nay từ nhỏ sống trong lời ru, ca dao, lời dạy của ông bà cha mẹ rằng: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng, dễ nghe”; “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”; “Người thanh tiếng nói cũng thanh, chuông kêu chuông đánh bên thành cũng kêu”; “Kim vàng ai nỡ uốn câu, người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời”; “Vàng thời thử lửa, thử than, chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời”; “Đất xấu, trồng cây ngẳng nghiu, những người thô tục, nói điều phàm phu”... Truyền thống người Việt là chú ý lời nói cử chỉ trong giao tiếp hàng ngày, thể hiện ra là người có văn hóa, có lễ nghi phép tắc, không để lỡ lời, hoặc có hành vi kệch cỡm, đáng khinh, bị người đời cười chê, bởi vì “Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”.

Bạn bè
“Người thanh tiếng nói cũng thanh, chuông kêu chuông đánh bên thành cũng kêu”. (Ảnh: Pixabay)

Thế nên, cái gọi là “văn hóa mắng chửi” thô tục xấu xí kia, nó là thứ “văn hóa cặn bã” của “đội quân 50 xu”, của “Ngũ mao đảng”, quyết không phải là văn hóa lâu đời của người Việt, cần nhận rõ nó là thứ lai căng, biến dị và sa đọa, và chủ động loại trừ nó trong lời ăn tiếng nói hàng ngày. Chúng ta tìm về với thuần phong mỹ tục của nền văn hóa nhân văn, thiện lương, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc, quyết không tiếp thu “văn hóa của loài sói”, một loài virus độc hại tàn phá tâm hồn vốn thiện lương, hiền hòa của người Việt, để môi trường sống cũng như môi trường văn hóa Việt Nam được tịnh hóa, và trong lành trở lại.

Trung Dung

 



BÀI CHỌN LỌC

Mắng chửi nói tục - bệnh dịch lây lan còn hơn Covid [Radio]