Mạn đàm chữ nghĩa trong truyện Kiều (P-3): Kiều có phải chỉ là người con gái đẹp hay không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Truyện Kiều là một kiệt tác văn học không những của Việt Nam mà còn của cả thế giới. Học giả Đào Duy Anh đánh giá: “Trong lịch sử ngôn ngữ và lịch sử văn học Việt Nam, nếu Nguyễn Trãi với Quốc âm thi tập là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học dân tộc thì Nguyễn Du với Truyện Kiều lại là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học hiện đại nước ta”.

Hơn 200 năm qua Truyện Kiều đã đi sâu vào đời sống tâm hồn người Việt, là đề tài bất tận cho các môn nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, điện ảnh, ca kịch, thư pháp... Ngoài ra Truyện Kiều còn tạo ra các thú chơi, thuật như lảy Kiều, trò Kiều, tranh Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều... Đúng như học giả Phạm Quỳnh nói: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn ; tiếng ta còn, nước ta còn!"

Truyện Kiều có sử dụng rất nhiều từ ngữ, điển tích xưa, chứa đựng nội hàm cực kỳ phong phú và sâu sắc khiến độc giả có thể nhận thức ở nhiều cấp độ khác nhau. Vì vậy, với mục "Ngôn ngữ văn học", chúng tôi cũng chỉ dám đưa ra một vài luận giải dựa trên quan điểm cá nhân về chữ nghĩa trong Truyện Kiều, có thể chưa phải là nhận thức cuối cùng, mong nhận được những góp ý của độc giả gần xa cho rộng đường bàn luận.

Câu 9-16:

  1. Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh
    Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng
    Có nhà viên ngoại họ Vương
    Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung
    Một trai con thứ rốt lòng
    Vương Quan là chữ nối dòng Nho gia
    Đầu lòng hai ả tố nga.
    Thuý Kiều là chị, em là Thuý Vân.

Năm Gia Tĩnh triều Minh: Gia Tĩnh là niên hiệu của vị vua thứ 12 triều Minh là Minh Thế Tông, ông cai trị 46 năm, từ năm 1521 đến 1567. Trong 28 năm đầu, ông có nhiều chính sách cải cách và chăm lo triều chính, dẹp trừ nạn hoạn quan, khiến xuất hiện giai đoạn trung hưng, gọi là Gia Tĩnh trung hưng. Tuy nhiên 18 năm cuối đời, ông phóng túng, sa đà vào hưởng lạc, ăn chơi vô độ, bỏ bê chính sự nên để gian thần Nghiêm Tung lộng hành. Vì mong muốn trường sinh để hưởng lạc nên ông đã nghe theo những kẻ giả tu mang danh Đạo sĩ lừa bịp, đã uống nhiều loại được gọi là 'Tiên dược', 'Tiên đan' theo lời bịp bợm của chúng, do đó dần dần ngộ độc mà chết.

Minh Thành Tổ, vị vua thứ 3 triều Minh cầu phép trường sinh, được Trương Tam Phong, vị Đạo sĩ đắc Đạo để lại bài thơ khuyên, 2 câu cuối là:

Dám đem lời mọn phiền Thánh đế,
Thanh tâm quả dục phép trường sinh

18 năm cuối đời, Minh Thế Tông phóng túng, sa đà vào hưởng lạc, ăn chơi vô độ, bỏ bê chính sự nên để gian thần Nghiêm Tung lộng hành.
18 năm cuối đời, Minh Thế Tông phóng túng, sa đà vào hưởng lạc, ăn chơi vô độ, bỏ bê chính sự nên để gian thần Nghiêm Tung lộng hành. (Ảnh: Wikipedia)

Hai kinh: Sau khi Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương đánh đổ nhà Nguyên, ông đóng đô ở phủ Ứng Thiên, tức Nam Kinh. Sau này Minh Thành Tổ Chu Đệ rời đô đến phủ Thuận Thiên, tức Bắc Kinh.

Từ câu thơ "Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng", chúng ta có thể đoán được câu chuyện xảy ra vào những năm khoảng 1530 - 1550, là thời gian thái bình thịnh trị của những năm Gia Tĩnh

Viên ngoại: (員外) Viên ngoại vốn ban đầu là chức quan, tên đầy đủ là Viên ngoại lang, tùy các thời kỳ mà chức quan này đảm nhiệm các nhiệm vụ khác nhau. Thời Nam Bắc Triều, Viên ngoại lang là Tán kỵ Thị lang, là chức quan khá cao cấp. Thời Tùy, Viên ngoại là trợ lý cho Lang trung, tương đương với Phó vụ trưởng, Phó cục trưởng ngày nay. Đến thời nhà Minh trở đi thì chức quan Viên ngoại này trở thành chức quan hữu danh vô thực, không liên quan gì đến thi cử nữa. Dần dần chức danh này liên hệ với những người giàu có, chỉ cần bỏ ra một khoản tiền khá lớn, các địa chủ, thương nhân cũng có thể có được chức danh Viên ngoại. Cuối cùng người ta gọi những người có tiền của là Viên ngoại.

Một điều thú vị là bản của Thanh Tâm Tài Nhân trong phần khởi đầu hoàn toàn không nói về thời gian như của Nguyễn Du (năm Gia Tĩnh), nhưng lại nói rõ địa điểm: "Bắc Kinh có Vương viên ngoại, tên là Lưỡng Tùng, tự là Tử Trinh"

Gia tư: (家資), nghĩa là toàn bộ tài sản trong nhà. Ngoài bản Kiều năm 1902, viết là "Gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung", các bản chữ Nôm khác đều viết "Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung".

Chữ 'nghỉ' () được chú thích nghĩa là 'nó, hắn' (phương ngữ Nghệ An, Hà Tĩnh). Còn chữ 'nghĩ' là từ Hán Việt (擬) nghĩa là 'ước tính', 'dự tính', 'cân nhắc'. Xét vị thế chức danh Viên ngoại, thì với xã hội coi trọng tôn ti trật tự, tôn kính người có tuổi, người bề trên, người có địa vị như thời xưa thì có lẽ dùng chữ 'nghĩ' là xác đáng hơn.

Tố Nga (素娥): Tố Nga là tên một Tiên Nữ. Trong Bát Tiên đắc Đạo truyện thì Tố Nga và Hàn Anh là 2 Tiên Nữ trong coi vườn đào Tiên của Tây Vương Mẫu. Còn trong Tây Du Ký thì Tố Nga là Tiên Nữ ở trên cung trăng, do đánh thỏ ngọc nên bị thỏ hận. Sau này Tố Nga đầu thai làm công chúa nước Thiên Trúc, thỏ ngọc vì hận Tố Nga nên xuống hạ giới làm yêu quái bắt công chúa Thiên Trúc.

Tố Nga cũng còn là tên gọi khác của Hằng Nga, sau đời Hán, kiêng tên Lưu Hằng của Hán Võ Đế, nên đổi là Thường Nga. Vì thế hiện nay người Hoa gọi là Thường Nga, nhưng người Việt vẫn gọi theo tên gốc là Hằng Nga.

Chân dung Hằng Nga.
Chân dung Hằng Nga. (Ảnh: Wikipedia)

Bài thơ Sương nguyệt (Trăng sương) của thi nhân đời Đường Lý Thương Ẩn có viết:

Thanh Nữ, Tố Nga câu nại lãnh,
Nguyệt trung sương lý đấu thiền quyên.

Tạm dịch:

Thanh Nữ, Tố Nga không quản lạnh,
Trong sương, dưới nguyệt đấu thiền quyên.

Thanh Nữ chính là Thanh Tiêu Thanh Nữ, nữ Thần cai quản về sương tuyết. Sách Hoài Nam Tử có viết "Tháng thứ ba của mùa thu ... Thanh Nữ xuất hiện, bắt đầu giáng sương tuyết xuống trần".

Kiều: Chúng ta đều biết, nàng Kiều là người con gái đẹp hồng nhan bạc mệnh. Trong dân gian cũng dùng Kiều để chỉ người con gái đẹp, như khen cô gái nào đó rằng "Đẹp như Kiều". Trong từ điển tiếng Việt cũng định nghĩa "Kiều": chỉ người phụ nữ trẻ, đẹp.

Chúng ta hãy bỏ qua chữ 'kiều' với nghĩa 'cây cầu' (橋), hay 'kiều dân' (僑), mà hãy xem những chữ 'kiều' có liên quan đến nàng Kiều, hay liên quan đến 'người phụ nữ trẻ đẹp'.

Trong bài thơ "Xích Bích hoài cổ" của Đỗ Mục có viết về 2 nàng Kiều:

Đông phong bất dữ Chu lang tiện,
Đồng Tước xuân thâm toả nhị Kiều.

Dịch thơ (Phan Kế Bính):

Gió đông nếu chẳng vì Công Cẩn
Đồng Tước đêm xuân khoá nhị Kiều

Hai Kiều (nhị Kiều) này là Đại Kiều và Tiểu Kiều, con gái của Kiều Công (橋公), tức Kiều Quốc Lão. Ông có hai cô con gái quốc sắc thiên hương, cô con gái lớn gọi là Đại Kiều (大橋) gả cho Tôn Sách, còn cô em gọi là Tiểu Kiều (小橋) được gả cho Chu Du. Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, lấy nguyên mẫu nhân vật có thật Kiều Công (橋公), nhưng đổi chữ Kiều 橋 (nghĩa là cây cầu, họ Kiều) thành chữ Kiều 喬 (nghĩa là cao, họ Kiều). Do đó "nhị Kiều", "lưỡng Kiều" hay "hai Kiều" nghĩa gốc chỉ là hai phụ nữ họ Kiều mà thôi, mặc dù họ rất đẹp.

nàng Kiều là người con gái đẹp hồng nhan bạc mệnh.
Nàng Kiều là người con gái đẹp hồng nhan bạc mệnh. (Ảnh: Shutterstock)

Còn nàng Kiều trong truyện Kiều của Nguyễn Du, hay trong nguyên tác của Thanh Tâm Tài Nhân thì lại dùng chữ Kiều (). Chữ Kiều này nghĩa gốc là lông dài ở đuôi chim, nghĩa mở rộng là cong lên, vênh lên, nổi trội.

Cái tên này cũng rất có ý nghĩa, xưa tên phụ nữ thường được đặt ứng với âm trong âm dương, ứng với đất, với Đạo Khôn. Theo Kinh Dịch, quẻ Khôn mang tính Âm, đức của Khôn là Thuận, Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh. Nghĩa là thuận theo, nhu thuận (Thuận), bản tính bao dung, rộng lớn (Nguyên), khả năng chăm sóc nuôi dưỡng tốt (Hanh), luôn điềm đạm giữ hòa khí (Lợi) và chính trực, bền chí (Trinh). Có đủ các đức thì mới có phúc lớn viên mãn như Đất mẹ phì nhiêu. Thế nhưng nàng Kiều lại mang cái nghĩa "cong lên", "nổi trội" thì đã định sẵn là trái với đạo Khôn, cho nên cuộc đời sẽ không được êm ả hạnh phúc như những người phụ nữ khác.

Còn một nàng Kiều nữa là Trần A Kiều với tên là chữ Kiều () với nghĩa là xinh đẹp, mềm mại đáng yêu, như trong từ “kiều nữ”, “yêu kiều”, “kiều diễm”. Đây là hoàng hậu của Hán Võ Đế. Hiện nay còn câu thành ngữ "Kim ốc tàng Kiều" (nhà vàng cho nàng Kiều ở) chính là liên quan đến nàng Kiều này.

Thuở nhỏ, Hán Vũ Đế thường ghé cung mẹ nuôi của mình (tức cô ruột của ông) là công chúa Quán Đào để vui chơi. Một hôm vui miệng, công chúa Quán Đào hỏi vui rằng Lưu Triệt (tức Hán Vũ Đế) có muốn lấy vợ không thì ông bảo là “có”. Trưởng công chúa chỉ vào hàng trăm người đứng cạnh đó và hỏi Lưu Triệt chọn ai, Lưu Triệt lắc đầu không ưng.

Trưởng công chúa chỉ vào con gái mình và nói: “A Kiều có được không?”, Lưu Triệt đáp: “được ạ! Nếu lấy có A Kiều làm vợ, con sẽ làm ngôi nhà cho nàng ở.”

Trưởng công chúa vui mừng, tâu lên hoàng đế ban hôn sự cho 2 đứa trẻ, theo lịch sử lúc đó Lưu Triệt khoảng 5 tuổi, Trần A Kiều có thể lớn hơn vài tuổi vì sử sách không rõ năm sinh năm mất của Trần A Kiều

Một điều khá đặc biệt là không chỉ nàng Kiều của Nguyễn Du hồng nhan bạc mệnh, mà các nàng Kiều kia cũng chịu số phận long đong. Đại Kiều, Nhị Kiều đều chồng chết sớm. Trần A Kiều bị phế hoàng hậu và sống trong lãnh cung đến chết.

Thủy Nguyên

Văn hoá Văn học


BÀI CHỌN LỌC

Mạn đàm chữ nghĩa trong truyện Kiều (P-3): Kiều có phải chỉ là người con gái đẹp hay không?