Mạn đàm chữ nghĩa trong truyện Kiều (P-1): Cuộc bể dâu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Truyện Kiều là một kiệt tác văn học không những của Việt Nam mà còn của cả thế giới. Học giả Đào Duy Anh đánh giá: “Trong lịch sử ngôn ngữ và lịch sử văn học Việt Nam, nếu Nguyễn Trãi với Quốc âm thi tập là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học dân tộc thì Nguyễn Du với Truyện Kiều lại là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học hiện đại nước ta”.

Hơn 200 năm qua Truyện Kiều đã đi sâu vào đời sống tâm hồn người Việt, là đề tài bất tận cho các môn nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, điện ảnh, ca kịch, thư pháp... Ngoài ra Truyện Kiều còn tạo ra các thú chơi, thuật như lảy Kiều, trò Kiều, tranh Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều... Đúng như học giả Phạm Quỳnh nói: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn!"

Truyện Kiều có sử dụng rất nhiều từ ngữ, điển tích xưa, chứa đựng nội hàm cực kỳ phong phú và sâu sắc khiến độc giả có thể nhận thức ở nhiều cấp độ khác nhau. Vì vậy, với mục "Ngôn ngữ văn học", chúng tôi cũng chỉ dám đưa ra một vài luận giải dựa trên quan điểm cá nhân về chữ nghĩa trong Truyện Kiều, có thể chưa phải là nhận thức cuối cùng, mong nhận được những góp ý của độc giả gần xa cho rộng đường bàn luận.

học giả Phạm Quỳnh nói: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn!"
Học giả Phạm Quỳnh nói: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn!" (Ảnh: Wikipedia).

Câu 1-4:

Trăm năm trong cõi người ta.
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy đã đau đớn lòng.

Trăm năm: Trăm năm nghĩa đen là 100 năm, 100 tuổi, ở đây chỉ cuộc đời con người. Nhà giáo dục, lý học đời Tống là Trần Hạo viết trong sách Lễ Ký Tập Thuyết: "Nhân thọ dĩ bách niên vi kỳ" (Tuổi thọ con người lấy trăm năm làm kỳ hạn). (1)

Từ 'trăm năm' được dùng khá nhiều trong các thành ngữ Việt, Hán Việt. Khi dự lễ thành hôn, chúng ta thường chúc cô dâu chú rể "Trăm năm hạnh phúc", "Bách niên hảo hợp" (2). Ngoài ra còn dùng câu chúc "Bách niên giai lão" (3), nghĩa là chúc đôi vợ chồng cùng sống với nhau đến khi trăm tuổi, tức là đến hết cuộc đời (hết kỳ hạn).

Khi nói về những sự việc trọng đại liên quan đến cả cuộc đời người thì tiếng Việt cũng hay sử dụng 'trăm năm' 'bách niên', như "Bách niên đại sự" (4), nghĩa là việc lớn cả cuộc đời, hoặc "Bách niên hảo sự"(5), nghĩa là việc vui vẻ hạnh phúc của cả cuộc đời, đều chỉ việc kết hôn. Tóm lại, ‘trăm năm’ là ý nói về cả cuộc đời con người.

Cõi người: Cõi người nghĩa là nhân gian, không gian mà nhân loại sinh sống. Theo văn hóa dân gian thì con người khi sống trên đời gọi là nhân gian, cõi người hay dương gian, khi chết thì không phải là hoàn toàn biến mất, mà chuyển sang một hình thức sinh mệnh khác sống ở cõi âm, còn gọi là âm gian.

Còn cõi người, nhân gian theo quan niệm Phật giáo là một trong 6 cõi luân hồi (cũng gọi là lục đạo, lục thú) gồm: Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh, A tu la, Nhân gian, Thiên thượng. Con người sau khi chết cũng không phải là tất cả kết thúc mà là chuyển sang các hình thức sinh mệnh khác, tùy theo đức và nghiệp mà họ mang theo, tùy theo việc thiện việc ác họ làm khi còn sống mà chuyển sinh sang lục đạo luân hồi này. Do vậy, cõi người cũng là một trong nhiều không gian sống, một trong nhiều cõi khác nhau của các loại sinh mệnh.

Tác phẩm "Bánh xe luân hồi" tại tu viện Sera, Tây Tạng.
Tác phẩm "Bánh xe luân hồi" tại tu viện Sera, Tây Tạng. (Ảnh: Wikipedia/CC BY-SA 3.0).

Chữ tài chữ mệnh: Chữ tài chữ mệnh có nghĩa là tài hoa và vận mệnh. "Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau", câu này khá trùng hợp với Tư Mã Thiên viết trong Sử Ký "Tự cổ tài mệnh lưỡng tương phương" (6), nghĩa là từ xưa đến nay tài hoa và vận mệnh thường cản trở phương hại lẫn nhau. Thế nên cụ Nguyễn Du dùng chữ 'ghét' ở đây là thật chính xác và 'đắt giá'.

Cuộc bể dâu: Cuộc bể dâu là cuộc đổi thay, biển xanh (bể) biến thành ruộng dâu (dâu), có nguồn gốc từ câu thành ngữ "Thương hải tang điền" (7). Đây là tích truyện được chép trong Thần Tiên truyện.

Hai Tiên nhân là Vương Viễn và Ma Cô, 500 trước cùng tu Đạo, đắc Đạo thành Tiên, mỗi người ở một phương, cai quản công việc của riêng mình. Nhân cơ hội dự tiệc rượu ở nhà Thái Kinh, Vương Viễn sai sứ giả đi mời Ma Cô tới dự.

Sứ giả về bẩm báo: "Ma Cô lệnh cho tôi đến cảm ơn và báo trước với ngài, nói rằng đã hơn 500 năm không gặp tiên sinh rồi. Lúc này cô ấy đang phụng mệnh đi tuần đảo Bồng Lai, xin đợi một lát, sẽ đến gặp tiên sinh".

Sau khi Ma Cô đến dự tiệc, hai người hàn huyên vui vẻ, Ma Cô nói: "Từ khi đắc Đạo tiếp nhận thiên mệnh đến nay, tôi đã tận mắt nhìn thấy biển Đông ba lần biến thành ruộng dâu. Vừa rồi đến Bồng Lai, lại thấy nước biển đã cạn một nửa so với trước đây. Chẳng lẽ nó lại biến thành đất liền nữa sao?"

Vương Viễn đáp: "Đúng rồi, các Thánh nhân đều nói, nước biển đang xuống thấp. Không lâu nữa, nơi đó cát bụi sẽ lại cuốn lên thôi".

Cuộc bể dâu nói về sự biến đổi, đổi thay của cuộc đời, thế sự. Vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều đang biến đổi, đều trải qua quá trình Thành - Trụ - Hoại - Diệt, con người đều trải qua Sinh - Lão - Bệnh - Tử. Đời người trăm năm, trải qua biết bao cuộc bể dâu, cũng trôi qua như trong chớp mắt. Đối với sinh mệnh cao cấp như Thần Tiên Phật Đạo thì con người thật đáng thương, trăm năm nháy mắt qua đi, rồi lại vào vòng luân hồi chuyển thế, cứ quanh quẩn quẩn quanh như vậy mà tự cảm thấy vui mừng, đau khổ, tranh giành, đấu đá, được mất, hơn thua.

Cuộc bể dâu nói về sự biến đổi, đổi thay của cuộc đời, thế sự. Vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều đang biến đổi, đều trải qua quá trình Thành - Trụ - Hoại - Diệt
Cuộc bể dâu nói về sự biến đổi, đổi thay của cuộc đời, thế sự. Vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều đang biến đổi, đều trải qua quá trình Thành - Trụ - Hoại - Diệt... (Ảnh: Pexels).

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng: Câu này từ câu thành ngữ gốc Hán "Xúc mục thương tâm" (8), nghĩa những gì trông thấy khiến trong lòng đau thương. Câu thành ngữ có nguồn gốc từ sách Tùy Đường Diễn Nghĩa: "Nếu người đó lại biến mất như mây khói, không để lại thứ gì,... những tông tích còn lại này khiến người ta trông thấy mà đau đớn lòng".

Thành bại được mất, vui buồn hợp tan, hoa đẹp chóng tàn, tiệc vui sớm tan, đời người nhiều việc nhiều chuyện, nhưng 8, 9 phần là không được như ý, nơi nào, lúc nào mà chẳng có 'những điều trông thấy mà đau đớn lòng'.

Thế nên, để cuộc sống thảnh thơi, cuộc đời nhẹ nhõm thì hãy học cây trúc mọc thẳng:

Gió qua lay trúc,
Gió đi rồi trúc chẳng lưu luyến âm thanh.

Hãy học hồ nước trong vắt yên tĩnh:

Nhạn lướt mặt hồ,
Nhạn bay rồi hồ không giữ lưu hình ảnh.

Chỉ 4 câu thơ đầu tiên của Truyện Kiều đã đề cập đến rất nhiều vấn đề nhân sinh xã hội, lịch sử, văn học, điển tích cổ. Có lẽ đó cũng là giá trị và sự cuốn hút của Truyện Kiều, không chỉ ngôn từ chau chuốt, xúc tích, giàu hình tượng, vần điệu như khúc ca mà còn chứa đựng nhiều nội hàm văn hóa sâu sắc.

Thủy Nguyên

Phụ chú:
Cụm từ Hán Việt và nguyên văn chữ Hán:

  1. Nhân thọ dĩ bách niên vi kỳ: 人壽以百年為其
  2. Bách niên hảo hợp: 百年好合
  3. Bách niên giai lão: 百年偕老
  4. Bách niên đại sự: 百年大事
  5. Bách niên hảo sự: 百年好事
  6. Tự cổ tài mệnh lưỡng tương phương: 自古才命兩相妨
  7. Thương hải tang điền: 滄海桑田
  8. Xúc mục thương tâm: 觸目傷心

Văn hoá Văn học


BÀI CHỌN LỌC

Mạn đàm chữ nghĩa trong truyện Kiều (P-1): Cuộc bể dâu