Mạc Đĩnh Chi: Tài xuất chúng khiến triều thần nhà Nguyên kính nể

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nước Nam là nơi địa linh nhân kiệt. Triều nhà Trần xuất hiện hàng loạt các nhân tài quân sự làm nên chiến công 3 lần chiến thắng quân Nguyên. Tuy nhiên còn có nhân tài xuất chúng về ngoại giao, làm rạng danh non sông đất nước, được các quốc gia lân bang khâm phục và tôn trọng...

Nghèo nàn xấu xí mà chính trực nghĩa nhân

Mạc Đĩnh Chi (1272-1346) tên chữ là Tiết Phu, người làng Lũng Động, Chí Linh, Hải Dương. Ông là trạng nguyên, đại thần và nhà ngoại giao lỗi lạc thời nhà Trần, và được cho là ông tổ của nhà Mạc sau này. Từ tên và tên chữ của ông là có thể thấy cốt cách tiết tháo của nhà Nho họ Mạc này rồi. Tên Đĩnh Chi (挺之) nghĩa là ngay thẳng, tên chữ Tiết Phu (節夫) nghĩa là bậc sĩ phu tiết tháo. Thông minh, học rộng lại ngay thẳng, tiết tháo, Mạc Đĩnh Chi đã khiến triều đình nhà Nguyên kính nể, và làm rạng danh nước Nam, được vua Nguyên phong là "Lưỡng quốc Trạng nguyên".

Mạc Đĩnh Chi nhà rất nghèo, cha mất sớm, từ nhỏ cậu đã phải dậy sớm cùng mẹ vào rừng kiếm củi, sau đó mới đến trường học do thầy Trần Nhật Duật mở ở gần nhà. Không có tiền nên cậu phải mượn sách của thầy của bạn về học, và đốt củi, lá cây thay đèn.

Năm 1304, triều đình mở khoa thi, Mạc Đĩnh Chi đỗ đầu, nhưng vua Trần Anh Tông thấy ông người thấp bé loắt choắt, mặt mũi xấu xí thì còn đắn đo phân vân chưa quyết. Mạc Đĩnh Chi thấy vua không biết trọng "gỗ tốt" mà lại nhìn "nước sơn", ông đã làm bài phú "Hoa sen trong giếng ngọc" rồi dâng lên vua, trong đó có 2 câu rằng:

Một lòng trung chính nghĩa nhân

Lo chi mưa gió, phong trần, tuyết sương.

Đọc bài phú, vua khen hay và quyết định cho Mạc Đĩnh Chi đỗ trạng nguyên, và thăng làm Nội thư gia.

Năm 1308, vua sai Mạc Đĩnh Chi đi sứ nhà Nguyên, chúc mừng Nguyên Vũ Tông lên ngôi. Lần đi sứ này là 20 năm sau chiến thắng quân Nguyên lần thứ 3, nhà Nguyên vẫn còn vô cùng tức giận và xấu hổ vì thua trận nên chuyến đi sứ này báo trước nhiều thử thách hiểm nguy rình rập.

Năm 1308, vua sai Mạc Đĩnh Chi đi sứ nhà Nguyên, chúc mừng Nguyên Vũ Tông lên ngôi.
Năm 1308, vua sai Mạc Đĩnh Chi đi sứ nhà Nguyên, chúc mừng Nguyên Vũ Tông lên ngôi. (Ảnh minh hoạ qua truyenxuatichcu.com)

Qua cửa ải bằng câu đối

Do trời mưa liên tiếp mấy ngày, đoàn sứ bộ do Mạc Đĩnh Chi dẫn đầu đến ải Pha Lũy (tức ải Nam Quan sau này) trễ. Viên quan trấn thủ cửa ải nhà Nguyên không chịu mở cửa quan. Biết Mạc Đĩnh Chi nổi tiếng là nhân tài học cao hiểu rộng, văn hay, nhanh trí của Đại Việt, viên quan giữ ải mới thử tài ông bằng câu đối:

Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan

(Qua cửa quan trễ, cửa quan đóng, mời khách qua đường qua cửa quan).

Mạc Đĩnh Chi không cần suy nghĩ lập tức đối luôn:

Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối

(Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, xin tiên sinh đối trước).

Viên quan giữ ải phục tài ông, mở cửa quan đón ông vào thành và tiếp đãi long trọng.

Buổi tiếp kiến bị đánh phủ đầu

Khi Mạc Đĩnh Chi vào tiếp kiến vua Nguyên, vừa để rửa hận nỗi nhục thua trận nhà Trần 20 năm trước, vừa để tỏ oai phong thiên triều, vua Nguyên ra một vế đối rằng:

Nhật hoả vân yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thố

(Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày thiêu cháy vầng trăng).

Hàm ý câu đối này là thiên triều như mặt trời, có thể tiêu diệt thiêu trụi nước nhỏ như mặt trăng. Câu đối cũng ngầm đe dọa nhà Nguyên có thể tiêu diệt nhà Trần bất cứ lúc nào.

Mạc Đĩnh Chi đã ứng khẩu đối lại:

- Nguyệt cung tinh đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô

(Trăng là cung, sao là đạn, buổi chiều tối bắn rụng mặt trời).

Hàm ý câu đối này là nước nhỏ cũng có thể đánh bại nước lớn khi gặp thời thế. Vế đối cũng ngầm nói nước Nam cũng không chịu khuất phục thiên triều, vẫn có thể đánh bại thiên triều.

Vua Nguyên nghe câu đối, thấy mình bị đáp trả một vố đau, nhưng trong tâm cũng thực sự ngưỡng mộ tài năng, tiết tháo và tài ứng đối của sứ thần nước Nam, bèn thưởng lụa và rượu ngon cho Mạc Đĩnh Chi.

Vế đối cũng ngầm nói nước Nam cũng không chịu khuất phục thiên triều, vẫn có thể đánh bại thiên triều.
Vế đối cũng ngầm nói nước Nam cũng không chịu khuất phục thiên triều, vẫn có thể đánh bại thiên triều. (Ảnh minh hoa qua nguvan.vn)

Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi

Một buổi vào chầu vua Nguyên gồm sứ thần của Đại Việt, Cao Ly và một số quốc gia khác. Sứ thần nước Sát Hợp Đài hãn dâng vua Nguyên một chiếc quạt rất đẹp. Vua bèn lệnh các sứ thần làm bài minh để viết lên quạt. Mạc Đĩnh Chi đang đắn đo tìm ý tứ thì đã thấy sứ thần Cao Ly cầm bút viết. Nhìn theo thế bút, Mạc Đĩnh Chi biết được bài minh của sứ thần Cao Ly viết là:

Khi nóng nực oi ả

Như Y Doãn, Chu Công

Lúc mưa rét lạnh lùng

Tựa Bá Di, Thúc Tề

Mạc Đĩnh Chi dựa vào ý thơ đó viết một mạch bài minh như sau:

Chảy vàng tan đá, đất trời lò lửa

Khi ấy ngươi là Y Doãn, Chu Công

Gió bấc lạnh lùng, mưa tuyết đầy đường

Lúc ấy ngươi như Bá Di, Thúc Tề

Ôi, dùng thì lập công, bỏ thì ở ẩn

Chỉ ta với ngươi là như thế chăng?

Bài minh của Mạc Đĩnh Chi ý tứ hay hơn của sứ thần Cao Ly, vừa miêu tả đúng cái quạt giúp người khi nóng nực, nhưng lại nói rõ chí hướng và tiết tháo của người quân tử: Khi gặp thời thế thì ra làm quan, một lòng giúp vua lập công dựng nghiệp, lợi ích cho quốc gia, bách tính, giáo hóa muôn dân như Y Doãn, Chu Công. Khi nhỡ thời thất thế thì quy ẩn, giữ tiết tháo, giữ mình trong sạch, như Bá Di, Thúc Tề.

Vua Nguyên xem xong thì lấy làm ưng ý lắm, ngự bút viết bốn chữ bên bài minh đó là "Lưỡng quốc Trạng nguyên". Từ đó mọi người gọi Mạc Đĩnh Chi là Lưỡng quốc Trạng nguyên.

Vua Nguyên xem xong thì lấy làm ưng ý lắm, ngự bút viết bốn chữ bên bài minh đó là "Lưỡng quốc Trạng nguyên".
Vua Nguyên xem xong thì lấy làm ưng ý lắm, ngự bút viết bốn chữ bên bài minh đó là "Lưỡng quốc Trạng nguyên". (Ảnh qua vietsugiaithoai.com)

Mãnh hổ địch quần hồ

Mạc Đĩnh Chi từ khi được vua Nguyên ban tặng danh hiệu Lưỡng quốc Trạng nguyên thì danh tiếng càng vang xa, triều thần nhà Nguyên có nhiều nhân tài nên không phục, họ tìm cơ hội để đua tài thử sức.

Một lần trong bữa tiệc, các quan triều Nguyên vây quanh Mạc Đĩnh Chi thử tài. Một viên quan thấy ông vừa nhỏ bé lại vừa đen vừa xấu, ông ta đã mời Mạc Đĩnh Chi đối câu đối sau:

- Si Mị, Võng Lượng, tứ tiểu quỷ

(Si mị, Võng lượng, là 4 con quỷ con).

Cái khó ở đây là bốn chữ Si Mị Võng Lượng (魑魅魍魎) đều có chữ Quỷ () tổng cộng 4 chữ Quỷ. Si Mị là loài quỷ quái ở núi rừng, Võng Lượng là loài quỷ quái ở dưới nước. Cái thâm thúy ở chỗ viên quan này có ý chê Mạc Đĩnh Chi tướng mạo xấu xí như 4 con quỷ con.

Mạc Đĩnh Chi giận lắm, nhưng ông vẫn bình tĩnh nhanh trí đối đáp lại rằng:

- Cầm sắt, Tỳ bà, bát đại vương

(Cầm sắt, Tỳ bà, là 8 đại vương).

Vế đối hoàn chỉnh. Bốn chữ Cầm Sắt Tỳ Bà (琴瑟琵琶 ) thì mỗi chữ đều có 2 chữ Vương (), tổng cộng 8 chữ Vương. Cái hay ở vế đối này là ở chỗ Mạc Đĩnh Chi đã ăn miếng trả miếng, tỏ ý rằng: Ngươi chê ta xấu xí như tiểu quỷ, nhưng phẩm cách, tiết tháo của ta là của bậc đại vương.

Nghe câu đối này, các quan nhà Nguyên rất tán thưởng tài năng của Mạc Đĩnh Chi, nhưng vẫn còn mấy viên quan tỏ ý không phục
Nghe câu đối này, các quan nhà Nguyên rất tán thưởng tài năng của Mạc Đĩnh Chi, nhưng vẫn còn mấy viên quan tỏ ý không phục. (Ảnh minh hoạ)

Nghe câu đối này, các quan nhà Nguyên rất tán thưởng tài năng của Mạc Đĩnh Chi, nhưng vẫn còn mấy viên quan tỏ ý không phục, một viên quan bèn ra câu đối kiểu chiết tự:

- An nữ khứ thỉ nhập vi gia

(Chữ An 安 bỏ chữ Nữ 女 rồi thêm chữ Thỉ 豕 thành chữ Gia 家).

Chiết tự đối với Mạc Đĩnh Chi mà nói lại là quá dễ, ông không cần suy nghĩ thuận miệng trả lời ngay:

- Tù nhân xuất vương lai thành quốc

(Chữ Tù 囚 bỏ chữ Nhân 人 rồi thêm chữ Vương 王 thành chữ Quốc 国).

Một viên quan khác lại đọc một câu đối chiết tự nhưng ý nghĩa sâu sắc hơn và khó hơn:

- Thập khẩu tâm tư: tư quốc, tư gia, tư phụ mẫu .

(Chữ Thập 十 và chữ Khẩu 口 thêm chữ Tâm 心 thành chữ Tư 思, lại vừa có nghĩa là "có 10 cái tâm lo nghĩ: lo nghĩ cho nước, lo nghĩ cho nhà, lo nghĩ cho cha mẹ").

Mạc Đĩnh Chi đáp lại ngay:

- Thốn thân ngôn tạ: tạ thiên tạ địa, tạ quân vương.

(Chữ Thốn 寸 và chữ Thân 身 thêm chữ Ngôn 言 thành chữ Tạ 謝, lại vừa có nghĩa là: "một thân một lòng cảm tạ: tạ ơn Trời, tạ ơn Đất, tạ ơn quân vương).

Viên quan nhà Nguyên ý nói nên chí hướng lo cho nước, lo cho nhà, lo cho cha mẹ, là đang thực hiện đúng lời dạy của Khổng Tử tu thân, hiếu với cha mẹ, sau đó quản lý gia tộc, rồi giúp vua quản trị quốc gia, kể ra cũng là người có tâm huyết, có cốt cách, có đức hạnh và có chí hướng.

Tuy nhiên câu đối của Mạc Đĩnh Chi lại ở một cảnh giới cao hơn nhiều, là người biết Thiên mệnh, thông thiên văn, tường địa lý nên biết tạ ơn Trời, tạ ơn Đất, và là bề tôi hiền, là lương tướng, tài lương đống quốc gia, một lòng dốc sức thờ vua, nên biết cảm ơn quân vương. Câu đối của ông còn có cái xuất thế của Đạo gia: Người thuận theo Đất, đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên, khiến quần thần nhà Nguyên kinh ngạc và kính phục.

Bài văn tế đánh đố của Mạc Đĩnh Chi

Trong thời gian sứ bộ ở Yên Kinh, công chúa nhà Nguyên chết, Mạc Đĩnh Chi được cử đọc văn tế. Mạc Đĩnh Chi bước lên tế đài giữa lúc dàn nhạc bát âm cử khúc nhạc ai oán bi thương, sau đó, viên quan Bộ Lễ bước tới đưa cho ông bài "văn tế". Mạc Đĩnh Chi mở ra thấy trên "bài văn tế" chỉ có 4 dòng, mỗi dòng chỉ viết một chữ Nhất. Một tình thế rất hiểm nghèo, triều thần nhà Nguyên và các sứ đoàn các nước đang ngóng trông ông đọc văn tế rồi còn cử hành tiếp tang lễ. Mạc Đĩnh Chi trấn tĩnh lại rồi lên giọng bi thương đọc rằng:

Thanh thiên nhất đóa vân,

Hồng lô nhất điểm tuyết,

Thượng uyển nhất chi hoa,

Dao trì nhất phiến nguyệt.

Y! Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết!

Tạm dịch:

Trời xanh một đóa mây

Bếp hồng một bông tuyết

Thượng uyển một nhành hoa

Dao Trì một vầng nguyệt

Ôi, Mây tản, tuyết tan, hoa tàn, nguyệt khuyết!

Một bài văn tế đặc sắc, vừa ca ngợi vẻ đẹp như hoa như nguyệt và tư chất trắng trong như tuyết như mây của công chúa, lại vừa nói lên nỗi buồn đau trước một kiếp người hồng nhan bạc mệnh.

Một bài văn tế đặc sắc, vừa ca ngợi vẻ đẹp như hoa như nguyệt và tư chất trắng trong như tuyết như mây của công chúa
Một bài văn tế đặc sắc, vừa ca ngợi vẻ đẹp như hoa như nguyệt và tư chất trắng trong như tuyết như mây của công chúa.

Vua Nguyên lại thử tài Mạc Đĩnh Chi

Trước khi về nước, sứ bộ nước Nam vào bái kiến vua Nguyên và bá quan văn võ. Vua Nguyên và quần thần đã biết rõ tài năng của ông, nhưng vẫn muốn thử tài thêm lần nữa. Họ biết về văn thơ, câu đối, chiết tự sẽ không thể làm khó được ông, bèn ra câu hỏi sau:

- Nghe nói khanh ngày ngày cưỡi lừa thăm Yên Kinh, khanh cho biết mỗi ngày có bao nhiêu người qua lại trên đường phố.

Yên Kinh là kinh đô nhà Nguyên, dân chúng, quan viên đông đúc, sứ bộ các nước lân bang và các thương đoàn các nước gần đến tấp nập, ai đặt tâm đếm cũng còn không đếm nổi nữa là người "cưỡi lừa xem phố" như Mạc Đĩnh Chi. Mạc Đĩnh Chi suy nghĩ một lát rồi trả lời:

- Tâu bệ hạ, thần thấy hàng ngày chỉ thấy có 2 người trên đường phố.

Vua Nguyên nói:

- Đường phố thiên triều, ngựa xe như nước, buôn bán sầm uất, cớ sao khanh lại nói chỉ có 2 người?

Mạc Đĩnh Chi thưa rằng:

- Thưa bệ hạ, thần thấy những người đi lại trên đường, chẳng vì cầu danh thì cũng vì cầu lợi, do đó chỉ có 2 người là rất đúng ạ.

Vua Nguyên phục tài tư duy sắc bén nhanh nhạy của Mạc Đĩnh Chi, nhưng vẫn ra câu đố hóc búa hơn:

- Trên thuyền có vua, thầy và cha, ra đến giữa sông bị sóng đánh chìm, khanh ở trên bờ bơi ra cứu, nhưng chỉ có thể cứu được 1 người thì khanh sẽ cứu ai?

Mạc Đĩnh Chi suy nghĩ: Nếu nói cứu vua thì được khen là trung thần nhưng sẽ bị tội bất nghĩa với thầy và bất hiếu với cha. Nếu nói cứu thầy thì được khen là có nghĩa với thầy nhưng lại bị tội bất trung với vua và bất hiếu với cha. Nếu nói là cứu cha thì bị cả tội bất trung bất nghĩa. Còn nếu nói không cứu ai thì bị cả 3 tội: bất trung, bất nghĩa, bất hiếu. Đắn đo một lúc, ông nói:

- Tâu bệ hạ, thần bơi ra giữa sông, gặp ai trước thì cứu người đó, bất kể là vua, thầy hay cha.

Vua Nguyên và bá quan văn võ đều phục tài năng nhanh trí và ứng đối mau lẹ của Mạc Đĩnh Chi.

Thủy Nguyên

Tham khảo: "Gương hiếu học thời xưa"; "wikipedia".



BÀI CHỌN LỌC

Mạc Đĩnh Chi: Tài xuất chúng khiến triều thần nhà Nguyên kính nể