Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi - 3 anh em kết nghĩa vườn đào, thể hiện nội hàm khác nhau của chữ 'Nghĩa'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong lời mở đầu của "Tam Quốc Diễn Nghĩa" bắt đầu bằng câu nói: "Thiên hạ đại thế, phân cửu tất hợp, hợp cửu tất phân". Lịch sử đại chiến trong cuộc phân hợp Tam Quốc đã diễn xuất ra được chữ “Nghĩa”. Vì vậy, người đời sau đã hiểu được nội hàm của chữ “nghĩa”.

Nội hàm vô cùng phong phú của chữ “Nghĩa” (義)

Như thế nào là Nghĩa? Trên thực tế, chữ “Nghĩa” bản thân nó đã có thể phản ánh ra được nội hàm. Theo “Thuyết văn”: “Nghĩa vốn thuộc về uy nghi”. Nghĩa là một từ hợp nghĩa, được ghép từ chữ ‘Ngã’ (我 - tôi ) và ‘Dương’ (羊 - dê). Chữ ‘ngã’ (我 ) cũng là từ hợp nghĩa của từ ‘Qua’ (戈 - cái dáo), ‘Qua’ là binh khí, tượng trưng cho võ công uy nghi của giáo, mác, bởi vì cần phải gánh vác nguy hiểm và trách nhiệm. Chữ tượng hình ‘Dương’ (羊) tượng trưng cho động vật tế thần, tượng trưng cho vật tế lễ quý giá của lễ nhạc, giàu tinh thần hy sinh bản thân. Một chữ ‘Nghĩa’ gồm đầy đủ cả cứng cỏi, mạnh mẽ của sức mạnh quân sự và lòng vị tha vô tư. Chữ ‘Dương’ (羊) ở trên và ‘Ngã’ (我 ) ở dưới, có thể thấy rõ rằng người nắm giữ binh đao, đều phải tuân theo Thiên đạo lễ pháp, thì mới có thể đại biểu cho nghĩa chân chính, cho đại nghĩa.

Tam Quốc có rất nhiều nhân vật hào kiệt. Trong bài viết này chỉ nói đến ba nhân vật: Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi. Bắt đầu từ “Ba anh em kết nghĩa vườn đào” đã lập thệ ước, tức là huynh đệ đồng lòng, lấy thiên hạ làm trách nhiệm của mình, từ chỗ không có mảnh đất đặt chân tới kiến lập nên đế quốc Thục. Ba người này có thân phận khác nhau và trách nhiệm cũng khác nhau, nhưng họ có cùng chung chí hướng, và sở trường mỗi người bù đắp cho chỗ thiếu sót của người kia, tạo thành một mối quan hệ quân thần hợp tác, tương trợ, đoàn kết chặt chẽ với nhau. Trong quá trình này, cũng đồng thời triển hiện đại nghĩa, và diễn dịch ra những nội hàm cụ thể khác nhau của chữ nghĩa, tạo ra một trang những nhân vật nhân từ lấy đạo nghĩa làm đầu, dùng đức thu phục người.

Nhân nghĩa của Lưu Bị

Lưu Bị là một người rất nhân nghĩa. Mặc dù Lưu Bị là hậu duệ của Hán Cảnh Đế, nhưng sau hơn 300 năm, ông đã trở thành thường dân. Ông có thể quật khởi chủ yếu bởi vì ông bản tính vốn nhiệt tình và chân thành đối đãi với mọi người. Cho dù người khác thân phận như thế nào, ông đều dành cho họ sự trọng đãi và tôn trọng. Đây là bản chất của Lưu Bị, không phải cố ý thể hiện ra. Sức mạnh của cách đối xử chân thành xuất phát ra từ nội tâm này đã cảm phục được tên thích khách được lệnh ám sát Lưu Bị, hắn đã thản nhiên nộp mình cho Lưu Bị, bày tỏ lòng kính phục đối với Lưu Bị. Nói cách khác, những người sát cánh với Lưu Bị đều bởi vì tính cách hợp nhau, bị tấm lòng chân thật đối đãi như bạn cảm động, họ mới một lòng, một dạ đi theo Lưu Bị.

Lưu Bị (Ảnh: Tranh của Diêm Lập Bản đời Đường, lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Boston)

Lưu Bị đối xử với bách tính như đối với người nhà của mình. Sau trận chiến Tân Dã, ngay ngày hôm đó, đại quân Tào Tháo tấn công Phiền Thành, nơi Lưu Bị ở, sinh tử của Lưu Bị ngàn cân treo sợi tóc. Gia Cát Lượng kiến nghị ông vứt bỏ Phiền Thành và tạm lánh ở Tương Dương. Lúc đó Lưu Bị nói: "Dân chúng theo ta đã lâu, lẽ nào nhẫn tâm vứt bỏ?"

Dân chúng cũng đồng thanh hô to: “Chúng tôi dù chết cũng nguyện theo Lưu Sứ Quân!”. Họ khóc lóc vội vàng khởi hành, dìu già dắt trẻ, bầu đàn thê tử lũ lượt qua sông, hai bên bờ sông tiếng khóc không dứt. Lưu Bị trên thuyền thấy vậy, ông khóc to và nói: “Chỉ vì một mình ta mà làm cho bách tính phải gánh chịu đại họa này, ta sống sao được!”, ông định nhảy xuống sông chết, nhưng đã được tùy tùng đi theo ra sức ngăn cản.

Khi thuyền đến bờ phía nam, quay đầu lại nhìn người dân, thấy còn có những người vẫn chưa qua được sông, ông hướng về phía nam và khóc, Lưu Bị vừa lên ngựa đã nóng lòng ra lệnh Quan Vũ đôn đốc thuyền chở tất cả mọi người qua sông.

Như có câu: “Vợ chồng vốn là chim cùng sống trong rừng, tai vạ đến thì ai nấy tự bay đi”. Tuy là câu nói phiến diện nhưng quả thật vợ chồng cũng có thể lìa xa vì nguy hiểm, vào lúc sinh tử tồn vong, Lưu Bị vẫn nghĩ đến dân chúng, và trong binh gia việc hành quân kéo theo gia đình là điều đại kỵ Lưu Bị đều không quan tâm tới những điều này, qua tấm lòng của ông đối với bách tính có thể nhìn ra tấm lòng nhân nghĩa lớn lao của ông.

Nghĩa của Lưu Bị còn nằm ở niềm tin vững chắc của ông vào những người anh em kết nghĩa. Sau khi Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi bị quân đội của Tào Tháo đánh tan, trong chiến tranh loạn lạc, Lưu Bị một mình chạy đến Thanh Châu, nơi ông được Viên Thiệu bảo vệ. Quan Vũ vì bảo vệ phu nhân Lưu Bị mà bị rơi vào doanh trại của Tào Tháo. Sau này, khi Tào Tháo giao chiến với Viên Thiệu, Lưu Bị trong quân đội của Viên Thiệu lần đầu tiên nhìn thấy Quan Vũ ở doanh trại của Tào Tháo, ý nghĩ đầu tiên trong lòng ông là: “Tạ ơn trời, hóa ra sư đệ của ta đúng là đang ở chỗ Tào Tháo!". Ông không một chút nghi ngờ Quan Vũ phản bội. Đây không phải điều người thường có thể làm được. Người bình thường liệu có thể không nghi ngờ sao?

“Tam cố mao lư” (chỉ Lưu Bị đích thân ba lần đến lều cỏ của Gia Cát Lượng để mời bằng được Gia Cát Lượng ra giúp, lần thứ ba mới gặp) cũng là hiện thân cho chữ nghĩa của Lưu Bị. Ông hai lần đến thăm ngôi nhà tranh nhưng không gặp được Gia Cát Lượng, trong lòng phải chịu đựng sự tấn công của nhiều loại tâm lý, hoàn cảnh, nhưng ông không lời oán trách nào. Ông một mực chịu khổ đợi tới mùa xuân năm sau, chọn ngày lành, trai giới 3 ngày, xông hương, thay quần áo, tới lều tranh mời Gia Cát Lượng. Tấm lòng chân thành, kính trọng bậc hiền tài của ông có thể sánh với Chu Văn Vương khi mời Khương Tử Nha.

Trung nghĩa của Quan Vũ

Nghĩa của Quan Vũ nằm ở lòng trung thành của ông đối với bậc ‘nhân nghĩa’ chân chính Lưu Bị, và tận tâm tận lực với người anh em kết nghĩa. Lòng trung thành của ông là nhân nghĩa, điều này kỳ thực chính là kiên định giữ vững đạo đức. Hậu nhân thường nói “Quan Vũ nghĩa bạc vân thiên” (nghĩa của Quan Vũ át cả mây trời xanh).

Quan Vũ (Ảnh: Minh họa Tam Quốc Diễn nghĩa thời nhà Thanh)

Quan Vũ cố thủ Hạ Phi không thành, lâm vào bước đường cùng nhưng lại coi cái chết như không, quyết một trận tử chiến với quân Tào Tháo. Trước đó Trương Liêu của quân Tào đã tới thuyết phục Quan Vũ, nêu ra việc Quan Vũ chịu chết chính là phạm “ba tội”:

Tội thứ nhất là phản bội lời thề trước đây. Khi kết nghĩa, Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi, ba người đã thề sống chết có nhau, nếu hôm nay Quan Vũ chết trận, mai sau Lưu Bị trở về, biết tin huynh đệ ra đi, thì phải làm sao?

Tội thứ hai là cô phụ sự giao phó trọng trách. Nếu Quan Vũ mất mạng, ai sẽ bảo vệ hai người vợ của Lưu Bị ?

Tội thứ ba là bỏ mặc đại nghĩa quốc gia. Quan Vũ văn võ song toàn, lập chí phò tá Lưu Bị trợ giúp nhà Hán, nay chết vô ích thế, lẽ nào chẳng phải chỉ là hữu dũng vô mưu, đặt an nguy của thiên hạ ở chỗ nào?

Ông ta cũng đề xuất “3 điều thuận” nếu quy hàng Tào Tháo: một là bảo vệ được phu nhân của Lưu Bị, hai là giữ lời thề kết nghĩa vườn đào, ba là giữ được tính mạng bản thân.

Quan Vũ trầm ngâm nghĩ một lúc rồi nói với Trương Liêu: "Huynh có ba điều thuận tiện, ta có ba ước hẹn. Nếu Tể tướng Tào có thể làm theo thì ta cởi áo giáp, nếu không đồng ý, ta thà mang ba tội mà chết".

Thứ nhất, ta đã cùng Hoàng thúc lập thề cùng nhau giúp nhà Hán nên ta chỉ đầu hàng Hoàng đế nhà Hán, chứ không phải Tể tướng Tào; thứ hai, Tể tướng Tào phải dùng lương bổng của Hoàng thúc phụng dưỡng hai chị dâu ta, người ngoài không ai được đến cửa; thứ ba, hễ ta nghe thấy Hoàng thúc ở đâu, không quản trăm dặm nghìn dặm, lập tức ta cáo từ rồi đi theo. Ba điều ấy nếu thiếu một điều ta nhất thiết không hàng.

“Ba ước hẹn” trung thành của Quan Vũ là thề ước và ước nguyện ban đầu, thủy chung không đổi với Lưu Bị, Trương Phi và nhà Hán. Nếu như không có ba giao ước như vậy mà đầu hàng, đó chính là một sự phản bội. Tào Tháo yêu mến và trân trọng nhân tài, rất yêu thích Quan Vũ, thấy rằng sự trung nghĩa của Quan Vũ rất đáng khen và đã đồng ý với yêu cầu của Quan Vũ.

Hơn nữa Tào Tháo còn rất khoản đãi Quan Vũ “ba ngày mời yến tiệc nhỏ, năm ngày mời yến tiệc lớn”, “lên ngựa ban vàng, xuống ngựa tặng bạc”, phong quan thăng chức, còn cử mỹ nhân tới hầu hạ. Quan Vũ mang tiền bạc và các vật được cho tới độc viện của Lưu Bị phu nhân cất giữ, đồng thời sai các mỹ nữ đến hầu hạ phu nhân Lưu Bị. Quan Vũ biết Tào Tháo đối xử vô cùng ưu ái và hậu đãi mình, nhưng từ sớm ông và Lưu Bị đã “thề sống chết có nhau, không thể bội phản”. Vì vậy, một khi biết được tung tích của Lưu Bị, Quan Vũ nhất định sẽ rời đi, nhưng ông sẽ chỉ rời đi sau khi báo đáp ân tình của Tào Tháo.

Sau đó, Quan Vũ giết tướng Nhan Lương của Viên Thiệu, Tào Tháo biết Quan Vũ sẽ bỏ đi nên lại ban thưởng. Không lâu sau, Quan Vũ gửi thư tới tướng phủ Tào Tháo, treo lại ấn quan tại nơi ở, và chỉ mang theo hơn 20 tùy tùng trước nay đã kinh qua ngàn dặm đường tháp tùng, bảo vệ hai phu nhân của Lưu Bị. Sau khi Quan Vũ rời đi, người của Tào Tháo muốn đuổi theo Quan Vũ, nhưng Tào Tháo không đồng ý, cho rằng “người này đều là vì chủ của mình, chớ đuổi theo”.

Nghĩa của Quan Vũ còn thể hiện ở chỗ “biết ân ắt báo đáp”, và có niềm tin vào “có thủy có chung”, ngọc có thể vỡ nhưng không thay đổi được sự trong sáng của nó, “chết không mất tiết tháo, coi cái chết như không”...

Nghĩa cương trực của Trương Phi

Lần đầu Trương Phi gặp Lưu Bị, nói chưa được vài câu, đã hào sảng và quả quyết với Lưu Bị rằng: "Tôi có rất nhiều tiền, có thể lấy ra chiêu mộ người dũng cảm, cùng huynh làm đại sự, được không?”. Trương Phi đánh kẻ trộm cướp để yên dân, thấy việc nghĩa không từ, không chút do dự đóng góp tiền bạc, vật chất của cá nhân, thật sảng khoái làm sao, thực là hình ảnh hoàn toàn trái ngược với kẻ tiểu nhân thấy lợi quên nghĩa.

Trương Phi (Ảnh: Minh họa "Tam quốc diễn nghĩa" thời nhà Thanh)

Trương Phi trên cầu Đương Dương gầm lên một tiếng kinh thiên động địa: “Tiếng vang như sấm rền, một mình đẩy lui trăm vạn quân Tào!”. Sự uy mãnh và trí tuệ này đã làm chấn động lòng người. Ông tức giận, trừng phạt các quan tham, trừng trị cái ác và bảo vệ người dân. Trương Phi thể hiện nội hàm nghiêm trang của “nghĩa”. Thiện đãi lão tướng Hoàng Trung, và nhiều lần thể hiện tinh thần nghĩa hiệp, cương trực, dũng mãnh của mình.

Trương Phi là một dũng tướng anh dũng trong “Tam quốc diễn nghĩa". Mặc dù sau khi uống rượu, dễ tỏ ra thô lỗ với người khác, và có những nhược điểm, nhưng tính chính trực, quyết đoán, dũng cảm và có dũng có mưu là đặc điểm chủ yếu của Trương Phi.

“Nghĩa bạc vân thiên” không chỉ đúng với Quan Vũ mà cũng đúng với Lưu Bị và Trương Phi.

Điều đáng tiếc là sau khi Lưu Bị kiến lập Thục quốc, Quan Vũ dần dần tỏ ra tự phụ, kiêu ngạo, thiếu khoan dung, cuối cùng bị trúng kế, thất bại bỏ chạy khỏi Mãnh Thành và bị Đông Ngô giết chết. Còn Lưu Bị và Trương Phi lại lâm vào nóng lòng muốn báo thù cho huynh đệ, xử lý sự việc theo cảm tình, dốc hết sức của cả nước Thục tấn công Đông Ngô, kết quả là không chỉ tống táng binh lực nước Thục mà cả Trương Phi cũng chết oan uổng.

Nếu họ có thể duy trì đại nghĩa “coi thiên hạ làm trách nhiệm của mình” như lúc ban đầu, có lẽ mọi chuyện đã không như thế này.

Không ai là hoàn hảo, dù hành vi của ba vị nghĩa sĩ là Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi cũng có sai sót nhưng họ đã là những người rất tốt, trong suốt cuộc đời của mình họ đã thể hiện ra được nội hàm của chữ “nghĩa” và để lại một câu chuyện đẹp về “ba anh em kết nghĩa vườn đào”, được hậu thế kính ngưỡng.

Một tác giả đã nói rất hay: "Giá trị của diễn nghĩa có thể so với chính sử bởi nó sử dụng cách hấp dẫn hơn, phóng đại những phần tinh hoa nhất trong chuyện cũ, và mang lại sức mạnh chấn động mãi mãi cho thế hệ mai sau".

Minh An
Theo SOH



BÀI CHỌN LỌC

Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi - 3 anh em kết nghĩa vườn đào, thể hiện nội hàm khác nhau của chữ 'Nghĩa'