Lũ lụt ở Trịnh Châu phải chăng đã được cảnh báo từ một năm trước bởi một chuyện quái lạ? [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dân gian thường nói, trước khi xảy ra các tai họa nước, lửa, đao, binh... Âm phủ đều phải làm sổ "tạo kiếp". Đại khái nó dùng để xác định phạm vi phát sinh tai họa, loại hình và người chết tương ứng. Như vậy xem ra trong cõi u minh, hết thảy đều là có sắp xếp.

Sông Hoàng Hà và sông Dương Tử là hai dòng sông mẹ mà dân tộc Trung Hoa tự hào, đã nuôi dưỡng không biết bao nhiêu thế hệ người dân Trung Hoa suốt 5.000 năm. Đồng thời, sông Hoàng Hà còn được gọi là “nỗi bi thương của Trung Quốc”. Theo thống kê, từ năm Văn Đế thứ 12 triều Tây Hán (năm 168 TCN) đến năm Đạo Quang thứ 20 triều Thanh (năm 1840), đã có 316 trận hồng thủy trên sông Hoàng Hà, bình quân cứ 6 năm thì có một trận lũ lại xảy ra, tần suất cao khiến người ta kinh hãi. Trận lụt đã lập kỷ lục trong lịch sử thế giới là trận lụt thảm khốc trên sông Hoàng Hà vào năm Quang Tự thứ 13 (năm 1887).

Vào năm Quang Tự thứ 13 (năm 1887), sông Hoàng Hà tại Thập Bảo, Hạ Tấn, Trịnh Châu đã bị vỡ đê. Ban đầu miệng đê vỡ chỉ dài hơn 30 trượng (khoảng 90m), nhưng sau ba ngày, nó đã biến thành hơn 300 trượng (900m), tăng hơn 10 lần. Sông Hoàng Hà chảy vào sông Giả Lỗ ở phía Nam, sông Hội Qua ở phía Đông, Chu Gia Khẩu ở phía Nam, nhập vào sông Hoài Hà. Sau đó toàn bộ con sông tiếp tục chảy, và gây ra thảm họa nghiêm trọng.

tai họa trịnh châu
Vụ vỡ đê tại sông Hoàng Hà tại Thập Bảo, Hạ Tấn, Trịnh Châu. (Ảnh Internet)

Trịnh Châu, một thành phố nội địa lớn của đồng bằng Trung Nguyên, đã trở thành nơi bị thiệt hại nghiêm trọng nhất. Sau khi sông Hoàng Hà vỡ tung, dòng nước hung mãnh chỉ trong vài giây đã bao vây thành phố Trịnh Châu, nước ngập sâu mười mấy mét và phá hủy thành phố Trung Mưu. Khi đỉnh lũ lên tới thành cổ Khai Phong, mực nước đã lên tới gần 40 mét, hoàn toàn làm ngập lụt hàng nghìn ngôi làng và thị trấn ở phía đông Khai Phong. Lũ chảy đến đâu, thành trì đều bị dìm trong nước, các quan thự, chùa miếu và các tòa nhà dân cư... toàn bộ đều sụp đổ.

Theo dữ liệu lịch sử, thảm họa này xảy ra vào năm Quang Tự thứ 13 (năm 1887), đây là thảm họa lớn nhất sau vụ vỡ đê ở Đồng Ngõa Sương vào năm Quang Tự thứ 11 (năm 1885). Vụ vỡ sông Hoàng Hà lần này đã khiến hơn 2 triệu người (có người nói là 930.000 người; có người cho biết ước tính cẩn thận nhất là 1,5 triệu người; có người cho biết 7 triệu người) đã thiệt mạng. Học giả lịch sử nhà Thanh Hạ Minh Phương (Xia Mingfang) gọi đây là “thảm họa lũ lụt nghiêm trọng nhất ở Trung Quốc cận đại”. Peter Hoff, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Middlesex, Vương quốc Anh, gọi đây là “một trong những thảm họa thiên nhiên chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại”.

Tương truyền rằng, trước khi đê sông Hoàng Hà ở Trịnh Châu bị vỡ, có một vị quan tổng đốc tên là Dương Dụ Đình, sống ở phủ quan Biện Lương (nay là Khai Phong, Hà Nam), vào một năm trước trận lụt Trịnh Châu, ông ta đột nhiên bị ốm. Bạn bè của ông ấy là Chu Tử Cấp và Ngô Tuấn Khanh đã cùng nhau đến thăm.

Khi nhìn thấy Dương Dụ Đình, chỉ thấy ông ấy bị bệnh nói mê, không ngừng nói lặp đi lặp lại rằng “bận làm sổ tạo kiếp”, sau khi nói xong lại chợt cười to. Tất cả mọi người cảm giác kỳ quái, liền hỏi ông cười cái gì?

Dương Dụ Đình nói: “Ta cười Mạnh Tắc đội mũ đồng gấp bốn đoạn, chốc chốc lại bị rơi xuống. Ông ấy trăm công ngàn việc, vậy mà tay lúc nào cũng phải đỡ lấy mũ. Bộ dáng của ông ấy thực sự rất buồn cười”.

Lại hỏi Mạnh Tắc ở đâu? Dương Dụ Đình trả lời: “Chúng tôi đang làm việc cùng nhau”.

Mạnh Tắc, tự là Trương Biệt Giá. Trương Biệt Giá sống ở đường phố Mã Hào, thành Biện Lương, cách xa ngõ Song Long nơi Dương Dụ Đình sinh sống. Chu Tử Cấp và Ngô Tuấn Khanh lại cùng nhau đi thăm dò về Trương Biệt Giá. Đến nơi mới biết rằng Trương Biệt Giá cũng đang bị bệnh, vào nhà xem xét, triệu chứng giống hệt Dương Dụ Đình, lời nói ra cũng giống như Dương Dụ Đình nói vậy. Ông ta cũng nói nào là “bận làm sổ tạo kiếp”, hơn nữa giống như Dương Dụ Đình miêu tả, không ngừng nâng tay trái lên bên tai làm dáng vẻ đỡ mũ.

Hai người xem xét thấy rằng đây không phải là dấu hiệu tốt. Lúc này vợ của Trương Biệt Giá ra hỏi: “Các ông thấy bệnh của Mạnh Tắc như thế nào?”

Hai người chỉ nói vài câu an ủi, không đem tình hình thực tế nói cho cô ấy biết.

Không lâu sau, Dương Dụ Đình và Trương Biệt Giá lần lượt qua đời. Năm đó là năm Quang Tự thứ 12 (năm 1886), đến năm sau sông Hoàng Hà ở Trịnh Châu vỡ đê, chết đuối vô số người, lúc này mới biết được “bận làm sổ tạo kiếp” là vì chuyện này.

Điều này khiến nhiều người không khỏi liên tưởng đến trận mưa lớn hiếm thấy ở Trịnh Châu gây thương vong nặng nề vào ngày 20 tháng 7 năm nay. Điều khiến người ta không thể tưởng tượng là, vào tháng 6 năm 2020, cũng tại Trịnh Châu, Hà Nam, có một người đàn ông đã cải trang thành “Mạnh Bà” ở đường phố để giao canh. Rất đông người dân đã vây quanh để xem, đồng thời xếp hàng ăn canh. Có người từ nơi khác đã chạy đến xếp hàng suốt hai giờ, có người nói đùa rằng ăn xong bát canh này có thể quên đi phiền não.

Đoạn video cho thấy, trước một nồi canh bốc hơi nghi ngút, có một vị chủ quán hóa trang thành Mạnh Bà. “Mạnh Bà” lần lượt phục vụ canh miễn phí cho khách qua đường. Canh Mạnh Bà có tổng cộng bốn loại hương vị: ngọt, bùi, cay, đắng. Tại hiện trường, mọi người chụp ảnh, phát sóng trực tiếp, quay video và vây kín “Mạnh Bà”, muốn uống một bát canh Mạnh Bà thì bạn phải xếp hàng cả nửa tiếng đồng hồ.

Nhiều người không khỏi ngạc nhiên sau khi xem video này! Đây phải chăng chính là dị tượng tại nhân gian, cảnh báo rằng đại kiếp nạn có lẽ đang ở ngay trước mắt.

Trung Nguyên
Theo Tuệ Minh - Sound of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Lũ lụt ở Trịnh Châu phải chăng đã được cảnh báo từ một năm trước bởi một chuyện quái lạ? [Radio]