Lòng tin như đèn sáng, chiếu rọi tình cha con

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lòng tin và kiên trì của con người như ngọn đèn sáng, xua tan mây mù che vận mệnh, chiếu rọi tình cha con xa cách lâu ngày...

Quận Thừa Đức triều Thanh có một Nho sinh tên là Vương Chính. Khi anh vẫn còn bọc trong tã thì cha anh là Vương Trọng Hoa kinh doanh ở kinh thành, vì say rượu đã đánh nhau với người ta, vô ý khiến người ta mất mạng. Từ đó ông bỏ trốn nơi chân trời góc biển, sau đến Cổ Bắc Khẩu và làm thuê giúp việc ở Vi Trường để mưu sinh. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, chớp mắt đã hơn 30 năm trôi qua rồi, hơn 30 năm nay, Vương Trọng Hoa hoàn toàn đoạn tuyệt tin tức với gia đình.

Vương Chính học rất giỏi. Đến tuổi nhược quan (lễ đội mũ, tức 20 tuổi), anh thường nhớ đến cha, dự định đi tìm ông. Bà nội của anh là Lâm thị, cùng mẹ là Mã thị đều khóc khuyên anh rằng: "Con không biết dung mạo cha ra sao thì sao có thể đi tìm ông được?"

Mấy năm trôi qua, Vương Chính khóc nói với bà nội và mẹ rằng: "Thiên hạ không có ai là không có cha. Ngày nay biết rõ là cha còn sống, mà là để mặc cha phiêu bạt đất khách quê người, không được phụng dưỡng thân ân, không làm tròn bổn phận người con, thế thì thiên hạ còn cần người con như thế để làm gì!".

Bà nội nói: "Bà đã 80 tuổi rồi, lẽ nào không mong muốn cha con trở về? Nhưng cháu chưa đi đâu xa ngoài mấy con phố. Mấy năm nay, tuy có tin tức nói rằng cha cháu ở Cổ Bắc Khẩu, nhưng khu vực đó là sa mạc khí hậu thất thường, cháu làm sao có thể quen nổi đây? Hơn nữa đường đi gập ghềnh trắc trở, ở nhà còn phải lo chuyện ăn ở, đi xa thì cháu lo liệu lộ phí thế nào đây?"

Vương Chính nói: "Việc này xin bà chớ lo lắng. Cháu sẽ dạy học bán chữ mưu sinh, vừa đi vừa kiếm tiền lộ phí. Nếu không có tiền thì vừa đi đường vừa khất thực cháu cũng cam lòng".

hành trình tìm cha
Cháu sẽ dạy học bán chữ mưu sinh, vừa đi vừa kiếm tiền lộ phí. (Ảnh: Shutterstock)

Bà nội và mẹ anh đều can ngăn, không cho anh đi, để tránh cho anh phải chịu cảnh một mình ở bên ngoài gặp nguy hiểm. Nhưng cuối cùng Vương Chính cũng cố tìm cách rời quê hương, bắt đầu cuộc hành trình tìm cha.

Đến kinh đô, anh tìm tới những bậc tiền bối có quen biết cha, họ đều nói: "Mấy năm trước thì đúng là có biết, cha cậu đang mưu sinh ở Vi Trường, Cổ Bắc Khẩu. Nhưng trong một năm, ông ấy mấy lần thay đổi chỗ ở, đã khó tìm được tông tích của ông ấy rồi. Hơn nữa cũng đã lâu ngày rồi, ông ấy có còn ở nơi cũ không thì chúng tôi cũng không biết".

Mọi người đều cho rằng, ở biên tái hoang vắng thê lương lại rộng lớn, dẫu tìm cả năm cũng không đi hết vùng đó được. Vì vậy họ đều lo lắng cho Vương Chính.

Vương Chính cảm tạ lời nhắc nhở và chỉ dẫn của họ rồi tiếp tục lên đường, nhằm hướng Vi Trường tiến bước. Hễ nơi nào có dấu tích con người thì anh đều đi hỏi thăm, hễ gặp người là hỏi. Vùng Tây Bắc mênh mông, anh cũng không phân biệt đông nam tây bắc, cứ tiến bước, mỗi ngày đều đi hàng trăm dặm đường.

Trong suốt hành trình, có lúc anh chỉ ăn một ngày một bữa cơm, có lúc cả ngày cũng không được ăn chút gì, cũng có lúc liên tiếp mấy ngày liền không có đồ ăn. Ban đêm, anh hoặc là ngủ ở chùa miếu cổ, hoặc ngủ ngoài trời trong hốc núi bên vách đá. Anh còn thường gặp hổ và chó sói, và cũng thường gặp những người bộ hành sắp chết vì kiệt sức. Mặc dù như thế, Vương Chính vẫn quyết tiến bước, không chút hối hận hoặc thoái lui.

Hơn một năm trời lặn lội dặm trường, hai tay đều bị nứt toác, hai chân chai dày, mặt đen sạm, người gầy như que củi, trông không khác gì người ăn xin. Thế nhưng ý chí tìm cha của anh vẫn không gì lay chuyển nổi.

tình cha con
Hai tay cậu đều bị nứt toác, hai chân chai dày, mặt đen sạm, người gầy như que củi. (Ảnh: Shutterstock)

Một hôm, Vương Chính đến vùng cực bắc của Vi Trường, vì lặn lội dặm trường, thân thể cực kỳ mệt mỏi. Anh thấy bên đường có miếu Quan Vũ, bèn bước đến hành lang miếu nghỉ ngơi, ngồi xuống nhắm mắt dưỡng thần. Trong lúc mơ màng, anh nghe thấy bên ngoài cổng có tiếng ồn ào, lập tức tỉnh dậy bước ra ngoài cổng xem, chỉ thấy một ông già đánh nhau với hai thiếu niên. Hai thiếu niên đều bị đánh ngã xuống đất, rất thảm hại, nhưng ông già kia vẫn vung tay tiếp tục đánh.

Vương Chính lập tức khuyên ngăn ông và bảo hai thiếu niên mau rời đi. Ông già giận dữ khó lòng nguôi ngoai. Vương Chính nói với ông rằng: "Ngày xưa cha cháu vì đánh nhau mà ngộ sát người, phải bỏ trốn lánh nạn. Đến tận bây giờ, cháu nghĩ về việc này, trong lòng vẫn còn đau xót, nên mỗi lần thấy người đánh nhau, liền lập tức can ngăn, chỉ sợ họ lại đi theo vết xe đổ của cha cháu. Ông dũng mãnh thế này, việc gì phải so đo với hai thiếu niên kia?"

Ông già nói: "Nghe giọng nói của cậu không giống người vùng này, cậu sao lại đến đây? Trông cậu mệt nhọc không ra hình người rồi".

Vương Chính kể lại đầu đuôi sự tình, đồng thời hỏi thăm ông có biết tông tích của người cha Vương Trọng Hoa không. Ông già bỗng kinh ngạc nói: "Thì ra cậu là con trai ta. Ta chính là Vương Trọng Hoa. Mẫu thân ta là Lâm thị, hiện này vẫn còn chứ? Mẹ con là Mã thị, có bình yên không?"

Sau hơn 30 năm, cha con đoàn tụ, hai người ôm nhau khóc. Nhờ sự kiên trì của Vương Chính, người cha ly biệt bao nhiêu năm đã được trở về quê nhà. Bà con làng xóm đều không ngớt lời ca ngợi người con hiếu thảo nhà họ Vương trọng tình trọng nghĩa. Lòng tin và kiên trì của anh như ngọn đèn sáng, xua tan mây mù vận mệnh, chiếu rọi tình cha con xa cách lâu ngày.

Trung Hòa

Theo Epoch Times

Nguồn: Thanh triều dã sử đại quan - quyển 8



BÀI CHỌN LỌC

Lòng tin như đèn sáng, chiếu rọi tình cha con