Lời giới thiệu tiểu mục "Giải mã danh tác"

Giúp NTDVN sửa lỗi

Danh tác là gì? Danh tác là những tác phẩm văn học kinh điển hoặc có giá trị đã được công nhận qua thời gian lâu dài bởi giới văn nhân trí thức và rất nhiều thế hệ độc giả thuộc giới mộ điệu...

Tiểu mục “Giải mã danh tác” thuộc chuyên mục Văn Hóa - Ntdvn xin có lời chào ra mắt tới quý độc giả của trang nhà.

Thế nào là “danh tác”? Với chúng tôi, “danh tác” ở đây được tính là những tác phẩm văn chương, thi từ kinh điển hoặc có giá trị đã được công nhận qua thời gian lâu dài bởi giới văn nhân trí thức và rất nhiều thế hệ độc giả thuộc giới mộ điệu. Danh tác thế giới có ở cả phương Đông và phương Tây.

Danh tác phương Đông - danh tác Trung Quốc

Ở phương Đông, danh tác đa phần nằm trong kho tàng đồ sộ của thi văn Trung Hoa cổ điển trong chừng mấy nghìn năm lịch sử mà chúng tôi sẽ chọn lọc để khai thác, trong đó có thể kể đến: Kinh Thi, thi văn thời Tiên Tần, phú Hán, Sở từ, Đường thi, Tống từ, cổ văn, cổ thi, cổ sử, Nguyên khúc, tiểu thuyết Minh Thanh đặc biệt là “tứ đại danh tác Trung Quốc”... cho đến các tiểu thuyết của văn hào Kim Dung có thể coi như loạt tác phẩm kết thúc thời kỳ này.

Quý bạn đọc có thể thưởng thức một vài tác phẩm bình luận danh tác Trung Quốc như Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thủy Hử chẳng hạn như dưới đây:

Loạt bài: Tam Quốc diễn nghĩa luận hào kiệt

Loạt bài: Thủy Bạc Lương Sơn ký

Danh tác phương Tây

Ở phương Tây, danh tác chính là vô số những tác phẩm văn học kinh điển của các tác gia lừng lẫy thuộc các quốc gia: Anh, Pháp, Nga, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Mỹ… như là Hugo, Balzac, cha con nhà Alexandre Dumas, chị em nhà Bronte, Shakespear, Janes Austen, Chales Dickens, Walter Scott, Andersen, Pushkin, Chekhov, Levtolstoy, Cervantes, Hemingway, Jack London… hoặc những tác phẩm thơ kinh điển của Goethe, Virgil, Dante, Pushkin… các tác phẩm kịch của Shakespear, Molière… thật là liệt kê mãi không hết.

Quý độc giả có thể thưởng thức một vài tác phẩm bình luận danh tác phương Tây dưới đây

Loạt bài: Kiêu hãnh và định kiến

...

Thế còn “giải mã”? Trí tuệ của người xưa thật là “thâm bất khả trắc - sâu đến khó dò” trong khi quan niệm người thời nay đã có nhiều thay đổi.

Dòng chảy cuồn cuộn của đời sống hiện đại với nhân sinh quan biến hóa đã cuốn trôi đi những khái niệm và nội hàm cổ điển khả dĩ giúp lý giải tư tưởng của người xưa.

Vậy nên, chúng tôi bất đắc dĩ sẽ đóng một vai trò “người phiên dịch” với nguyện vọng phần nào hỗ trợ, đồng hành và chia sẻ gu thưởng thức với độc giả để thâm nhập vào thế giới tinh thần mênh mông và lộng lẫy của cổ nhân - một kho tàng đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ... vô giá.

Nhưng chúng tôi xin có vài lời giao hẹn trước:

Một là: Như quý độc giả có thể thấy, khối lượng tác phẩm thật là cực kỳ đồ sộ, mà tài sức, trí tuệ, điều kiện của chúng tôi thật là hữu hạn... nên chỉ mong trải được một vài viên gạch lót đường tương đối phẳng phiu trên con lộ đi qua những vùng thắng cảnh trở về miền đất của truyện xưa tích cũ… cũng tự thấy đã thỏa mãn được phần nào khao khát của chúng tôi.

Hai là: Tại sao lại lựa chọn cả các danh tác Trung Quốc? Bởi Trung Hoa cổ đại là một trong những cái nôi của văn minh nhân loại, cho nên giá trị của những danh tác Trung Hoa cổ điển tự nhiên đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia, trở thành tài sản chung của nhân loại. Mặt khác, chúng tôi luôn có sự phân biệt rõ ràng những giá trị của nền văn hóa thần truyền huy hoàng trong 5000 năm ấy với thể chế hoàn toàn đối lập của Trung Quốc hiện đại với phông văn hóa đi cùng với nó.

Ba là: Những tác phẩm văn học sử ví như Tam Quốc Diễn Nghĩa (TQDN) của Trung Hoa hay “Ivanho” của phương Tây được chúng tôi nghiên cứu trên phương diện những tác phẩm văn học, hơn là tác phẩm lịch sử. Câu chuyện hay nhân vật của TQDN dù có chút sáng tạo - điều đương nhiên của một tác phẩm văn học sử - nhưng không khiên cưỡng và phi lý. Nhân vật ấy dù không hoàn toàn giống với nhân vật lịch sử, nhưng họ vẫn tuân theo những quy luật chung về tâm lý con người, cách suy nghĩ và hành động của họ vẫn rất thật. Do vậy, nó vẫn có giá trị để tham khảo và thưởng thức. Có đôi khi chúng tôi cũng tham khảo Tam Quốc Chí, Hậu Hán Thư, Tư Trị Thông Giám... hay các ghi chép chính sử khác để làm rõ ý trong bài, với điều kiện nó không mâu thuẫn hoặc nó bổ sung thêm cho TQDN. Tuy vậy, TQDN vẫn là chính. Với các tác phẩm văn học sử khác, chúng tôi cũng có cách làm tương tự.

Thưa các quý độc giả,

Ở đây, chúng tôi không có tham vọng nào khác ngoài bàn luận văn chương, đạo lý để tìm tòi, học hỏi, tiếp thu những tinh hoa văn hóa; từ luận chuyện xưa, hiểu người xưa mà đưa ra bài học cho đời nay. Hay ít nhất, chúng tôi hy vọng rằng, trong những ngày tháng hiện tại, khi mà thế giới đang tràn ngập những thông tin đen tối về dịch bệnh, chủ đề này sẽ góp phần mang lại cho quý độc giả một cơn gió trong lành thơm mát, xua bớt không khí âm ám và nặng nề.

Các tác giả.



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Lời giới thiệu tiểu mục "Giải mã danh tác"