Cành đào báo tiệp và chiếc bánh Tét trong Đại thắng mùa xuân 1789 - Phần 2

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tương truyền sau khi truyền ba quân nấu chiếc bánh tét đem theo làm quân lương, ít ngày sau binh đoàn thần tốc Tây Sơn đã hoàn toàn làm chủ Thăng Long và tiêu diệt toàn bộ quân xâm lược. Ngay sau khi vào thành, vị vua uy dũng nhưng hào hoa - Quang Trung đã cho ngựa trạm đem ngay một cành đào từ Thăng Long về Phú Xuân tặng cho người vợ yêu xứ Bắc của mình để báo tin chiến thắng, tạo thêm một giai thoại đáng nhớ trong mùa xuân huy hoàng năm đó…

Xem lại: Cành đào báo tiệp và chiếc bánh Tét trong Đại thắng mùa xuân 1789 - Phần 1

Tuyển quân xong, vua Quang Trung tổ chức cuộc duyệt binh lớn. Tương truyền, ông đọc bài hịch để kêu gọi ba quân, trong đó có những câu như sau:

“Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để răng đen
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng tri hữu chủ”.
(Minh Đô Sử-Lê Trọng Hàm).

Đồng thời vua Quang Trung sai người đem thư đến Tôn Sĩ Nghị để xin đầu hàng, lời lẽ trong thư rất nhã nhặn, khiêm tốn làm cho Tôn Sĩ Nghị ngạo mạn hơn. Đó cũng là khoảng thời gian để vua cho xác định lại chính xác lực lượng, bố trí phòng thủ, địa hình từng khu vực, chỗ mạnh yếu của giặc. Vua Quang Trung chia quân ra làm 5 đạo quân: tả, hữu, tiền, hậu và trung quân gồm có tân binh do đích thân ngài chỉ huy:

Đạo quân chủ lực do vua Quang Trung chỉ huy đánh thẳng vào nam Thăng Long nơi đóng quân của Hứa Thế Hanh.

Đạo quân do đô đốc Long chỉ huy từ Tam Điệp đến Thiên Quan (Ninh Bình), tiến đến Nhân Mục (Từ Liêm, Hà Nội), bất ngờ tấn công quân Điền Châu của Sầm Nghi Đống, rồi qua cửa tây nam (Đống Đa, Hà Nội) và tiến vào uy hiếp Thăng Long.

Đô đốc Bảo chỉ huy đội kỵ binh đến Ứng Hòa (Hà Tây) tiến ra Đại Áng (Thường Tín, Hà Tây) ở phía nam đồn Ngọc Hồi để phối hợp với quân chủ lực.

Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết chỉ huy một cánh quân vượt biển vào sông Lục Đầu đánh chiếm Hải Dương và chặn đường rút lui của giặc bên kia sông Hồng.

Đô đốc Lộc dẫn quân vượt biển vào sông Lục Đầu tiến đến Phượng Nhãn bịt đường tháo chạy của giặc.

Ngày 30 tháng chạp 1788, vua Quang Trung cho tướng sĩ ăn tết trước. Ông hẹn với ba quân mùng 7 tháng giêng năm Kỷ Dậu 1789 sẽ vào ăn tết ở Thăng Long. Giữa đêm 30 tết, quân Tây Sơn xuất phát đại phá quân Thanh.

Ngày 30 tháng chạp 1788, vua Quang Trung cho tướng sĩ ăn tết trước. Ông hẹn với ba quân mùng 7 tháng giêng năm Kỷ Dậu 1789 sẽ vào ăn tết ở Thăng Long. Giữa đêm 30 tết, quân Tây Sơn xuất phát đại phá quân Thanh.
Ngày 30 tháng chạp 1788, vua Quang Trung cho tướng sĩ ăn tết trước. Ông hẹn với ba quân mùng 7 tháng giêng năm Kỷ Dậu 1789 sẽ vào ăn tết ở Thăng Long. Giữa đêm 30 tết, quân Tây Sơn xuất phát đại phá quân Thanh. (Ảnh: baomoi.com)

'Đánh một trận sạch không kình ngạc; Đánh hai trận tan tác chim muông'...

Bắt đầu chiến dịch, Quân Tây Sơn thần tốc xuất phát liên tiếp hạ các đồn Gián Khẩu, Nguyệt Quyết, Nhật Tảo, bắt hết tàn quân và quân do thám của địch, phong tỏa mọi tin tức.

Ngày mùng 3 tháng giêng, quân Tây Sơn tiến nhanh đến đồn Hạ Hồi, vây chặt đồn, bắc loa gọi giặc đầu hàng. Quân Thanh bị bất ngờ trước xuất hiện quá nhanh của quân Tây Sơn, không kịp kháng cự, thảy đều ra hàng.

"Đại Nam liệt truyện" viết: “Từ cửa ô thành Thăng Long đến xã Hạ Hồi Thượng Phước, quân nước Thanh đóng liền dặn bảo, đặt súng lớn lên, ngoài đồn ngầm đặt chấn địa lôi phòng bị rất vững. Năm Kỷ Dậu, mùa xuân, nửa đêm ngày mồng ba tháng giêng quân của Huệ đến Hà Nội, mật vây lấy đồn, lấy ống loa của quân truyền gọi, những kẻ ứng lời, đổi nhau dạ, gần đến vài vạn người. Trong đồn run sợ, không phải đánh tự tan vỡ, lấy hết được lương thực và khí giới của quân.”

Ngô Ngọc Du, nhà thơ đương thời viết:

"Giặc đâu tàn bạo sang điên cuồng
Quân vua một giận oai bốn phương
Thần tốc ruổi dài xông thẳng tới
Như trên trời xuống dám ai đương".

Dù đà tiến quân Tây Sơn đánh hạ các đồn rất nhanh và chớp nhoáng nhưng mũi tiến công lại dừng lại ngay trước đồn Ngọc Hồi vì đây là một đồn lớn trấn giữ bởi các đạo quân tinh nhuệ của địch và chiến thắng ở đây có ý nghĩa quyết định với toàn bộ chiến dịch. Vua Quang Trung dừng quân ở đây chẳng qua là đợi tín hiệu giáp công của các cánh quân còn lại.

Thật vậy, cánh quân của đô đốc Long thoạt nhìn tưởng tiến đánh đạo quân Vân Quý của Ô Đại Kinh ở Sơn Tây, thì bất ngờ chuyển hướng đánh đồn Khương Thượng của Sầm Nghi Đống, quân Thanh bị bất ngờ vỡ trận, Sầm Nghi Đống tự sát. Vậy là sự phòng thủ sau lưng của kinh thành đã bị đột phá, ngay lập tức Quang Trung lệnh cho các cánh kỵ binh, bộ binh, tượng binh với những khẩu đại bác trên lưng tiến thẳng tấn công vào đồn Ngọc Hồi vào rạng sáng mùng 5 tết.

Hứa Thế Hanh vội ra lệnh cho đội kỵ binh tinh nhuệ lao ra nghênh chiến. Nhưng vừa trông thấy đàn voi, ngựa quân Thanh sợ hãi lồng lộn quay về, rối loạn đội hình, chà đạp lẫn nhau, lui vào thành cố thủ. Đội quân cảm tử Tây Sơn cứ 20 tốp khiêng một tấm mộc bằng gỗ phía ngoài quấn rơm ướt, che chở cho quân xung kích xông thẳng vào đồn như thác lũ, mặc cho đạn pháo của quân Thanh bắn ra như mưa. Từ hai bên sườn đồi Ngọc Hồi, quân Tây Sơn dùng đại bác từ trên mình voi và phóng hỏa hổ đốt phá thiêu cháy quân địch.Trước sức tiến công như vũ bão của quân Tây Sơn, các chiến lũy và toàn bộ trận địa phòng thủ phía nam đồn Ngọc Hồi bị phá hủy tan tành. Sở chỉ huy của Hứa Thế Hanh bị tiêu diệt.

Giặc choáng váng vì đòn tấn công bất ngờ của quân Tây Sơn, lại khiếp đảm trước biển lửa và tiếng reo hò vang trời của quân và dân ta. Quân Thanh chạy tán loạn, lớp chết, lớp tìm đường trốn chạy về nước. Riêng Tôn Sĩ Nghị sợ mất vía, nhảy lên ngựa không có yên, không mặc áo giáp, bỏ cả sắc thư, ấn tín, kỳ bài... được tướng Khánh Thành bảo vệ nhằm hướng bắc mà chạy về. Lê Chiêu Thống cũng vội vàng chạy theo, thật là:

""Vua Lê khi ấy vội vàng
Cùng Tôn Sĩ Nghị sang đàng Bắc Kinh.
Qua sông lại sợ truy binh,
Phù kiêu chém đứt, quân mình thác oan"...
(Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái).

Trận đánh Thọ Xương - Chiến thắng Kỷ Dậu, 1789. (Ảnh: Wikipedia)
Trận đánh Thọ Xương - Chiến thắng Kỷ Dậu, 1789. (Ảnh: Wikipedia)

Toàn bộ các tướng lĩnh cao cấp của của địch đều bỏ mạng, ví như: Hứa Thế Hanh, Thượng Duy Thăng, Trương Triều Long, Lý Hóa Long, Sầm Nghi Đống, Dương Hưng Long…

Cánh quân của Ô Đại Kinh mới đến Sơn Tây đóng quân được mấy ngày thì nghe tin Tôn Sĩ Nghị bại trận, vội dẫn quân rút về nước.

Chỉ trong vòng 6 ngày (sớm hơn dự định 1 ngày), quân Tây Sơn đã đánh tan trên 20 vạn quân Thanh. Chiều mùng 5 tết Kỷ Dậu, vua Quang Trung cùng các tướng sĩ tiến vào Thăng Long trong sự vui mừng của toàn dân. Thực là:

““Mây tạnh mù tan trời lại sáng
Đầy thành già trẻ mặt như hoa
Chen vai khoác cánh cùng nhau nói:
Kinh đô vẫn thuộc núi sông ta”.
(Ngô Ngọc Du)

Nghĩa vợ tình chồng cành đào biếc; Bắc phạt quân ca khúc khải hoàn

Mùa xuân 1789 không chỉ rực rỡ trong không khí đại thắng giữa lúc những bông hoa đào biếc khoe sắc trong gió xuân, mà hương xuân còn thắm cả trong cành hoa đào mà vị hoàng đế uy dũng hào hoa đã gửi về cho người vợ phương xa của mình trong giai thoại thú vị như sau:

“Hoa đào Thăng Long đỏ rực đón người anh hùng và nghĩa quân, chưa có năm nào hoa đào nở rộ và đẹp như thế. Vị vua trẻ chọn cành đào Nhật Tân đang nụ, sai người hỏa tốc mang vào Phú Xuân tặng Ngọc Hân hoàng hậu. Cành đào được buộc chéo bằng lạt giang mềm, ngoài phủ gấm vàng biểu tượng quyền uy của nhà vua. Ở mỗi trạm thay người thay ngựa, quan chỉ huy là kỵ sĩ quỳ nhận khẩu dụ rồi lập tức lên đường. Thăng Long - Phú Xuân thời Lê được chia làm 36 trạm. Trạm đầu là Hoàng Mai (ngã tư Minh Khai bây giờ)".

Đến nay còn truyền tụng câu ca:

"Ba mươi sáu trạm đây là một
Hai chữ Hoàng Mai rõ bảng treo".

Không kể ngày đêm, kỵ sĩ ra roi cho ngựa phi nước đại, qua bao sông sâu, núi cao. Đến tối ngày mồng 7 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789), cành đào báo tin toàn thắng về tới thành Phú Xuân. Nhìn cành đào lung linh hoa nở, Ngọc Hân hoàng hậu sung sướng rơi lệ ngỡ mình đang đứng trên mảnh đất Thăng Long muôn vàn yêu quý…”

(Cành đào xuân Kỷ Dậu - Lương Sơn: Tạp chí sông Thương).

Lời kết:

Thắng lợi xuân Kỷ Dậu 1789 đã đem lại nụ cười rạng rỡ trên mỗi khuôn mặt người dân Việt. Niềm hạnh phúc, sự tự do đi lại, làm ăn, sinh sống đã trở lại. Những ngày đen tối, tủi nhục, đau khổ không còn nữa. Người dân Việt lại nô nức vui hưởng cái tết tự do dù có muộn màng hơn. Và cũng như mọi năm, nhà nhà quây quần bên nhau làm mâm lễ vật truyền thống với bánh chưng, bánh giầy dâng lên Trời Đất, tổ tiên. Riêng người dân miền trung trên mâm cỗ cúng vào Tết ấy có thêm loại bánh mới - Bánh Tét. Cảm tạ Trời Đất đã sản sinh ra những vị anh hùng dân tộc xuất chúng. Họ vẫn trường tồn mãi trong lòng bao thế hệ Việt Nam.

Minh Bảo

- Nguồn tư liệu tham khảo:

Hoàng Lê Nhất Thống Chí; An Nam ký lược; Khâm định An Nam sử lược; Việt sử thông giám cương mục; Đại nam chính biên liệt truyện.



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Cành đào báo tiệp và chiếc bánh Tét trong Đại thắng mùa xuân 1789 - Phần 2