Lấy đức báo oán: câu chuyện về một ruộng dưa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cổ nhân có câu: “Chuyển bại thành thắng, trong họa lại có phúc”. Lão Tử lại nói: “Lấy đức báo oán”, chính là để chỉ chuyện này. Nếu người khác đã làm chuyện bất hảo thì việc đó có gì đáng để chúng ta học theo?

Ngày xưa ở Lương quốc (một nước chư hầu của nhà Chu thời Xuân Thu Chiến Quốc) có một người tên là Tống Tựu, từng làm huyện lệnh ở một huyện biên giới. Mà huyện này lại nằm giáp ranh với nước Sở. Cả binh lính vùng biên giới của nước Lương và binh lính của nước Sở đều trồng dưa, có điều cách trồng của họ rất khác nhau. Binh sĩ nước Lương siêng năng chăm chỉ, thường xuyên tưới nước chăm bón cho ruộng dưa nên dưa của họ rất tươi tốt còn binh sĩ nước Sở thì lại lười nhác, ít khi chăm tưới ruộng dưa, kết quả dưa của họ trồng được rất kém.

Huyện lệnh nước Sở nhìn thấy dưa nước lân bang trồng được tốt tươi bỗng nhiên nổi giận, trách cứ binh sĩ của mình trồng trọt quá tệ. Binh sĩ nước Sở căm ghét việc binh sĩ nước Lương trồng dưa tốt hơn mình nên họ đêm đêm bí mật nhổ dưa của nước lân bang lên, kết quả dưa của nước Lương đều chết khô cả.

Khi binh sĩ nước Lương phát giác ra chuyện này, họ đã tức giận thỉnh cầu huyện úy, đòi nhổ lại dưa của nước Sở để trả thù. Huyện úy nghe xong đã đem chuyện này trình lên Tống Tựu xin chỉ thị.

Tống Tựu nói: “Không được! Làm thế sao được! Kết oán rước thù, đó là tự chiêu mời họa đến. Người ta đối xử tệ với các ngươi, các ngươi cũng đối xử tệ như vậy lại với người ta, thế thì lòng dạ các người càng hẹp hòi hơn nữa! Nếu đã thỉnh cầu ta chỉ dạy các ngươi biện pháp trả thù, thì các ngươi hãy làm thế này: nhất định mỗi đêm đều phái người qua nước Sở, lặng lẽ tưới tiêu cho ruộng dưa của họ, nhưng đừng để bọn họ biết”.

đối nhân xử thế của người xưa
“Không được! Làm thế sao được! Kết oán rước thù, đó là tự chiêu mời họa đến..." (Ảnh: Pixabay)

Theo lời dạy của huyện lệnh Tống Tựu, binh sĩ nước Lương mỗi đêm đều âm thầm tưới nước cho ruộng dưa bên Sở. Binh sĩ nước Sở sáng sớm đi tuần tra ruộng dưa, phát hiện dưa đã được ai đó tưới rồi, hơn nữa dưa của họ lại càng ngày càng lớn lên tươi tốt. Binh sĩ nước Sở cảm thấy sự việc này thật kỳ lạ, bèn lặng lẽ điều tra kỹ lưỡng, sau đó mới biết được là binh sĩ nước Lương tưới. Huyện lệnh nước Sở khi biết được việc này đã cảm thấy rất vui mừng, nên đã bẩm báo chi tiết lên Sở vương. Vua nước Sở nghe xong xấu hổ đỏ cả mặt, nói với viên quan chủ quản rằng: “Hãy điều tra những kẻ đi phá ruộng dưa nước người ta, xem chúng còn gây tội trạng nào khác nữa không? Hẳn đây là người nước Lương đang âm thầm trách cứ chúng ta.”

Sau đó Sở vương còn ra lệnh cho người chuẩn bị nhiều lễ vật gửi đến Tống Tựu biểu thị ý xin lỗi, đồng thời còn xin được kết giao với Lương vương.

Sở Vương thường khen ngợi Lương vương, cho rằng vua nước Lương biết giữ chữ tín. Cũng có thể nói là hai nước Lương Sở có mối giao hảo tốt là bắt đầu từ Tống Tựu. Cổ nhân có câu: “Chuyển bại thành thắng, trong họa lại có phúc”. Lão Tử lại nói: “Lấy đức báo oán”, chính là để chỉ chuyện này. Nếu người khác đã làm chuyện bất hảo thì việc đó có gì đáng để chúng ta học theo?

Thiên Hoa

Theo Secretchina

 



BÀI CHỌN LỌC

Lấy đức báo oán: câu chuyện về một ruộng dưa