Lăng mộ đế vương huyền bí nhất phá giải những nhận thức sai lầm về Tào Tháo suốt hơn 1000 năm [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nói đến lăng mộ huyền bí nhất lịch sử, không gì khác là Cao Lăng. Cao Lăng là mộ của Ngụy Vũ Đế Tào Tháo thời Tam Quốc. Cụ thể vị trí nó ở đâu thì vẫn là một bí ẩn. Bởi vì tương truyền Tào Tháo bản thân thường trộm mộ, còn đặt ra chức quan Mô kim Hiệu úy (Chức võ quan đi tìm vàng ở các báu cổ, mộ cổ). Do đó ông đã sắp đặt vô cùng cẩn thận cho hậu sự của mình. 

Để lăng mộ không bị đào trộm, ngày hạ táng, tất cả cổng thành đều mở, 72 cỗ quan tài đồng thời được khiêng ra từ 4 cống thành Đông Nam Tây Bắc, mục đích là để mọi người không thể nào đoán được mộ thực sự của Tào Tháo ở đâu. Từ đó Cao Lăng có thuyết về 72 ngôi mộ nghi binh. Mộ nghi binh là mộ giả có tác dụng làm người ta mê hoặc. Còn về con số 72 này do đâu mà có thì hiện nay không ai có thể làm rõ được.

Muộn nhất là thời Bắc Tống, truyền thuyết đồn đoán về 72 ngôi mộ nghi binh đã khá phổ biến rồi. Hàng trăm hàng nghìn năm nay, rất nhiều người đều đang tìm kiếm mộ Tào Tháo, nhưng không ai tìm ra được Cao Lăng thực sự.

Tìm được Cao Lăng của Tào Tháo

Đến giao thừa năm 2006, một làng tên là Tây Cao Huyệt ở huyện An Dương tỉnh Hà Nam Trung Quốc, khi những tràng pháo đón giao thừa vang lên thì bỗng nhiên có âm thanh cực lớn, khiến người dân trong là sợ giật bắn mình. Nhưng mọi người cũng không quá chú ý đến nó. Tết mà, đốt quả pháo khổng lồ mong muốn năm mới may mắn thì cũng không có gì sai. Nhưng chỉ mấy ngày sau, một người dân làng họ Từ trong khi đang tưới nước trên ruộng rau nhà mình thì phát hiện vườn rau có chỗ lõm sâu, xuất hiện một cái hố lớn sâu không thể dò được, miệng lỗ rộng hơn 1 m. Lúc này ông bỗng hiểu ra, âm thanh cực lớn đêm giao thừa mà mọi người đều nghe thấy là do có người chôn thuốc nổ ở đây. Thì ra là có kẻ trộm mộ đã cho nổ một ngôi mộ cổ ở đây.

Hai năm sau, các nhà khảo cổ học đã đào dưới cái hố này tìm thấy một ngôi mộ lớn hình chữ Giáp điển hình, do hai nhà mồ phía trước và phía sau nối thông và 4 nhà mồ ngách tạo thành. Khu mộ không lớn, nhưng đường trong mộ rất dài, dài khoảng 40 m và rộng khoảng 10 m, chỗ sâu nhất sâu 15 m. Diện tích khu mộ khoảng 740 m vuông.

Khi đội khảo cổ dọn dẹp sạch đường thông mộ, đi đến cửa mộ thì tâm trạng vốn xúc động của họ bỗng trở nên lạnh lẽo. Bởi vì gạch bít cửa mộ đã bị tháo dỡ mất từ lâu rồi, của mộ mở rộng. Bước vào trong mộ xem, quả nhiên ngôi mộ này đã bị những kẻ trộm mộ ‘viếng thăm’ rồi, quan quách đã không còn nữa, thậm chí đá tấm trên nền nhà mồ cũng bị cạy lấy đi rồi. Trong mộ có hài cốt đàn ông, nhưng đã bị vứt rải rác khắp nơi. Còn có 2 bộ hài cốt phụ nữ. Những thứ còn lại khác chỉ còn là một lượng lớn đồ gốm bị vỡ.

Hơn nữa, điều càng đáng buồn hơn là ngôi mộ lớn này không chỉ bị một nhóm trộm mộ đột nhập, các nhà khảo cổ học phát hiện ra trên tường còn có một lỗ đào trộm mộ nữa. Thì ra từ lâu đã có một nhóm trộm mộ khác đến trước rồi. Các nhà khảo cổ ngửa mặt lên trời than, xem ra việc giám định thân phận chủ nhân ngôi mộ không dễ dàng nữa rồi. Nhưng “Trời không tuyệt đường của con người”.

Mộ Tào Tháo (Chụp màn hình)

Một ngày nọ, vào lúc đang dọn sạch tầng bùn, các nhà khảo cổ đào được một tấm bia đá nhỏ bị nứt vỡ, trên đó có khắc mấy chữ “Ngụy Vũ Vương thường sở dụng cách hổ đại kích” (Chiếc kích đánh hổ mà Ngụy Vũ Vương thường sử dụng).

Ai là Ngụy Vũ Vương? Trong lịch sử có 2 vị Ngụy Vũ Vương, một vị là quân phiệt thời 16 nước thời kỳ Đông Tấn, tên là Diêu Tương, sống vào thế kỷ thứ 4, là người tộc Khương. Sau khi chết, Diêu Tương được phong là Ngụy Vũ Vương. Vị còn lại là người nổi danh hiển hách, Thừa tướng Tào Tháo những năm cuối thời Đông Hán. Khi còn sống, ông đã được phong là Ngụy Vương rồi.

Các nhà khảo cổ đào được một tấm bia đá nhỏ bị nứt vỡ, trên đó có khắc mấy chữ “Ngụy Vũ Vương thường sở dụng cách hổ đại kích” (Chiếc kích đánh hổ mà Ngụy Vũ Vương thường sử dụng) (Chụp màn hình)

Như vậy đây là ngôi mộ của vị Ngụy Vũ Vương nào? Các chuyên gia nói rằng, kiểu dáng và hình thức ngôi mộ lớn này giống với thời cuối Đông Hán. Cùng với việc giám định niên đại ngôi mộ, các chuyên gia giám định cho rằng, đây chính là mộ của Tào Tháo, Cao Lăng trong truyền thuyết.

Kết quả giám định được công bố ra, khiến dư luận xã hội bàn tán xôn xao, nói rằng nào là 72 ngôi mộ nghi binh, nào là ông tị tổ Mô kim Hiệu úy, mộ Tào Tháo - nhất đại gian hùng, sao có thể dễ dàng bị người ta tìm được như thế này? Dễ dàng đến mức khiến người ta không dám tin.

Mộ táng lật đổ nhận thức của mọi người từ xưa đến nay

Nói đến Tào Tháo thì ấn tượng đầu tiên hiện lên trong đầu mọi người là gì? Có phải là mặt trắng mắt tam giác đảo điên, cảm giác bụng chứa đầy thứ xấu xa, chỉ chờ người ta quay đi liền đâm một nhát vào sau lưng, khiến bạn lạnh thấu tim? Cộng thêm một câu miêu tả kinh điển của La Quán Trung trong Tam Quốc Diễn Nghĩa “Ta thà phụ người trong thiên hạ chứ không để người trong thiên hạ phụ ta”. Chỉ với một câu nói này đã khắc họa hình tượng Tào Tháo - gian thần mặt trắng. Thế là từ đó trở đi, không thể nào lật lại được nữa.

Nhưng hiện nay, những thứ phát hiện ra trong ngôi mộ hoàn toàn không phù hợp với hình ảnh gian thần của ông. Ví như, bộ áo giáp không có trang sức gì, binh khí đơn giản, thư án phổ thông, thậm chí những chiếc thước và quân cờ làm bằng xương. Vào thời Hán, hễ là chư hầu quý tộc có thân phận, thì tuyệt đối không dùng những thứ như dao, thước và những thứ như thế này làm đồ tùy táng. Những thứ đó quá thấp kém, không thể hiện được thân phận. Phong tục thời Lưỡng Hán là hậu táng, từ thiên tử chư hầu cho đến các đại thần hiển quý, chỉ cần có tiền đều dốc vào trong mộ táng. Đồ tùy táng nếu có điều kiện làm được đạt được cấp 5 sao thì họ nhất định không làm cấp 4 sao.

Hiện nay đã phát hiện ra hơn 20 ngôi mộ táng thời cấp chư hầu, vương tôn thời Lưỡng Hán, dùng dây vàng hoặc dây bạc xuyên chuỗi các tấm ngọc thành áo tang, đó chính là “kim lũ ngọc y” hoặc “ngân lũ ngọc y” mà mọi người thường nói, và đã khai quật được trên 10 chiếc.

Loại mộ táng không có đồ tùy táng xa xỉ là đặc trưng của mộ táng cấp chư hầu vương tôn đời sau.

Hiện đã phát hiện hơn 80 ngôi cấp liệt hầu thời Lưỡng Hán, nổi tiếng là mộ thời Hán ở Vương Mã Đôi, Trường Sa, và mộ táng của Lưu Hạ - Hải Hôn Hầu thời Tây Hán mà mới phát hiện ra cách đây không lâu. Các hiện vật khai quật được cũng là những báu vật cấp quốc gia, lớn là chuông, nhỏ là đồ kim khí đủ loại.

Tào Tháo khi qua đời thì thân phận thế nào? Chẳng phải là vua chư hầu đó sao. Ông là Ngụy Vương “gia cửu tích”. “Gia cửu tích” nghĩa là, ông thay thiên tử thi hành quyền lực tối cao, tức là người thực sự có quyền quyết định mọi việc trong thiên hạ. Các vua chư hầu đều bé nhỏ hơn ông rất nhiều. Nhưng hãy xem những đồ tùy táng của ông, là “văn phòng tứ bảo” (bút nghiên giấy mực) và một số đồ gia dụng, thật quá tầm thường.

Có thể có người nói, ngôi mộ này trước đó đã bị trộm rồi, có thể những đồ đáng giá đều bị lấy đi rồi, không còn để lại những đồ quý báu hiếm có. Thực ra không phải như vậy. Bởi vì những bia đá khắc chữ khai quật được ở Cao Lăng, trên có khắc danh sách đồ tùy táng. Nội dung danh sách này quả là những thứ rẻ tiền, chẳng ai cần, ví như: 2 thặng đậu đỏ, vài bộ quần áo, vài bộ văn phòng tứ bào, vài đồ gốm… đều khớp với những văn vật khai quật được. Trong danh sách không có kim loại quý, không có đồ quý, vàng bạc.

Như vậy có thể xác định đây có phải thực sự là Thừa tướng Tào Tháo trong tiểu thuyết đó không? Có phải là Tào Tháo, người muốn xây đài Đồng Tước, bắt 2 đại mỹ nhân Giang Đông là Đại Kiều và Tiểu Kiều về mua vui không? Mộ của bản thân lại làm đơn giản tầm thường như thế này, so với “hồng đồ đại chí” của ông khi còn sống, quả là cách quá xa.

Đài Đồng Tước (Ảnh: baidu)

Mọi người có cảm giác như bị cú đánh vào đầu, các ấn tượng trước đó bị lật đổ không? Rất nhiều người tâm trạng đầu tiên rất tự nhiên là hoài nghi: Chắc chắn là làm sai rồi, giám định sai rồi. Đây không phải mộ Tào Tháo.

Thế thì chúng ta trước tiên hãy cùng xem một chút về Tào Tháo trong sử sách có hình tượng như thế nào

Tào Tháo trong sử sách

Năm 155, Tào Tháo ra đời trong một gia đình quyền quý triều Đông Hán, cũng có thể coi ông là ‘con quan’. Từ nhỏ Tào Tháo đã được tiếp nhận giáo dục tố chất bậc nhất, có thể nói là phát triển toàn diện đạo đức, trí tuệ và thể lực: Binh pháp, âm nhạc, thể thao, thi ca từ phú, môn nào Tào Tháo cũng xuất sắc.

Trong tự truyện “Thuật chí lệnh” của mình, Tào Tháo miêu tả chí hướng rằng: Mục tiêu ban đầu của ta là muốn làm một tướng quân triều Hán, bảo vệ quốc gia và gia tộc. Chỉ cần sau khi ta chết, trên bia mộ có thể khắc mấy chữ “Mộ của Tào Hầu - Tướng quân Chinh Tây nhà Hán”, thì ta cũng mãn nguyện rồi. Kết quả không ngờ, Ông Tạo khéo trêu người, ta lại được lập làm bề tôi tột đỉnh, làm tể tướng.

Đối với miêu tả của mọi người về ông là kẻ gian hùng, chỉ một lòng âm mưu thoán quyền đoạt vị, Tào Tháo cảm thấy rất oan ức, nhưng cũng rất bất lực chẳng biết làm thế nào.

Tào Tháo viết: Nếu không có ta đứng ra thì không biết thiên hạ sẽ phân chia thành bao nhiêu nước, không biết có bao nhiêu người muốn làm hoàng đế. Nhưng hiện nay ta cũng không thể lùi được, vì quốc gia vẫn chưa thống nhất. Ta luôn yêu cầu người nhà phải tiết kiệm, không được xa hoa, phải dốc lòng tuân thủ nghĩa quân thần. Đầu tiên, ta đem 2 phần 3 đất phong giao lại cho quốc gia, để biểu thị rõ tâm chí ta.

Những câu văn cảm động lòng người, hoàn toàn khác với hình tượng gian hùng trên sân khấu và trong tiểu thuyết. Tuy nhiên, cũng có người nói: Lời mỹ miều thì ai chẳng nói được? Lên khán đài thì nói một kiểu, xuống dưới thì thu tiền ào ào. Những quan chức cán bộ lãnh đạo như thế này đã gặp không ít. Có lẽ Thừa tướng Tào Tháo cũng như thế chăng?

Vậy Tào Tháo có thực sự là người đơn giản chất phác không? Trong sách Ngụy Thư có viết về Tào Tháo thế này: Ông vốn tính tiết kiệm, không thích y phục hoa lệ, hơn nữa các rèm cửa sổ và bình phong trong nhà ông đều có những miếng vá.

Tào Tháo phú thơ. Tranh minh họa Tam Quốc Diễn Nghĩa đời Thanh (Phạm vi công cộng)

Thế thì lại có vấn đề rồi. Liệu có phải những năm cuối thời Đông Hán, thiên hạ loạn lạc, toàn bộ quốc gia đều rất nghèo khổ, do đó Tào Thừa tướng cũng buộc phải tiết kiệm?

Câu trả lời là phủ định. Sách viết thời Đông là Tấn Tương Dương Ký, cuốn sách ghi chép về các địa phương, có viết: Mưu sĩ của Tào Tháo là Tuân Úc sống rất kiểu cách, rất cầu kỳ, những chỗ ông ngồi thì trước đó phải dùng hương liệu xông hương mấy ngày, còn Tào Tháo thì cấm xông hương trong nhà.

Nói theo cách thời nay là, Tuân Úc là người làm công cho Tào Tháo, không có lý gì mà ông chủ nghèo hơn người làm thuê. Không phải Tào Tháo không có đủ tiền để sử dụng hương liệu, mà chính là do Tào Tháo tiết kiệm. Không chỉ bản thân Tào Tháo tiết kiệm, ông còn yêu cầu người trong gia tộc phải tiết kiệm như ông.

Năm 1951, mộ Tào Thực, người con mà Tào Tháo yêu thích nhất, được phát hiện ra ở Sơn Đông. Đồ tùy táng cũng rất đơn giản, ngoài mấy đồ ngọc mã não ra, hơn 100 đồ tùy táng khác đều là những đồ gốm đồ sành, rất giống với tác phong của người cha của ông. Có thể thấy, đây là kết quả của sự giáo dục nhiều năm, là cội nguồn gia giáo.

Thế nên phong cách tiết kiệm của Cao Lăng thực sự rất phù hợp với việc Tào Tháo thiết kế đặt ra cho mình. Thử nghĩ xem, xây dựng 72 mộ nghi binh cần sử dụng bảo nhiêu nhân lực vật lực, hơn nữa đều phải xây dựng bề thế, nếu không thì người ta nhìn cái là biết ngay là giả, thế thì phải tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền của. Tào Tháo là người tiết kiệm thế này, quả thực sẽ không làm như vậy. Do đó truyền thuyết này ngẫm nghĩ kỹ thì thấy rất khả nghi, không đáng tin.

Nhưng việc Cao Lăng bị trộm cũng khiến một số người cho rằng, liệu có phải Tào Tháo đã đặt chức quan Mô kim Hiệu úy, chuyên đi đào mộ tìm kho báu, nên Tào Tháo đã bị báo ứng? Sau khi Tào Tháo chết, mộ Tào Tháo cũng bị người ta đào.

Cái gọi là chức quan Mô kim Hiệu úy chuyên tìm kiếm đào mộ, lấy vàng bạc châu báu trong mộ để trả lương quân đội, nhưng xuất xứ chức danh này có vấn đề. Nó vốn từ bài hịch thảo phạt Tào Tháo của Trần Lâm, một văn nhân là thuộc hạ Viên Thiệu. Trần Lâm là một trong 7 tài tử thời Kiến An. Hịch văn là trước khi khai chiến, đem tội trạng kẻ địch liệt kê ra, bố cáo thiên hạ rằng quân ta xuất quân là có lý do. Kỳ thực nói thẳng ra, đó là bài viết chửi Tào Tháo, dùng để tạo dư luận giúp Viên Thiệu đem quân thảo phạt Tào Tháo. Vì là bài văn chửi người, nên cái có cái không đều tùy tiện đem ra chửi, làm sao khiến đối thủ thật xấu xa thì cứ thế mà làm.

Nhưng trong Tam Quốc Chí và các chính sử khác đều không có đề cập đến việc Tào Tháo đặt chức quan Mô kim Hiệu úy. Tam Quốc Diễn Nghĩa đã bê y nguyên bài hịch của Trần Lâm, thế là nỗi oan Tào Tháo là người sáng lập tập đoàn đào trộm mộ có tổ chức đã gắn chặt với Tào Tháo, và được lưu truyền một mạch đến nay. Danh hiệu Mô kim Hiệu úy này còn diễn biến sinh ra nhiều tiểu thuyết và phim kỳ ảo.

Về thuyết Tào Tháo muốn cướp 2 đại mỹ nhân Giang Đông là Đại Kiều và Tiểu Kiều, cũng chỉ là sự khoa trương thêu dệt của văn học, và được Tam Quốc Diễn Nghĩa dẫn dụng. Thực tế từ tác phẩm “Đồng Tước đài phú” ưu mỹ của Tào Thực, Nhị Kiều là chỉ 2 cây cầu xuất phát từ Đài Đông Tước nối với Đài Ngự Long và Phượng Đài, là 2 cây cầu kiều đích thực, chứ không phải 2 mỹ nhân Giang Đông Đại Kiều và Tiểu Kiều.

Thế nên có thể tóm tắt một số điểm cốt yếu về Tào Tháo là:

  • Tào Tháo sống rất tiết kiệm, con cháu đời sau cũng tiết kiệm.
  • Truyền thuyết 72 mộ nghi binh quá lãng phí, không phù hợp với nguyên tắc sống của Tào Tháo.
  • Truyền thuyết chức quan Mô kim Hiệu úy rất nhiều nghi vấn, không tìm thấy bất kỳ căn cứ nào.

Những điểm cốt yếu trên, nếu lấy riêng bất kỳ điều nào ra nói đều không đủ chứng minh chủ nhân ngôi mộ cổ phát hiện ra ở làng Cao Tây Huyệt là Tào Tháo. Nhưng nếu tập hợp chúng lại xem xét thì xác thực khả năng ngôi mộ này là của Tào Tháo là rất lớn. Nhưng đây có phải là kết luận chắc chắn hai năm rõ mười rằng đó là Cao Lăng của Tào Tháo không? Thực ra vẫn còn có một số điểm nghi vấn.

Nghi vấn xung quanh Cao Lăng

Những người phản đối cho rằng, tuy đã tìm được 8 bia đá có khắc chữ Ngụy Vũ Vương trong mộ, nhưng chưa chắc đã là mộ của Tào Tháo. Có khả năng là Tào Tháo đem những đồ vật của mình ban cho một cận thần hoặc vương tôn quý tộc nào đó. Người nhận được đồ vật vì biểu đạt không quên ân nghĩa, sống chết có nhau nên đã đem những vật đó để vào mộ của mình sau khi chết. Tình huống này trong phát hiện khảo cổ học cũng đã xuất hiện không chỉ 1 lần.

Ví như ở huyện Giang Linh tỉnh Hồ Nam Trung Quốc đã khai quật được một cây mâu, trên có khắc chữ “Ngô Vương Phù Sai tự tác dụng mâu” (Cây mâu do Ngô Vương Phù Sai tự chế tạo và sử dụng), có nghĩa đây là vũ khí mà Ngô Vương Phù Sai luôn mang theo bên mình. Tuy nhiên địa điểm phát hiện ra lại không phải là mộ của Ngô Vương Phù Sai.

Một vật nữa là báu vật mà mọi người đều biết, thanh kiếm có khắc chữ “Việt Vương Câu Tiễn tự tác dụng kiếm” (Thanh kiếm do Việt Vương Câu Tiễn tự chế tạo và sử dụng), cũng được phát hiện ra từ một ngôi mộ của người khác.

Thanh kiếm Việt Vương Câu Tiễn được khai quật từ Lăng mộ Chu ở Hồ Bắc vào năm 1965.
Thanh kiếm Việt Vương Câu Tiễn được khai quật từ Lăng mộ Chu ở Hồ Bắc vào năm 1965. (Wikipedia common)

Còn một điểm nghi hoặc nữa, đó là Cao Lăng phát hiện ra và những ghi chép văn hiến có một số chỗ không phù hợp. Ví dụ trong Tấn Thư, phần Lễ Chí có ghi chép: Tào Phi xây dựng một nhà đá trong đường thông mộ của Tào Tháo và để một ấn tỉ bằng vàng, nhưng trong mộ ở làng Cao Tây Huyệt không những không có ấn tỉ bằng vàng, mà nhà đá cũng không có. Đó có phải là tấm màn bí ẩn vĩnh viễn không thể chứng minh được Cao Lăng là thật hay là giả chăng?

Thực ra không phải, vẫn còn có một biện pháp nghiệm chứng cuối cùng, tức là tìm được di hài hậu thế trực hệ của Tào Tháo, và kiểm tra DNA so với DNA của di hài ở Cao Lăng. Như ở trên nói tìm ra mộ Tào Thực, nhưng đáng tiếc là hài cốt đã bị mất rồi, nên không cách nào giám định DNA được. Hy vọng cuối cùng là một ngày nào đó tìm được mộ của người con cả của Tào Tháo là Ngụy Văn Đế Tào Phi để giám định DNA. Vậy có khả năng tìm được di hài Tào Phi không? Hy vọng vẫn còn rất lớn, vì Tào Phi cũng là một người điển hình tiết kiệm. Ở trên nói đến kim lũ ngọc y, chính là bị Tào Phi phế bỏ. Sử sách ghi chép, Tào Phi căn dặn nhiều lần rằng, sau khi ông chết, nhất định phải an táng đơn giản, nhất định phải tiết kiệm, do đó mộ của ông không hấp dẫn lắm với bọn trộm mộ.

Tuy còn những bí ẩn lịch sử, nhưng cũng chớ vì cái tâm hiếu kỳ của chúng ta và những câu hỏi của chúng ta mà đi quấy nhiễu sự yên nghỉ của tiền nhân, tự nhiên đào lăng mộ của người khác làm gì?

Trung Dung
Theo Wen Zhao Studio



BÀI CHỌN LỌC

Lăng mộ đế vương huyền bí nhất phá giải những nhận thức sai lầm về Tào Tháo suốt hơn 1000 năm [Radio]