Lá trúc làm sao đuổi muỗi? Lão tăng một niệm từ bi kết tiên duyên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đạo sĩ đến chùa tá túc, lão tăng nhường cả chiếc giường của mình, ra ngoài mà ngủ. Một niệm từ bi của lão tăng đã kết thành mối tiên duyên. Đạo sĩ cảm tạ tấm lòng ấy, thi triển tiểu thuật, viết nên điển tích về muỗi độc cắn người hóa thành chữ trên lá trúc...

Vào triều Thanh, có vị lão tăng sống trong một ngôi chùa ở Quảng Đông. Thân tại Phật môn, lão tăng bần khổ thanh tu, trì hằng giữ giới, luôn tự mình kỷ luật nghiêm khắc.

Vào một đêm hè năm nọ, có một vị đạo sĩ tha phương đến xin tá túc, được lão tăng nhiệt tâm tiếp đãi. Mùa hè ở phương Nam tiết trời oi bức, muỗi đã nhiều lại còn độc. Lão tăng nói, rất nhiều người bị muỗi đốt xong da liền viêm loét thối rữa rất khó lành. Vì thế, lão tăng đem áo cà sa của mình nhường cho vị khách đắp để khỏi bị muỗi đốt, và còn nhường cả chiếc giường của mình cho vị khách nghỉ qua đêm.

Vị đạo sĩ vô cùng cảm kích trước tấm lòng từ bi của lão tăng, nói rằng: “Được thiền sư cho ở lại, ta đã nhận rất nhiều ân huệ rồi. Sao nhẫn tâm để thiền sư ngủ bên ngoài chịu muỗi đốt?"

Lão tăng nói: “Ngài từ xa mà đến, đường xá bôn ba đã rất mệt mỏi rồi, không có tấm bố che muỗi sẽ khó mà ngủ yên nên không cần quá khiêm nhượng”. Đạo sĩ thấy khó mà chối từ tấm thịnh tình của lão tăng, liền đến giường của lão tăng ngủ qua đêm.

Lão tăng nguyện nhường chiếc áo cà sau cho đạo sĩ che muỗi, còn nhường cả chiếc giường của mình cho khách nghỉ qua đêm. Bức tranh “Sơn tăng khấu môn” của họa sĩ Kim Nông thời nhà Thanh.

Điều kỳ lại là lão tăng ngủ ở bên ngoài, tuy không có màn che, thế nhưng bình yên vô sự, không bị muỗi đốt. Trong lòng lão tăng thầm ngạc nhiên về việc đó.

Sáng hôm sau vị đạo sĩ trở dậy khỏi giường, hướng về phía lão tăng nói lời cảm ơn: “Đêm qua nhờ ngài nhường giường cho nên bần đạo mới có thể yên giấc. Nhưng đêm qua thiền sư ngủ ngoài trời, chẳng hay có bị muỗi đốt?”

Lão tăng nói: “May có thần tiên che chở, đêm qua không có con muỗi nào đốt ta cả. Nhưng không biết đã xảy ra chuyện gì, chỉ trong một đêm mà toàn bộ muỗi đều biến mất”.

Lúc này đạo sĩ mỉm cười nói: “Bần đạo thực sự cảm kích trước sự từ bi của thiền sư, nên đã thi triển chút tiểu thuật, đem hết số muỗi đó cho đậu lên lá trúc sau vườn. Phàm là lá trúc có muỗi đậu qua đều có thể sinh ra văn tự. Những lá trúc này có thể xua được muỗi, xin ngài đừng quên”.

Lão tăng vô cùng kinh ngạc, bèn đến vườn trúc phía sau kiểm tra hư thực thế nào, quả nhiên, nhìn thấy hàng trăm cây trúc, mỗi cây đều có muỗi đậu, hơn nữa đều đã hóa thành chữ triện.

Lão tăng hết sức vui mừng, vội vã trở về định nói lời cảm tạ, thì phát hiện vị đạo sĩ đã biến mất tự bao giờ. Lão tăng nghĩ thầm, chuyện này vốn là thần tiên đến điểm hóa cho ta. Từ giờ trong chùa sẽ không còn xảy ra nạn muỗi nữa.

Bách tính gần xa sau khi nghe được câu chuyện của lão tăng đã tranh nhau đến chùa xin mua lá trúc đuổi muỗi. Mỗi một lá trúc giá 10 đồng. Chưa đầy một năm, vườn trúc đã bị người ta hái hết. Lão tăng đem số tiền bán lá trúc thu được tu sửa ngôi chùa thành bảo điện trang nghiêm, trong chùa dát vàng dát ngọc rực rỡ. Tuy nói rằng tăng đạo khác đường, nhưng lòng từ bi của lão tăng đã khiến người ta nhớ mãi, tấm lòng vì người khác của ông đã kết nên mối tiên duyên bất hủ.

Những năm Hàm Phong triều Thanh, một người trấn Thường Châu tỉnh Giang Tô tên là Thang Di Phần (1778-1853, tự Nhược Nghi, hiệu là Vũ Sinh) đến Quảng Đông nhậm chức, khi nghe chuyện lá trúc đuổi muỗi đã đến thăm ngôi chùa này, nhưng vườn trúc sớm đã không còn, khiến trong lòng ông không khỏi thất vọng.

Trên đường trở về, Thang Di Phần có ghé qua trường làng nghỉ ngơi, và cùng thục sư* ở đấy bàn về chuyện này. Thục sư nói: “Trước đây tôi và lão tăng từng có giao hảo, được lão tăng tặng cho 10 chiếc lá trúc. Giờ vườn trúc bị người ta vặt sạch rồi, tôi tặng ngài hai chiếc lá trúc vậy”.

Thang Di Phần nghe thục sư nói, trong lòng hết sức mừng rỡ, như thể là ông vừa có được kỳ trân dị bảo. Thang Di Phần đã nhận hai chiếc lá trúc ấy. Ông đem tặng bạn bè một chiếc, một chiếc giữ lại mình dùng. Văn tự viết trên lá trúc là chữ triện, thế là ông đã trang trí lá trúc, biến nó thành một tác phẩm nghệ thuật hiếm có.

Văn sĩ Hứa Phụng Ân được Thang Di Phần mời đến uống rượu ở một tửu lâu. Trong tiệc rượu, Thang Di Phần đã cho Hứa Phụng Ân xem chiếc lá trúc. Nhờ vậy mà Hứa Phụng Ân mới biết được nguồn gốc chiếc lá trúc này, và đem nó viết vào quyển “Lý Thừa”. Câu chuyện về lão tăng thiện lương và lá trúc đuổi muỗi đã được lưu truyền rộng rãi trên đất Trung Nguyên bao la, tương truyền đời này qua đời khác.

*thục sư: thầy tư ở trường làng xưa

Câu chuyện được viết dựa trên cuốn ‘Lý Thừa’ Quyển I.

Thiên Hoa

Theo The Epoch Times Hoa Ngữ.

 



BÀI CHỌN LỌC

Lá trúc làm sao đuổi muỗi? Lão tăng một niệm từ bi kết tiên duyên