Kim Dung tiểu thuyết bình khảo: Giải mã những ẩn số chính trị về ĐCSTQ trong Tiếu Ngạo Giang Hồ (Kỳ 3 - Phần 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một “đặc sản” của Cách mạng Văn hóa, Cải cách ruộng đất, hay các cuộc vận động chính trị khác tương tự đó chính là văn hóa đấu tố. Những cuộc đấu tố đáng ghê sợ diễn ra ở cả hai phe được gọi là chính giáo, tà giáo của Tiếu Ngạo Giang Hồ.

Xem lại: Kỳ 1, Kỳ 2

Kỳ 3 - Phần 1: Những màn đấu tố rùng rợn mang phong cách của Cách mạng Văn hóa trong Tiếu Ngạo Giang Hồ.

Những người trẻ tuổi sống bên trong “bức tường lửa” hiện nay của Trung Quốc chẳng mấy người biết đến những tháng ngày đen tối của cha ông họ mấy chục năm trước. Do chính sách kiểm duyệt thông tin gắt gao của chính quyền và ĐCSTQ, thanh niên Hoa lục ngày nay hầu như mù tịt trước những sự kiện như “Thiên An Môn” năm 1989, Cách mạng Văn hóa từ 1966 - 1976 hay các cuộc vận động chính trị “tanh mùi máu” của ĐCSTQ trong quá khứ. ĐCSTQ sẵn sàng đổi trắng thay đen, nếu cần thì tô vẽ, tẩy xóa hoặc thay đổi lịch sử theo hướng có lợi cho Đảng; đồng thời khuyến khích sự sùng bái vật chất, thỏa mãn dục vọng của cá nhân để khiến giới trẻ trở nên vô cảm và ích kỷ, coi lịch sử là một thứ mơ hồ rắc rối và chẳng liên quan gì đến bản thân. Nhưng trong ký ức của những người lớn tuổi hiện nay ở Trung Quốc, những ngày tháng kinh khủng đó mãi mãi vẫn khiến họ không thể nào quên được. Mạc Ngôn - nhà văn Trung Quốc (sinh năm 1955) đã từng thắng giải Nobel văn chương năm 2012 viết:

“Trước những năm 80 của thế kỷ trước, Trung Quốc là quốc gia đâu đâu cũng là “đấu tranh giai cấp”. Dù ở thành phố hay nông thôn, luôn có một bộ phận người luôn phải gánh chịu sự áp bức và kiểm soát của những người khác chỉ vì các loại nguyên nhân vô lý khác nhau.

Nhiều lần, mỗi khi nghe thấy từ trong phòng làm việc của làng phát ra những tiếng kêu la thảm thiết của những người được gọi là phần tử xấu bị những cán bộ trong làng và những kẻ tay sai đánh đập tra tấn một cách dã man, tôi đều run rẩy sợ hãi tới cực điểm. Nỗi sợ hãi này khủng khiếp hơn rất nhiều so với những cơn lo sợ khủng hoảng do yêu ma quỷ quái tạo nên.

Mỗi khi nghe thấy tiếng kêu la thảm thiết của những người được gọi là phần tử xấu bị những cán bộ trong làng và những kẻ tay sai đánh đập tra tấn một cách dã man, tôi đều run rẩy sợ hãi tới cực điểm.
Mỗi khi nghe thấy tiếng kêu la thảm thiết của những người được gọi là phần tử xấu bị những cán bộ trong làng và những kẻ tay sai đánh đập tra tấn một cách dã man, tôi đều run rẩy sợ hãi tới cực điểm. (Epoch Times)

Lúc này tôi mới hiểu được hàm nghĩa xác thực trong câu nói của mẹ tôi. Tôi vốn tin lời mẹ nói, đó là dã thú và quỷ quái trên đời này đều sợ người. Bây giờ tôi mới hiểu, trên thế gian, hết thảy mãnh thú hay ma quỷ đều không đáng sợ bằng những người đã đánh mất lý trí và lương tri kia.

Trên thế giới quả thực có những người đã bị hổ sói làm hại, cũng có những câu chuyện yêu ma quỷ quái hại người, nhưng khiến cho hơn hàng mấy chục triệu người chết oan lại là con người, khiến cho hàng chục triệu người bị tra tấn ngược đãi cũng là con người. Và sự ca ngợi đối với những hành vi tàn khốc này là bệnh thái của xã hội.

Tuy thời đại đen tối giống như “Đại Cách mạng Văn hóa” đã kết thúc hơn 20 năm rồi, cái gọi là “đấu tranh giai cấp” cũng đã bị hủy bỏ, nhưng những người đã trải qua thời đại đó giống tôi nghĩ lại vẫn còn thấy rùng mình.

Mỗi lần trở về quê nhà, nhìn thấy những người năm xưa đã từng hoành hành ngang ngược kia, dù họ mặt mày tươi cười với tôi, nhưng tôi vẫn là khom lưng cúi đầu, trong lòng chất chứa nỗi sợ hãi một cách không tự chủ.

Mỗi khi đi ngang qua những ngôi nhà đã từng tra tấn đánh đập người ta, dù cho những gian nhà đó đã tan hoang, sắp đổ sụp xuống, nhưng tôi vẫn có cái cảm giác không lạnh mà run, giống như tôi biết rõ trên cây cầu đá nhỏ vốn không có ma quỷ gì, nhưng vẫn vừa chạy vừa kêu la lớn tiếng vậy.”

Tuy “Đại Cách mạng Văn hóa” đã kết thúc hơn 20 năm rồi, cái gọi là “đấu tranh giai cấp” cũng đã bị hủy bỏ, nhưng những người đã trải qua thời đại đó giống tôi nghĩ lại vẫn còn thấy rùng mình.
Tuy “Đại Cách mạng Văn hóa” đã kết thúc hơn 20 năm rồi, cái gọi là “đấu tranh giai cấp” cũng đã bị hủy bỏ, nhưng những người đã trải qua thời đại đó giống tôi nghĩ lại vẫn còn thấy rùng mình. (Epoch Times)

Vậy còn với nhà văn Kim Dung, Cách mạng Văn hóa đã ảnh hưởng gì đến ông?

Từ thập niên 60 đến thập niên 70, Kim Dung và tờ báo ông sáng lập ở Hong Kong - Minh Báo - trở thành tờ báo chống đối quyết liệt nhất Cách mạng Văn hóa ở đại lục cùng những tay trùm cộng sản Trung Quốc như Mao Trạch Đông và “bè lũ bốn tên”. Minh Báo, dưới sự điều hành của Kim Dung đã trở thành một nơi tập hợp và nghiên cứu tin tức về Cách mạng Văn hóa, giúp người dân Hong Kong sáng tỏ về bản chất độc tài, phản văn hóa và vô nhân tính của cuộc vận động này ở đại lục, đồng thời ngăn chặn những tư tưởng cánh tả nguy hiểm này trỗi dậy ở Hong Kong. Vì việc làm ấy, Kim Dung trở thành nhân vật số 2 trong 5 người cần phải tiêu diệt của cánh tả cuồng tín và thân Mao tại Hong Kong, đến mức Kim Dung đã phải đưa cả gia đình đi lánh nạn tại Singapore.

Cho đến nay, Hong Kong vẫn được xem là nơi lưu trữ tốt nhất những báo cáo, công trình nghiên cứu về Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản, một phần nhờ vào những đóng góp của Kim Dung.

Nhưng chẳng nghiên cứu hay báo cáo nào về Cách mạng Văn hóa lại trở nên sống động như trong Tiếu Ngạo Giang Hồ.

Một “đặc sản” của Cách mạng Văn hóa, Cải cách ruộng đất, hay các cuộc vận động chính trị khác tương tự đó chính là văn hóa đấu tố. Những cuộc đấu tố đáng ghê sợ diễn ra ở cả hai phe được gọi là chính giáo, tà giáo của Tiếu Ngạo Giang Hồ.

Một “đặc sản” của Cách mạng Văn hóa, Cải cách ruộng đất, hay các cuộc vận động chính trị khác tương tự đó chính là văn hóa đấu tố.
Một “đặc sản” của Cách mạng Văn hóa, Cải cách ruộng đất, hay các cuộc vận động chính trị khác tương tự đó chính là văn hóa đấu tố. (Epoch Times)

Những màn đấu tố và sát hại kinh tâm động phách trong Tiếu Ngạo Giang Hồ

“Chính giáo” cũng đấu tố

“Đấu tố” theo từ điển Tiếng Việt Hoàng Phê 2018 được dẫn nguyên văn: “Tố cáo tội ác và đấu tranh để đánh đổ trước hội nghị quần chúng (từ thường dùng trong cuộc vận động cải cách ruộng đất)”.

Ở chương 40, 41 của Tiếu Ngạo Giang Hồ chúng ta được chứng kiến màn đấu tố của những nhân vật phe chính giáo thuộc Ngũ Nhạc kiếm phái với Lưu Chính Phong phái Hành Sơn - một thành viên của Ngũ Nhạc kiếm phái.

Lưu Chính Phong là nhân vật trưởng bối lừng lẫy giang hồ thuộc phái Hành Sơn bỗng nhiên rửa tay gác kiếm quy ẩn. Trong buổi lễ “rửa tay chậu vàng” có sự góp mặt của đông đảo bạn hữu giang hồ của ông ta, Lưu Chính Phong đã bị Tả Lãnh Thiền, chưởng môn phái Tung Sơn, minh chủ của Ngũ Nhạc Kiếm Phái sai người ngăn cản. Tới lúc đó, quan khách mới biết lý do quy ẩn của Lưu Chính Phong. Số là, xưa nay Ngũ Nhạc Kiếm Phái - được cho là chính giáo, xung đột với Triêu Dương thần giáo - bị coi là tà giáo hay Ma giáo, như nước với lửa. Mà đã phân chính tà, địch ta, ta tốt địch xấu, thì dứt khoát không thể giao thiệp với kẻ địch. Đằng này Lưu Chính Phong lại kết thành tri kỷ với trưởng lão Khúc Dương của Ma giáo qua nỗi đồng cảm đam mê về cung đàn điệu sáo là điều mà các nhân sĩ võ lâm phe chính giáo không thể chấp nhận được. Bởi vậy mà hầu hết bạn hữu với Lưu Chính Phong trong buổi tiệc đều trở mặt thành thù, khiến cho gia đình Lưu Chính Phong đơn độc trước kế hoạch tru diệt của phái Tung Sơn. Và đó là lúc mà màn sát hại và đấu tố con đấu cha, trò đấu thầy rùng rợn bắt đầu:

Lưu Chính Phong kết tri kỷ với trưởng lão Khúc Dương của Ma giáo là điều mà các nhân sĩ võ lâm phe chính giáo không thể chấp nhận được.
Lưu Chính Phong kết tri kỷ với trưởng lão Khúc Dương của Ma giáo là điều mà các nhân sĩ võ lâm phe chính giáo không thể chấp nhận được. (Baike.baidu.com)

“Giữa lúc ấy mười mấy người từ trong hậu đường đi ra. Ðây là Lưu Chính Phong Lưu phu nhân cùng hai đứa nhỏ và đệ tử họ, tất cả bảy người. Sau mỗi người đều có một tên đệ tử phái Tung Sơn, tay cầm đao trủy thủ dí vào sau lưng bọn Lưu phu nhân.

Phí Bân đón lấy cây ngũ sắc lệnh kỳ trong tay gã, giơ cao lên tuyên bố:

- Lưu Chính Phong hãy nghe đây! Tả minh chủ có lệnh truyền trong vòng một tháng mà ngươi không chịu giết Khúc Dương thì lập tức Ngũ nhạc kiếm phái phải thanh toán nội bộ để khỏi có mối lo về sau. Ðã nhổ cỏ phải nhổ tận gốc, quyết chẳng dung tình. Ngươi hãy nghĩ kỹ đi.

Phí Bân dõng dạc nói:

- Ðây là việc của một mình Lưu Chính Phong không liên can gì đến các đệ tử khác phái Hành Sơn. Vậy bọn đệ tử phái Hành Sơn không cam tâm phụ trợ nghịch đồ thì phải mau mau qua mé bên tả.

Hồi lâu, một hán tử thanh niên nghẹn ngào lên tiếng:

- Lưu sư bá! Bọn đệ tử cam đành đắc tội với sư bá.

Rồi hơn 30 tên đệ tử phái Hành Sơn sang đứng bên quần ni phái Hằng Sơn.

...

Gã đệ tử phái Tung Sơn tên gọi Ðịch Tu đứng ở đằng sau người con lớn của Lưu Chính Phong dạ một tiếng rồi nhẹ nhàng chí mũi đoản kiếm trong tay qua làn da sau lưng Lưu công tử.

Lục Bách vẫn giữ giọng âm trầm nói:

- Lưu Chính Phong! Ngươi muốn năn nỉ thì theo chúng ta lên núi Tung Sơn ra mắt Tả minh chủ để năn nỉ với người. Chúng ta vâng mệnh minh chủ không thể tự quyết định được. Ngươi trả trả lệnh cờ tức khắc và buông tha Phí sư đệ ngay đi .

Lưu Chính Phong nở một nụ cười thê thảm nhìn con hỏi:

- Hài nhi! Ngươi có sợ chết không?

Lưu công tử đáp:

- Hài nhi đã nghe lời gia gia quyết không sợ chết.

Lưu Chính Phong nói:

- Thế thì hay lắm!

Lục Bách quát lên:

- Giết đi!

Ðịch Tu liền phóng kiếm về phía trước suốt qua sau lưng thấu vào trái tim Lưu công tử. Thanh đoản kiếm vừa rút ra, Lưu công tử té xuống liền, máu tươi trào ra như suối. Lưu phu nhân thét lên một tiếng nhảy xổ về phía thi thể con mình.

Lục Bách lại quát lên:

- Giết đi!

Ðịch Tu giơ kiếm lên phóng tới. Thanh kiếm lại đâm vào sau lưng Lưu phu nhân.

...

Lục Bách lại quát lên:

- Giết nữa đi!

Hai tên đệ phái Tung Sơn lại phóng đoản kiếm giết chết hai tên đệ tử nhà họ Lưu.

Lục Bách lớn tiếng:

- Ðệ tử Lưu môn hãy nghe đây! Tên nào muốn sống thì quỳ xuống năn nỉ kể tội Lưu Chính Phong ta sẽ tha chết cho.

Con gái Lưu Chính Phong là Lưu Tinh căm giận quát mắng:

- Quân gian tặc kia! Phái Tung Sơn các ngươi còn gian ác gấp trăm ngàn lần Ma giáo.
Lục Bách thét:

- Giết đi!

Vạn Thái Bình giơ trường kiếm lên chém sã bả vai bên hữu thẳng xuống Lưu Tinh. Sử Ðăng Ðạt cùng bọn đệ tử phái Tung Sơn cũng chém mỗi tên một nhát. Bao nhiêu đệ tử phái Hành Sơn đã bị điểm huyệt kiềm chế rồi, bây giờ bị giết sạch.

Quần hùng trong nhà đại sảnh, tuy đều đã trải qua nhiều trận đao kiếm mà thấy vụ giết chóc thê thảm này cũng không khỏi kinh tâm động phách.

Có mấy vị anh hùng tiền bối muốn đứng ra ngăn cản nhưng phái Tung Sơn động thủ quá lẹ, chỉ chần chờ một chút là thây chết đã nằm ngổn ngang khắp sảnh đường.

Trong buổi lễ “rửa tay chậu vàng” có sự góp mặt của đông đảo bạn hữu giang hồ, Lưu Chính Phong đã bị Tả Lãnh Thiền, chưởng môn phái Tung Sơn sai người ngăn cản.
Trong buổi lễ “rửa tay chậu vàng” có sự góp mặt của đông đảo bạn hữu giang hồ, Lưu Chính Phong đã bị Tả Lãnh Thiền, chưởng môn phái Tung Sơn sai người ngăn cản. (Baike.baidu.com)

Mọi người tự nhủ:

- Trước nay chính tà không thể chung sống. Cử động này của phái Tung Sơn tuy tàn bạo, nhưng không phải để báo thù riêng với Lưu Chính Phong mà là vì mục đích đối phó với Ma giáo, vậy họ có ra tay tàn nhẫn một chút cũng không phải là đại tội. Hơn nữa phái Tung Sơn đã kiềm chế toàn cục, cả Ðịnh Dật sư thái phái Hằng Sơn danh tiếng lẫy lừng cũng cúp đuôi bỏ đi.

Còn Thiên Môn đạo nhân, Nhạc Bất Quần là những tay cao thủ hơn đều không lên tiếng. Ðây là việc riêng của Ngũ nhạc kiếm phái, mình là người ngoài can thiệp vào làm chi? Nếu miễn cưỡng xuất đầu tất khó lòng tránh khỏi cái họa sát thân. Chi bằng tự giữ lấy mình mới là người trí.

Bọn đệ tử Lưu môn bị giết sạch rồi chỉ còn lại đứa nhỏ tên gọi Lưu Cần mà Lưu Chính Phong rất yêu dấu. Thằng nhỏ này năm nay 15 tuổi. Gã mặt thanh mày sáng, thông minh lanh lợi. Hoàng Diện Gia Cát Lục Bách đã tra rõ minh bạch biết Lưu Chính Phong cực kỳ sủng ái đứa con nhỏ này. Hắn dùng gã để đưa ra ngón đòn tối hậu với Lưu Chính Phong, liền quay lại bảo Sử Ðăng Ðạt:

- Ngươi thử hỏi thằng nhỏ đó xem gã đã chịu van xin tha chưa? Nếu không thì cắt mũi xẻo tai trước rồi móc mắt sau để gã phải đau khổ muôn vàn.

Sử Ðăng Ðạt dạ một tiếng, đoạn quay lại hỏi Lưu Cần:

- Ngươi có van xin không?

Lưu Cần sợ quá mặt tái mét, toàn thân run bần bật.

Lưu Chính Phong an ủi gã:

- Hảo hài tử! Con hãy coi gương anh chị con chết một cách oanh liệt là thế! Bây giờ dù họ có giết con thì cứ việc mà giết can chi phải sợ hãi?

Lưu Cần giọng run run nói:

- Nhưng... nhưng.. gia gia ơi!.. Họ lại xẻo mũi... móc mắt... hài nhi.

Lưu Chính Phong cười ha hả nói:

- Ðã đến nước này, chẳng lẽ ngươi còn hòng họ buông tha chúng ta nữa ư?

Lưu Cần ấp úng:

- Gia gia ơi!... Gia gia chịu lời chịu giết... Khúc bá bá...

Lưu Chính Phong tức quát mắng:

- Thằng tiểu súc sinh kia! Không được nói bậy! Mi bảo sao?

Sử Ðăng Ðạt khoa lưỡi kiếm vào trước mũi Lưu Cần nói:

- Tiểu tử! Nếu mi không quỳ xuống năn nỉ thì lưỡi kiếm này hớt mũi mi ngay tức khắc.

Nào... Một... Hai... Ba...

Sử Ðăng Ðạt vừa đếm dứt tiếng "ba", Lưu cần co gối quỳ mọp ngay xuống, van lơn:

- Ðừng.. giết cháu...

Lục Bách cười nói:

- Hay lắm! Mi muốn chúng ta buông tha cũng chẳng khó gì. Ta chỉ cần mi tố cáo trước các vị anh hùng thiên hạ hiện diện ở đây những điều lầm lỗi của Lưu Chính Phong mà thôi.

Lưu Cần đăm chiêu ngó phụ thân bằng cặp mắt đầy vẻ van lơn.

Lưu Chính Phong vốn người rất bình tĩnh. Vợ con lão bị thảm tử trước mắt mà da mặt vẫn không rung động chút nào. Thế mà bây giờ lão không nén nổi cơn tức giận, lớn tiếng quát:

- Tiểu súc sinh! Mi hành động hèn nhát như vậy thì còn mặt mũi nào trông thấy mẫu thân mi nữa?

Lưu Cần đưa mắt ngó mẫu thân, ca ca cùng tỷ tỷ nằm chết trên vũng máu. Một mặt Sử Ðăng Ðạt vẫn tiếp tục khoa kiếm vào trước mũi làm cho gã sợ đến vỡ mật.

Gã nhìn Lục Bách năn nỉ:

- Xin lão gia tha cho cháu... tha cả gia gia cháu nữa.

Lục Bách nói:

- Gia gia mi cấu kết với quân ác nhân trong Ma giáo... như vậy có được không? Mi thử nói nghe!

Lưu Cần khẽ lắp bắp:

- Không... không được.

Lục Bách nói:

- Hạng người như vậy có đáng giết đi không?

Lưu Cần cúi đầu xuống không dám trả lời.

Lục Bách nói:

- Thằng lỏi này không chịu nói. Chém phứt gã đi cho rồi!

Sử Ðăng Ðạt dạ một tiếng. Nhưng hắn biết Lục Bách nói câu đó là cốt hăm dọa thằng nhỏ chứ không phải giết thật. Hắn vung kiếm lên như định chém xuống.

Lưu Cần vội nói:

- Nên... nên giết.

Lục Bách nói:

- Hay lắm! Từ đây trở đi mi không phải là người phái Hành Sơn mà cũng không phải là con Lưu Chính Phong nữa. Ta tha mạng cho mi đó.

Lưu Cần vẫn quỳ mọp dưới đất. Hai đùi gã nhũn ra không đứng dậy được.

Quần hùng nhìn cảnh tượng này cũng lấy làm xấu hổ thay, không nhịn được. Có người quay đầu nhìn ra chỗ khác.

Lưu Chính Phong buông tiếng thở dài nói:

- Họ Lục kia! Thế là ngươi thắng rồi!

Lão vung tay phải liệng cây cờ về phía Lục Bách. Ðồng thời chân trái đá hất Phí Bân ra, dõng dạc nói:

- Lưu mỗ nay đã thân danh tan nát, thôi chẳng giết người làm chi nữa.

Tay trái cầm ngang thanh kiếm đưa lên cổ toan tự vẫn.” (1)

Tay trái cầm ngang thanh kiếm đưa lên cổ toan tự vẫn.
Ảnh minh họa. (Pxhere)

Còn ở bên “tà giáo” thì sao?

Màn đấu tố tái diễn với một đại công thần của giáo phái Triêu Dương - trưởng lão Đổng Bách Hùng, chỉ khác lần trước ở Lưu phủ, lần này trên Hắc Mộc Nhai; trước ở cái gọi là “chính giáo”, lần này ở Ma giáo; còn về phần thủ đoạn thâm độc khai thác những góc tối tăm nhất trong tâm hồn con người như tham sống sợ chết, tham danh lợi bạc tình nghĩa... khiến những người thân thích cũng trở mặt đấu tố lẫn nhau thì không có gì khác biệt:

“Ðổng Bách Hùng cười nói:

– Ðổng mỗ gần tám chục tuổi đầu, sống đã quá đủ rồi thì còn sợ gì hậu quả nữa?

Dương Liên Ðình quát:

– Dẫn người lên đây!

Tên hầu áo tía dạ một tiếng.

Tiếp theo những tiếng xiềng xích loảng xoảng vang lên. Mười mấy người bị áp giải vào đại điện, có nam có nữ và cả mấy đứa con nít độ bảy tám tuổi.

Ðổng Bách Hùng thấy bọn người này tiến vào, lập tức lão biến sắc quát hỏi:

– Dương Liên Ðình! Bậc đại trượng phu mình làm mình chịu. Ngươi bắt cả con cháu ta đến đây làm chi?

Tiếng lão quát làm chấn động màng tai mọi người.

Dương Liên Ðình lại hỏi:

– Trong những người nhà Ðổng gia có tên nào thuộc điều thứ ba trong bản giáo huấn của giáo chủ thì đọc ra cho mọi người nghe!

Một thằng nhỏ chừng mười tuổi cất tiếng đọc:

– Văn thành võ đức, nhân nghĩa quang minh. Ðiều thứ ba trong bản giáo huấn của giáo chủ là: Ðối với kẻ thù nghịch cần phải tàn độc. Nhổ cỏ trừ rễ. Già trẻ gái trai, giết cho kỳ hết, đừng để một mống.

Dương Liên Ðình khen: – Giỏi lắm! Giỏi lắm! Nhỏ kia! Mười điều giáo huấn của giáo chủ ngươi đều thuộc lòng cả ư?

Thằng nhỏ đáp:

– Tiểu tử thuộc hết. Hàng ngày không đọc đến bản giáo huấn của giáo chủ là ăn không ngon miệng, ngủ không yên giấc. Hễ đọc giáo huấn của giáo chủ là luyện võ tiến bộ rất mau, đấm đá thêm phần khí lực.

Dương Liên Ðình cười hỏi:

– Ðúng lắm! Ai dạy ngươi nói câu đó?

Thằng nhỏ đáp:

– Gia gia của tiểu tử dạy thế!

Dương Liên Ðình trỏ vào Ðổng Bách Hùng hỏi:

– Lão kia là ai?

Thằng nhỏ đáp:

– Ðó là tổ phụ của tiểu tử.

Dương Liên Ðình hỏi:

– Tổ phụ ngươi không đọc bản giáo huấn của giáo chủ, không nghe lời giáo chủ. Trái lại y còn phản đối giáo chủ thì ngươi tính sao?

Thằng nhỏ đáp:

– Nếu vậy thì tổ phụ lầm lỗi. Bất cứ ai cũng phải đọc bảo huấn của giáo chủ và nghe lời giáo chủ truyền dạy.

Dương Liên Ðình quay lại hỏi Ðổng Bách Hùng:

– Tôn nhi ngươi là đứa nhỏ lên mười còn biết rõ đạo lý. Ngươi đã bấy nhiêu tuổi đầu, sao lại hồ đồ đến thế?

Ðổng Bách Hùng đáp:

– Ta có nói chuyện với hai vị họ Nhậm và họ Hướng. Bọn họ bảo ta phản giáo chủ nhưng ta không nghe. Ðổng Bách Hùng này nói một là một, hai là hai, quyết chẳng làm việc gì phạm lỗi với người.

Lão thấy trong mấy người trong nhà cả già lẫn trẻ bị bắt đưa vào, nên giọng lưỡi cũng phải mềm nhũn một phần.”(2)

Thậm chí, một kẻ đã chết như Đông Phương Bất Bại cũng bị đấu tố, để những kẻ đang sống mới đây còn là tay “tâm phúc”, kẻ “thân tín”... vạch rõ lập trường, chiến tuyến với hắn hòng thoát tội hay mưu cầu những danh lợi khi xun xoe quỵ lụy với “nhà cầm quyền” mới:

“Tiếp theo Lệnh Hồ Xung lại nghe vang lên những lời chúc tụng của các đường chúa, hương chủ thốt ra. Chàng cảm thấy thanh âm của bọn này đượm vẻ hồi hộp lo âu. Chắc họ tự biết trong mười mấy năm qua vì tỏ ra hết dạ trung thành với Ðông Phương Bất Bại, ngoài những lời chúc tụng sáo mép, họ đã đưa ra những câu phỉ báng tiền nhiệm giáo chủ là Nhậm Ngã Hành để gièm pha lão, đồng thời làm cho nổi bật vai trò của Ðông Phương Bất Bại. Nay Nhậm Ngã Hành trở lại ngôi giáo chủ, lão mà bới móc chuyện cũ thì bọn chúng khó lòng tránh khỏi cái họa bay đầu.

Chàng còn phân biệt một số đê hèn chưa từng biết mặt Nhậm Ngã Hành chỉ một lòng xu phụ quyền thế. Trước kia chúng ton hót Ðông Phương Bất Bại và Dương Liên Ðình để được mau thăng chức và tránh tai họa thì này sự thay quyền đổi chủ đối với họ là kẻ vi thần vẫn chẳng có nghĩa gì. Những người này kéo gân cổ lên mà ca ngợi tân giáo chủ để được lão chú ý đến.

Chàng đang còn ngẫm nghĩ thì thấy bọn thuộc hạ lại nhao nhao lên kể tội ác của Ðông Phương Bất Bại.

Thậm chí có người tố cáo Ðông Phương Bất Bại ăn một bữa 5 con heo, 3 con bò với hàng chục con dê, khiến Lệnh Hồ Xung không khỏi nghĩ thầm:

– Ðông Phương Bất Bại dù ăn khỏe đến đâu cũng chẳng bụng dạ nào mà chứa được bấy nhiêu thứ. Chắc hắn còn mời bạn bè hoặc cho thuộc hạ cùng ăn mới hết nhiều như vậy. Hắn là giáo chủ một giáo phái thì việc mổ bò hay mổ heo để thết khách đâu có phải là một đại tội được?

Về sau còn bao nhiêu người thi nhau tố cáo tội trạng của Ðông Phương Bất Bại và đi sâu vào những chi tiết nhỏ mọn, vu vơ. Nào là hắn hỉ nộ thất thường, chợt cười chợt khóc. Nào là hắn mặc xiêm y sặc sỡ, ru rú trong phòng không chịu chường mặt ra trông nom giáo vụ, người thì bảo Ðông Phương Bất Bại kiến thức hẹp hòi, tính tình ngu xuẩn làm việc hồ đồ. Lại có kẻ nói võ công hắn kém cỏi chỉ ỷ thế hăm người chứ không có bản lãnh chân thật nào hết.

Về điểm này thật là vu cáo, Lệnh Hồ Xung không nhịn được lẩm bẩm:

– Bọn các người quen thói dậu đổ bìm leo, thóa mạ chủ cũ chẳng tiếc lời. Về mọi điều các người tố cáo đúng hay sai ta không thể biết được, nhưng bảo bản lãnh Ðông Phương Bất Bại kém cỏi thì thật là láo toét. Vừa mới đây bọn ta năm người chọi một mà phải chiến đấu liều mạng vẫn không thắng được hắn cơ hồ phải bỏ mình dưới mũi kim thêu của hắn. Ðến Ðông Phương Bất Bại mà còn cho là bản lãnh tầm thường thì khắp thiên hạ còn ai đáng được kể là võ công cao cường nữa? Bọn này ăn nói hồ đồ đến thế mà sao không thấy Nhậm Ngã Hành thổ lộ ý kiến gì về những điều vu hoặc này.

Tiếp theo có người lên tiếng:

– Ðông Phương Bất Bại đam mê tửu sắc, hoang dâm vô độ. Nhất là mấy năm gần đây hắn cưỡng hiếp con gái nhà lương thiện, dâm loạn cả vợ con giáo chúng và sinh ra vô số con hoang.

Lệnh Hồ Xung nghĩ bụng:

– Ðông Phương Bất Bại vì luyện võ công trong Quỳ Hoa bảo điển mà phải thiến bộ phận sinh dục chẳng khác gì một tên thái giám. Có lý đâu y còn dâm loạn đàn bà và sinh con được?

Chàng nghĩ tới đây không nhịn được nữa phải phì cười.” (3)

Kim Dung lấy cảm hứng cho những sáng tác này từ những nhân vật, sự kiện lịch sử nào? Chúng ta cùng theo dõi Kỳ cuối của loạt bài

Kỳ cuối: Những màn đấu tố rùng rợn mang phong cách của Cách mạng Văn hóa trong Tiếu Ngạo Giang Hồ (Phần 2)

Nguyên Phong
Chú thích: (1), (2), (3) trích Tiếu Ngạo Giang Hồ



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Kim Dung tiểu thuyết bình khảo: Giải mã những ẩn số chính trị về ĐCSTQ trong Tiếu Ngạo Giang Hồ (Kỳ 3 - Phần 1)