Kiêu hãnh và Định kiến: Một câu chuyện tình yêu mang đầy tính nhân văn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Jane Austen đã đưa đến một thông điệp, sự tiếp xúc của chúng ta với cuộc sống này chỉ có một mục đích, đó là để đánh thức trái tim mình, để nhận ra những truy cầu và dính mắc của con người, để tìm được những giá trị đạo đức ẩn sâu bên trong chúng ta và người khác.

Kiêu hãnh và Định kiến là tựa đề cho cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Austen. Chủ đề chính của câu chuyện là tình yêu và hôn nhân, nhưng các nhân vật chính trong truyện thường thể hiện quanh hai đặc điểm: kiêu hãnh và định kiến. Và từ đây, Austen đã đưa câu chuyện tình yêu xoay quanh hai đặc điểm này, để tạo nên một chuyện tình mang đầy kịch tính và tính nhân văn sâu sắc.

Darcy với tài sản to lớn, địa vị quyền thế và danh vọng, anh có niềm kiêu hãnh về những gì vốn có của bản thân, cho rằng mình cao hơn tất cả và xem thường mọi người, đặc biệt là gia đình Bennet. Khi Elizabeth ngụ ý về tính kiêu hãnh của Darcy, anh phản biện lại rằng “Nhưng kiêu hãnh – khi có đầu óc khá hơn người, kiêu hãnh luôn luôn có chừng mực", và anh cho phép mình kiêu hãnh trong cái “chừng mực” mà anh cho là chính đáng ấy.

Tại sao Austen lại để Darcy rơi vào vòng xoay tình ái với Elizabeth? Bởi vì Darcy cần phải học những bài học của bản thân mình thông qua Elizabeth, và ngược lại Elizabeth cũng thế, đó là cách mà cuộc sống tạo cơ hội cho mỗi người nhận ra sai lầm của mình và sửa chữa. Nếu có thể làm tốt, cuộc sống sẽ ban tặng cho chúng ta những món quà đáng giá.

Darcy tự xem mình là một quý tộc giàu có, quan trọng, nhưng đó chỉ là sự thật bề ngoài về sự tồn tại của anh. Trước khi gặp Elizabeth, anh đã nghĩ mình đang sống một cuộc sống có giá trị cao với nhân phẩm đáng kính trọng, trong khi thực tế thì anh ích kỷ, kiêu ngạo và hay xúc phạm người khác. Darcy đã gặp Elizabeth và bị cuốn hút bởi “đôi mắt huyền” của cô. Đề rồi sau hàng loạt hiểu lầm và định kiến, khi mà tình yêu anh dành cho cô trở nên sâu đậm và mãnh liệt, anh lại được nhìn thấy con người thật của chính mình qua “đôi mắt” nghiêm khắc của Elizabeth.

Elizabeth và Darcy trong phim "Kiêu ngạo và định kiến" được sản xuất vào năm 1940. (Ảnh thuộc phạm vi công cộng)

Khi Darcy khoe “giá trị giả” của mình về vị thế cao sang dựa trên tiền bạc và địa vị, cũng như sự khinh khi của anh ấy với gia đình Elizabeth, Elizabeth đã vạch rõ cho anh thấy đâu là những “giá trị thật” mà anh thiếu hụt: “cái kiêu căng của anh, cái ngạo mạn của anh, và cái ích kỷ đáng khinh của anh đối với cảm nghĩ của những người khác, đến nỗi đây là cơ sở khiến tôi không chấp nhận anh”. Cô khiến anh ý thức được một điều gì đó có giá trị hơn tài sản hoặc địa vị của mình.

Vai trò của Elizabeth trong chuyện này là gì? Elizabeth là người đầu tiên đã dám “sỉ nhục” Darcy, phê phán tính cách của anh. Cô đã “đánh thức” Darcy và để anh tự nhận thức, đây là lần đầu tiên Darcy có cơ hội nghe sự thật, giúp anh tự nhìn vào bên trong con người mình. Austen đã “chọn” Elizabeth cho Darcy, bởi chỉ có cô mới có đủ sức mạnh để vượt qua mọi “cám dỗ” về “bề ngoài” của anh, để không ngưỡng mộ và chấp nhận anh ngay từ đầu, nếu không Darcy sẽ nhận lấy sự ngưỡng mộ đó như của một người tầng lớp thấp dành cho một người ở vị trí cao hơn và anh sẽ không bao giờ phát hiện ra tính cách thực sự của Elizabeth hay của chính mình.

Sức mạnh của Darcy ở chỗ anh dám thừa nhận sai lầm và quyết tâm thay đổi. Elizabeth đã “trói buộc” anh vào những định kiến của mình, khiến anh phải giải quyết chúng để chinh phục trái tim cô. Một Darcy tốt đẹp hơn, vị tha và chân thành hơn đã “trưởng thành” từ quá trình này. Anh sẵn sàng để kết hôn trong một gia đình có ba người em gái ngớ ngẩn, một bà mẹ đáng xấu hổ, và một người em rể như Wickham “dối trá”. Anh trở nên bao dung hơn với những lỗi lầm của người khác, vì giờ đây anh đã có được nhận thức về giá trị thật sự của một con người chân chính.

Anh không còn ban bố tình yêu “một cách miễn cưỡng” nữa, thay vào đó anh “dâng hiến” tình cảm cao thượng và chân thành nhất dành cho Elizabeth. Khi cầu hôn cô lần đầu, anh chỉ coi trọng bản thân mình chứ nào phải tình yêu dành cho cô “Cô có thể mong tôi được vui trong vị thế thấp kém khi quan hệ với cô hay sao? Mong tôi tự chúc mừng về hy vọng của những người thân, những người có điều kiện hoàn toàn thấp hơn tôi hay sao?

Khi anh cầu hôn cô lần nữa tại Longbourn, anh đã gạt bỏ được tất cả những suy nghĩ về địa vị xã hội, gia tộc cao sang và tiền bạc, từ bỏ hoàn toàn tính kiêu hãnh khinh người của mình. “Anh không thể nghĩ đến cách cư xử của anh lúc trước mà không thấy ghê tởm”.

Đây quả là một quá trình tuy “đau đớn” nhưng đầy tuyệt vời của việc “tăng trưởng” về đạo đức của Darcy. Anh đã dũng cảm thừa nhận “Em đã dạy cho anh một bài học, ban đầu bài học đúng là khó khăn, nhưng bổ ích nhất”. Darcy thay đổi từ cao ngạo thành khiêm tốn, từ ích kỷ thành vị tha, từ khinh người thành chân thành yêu thương. Darcy của đầu câu chuyện là một kẻ kiêu hãnh, Darcy ở cuối câu chuyện lại thành một quý ông đích thực, nhận thức rõ ràng về bản thân mình. Và “vấn đề” duy nhất anh cần “giải quyết” chính là thay đổi bản thân mình, mọi rắc rối của anh tự nhiên tháo gỡ, cuộc sống lập tức đáp ứng mọi kỳ vọng của trái tim anh, mang Elizabeth “thân thương” trở lại bên anh.

Darcy nói với Elizabeth: "Em phải cho phép anh nói với em rằng anh ngưỡng mộ và yêu em biết nhường nào!"
Darcy nói với Elizabeth: "Em phải cho phép anh nói với em rằng anh ngưỡng mộ và yêu em biết nhường nào!" (Ảnh thuộc phạm vi công cộng)

Về phần Elizabeth, lá thư mà Darcy gửi cho cô là mấu chốt giải quyết mọi mâu thuẫn. Hãy xem tâm tư Elizabeth chuyển biến ra sao qua việc đọc thư. Những cảm xúc mạnh mẽ nhất xuất hiện trong lần đầu Elizabeth đọc lá thư của Darcy, khi cô vẫn mang “định kiến mạnh mẽ chống lại mọi điều anh có thể nói”“cô muốn bác bỏ tất cả”.

Tất cả những điều Darcy viết đều phản biện lại định kiến của cô, khiến những định kiến bị “phơi bày”, niềm kiêu hãnh của cô bị “lung lay”, tâm tư cô bấn loạn, cô không muốn tin là mình sai, không dám tin vào sự thật.

Nhưng Elizabeth là một nhân vật rất cứng cỏi và biết suy xét, cô không thể phủ nhận hay chối bỏ những điều “có thể là sự thật”, Elizabeth giở lá thư ra đọc lại lần thứ hai, cố gắng trấn tĩnh trong tâm trạng đau khổ, cô xem xét ý nghĩa trong từng câu, cân nhắc mọi tình huống mà cô cho là công tâm, và nhìn nhận khả năng Darcy có thể “hoàn toàn vô tội”.

Đó là một bước tiến đáng kể trong nhận thức của Elizabeth, lần này cô đã can đảm nhìn thẳng vào sự thật và dùng lý trí suy xét tất cả các sự kiện có liên quan, đánh giá lại một cách chân chính tất cả những định kiến của mình. Có thể xem Elizabeth là nhân vật có cá tính vô cùng hấp dẫn, bởi sự dũng cảm của cô trong việc tự nhìn nhận lại chính mình. Cô có thể sai lầm, cô có thể đã định kiến mù quáng, nhưng cô cũng có thể tự tìm lỗi. “Cô cảm thấy hoàn toàn hổ thẹn cho mình. Cô không thể nghĩ đến Darcy hoặc Wickham mà không có ý tưởng rằng cô đã mù quáng, thiên vị, bất công, ngớ ngẩn”.

Khi Darcy thể hiện bản chất độ lượng của một quý ông thật sự, nhận nghĩa vụ “mua” lấy cuộc hôn nhân đáng hổ thẹn cho Lydia, Elizabeth cuối cùng cũng đã đi từ mù quáng đến ý thức rõ ràng, từ kiêu hãnh về giá trị bản thân đến khiêm nhường, từ thành kiến ​​đến lòng biết ơn sâu sắc đối với Darcy, từ quyết liệt từ chối lời cầu hôn của anh đến chấp nhận anh bằng tình cảm sâu đậm nhất.

Jane Austen đã đưa đến một thông điệp, sự tiếp xúc của chúng ta với cuộc sống này chỉ có một mục đích, đó là để đánh thức trái tim mình, để nhận ra những truy cầu và dính mắc của con người, để tìm được những giá trị đạo đức ẩn sâu bên trong chúng ta và người khác.

Elizabeth và Darcy, họ không bận tâm để thay đổi thế giới hay đổ lỗi cho người khác. Họ chấp nhận những sai lầm của mình và thay đổi bản thân mình. Elizabeth đã xúc động “Với anh, cô thấy tự hào. Tự hào rằng trong mục tiêu ấy của tình cảm và danh dự, anh đã vượt qua chính mình”. Cô biết anh đã “làm được”, anh đã tự nhận thức và thay đổi chính mình, cô cũng thế. Và cuộc sống ban tặng họ cho nhau, nhưng cao thượng hơn, tốt đẹp hơn lúc ban đầu, với một tình yêu vô cùng nồng thắm, sâu sắc.

chúng ta đều có thể tìm được người dẫn đường tốt hơn bất cứ ai… ngay trong bản thân mình, nếu chúng ta chịu nghe theo nó”.

Tâm An



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Kiêu hãnh và Định kiến: Một câu chuyện tình yêu mang đầy tính nhân văn