Kiểu dáng Trường An định hình phong cách Đại Đường

Giúp NTDVN sửa lỗi

Do ảnh hưởng từ thời kỳ nhà Đường, các hang động làm điện đường thờ phụng Phật trở thành phổ biến nhất và tồn tại lâu nhất trong số các hang động tại Đôn Hoàng, và nó cũng là dạng hang cơ bản được duy trì sau thời nhà Đường.

Phật giáo ở thời nhà Đường rất hưng thịnh, và nó có những đặc điểm riêng khác với các triều đại trước. Ví dụ, người Đường tin theo Phật giáo Đại thừa với nhiều tông phái, bao gồm Tịnh Độ tông, Mật tông, Thiên Thai tông, Hoa Nghiêm tông, Thiền tông, v.v ... Trong đó, Tịnh Độ là phổ biến nhất. Người dân thời này mong ước được đến Thế giới Cực lạc như miêu tả trong kinh Phật, nơi không có chiến tranh, thiên tai, nghèo đói, bệnh tật và những đau khổ khác, chỉ có hòa bình và thịnh vượng đầy tiếng hát và tiếng cười. Những phong tục này được phản ánh rõ trên các hình được khắc trong hang động.

Một thời Đại Đường phong hoa tuyệt đại

Vào thời nhà Đường thịnh thế, việc xây dựng các ngôi chùa, điện đường trong các hang động lớn với không gian rộng rãi là để đáp ứng nhu cầu của Phật giáo Đại thừa, cũng như thu nhận thêm tín đồ cho các hoạt động thuyết pháp và thờ cúng. Do ảnh hưởng từ thời kỳ nhà Đường, các hang động làm điện đường thờ phụng Phật trở thành phổ biến nhất và tồn tại lâu nhất trong số các hang động tại Đôn Hoàng, và nó cũng là dạng hang cơ bản được duy trì sau thời nhà Đường.

Đây là bức tượng Ca Diếp ở hang động thứ 220 của triều đại nhà Đường tại Hang Mạc Cao ở Đôn Hoàng. Nó trái với hình ảnh tu hành khổ hạnh theo quan niệm cũ, và được tạo hình theo hình tượng một trưởng lão thông hiểu Phật lý. (Phạm vi công cộng)

Chủ đề của các tác phẩm điêu khắc hội họa cũng phù hợp với giáo lý Đại thừa, từ bỏ các hình thức tu khổ hạnh như thiền định, xả thân, thay vào đó là sự triển hiện của niềm vui và vẻ đẹp Phật quốc cõi Tịnh Độ. Trên bức tường rộng lớn, những kiểu tranh kể chuyện thuở sơ khai không thể biểu đặt ra khung cảnh tráng lệ của triều đại thịnh vượng. Vì vậy, kiểu tranh bích hoạ cỡ đại đã được ra đời. Hầu như tất cả những nội dung phức tạp trong kinh Phật đều được vẽ trong dạng tranh này. Tịnh Độ tông là chủ đề chính cho bức bích họa tuyệt mỹ trong thời kỳ phồn hoa.

Về các tác phẩm điêu khắc màu, cảnh tượng các tín đồ sám hối trước các vị Phật cũng ít phổ biến hơn. Thay vào đó là các hình tượng Phật, Đạo Thần chân thật, hoà ái và tràn đầy sức sống. Đồng thời, số lượng nhóm thợ nêu khắc cũng tăng cao, trong đó có nhóm đông nhất có 28 người, quả là một con số hoành tráng vào thời đó.

Sức mạnh quốc gia và võ công khai mở bờ cõi thời nhà Đường đã mở ra con đường tơ lụa, củng cố mối quan hệ giữa vùng đất người Hán và Tây Vực. Khoảng cách hơn một nghìn km từ Đôn Hoàng đến Trường An không thể cản trở mối liên lạc giữa các thế gia đại tộc của Đôn Hoàng, các danh nhân và thợ thủ công nổi tiếng giao lưu với các vùng Trung Nguyên, đặc biệt là Trường An. Nhờ giao thông tiện lợi ở phía tây bắc, nghệ thuật điêu khắc của Đôn Hoàng gần như đồng bộ với vùng Trung Nguyên, đâu đâu cũng có thể thấy hình ảnh của một triều đại nhà Đường thịnh vượng, cùng hình tượng của các vị đại sư.

Lấy tranh bích họa làm ví dụ. Hơn một nửa số họa sĩ thời Đường tham gia sáng tác tranh bích họa, gồm có các bậc thầy nghệ thuật như Diêm Lập Bản, Ngô Đạo Tử, Chu Phưởng và Hàn Cán. Các cung điện, tu viện và dinh thự của thành Trường An, thành Lạc Dương luôn được các vị danh hoạ này khắc hoạ ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, cùng với thời gian, hầu hết các tác phẩm của họ đã bị phá hủy hoặc thất lạc. Chỉ có Hang Đôn Hoàng còn lưu giữ lại những bức tranh chân thực tương đối hoàn chỉnh cho các thế hệ sau. Nếu bạn muốn tìm hiểu những bức tranh về thời nhà Đường, bạn không thể bỏ qua hang động Đôn Hoàng.

Đây là một góc của bức bích họa phía bắc của hang động số 217 thời nhà Đường trong Động Đôn Hoàng Mạc Cao. Nó mô tả kiến ​​trúc của vương quốc Phật giáo mô phỏng cung điện của thế giới con người. (Phạm vi công cộng)

Về phong cách, với tư cách là một quốc gia phồn vinh bật nhất, nghệ thuật thời Đại Đường bộc lộ tinh thần hùng mạnh vĩ đại của triều đại này ở khắp mọi nơi. Trong lịch sử 1.600 năm xây dựng Động Đôn Hoàng, thời kỳ thịnh thế nhà Đường tuy chỉ chiếm hơn 300 năm, nhưng lại khai phá được nhiều hang động nhất. Những đại sảnh hang động điển hình giống với những đại sảnh của nhà Hán, những bức tranh tường khổng lồ khiến người ta nhìn thấy đều phải trầm trồ sửng sốt. Và động thứ 96 của hang động Mạc Cao, bức tượng Đại Phật là biểu tượng vinh quang của triều đại nhà Đường. Mức độ đồ sộ cùng với trình độ nhuần nhuyễn của các thợ thủ công tại di tích này còn gây kinh ngạc cho đến tận ngày nay.

Sự thịnh vượng và uy quyền của nhà Đường có quan hệ mật thiết với sức mạnh quân sự bất khả chiến bại của triều đại này. Vào đầu thời nhà Đường, Hoàng đế Đường Thái Tông đã quyết tâm tiên phong viễn chinh về phía Tây Bắc, trở thành Thiên Khả hãn được các nước ở Tây Vực kính trọng. Thời kiến lập nên bao nhiêu chiến công hiển hách, các bậc văn nhân, cũng tự mình ra biên ải để luyện võ tòng quân, để lại những văn vật hào hùng nơi biên cương.

Ngoài việc là một trung tâm quân sự của triều đại nhà Đường, nghệ thuật hang động Đôn Hoàng còn bộc lộ ra sức sống của thời đại đó. Trong các bức tượng có nhiều hình tượng Thiên Vương và các vị Kim Cang Lực Sĩ. Họ dựa theo hình tượng thực tế của các võ tướng thời đó mà tạc tượng, hoặc có mặc áo giáp, hoặc thể hiện cân cốt khỏe khoắn, thể hiện vẻ đẹp dương tính và sức cuốn hút.

Quốc gia thịnh vượng, bách tính an cư lạc nghiệp giúp tạo nên nền nghệ thuật đỉnh cao và phong cách phong phú của thời Đại Đường. Những đồ trang trí lộng lẫy trên các bức tượng cùng với lối trang điểm tinh tế, và những đồ cúng bằng vàng bạc trên các bức tranh tường đều thể hiện sự phồn hoa hào hùng của một triều đại.

Thế giới Tịnh thổ

Vào năm Trinh Quán thứ 14 (năm 640), Hoàng đế Đường Thái Tông đã huy động quân đội của mình để chinh phục vương quốc Cao Xương. Chỉ hai năm sau, việc xây dựng hang Mạc Cao số 220 bắt đầu. Đây là một trong số ít hang động ở Đôn Hoàng có niên đại rõ ràng và là một trong những hang động tiêu biểu nhất thời đầu nhà Đường. Dưới ảnh hưởng của nghệ thuật Trung Nguyên, các nghệ nhân Đôn Hoàng đã tạo ra một hang động với một diện mạo mới, thể hiện không khí mới sôi động của nhà Đường trên mọi phương diện, đẩy nghệ thuật tại động Đôn Hoàng lên đến thời kỳ hoàng kim của nó.

Về hình thức kiến ​​trúc, động thứ 220 là một động có nền hình vuông lớn, không có cột chính giữa. Trong một cái hốc trên bức tường phía trước có năm bức tượng, với hình tượng Phật Thích Ca ở giữa, với hai đại đệ tử Ca Diếp và Anand, cùng hai vị Bồ Tát ở hai bên. Hầu hết các pho tượng này đều do các đời sau xây lại, nên đã mất đi phong cách vốn có của thời nhà Đường. Chỉ có tượng của ngài Ca Diếp là còn lưu giữ ấn tích của thời kỳ đầu nhà Đường, với phong thái giống như một vị lão tăng định đạt trang nghiêm.

Điều bắt mắt nhất trong hang động này là ba bức bích họa nội dung kinh khổ lớn trên toàn bộ bức tường. Trên tường phía nam là bức họa nội dung kinh Vô Lượng Thọ, tường phía bắc là bức họa nội dung kinh Dược Sư. Hai bên đối xứng của cánh cổng phía đông có bức họa nội dung kinh Duy Ma Cật. Hai bức tường đối diện ở phía bắc và phía nam lần lượt đại diện cho thế giới Tịnh Độ của phương Tây và phương Đông, đây cũng là hình thức bố cục điển hình của các ngôi chùa nội địa vào thời nhà Đường. Trong hang động rộng lớn này, những bức tranh nội dung kinh Tịnh Độ tông chiếm vị trí chính, tạo thành một thế giới Phật quốc vô cùng phong phú và tương đối hoàn chỉnh.

Đây là một phần của bức tranh nội dung kinh Vô Lượng Thọ từ Động 220 của triều đại nhà Đường tại hang Mạc Cao ở Đôn Hoàng, mô tả một vị Bồ tát cúng dường. (Phạm vi công cộng)

Thế giới Cực Lạc Tây phương

“Kinh Vô Lượng Thọ” nói về kiếp nguyên thủy của Đức Phật A Di Đà, một vị vua từ bỏ ngai vàng, xuất gia, hiệu là Pháp Tạng Tỳ Kheo. Ông đã phát 48 đại nguyện để tạo nên một thế giới vô cùng tươi đẹp. Sau nhiều kiếp tu hành, cuối cùng Ngài đã tu thành chính quả và trở thành Phật A Di Đà của cõi Tịnh Độ. Tây Phương Cực Lạc, còn gọi là Thế giới Cực Lạc, là nơi bốn mùa đều như mùa xuân, chim muông hoa thơm, châu báu khắp nơi, nhạc Tiên du dương; Phật giảng Pháp tại Thế giới, muôn loài sinh linh tận hưởng niềm vui bất tận.

Tranh nội dung kinh Vô Lượng Thọ được khắc ở bức tường phía nam của động 220 thuộc về miền “Tây Phương Tịnh Độ”. Với màu sắc tươi sáng, sống động, đường nét uyển chuyển, tinh tế, họa sĩ phác họa nên một thế giới cực lạc lộng lẫy và huy hoàng. Tại hồ nước Thất Bảo, Phật A Di Đà ngồi trên tòa sen giảng kinh, hai bên là Quan Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát, tạo thành “Tây Phương Tam Thánh”. Xung quanh có rất nhiều Bồ Tát và Chư Thiên đang kính cẩn lắng nghe Pháp. Các Phi Thiên bay lượn trên bầu trời, các đồng tử hóa sinh trong hồ nước Thất Bảo đang chơi đùa, chúng sinh trên mặt đất nhảy múa hân hoan, cảnh tượng nơi Thế giới Cực Lạc thật thù thắng mỹ hảo.

Đây là một phần của "Tranh nội dung kinh Dược Sư" ở Hang động 220 của triều đại nhà Đường ở Hang Mạc Cao, Đôn Hoàng, mô tả một bánh xe đèn (đăng luân) khổng lồ. (Phạm vi công cộng)

Thế giới Lưu Ly Đông phương

Theo kinh Phật, Phật Dược Sư cứu khổ cứu nạn đã cứu con người khỏi “9 cái chết hàng loạt” do bệnh tật. Tín ngưỡng Phật Dược Sư cũng đã nhanh chóng trở nên phổ biến vào thời nhà Đường. Tranh nội dung kinh Dược Sư trong động Đôn Hoàng chủ yếu mô tả về Đức Phật Dược Sư và nhiều cảnh tượng tường hòa mỹ diệu trong Thế giới Lưu Ly. Chính giữa bức tường phía bắc là những ao sen sóng xanh lăn tăn. Phía trên ao có một đài lưu ly, và bảy đài sen lộng lẫy xếp thành một hàng. Bảy vị Phật uy nghi đứng trên đài sen, có vị tay cầm cây tích trượng, có vị đỡ bát thuốc, đó là “Bảy vị Dược Sư Phật” uy nghiêm được mọi người kính ngưỡng.

Hai bên Phật Dược Sư là Bồ Tát đầu đội bảo quan, thân mặc Thiên y, bên dưới đài sen là những Phi Thiên kỹ nhạc cúng dường. Hai bên có các ban nhạc chơi nhiều loại nhạc cụ khác nhau, chính giữa là các Tiên nữ đang nhảy múa thướt tha. Họ bước trên tấm thảm tròn nhỏ, xoay tròn và nhảy múa, quần áo tung bay, như thể họ đang biểu diễn điệu múa Hồ Toàn, điệu múa được yêu thích nhất trong Thành Trường An. Chính giữa còn có một cây đèn khổng lồ, có Thiên nhân đang thắp sáng đèn, giống với cảnh người dân Trung Nguyên thưởng ngoạn đèn vào đêm Thượng Nguyên (còn gọi là Tết Nguyên Tiêu).

Ngày rằm cung cấm xuân ca,
Trời không mưa gió đậm đà tươi xanh.
Đèn hoa xe ngựa tây thành,
Phía đông cung điện son vàng mở ra.

Bữa tiệc múa ca nhạc hoành tráng tái hiện cảnh chân giậm theo nhịp hát ca, xoay người múa, cùng với những ngọn đèn rực rỡ trong thơ Đường.

Đây là bức tranh nội dung kinh Duy Ma Cật thời nhà Đường tại hang động số 103 ở Mạc Cao Đôn Hoàng, mang đặc điểm của dòng họ Ngô. (Phạm vi công cộng)

Tranh nội dung kinh Duy Ma Cật

Bức tranh ở cánh cửa phía đông là tranh nội dung kinh Duy Ma Cật “Văn Thù hỏi về bệnh”. Đây là đề tài thường gặp từ thời Đường Tống đến nay. Đặc sắc hội họa trong hang động này là kỹ pháp hội họa thuần thục và có phong cách Trường An. Cư sĩ Duy Ma Cật ngồi trong trướng, với đôi mắt sáng rực, thân hướng thẳng về phía trước, như đang nói chuyện hùng hồn; Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát phía đối diện thần thái an hòa điềm tĩnh, hình thành sự đối lập. Đường nét vẽ của bức tranh mang phong cách nhà Ngô, một lần nữa tái hiện lại nền nghệ thuật đỉnh cao tại thời nhà Đường.

Bên dưới có hai Ngài là 2 bức tranh chúng sinh đang nghe Pháp. Dưới Bồ Tát Duy Ma Cật là các chúng sinh mặc y phục các nước Tây Vực, phản ánh bối cảnh thời đại giao lưu giữa nhà Đường và các quốc gia thuộc Tây Vực. Dưới Văn Thù Bồ Tát là bức tranh “Đế vương đồ” tinh tế, được hậu thế rất chú ý. Vị Đế Vương dang rộng cánh tay, ngang nhiên bước về phía trước. Phía trước có 2 thị tòng tay cầm cây quạt, phía sau có đại thần đang hộ giá. Điểm đặc biệt là hình tượng đế vương giống hệt với đế vương trong tập tranh "Lịch đại đế vương đồ" của Vương Lập Bản. Ở một khoảnh khắc nào đó, bức tranh khiến người ta liên tưởng đến việc phải chăng bậc danh họa này đã bí mật đi vào trong hang động để lại những bức bích họa tuyệt thế?

Văn hóa các gia tộc khai tạo hang động Đôn Hoàng

Để hiểu đầy đủ về tiến trình lịch sự của một động Đôn Hoàng, những câu chữ và hình ảnh có thể tìm thấy được trong động chính là những tư liệu quý giá. Trong động số 220 Mạc Cao, Đôn Hoàng, không chỉ có niên đại rõ ràng, mà còn có một dòng chữ ghi là “Trạch gia động", tức là động của gia tộc họ Trạch ở khám thờ phía tây. Khám phá này cũng mang đến cho động số 220 một cái tên mới, cũng dẫn đến thân phận mới cho các hang đá Đôn Hoàng.

Trong động đá có một đường thông, trên đó còn lưu lại “kiểm gia phả" do ông Trạch Phụng Đạt thời Ngũ đại viết, đã ghi lại lịch sử của gia tộc này tại Đôn Hoàng. Gia tộc họ Trạch chuyển đến núi Tam Nguy từ thời Bắc Chu, đã mở hang tạc tượng nơi đó. Hang động này được xây dựng lần đầu tiên vào đầu thời nhà Đường, Trạch Thông là chủ nhân đầu tiên của các hang động. Vào thời điểm đó, thông qua các kỳ thi địa phương và nhiều lần tuyển chọn, Trạch Thông đã đỗ làm quan lục phẩm trong triều đình. Đây chắc chắn là một sự kiện trọng đại đối với tổ tiên nhà họ Trạch.

Vì vậy, động 220 tưởng niệm Trạch Thông, người đã vất vả khổ cực khai tạo ra hang động này. Vào năm Trinh Quán thứ 16, các bức tranh tường phía đông và phía bắc đã hoàn thành, nhưng phải mất 20 năm sau mới cho dân chúng chiêm ngưỡng. Do gia chủ đời thứ 5 Trạch Phụng Đạt đảm nhận chủ trì lần sửa sang hang 220 cuối cùng. Ông là một nhà thiên văn học, địa lý học và là tham mưu của Tiết độ sứ Quy nghĩa quân. Đồng thời, ông cũng là một nhân vật nổi tiếng ở địa phương.

Đây là bức tượng của gia tộc họ Trạch cúng dưỡng trong hang Mạc Cao số 220 triều đại nhà Đường. (Phạm vi công cộng)

Điều cần nói rõ ở đây là hầu hết việc khai tạo động Đôn Hoàng đều do dân chúng địa phương tổ chức. Trong đó, các gia đình quý tộc địa phương giữ vai trò chủ chốt. Các gia tộc lớn ở Đôn Hoàng, chủ yếu có họ Trạch, họ Lý, họ Tào, họ Trương, họ Tác, họ Âm v.v. Họ di cư đến nơi đây do được phong tước hoặc đến đây để buôn bán. Sau đó, con cháu các gia tộc này sinh sôi phát triển cùng với cơ nghiệp vươn lên ở các thời kỳ khác nhau, đã trở thành những danh gia vọng tộc ở Đôn Hoàng.

Ngoài yếu tố tín ngưỡng, họ đã bỏ ra một số tiền rất lớn để tạo những hang động lớn vì những lý do như: để lưu lại danh tiếng cho bản thân, thể hiện quyền lực cùng sự giàu có của gia tộc. Đồng thời, cũng là để hang động đó trở thành tác phẩm kinh điển ở các triều thời đại về sau.

Bắt đầu từ thời Tây Ngụy, gia tộc nhà họ Âm đã đưa ra kế hoạch khai tạot hang động. Họ đã tạo hang số 285 Mạc Cao, và "Hang tượng lớn", hang số 96. Gia tộc họ Lý đã khai tao bảy hang Mạc Cao, kéo dài suốt thời triều đại nhà Đường. Vào cuối triều đại nhà Đường, gia đình họ Trương và họ Tào từng làm Tiết độ sứ của Quy Nghĩa quân cũng đã để lại di tích ở hang Mạc Cao và hang Ngọc Lâm.

Mặc dù, đa số các động nổi tiếng ở Đôn Hoàng đều do các gia đình quý tộc khai tạo, nhưng các hốc hang nhỏ do bách tính chúng dân khai tạo lại chiếm ưu thế tuyệt đối về số lượng. Do nguồn kinh phí ít ỏi, họ thường tham gia vào các nhóm hoặc nhóm tăng đoàn và các hang động lớn để khai quật. Họ quyên góp số tất tiền tiết kiệm của mình, để có được một chút không gian với mục đích khắc hoạ lại hình tượng các vị Phật, Đạo, Thần và để lưu lại hình ảnh hoặc lời cầu nguyện của mình.

Ví dụ, hang Mạc Cao số 428 được Vu Nghĩa nhà Bắc Chu tài trợ. Hình tượng người cúng dưỡng nhiều đến hơn 1000 người. Qua ghi chép cho thấy rằng, những người thợ đến từ khắp nơi vùng Hà Tây để tham gia khai tạo hang động. Những di tích tưởng như rất nhỏ trong động lại chứng kiến tín ngưỡng thuần phác thành kính của người xưa, và tình trạng toàn dân tôn sùng Phật giáo hàng nghìn năm qua.

Huy Hải
Theo Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Kiểu dáng Trường An định hình phong cách Đại Đường