Không vượt qua được cám dỗ có thể khiến thân bại danh liệt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cổ nhân có câu: Nhân vị tài tử, điểu vị thực vong” (tạm dịch: Người chết vì tiền tài, chim chết vì miếng ăn) là câu thành ngữ nói về những cám dỗ trong cuộc sống nếu không vượt qua sẽ đem đến hậu quả khôn lường. Từ xưa đến nay, từ bậc vua chúa đến thường dân, hễ ai mà không làm chủ được mình, sa vào cám dỗ thì thường dẫn tới thân bại danh liệt.

Tử Phản ham uống rượu mà mất mạng

Trong trận chiến Tấn, Sở ở Yên Lăng, trong quân Sở có một đại tướng vô cùng dũng mãnh. Anh ta có vóc dáng vạm vỡ, cưỡi tuấn mã, tay cầm thương dài (1), xông vào trận địa của địch như vào chỗ không người. Đó là phó soái của quân Sở, quan Tư mã Tử Phản. Lúc này do mồ hôi chảy quá nhiều, cảm thấy mồm miệng khô, khí lực dần dần đã kiệt, Tử Phản quyết định về doanh trại uống nước và nghỉ ngơi một lúc rồi quay lại tiếp tục trận chiến. Chủ soái Cộng Vương Hựu yêu cầu anh ta đi nhanh về nhanh, Tử Phản đồng ý nhận lời.

Người trấn giữ doanh trại là bạn kết nghĩa huynh đệ với Tử Phản, tên là Thụ Cốc Dương. Thụ Cốc Dương nghe tin Tử Phản khát nước, anh ta biết Tử Phản thích uống rượu, vội vàng lấy ra một bình rượu ngon, Tử Phản uống một ngụm rồi nói: “Đây là rượu à, cất đi đi”, Cốc Dương nói: ”Huynh đệ nói sai rồi, đây đâu phải là rượu”. Đương nhiên Tử Phản hiểu ý của Cốc Dương, anh ta do dự một lát, không kìm hãm được sự mê hoặc của mùi rượu ngon, lại tiếp tục uống. Không đầy một lát uống sạch bình rượu.

Không kìm hãm được sự mê hoặc của mùi rượu ngon, Tử Phản lại tiếp tục uống.
Không kìm hãm được sự mê hoặc của mùi rượu ngon, Tử Phản lại tiếp tục uống. (Ảnh qua Epochtimes.com)

Uống rượu xong, Tử Phản cảm thấy toàn thân không còn chút sức lực nào, cầm cây thương định đứng dậy tiếp tục ra trận mà bước đi loạng choạng không vững. Cốc Dương thấy vậy rất sợ hãi, đành phải dìu anh ta vào nghỉ. Sau khi Tử Phản đi không lâu Cộng Vương Hựu bị thương vào mắt, không thể tiếp tục chỉ huy trận đánh, đành cho rút quân.

Đêm đó Cộng Vương đã được đại phu cho thuốc đặc trị, vết thương đã đỡ nhiều, ông ta nghĩ đến chuyện mình bị thương, quân lính thương vong không ít, hận quân Tấn đến tận xương tủy, quyết tâm ngày mai tiếp tục chiến đấu, để báo thù. Ông cho gọi Tử Phản đến để bàn bạc việc quân, nhưng quân lính bẩm báo rằng Tử Phản bị đau ở ngực, không thể đến. Cộng Vương rất nghi ngờ, bèn đích thân đến trướng của Tử Phản thăm hỏi.

Vừa vào trại, Cộng Vương nhìn thấy Tử Phản ngủ li bì ở trên giường, mặt đỏ căng, lại ngửi thấy trong phòng toàn mùi rượu, liền hiểu rõ tất cả.

Đêm đó, Cộng Vương không thể ngủ yên, ông suy đi nghĩ lại, quyết định lui quân về kinh, bởi vì Tử Phản say rượu như vậy, mà ông bị thương ở mắt trái, nếu quyết định tiếp tục chiến đấu e rằng sẽ huỷ hoại tính mệnh toàn quân.

Sau khi Cộng Vương quay về nước. Nghĩ rằng nguyên nhân thất bại lần này chủ yếu do Tử Phản uống rượu nên hỏng việc, tuy rằng rất quý sự dũng mãnh của Tử Phản, nhưng vẫn hạ lệnh chém đầu để chấn chỉnh quân pháp.

cám dỗ uống rượu
Tuy rằng rất quý sự dũng mãnh của Tử Phản, nhưng vẫn hạ lệnh chém đầu để chấn chỉnh quân pháp. (Ảnh qua Epochtimes.com)

Ngô Vương Phù Sai đam mê quyền lực và tửu sắc dẫn đến nước Ngô diệt vong

Ngô Vương Phù Sai là vị vua thứ 25 của nước Ngô thời Đông Chu trong lịch sử Trung Quốc. Khi Phù Sai lên ngôi, nước giàu quân mạnh, lại có Ngũ Tử Tư phụ chính, thế nước vững vàng.

Phù Sai nguyên là cháu nội của Ngô Vương Hạp Lư. Năm 496 TCN, Hạp Lư đi đánh nước Việt, bị trúng tên tử trận. Trước khi qua đời, Hạp Lư gọi Phù Sai lại dặn nhất định phải báo thù. Như vậy, nước Việt chính là kẻ thù không đội trời chung của nước Ngô.

Phù Sai lên nối ngôi vua, tích cực luyện quân để đánh Việt. Năm 494 TCN, quân Ngô đánh bại quân Việt ở Phù Tiêu. Việt Vương Câu Tiễn với 5000 tàn quân rút lên núi Cối Kê. Thế cùng, Câu Tiễn sai Văn Chủng mang của báu đi đút lót cho thái tể Bá Hi, nhờ nói hộ với Phù Sai cho giảng hòa. Khi Văn Chủng đến gặp Phù Sai giảng hòa. Ngũ Tử Tư phản đối giảng hòa nhưng Bá Hi đồng tình; cuối cùng Phù Sai theo ý kiến của Bá Hi, cho Câu Tiễn giảng hòa với điều kiện là hai vợ chồng Câu Tiễn phải được đưa sang nước Ngô. Câu Tiễn chẳng còn cách nào khác, đành phải phó thác việc lớn nước nhà cho đại thần Văn Chủng, rồi cùng Phạm Lãi lên đường sang nước Ngô.

Ở bên nước Ngô, Câu Tiễn vờ tỏ ra an phận, một lòng một dạ cung kính với Phù Sai. Khi Phù Sai lâm bệnh, Câu Tiễn thậm chí còn nếm phân của Phù Sai để phán đoán bệnh tình. Điều này khiến Phù Sai rất cảm động, nghĩ rằng Câu Tiễn đã thực lòng quy thuận mình mà không nghĩ được rằng Câu Tiễn đang ẩn nhẫn để toan tính việc lớn. Đây cũng là cám dỗ đầu tiên Phù Sai không vượt qua được: cám dỗ về tình cảm.

Năm 492 TCN, Phù Sai thả Câu Tiễn về nước, bất chấp sự phản đối của Ngũ Tử Tư.

Sau khi trở về nước Việt, một mặt Câu Tiễn sai người đút lót cho Bá Hi, nhờ nói giúp về sự trung thành của mình khiến Phù Sai mất cảnh giác, mặt khác âm thầm nuôi dưỡng lực lượng, chờ thời cơ để rửa hận.

Chân dung Việt Vương Câu Tiến. (Ảnh: Wikipedia)

Phù Sai là người hiếu thắng, lại ham quyền lực, muốn tranh bá ngôi vị bá chủ của nước Tấn, nên từ năm 489-484 TCN, liên tục đem quân đi đánh nước Tề, nước Lỗ, khiến binh lực giảm sút, nước Ngô nặng gánh chi phí chiến tranh. Trong khi kẻ thù không đội trời chung là nước Việt thì lại lơ là, mất cảnh giác, mặc cho lời khuyên can của Ngũ Tử Tư, thậm chí Phù Sai còn tức giận giết Ngũ Tử Tư vì luôn tìm cách ngăn cản mình.

Đầu năm 483 TCN, Phù Sai họp chư hầu ở Hoằng Trì, muốn tranh ngôi bá chủ của nước Tấn. Trong khi hội chư hầu chưa xong thì tháng 6 năm đó, Việt Vương Câu Tiễn mang quân đánh úp nước Ngô khiến quân Ngô đại bại, thế tử Cơ Hữu bị quân Việt bắt sống phải tự sát.

Tin thất trận dồn dập báo đến Hoằng Trì. Phù Sai nghe tin không những không nhanh chóng kéo quân về để giải cứu nước Ngô mà vẫn cố tranh ngôi bá với vua Tấn và giết những người phao tin thất trận ra bên ngoài. Cám dỗ của quyền lực với Phù Sai quả thực là vô cùng lớn. Cho đến khi Phù Sai kéo quân về, quân lính vì đi đường xa mỏi mệt, lại nghe tin thế tử Cơ Hữu bị giết, sĩ khí giảm sút nghiêm trọng nên nhanh chóng bị quân Việt đánh bại.

Từ năm 478 - 475 TCN, Việt Vương Câu Tiễn liên tiếp đem quân đánh bại quân Ngô. Nước Ngô lúc này đã vô cùng suy yếu, đứng trước nguy cơ mất nước cận kề, nhưng Phù Sai không những tìm cách vực dậy nước Ngô mà lại sa vào tửu sắc, mê đắm Tây Thi.

Kết cục, đến cuối năm 473 TCN, quân Việt đại phá quân Ngô, vây hãm Ngô Phù Sai trên núi Cô Tô. Tình hình lại lặp lại như quân Việt bị quân Ngô vây hãm trên núi Cối Kê, chỉ là bây giờ kẻ bị vây là quân Ngô và Việt Vương Câu Tiễn cũng không cho Ngô Phù Sai cơ hội cầu hòa, phải dùng dao tự sát. Phù Sai trở thành vị vua cuối cùng của nước Ngô. Từ một nước binh hùng tướng mạnh, bề tôi tài giỏi, Ngô Phù Sai lại đưa đất nước đến diệt vong thật khiến người đời phải cảm thán!

Phù Sai không những tìm cách vực dậy nước Ngô mà lại sa vào tửu sắc, mê đắm Tây Thi.
Kết cục, đến cuối năm 473 TCN, quân Việt đại phá quân Ngô, vây hãm Ngô Phù Sai trên núi Cô Tô. (Ảnh qua Ảnh qua Baike)

Người xưa đã nói rằng: “Người trí dũng thường bị khốn ở điểm yếu của mình”. Tử Phản là một vị tướng tài trong ba quân, nhưng không chống lại được cám dỗ của mùi rượu ngon nên đã thân bại danh liệt, thật khiến cho người khác đáng tiếc.

Ngô Phù Sai cũng vậy, trên chiến trường ông có thể coi là một dũng tướng, nhưng lại không có tài làm chính trị, không sáng suốt nhìn nhận sự việc, không nghe lời khuyên can của trung thần, ham mê quyền lực và tửu sắc mà dẫn đến nước Ngô bị diệt vong, cơ đồ của ông cha bị hủy chỉ trong một sớm.

Ngày nay, xã hội trở nên bại hoại, đạo đức suy đồi. Nạn ma túy, game online, phim sắc tình nhan nhản khắp nơi,... Cám dỗ như một con quỷ dữ, một khi đã bị sa vào rồi sẽ bị nó thao khống cuộc sống, không còn làm chủ được bản thân mình, sẽ làm ra những việc có hại cho bản thân và xã hội, rất nhiều người vì mê đắm vào những thứ đó mà hủy đi tương lai của chính mình.

Vì thế, muốn thành công trong cuộc sống cần không ngừng tu dưỡng đạo đức, dần dần loại bỏ đi những thói hư tật xấu, đến khi gặp phải cám dỗ cũng đủ tỉnh táo để vượt qua.

Nam Minh (TH)

Chú thích:
(1) Thương: hay còn gọi là giáo



BÀI CHỌN LỌC

Không vượt qua được cám dỗ có thể khiến thân bại danh liệt