Khổng Tử: luận về bảy điều khác biệt giữa quân tử và tiểu nhân (P-2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Văn hóa quân tử là một bộ phận quan trọng cấu thành nên văn hóa truyền thống Á Đông. Quân tử trong văn hóa truyền thống là tấm gương đạo đức có đủ những phẩm chất cao thượng: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín...

  1. Quân tử yêu cầu mình, tiểu nhân yêu cầu người

Nguyên văn: Quân tử cầu chư kỷ, tiểu nhân cầu chư nhân

Ý nghĩa là khi gặp mâu thuẫn thì người quân tử tìm nguyên nhân ở chính bản thân mình, còn tiểu nhân thì tìm lỗi ở người khác.

Khổng Tử nói người quân tử thì có đức của người quân tử. Nhân và Nghĩa là phẩm đức mà người quân tử ắt phải có, truy cầu nhân đức kiên trì không mệt mỏi mới có thể đạt đến cảnh giới của Nhân.

Nhan Hồi hỏi Khổng Tử rằng làm thế nào mới đạt được Nhân, Khổng Tử trả lời: "Nếu trò có thể chiến thắng tư dục của bản thân, trở về với Thiên lý (lẽ Trời), thế thì người trong thiên hạ đều ca ngợi trò là người nhân đức".

Nhân và Nghĩa là đức người quân tử, tiểu nhân không thể nào có thể với tới được. Người quân tử ngày ngày tinh tấn vươn lên trong tiến đức tu nghiệp, kẻ tiểu nhân ngày ngày sa sút chìm đắm trong tư dục.

Theo lời Khổng Tử, người quân tử có thể "kiểm điểm bản thân mà trong lòng không hổ thẹn" (nội tỉnh bất cứu), "mắc lỗi thì không e ngại sửa đổi" (quá tắc vật đạn cải). Người quân tử không ngừng tự kiểm điểm bản thân, thông qua tu thân để hoàn thiện tu dưỡng bản thân, rèn giũa phẩm cách.

Tiểu nhân có lỗi lầm thì luôn luôn muốn đẩy lỗi cho người khác, hoặc dùng lời hoa mỹ che lấp lỗi lầm đi, không dám đối diện với khiếm khuyết.

Khổng Tử và các đệ tử khi luận về học đạo và tu hành thì luôn luôn lấy mối quan hệ giữa bản thân với người xung quanh làm xuất phát điểm để suy xét. Khổng Tử khen Nhan Hồi: "không trút giận lên người khác, không mắc lỗi lặp lại" (bất thiên nộ, bất nhị quá).

Tử Cống nói: "Lỗi lầm người quân tử như nhật thực, nguyệt thực. Có lỗi lầm thì mọi người đều nhìn thấy. Sửa chữa lỗi lầm rồi thì mọi người đều ngưỡng vọng" (Quân tử chi quá dã, như nhật nguyệt chi thực yên. Quá dã, nhân giai kiến chi; Canh dã, nhân giai ngưỡng chi).

Tăng Tử nói: "Một ngày ta tự kiểm điểm mình 3 lần rằng: Mưu sự với người khác thì mình có trung thành không? Kết giao với bằng hữu thì mình có bất tín không? Điều được truyền thụ mình có luyện tập, thực hành không?" (Ngô nhật tam tỉnh ngô thân: Vị nhân mưu nhi bất trung hồ? Dữ bằng hữu giao nhi bất tín hồ? Truyền bất tập hồ?)".

Đây chính là người quân tử ngày ngày đều phải tự kiểm điểm xem xét mình nhiều lần, từ đó nỗ lực không mệt mỏi trên con đường truy cầu nhân cách lý tưởng.

Một lần nước Tống bị lũ lụt, nước Lỗ sai sứ giả đến thăm hỏi, quốc quân nước Tống nói: "Quả nhân bất nhân, bởi vì trai giới không đủ thành thực, lao dịch làm nhiễu loạn cuộc sống bách tính, do đó Thượng Thiên giáng tai họa này. Lại khiến quý quốc thêm lo nghĩ, khiến tiên sinh phải đến đây".

Sau khi Khổng Tử biết chuyện bèn nói: "Xem ra nước Tống có nhiều hy vọng".

Các học trò hỏi tại sao, Khổng Tử nói: "Ban đầu vua Kiệt và vua Trụ (hai hôn quân tàn bạo - ND) có lỗi lầm nhưng không thừa nhận, rồi rất mau chóng bị diệt vong. Thương Thanh, Chu Văn Vương (hai minh quân nhà Thương và nhà Chu - ND) biết thừa nhận lỗi lầm bản thân, nên [quốc gia] rất nhanh chóng hưng thịnh. Có lỗi mà biết sửa chữa thì đó là đạo của người quân tử, không gì tốt đẹp bằng như vậy".

Đúng như tiên đoán của Khổng Tử, nước Tống sau này quả nhiên trở thành quốc gia dân giàu nước mạnh, xã tắc thanh bình, nhân dân no ấm.

quân tử
Quân tử yêu cầu mình, tiểu nhân yêu cầu người. (Ảnh: pixabay)
  1. Người quân tử thành tựu cái tốt đẹp chứ không thành tựu cái xấu xa cho người. Tiểu nhân thì ngược lại.

Nguyên văn: Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác; Tiểu nhân phản thị.

Người quân tử tác thành việc tốt cho người khác, không thúc đẩy việc xấu cho người khác, còn tiểu nhân thì ngược lại. Là người quân tử thì sẽ đặt mình vào vị trí người khác để nghĩ, "cái mình không muốn thì chớ làm cho người" (kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân), "Điều mình muốn thành tựu thì thành tựu cho người, điều mình muốn đạt được thì giúp người đạt được" (Kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân).

Khổng Tử nói, đối nhân xử thế thì phải bắt đầu từ làm người, đối nhân xử thế không phải là mục đích mà phải khiến bản thân nâng cao cảnh giới, trở về với Thiên lý (lẽ Trời).

Người quân tử nghiêm khắc với bản thân mà khoan dung với người. Chỉ có thực sự tiết chế bản thân thì mới có thể đối diện với thế sự bằng tấm lòng nhân đức; mới có thể đạt đến lòng nhân ái quan tâm yêu thương người khác, yêu quý sinh mệnh, yêu quý trời đất vạn vật; mới có thể thành tựu "thực thi nhân đức khắp người dân, giúp dân chúng"; mới trở thành người thực hiện lý tưởng "nội Thánh ngoại vương" (Nội tâm tu Đạo vô vi, thực thi Vương đạo nhân đức bên ngoài).

Ý chí quân tử không chỉ là dũng cảm không sợ hãi điều gì, mà còn có nghị lực gánh vác trọng trách, "có thể phó thác quân chủ ấu thơ, có thể gửi gắm vận mệnh quốc gia, đứng trước sống chết mà không dao động, khuất phục" (khả dĩ thác lục xích chi cô, khả dĩ ký bách lý chi mệnh, lâm đại tiết nhi bất khả đoạt dã). Người quân tử có trọng trách trừ tà phù chính, tế thế an dân.

Hết thảy hành vi của người quân tử đều hiển dương luân lý đạo đức và là hình mẫu cho nhân dân. Người quân tử cũng là hình mẫu về người thực hành đạo nghĩa và khắc chế bản thân. Còn tiểu nhân chỉ nhìn lợi ích trước mắt, thích câu kết mưu cầu lợi ích cá nhân, không từ thủ đoạn chỉ để thỏa mãn tư dục.

  1. Đức người quân tử như gió, đức tiểu nhân như cỏ, gió thổi thì cỏ rạp.

Nguyên văn: Quân tử chi đức phong, tiểu nhân chi đức thảo, thảo thượng chi phong tất yển.

quân tử
Đức người quân tử như gió, đức tiểu nhân như cỏ, gió thổi thì cỏ rạp. (Ảnh: Pixabay)

Khổng Tử cho rằng, người quân tử có trách nhiệm xã hội giáo hóa người dân, lấy sự nghiệp tế thế giúp dân làm hoài bão. Tinh thần đảm đương này cũng là nhân cách mà Nho gia nói "Coi việc thiên hạ là trách nhiệm bản thân" (Dĩ thiên hạ vi kỷ nhiệm).

Tăng Sâm cũng nói: "Người trí thức có chí hướng rộng lớn, ý chí kiên cường, bởi vì trách nhiệm của họ trọng đại, và con đường phải đi thì rất xa" (Sỹ bất khả bất hoằng nghị, nhiệm trọng nhi đạo viễn).

Khi Khổng Tử chu du các nước, có lần muốn đến vùng Cửu Di - nơi người man di cư trú. Có người nói: "Vùng đó phong tục thô tục xấu xí, làm sao mà ở được?"

Khổng Tử nói: "Người quân tử ở đó thì làm gì còn thô tục bỉ lậu nữa?"

Huyện tể huyện Đơn Phụ là Mật Tử Tiện, là học trò của Khổng Tử. Khi Khổng Tử đi qua Đơn Phụ, nghe thấy từ trong thành có tiếng đàn cầm và đàn sắt cùng tiếng hát ca vọng đến, Khổng Tử cười và hỏi Mật Tử Tiện: "Trị sửa huyện thành cũng dùng đến lễ nhạc giáo hóa à?"

Mật Tử Tiện trả lời rằng: "Thầy đã giảng 'Người quân tử học đạo thì yêu dân'. Con đã theo thầy học đạo giáo hóa bằng lễ nhạc, đương nhiên phải ứng dụng vào trong thực tiễn. Còn dùng lễ đối xử với phụ thân để đối xử với người già, dùng lòng yêu thương con cái để đối xử với trẻ em, cứu nguy giúp khó, trọng dụng người hiền năng. Người dân đều chung sống hòa thuận".

Khổng Tử vui mừng khen ngợi rằng: "Tử Tiện quả thực là người quân tử. Tuân theo mệnh Trời, dùng nhân đức để cảm phục người, dùng lễ nhạc để trị sửa thế tục, người dân đều quy về trò, mà Thần linh cũng sẽ lặng lẽ trợ giúp trò. Địa phương trò cai quản tuy không lớn, nhưng phương pháp trị sửa thì rất chính đại, có thể trị sửa thiên hạ được, nữa là chỉ một huyện thành này".

Mật Tử Tiện sau này trở thành danh nhân "dùng nền chính trị nhân đức để giáo hóa", khiến đức ăn sâu trong tâm người dân, phong tục thuần hậu, sử sách khen ngợi rằng "gảy đàn mà thịnh trị" (minh cầm nhi trị).

  1. Người quân tử có ba điều sợ: Sợ mệnh Trời, sợ đại nhân, sợ lời của Thánh nhân. Tiểu nhân không biết mệnh Trời nên không sợ, khinh nhờn đại nhân (người đức hạnh địa vị cao), coi thường lời của Thánh nhân.

Nguyên văn: Quân tử hữu tam úy: Úy Thiên mệnh, úy đại nhân, úy Thánh nhân chi ngôn. Tiểu nhân bất tri Thiên mệnh nhị bất úy dã, hiệp đại nhân, vũ Thánh nhân chi ngôn.

Thiên mệnh mà Khổng Tử và các học trò cả đời dốc sức là kế thừa đạo thống, truyền thừa mạch văn hóa thiên cổ, kiên định "Đạo cứu giúp thiên hạ" (Đạo tế thiên hạ). Ông cho rằng đây là trách nhiệm mà Thượng Thiên trao cho ông và các học trò, do đó nhất định phải thực hiện.

Trong hoàn cảnh xã hội lễ băng nhạc hoại, tuy đảo điên tán loạn, liên tiếp gặp gian nan nhưng thầy trò Khổng Tử vẫn quyết chí bền lòng.

quân tử
Người quân tử có ba điều sợ: Sợ mệnh Trời, sợ đại nhân, sợ lời của Thánh nhân. (Ảnh: Epochtimes)

Một lần Khổng Tử dẫn học trò đến nước Tống. Ông dạy học trò luyện tập lễ nghi dưới gốc cây đại thụ. Tư Mã Hoàn Đồi nước Tống đe dọa Khổng Tử, ngăn cản ông hoằng đạo, và sai người nhổ cây đại thụ đó đi.

Học trò rất lo cho sự an toàn của thầy, muốn Khổng Tử mau chóng rời khỏi nước Tống. Khổng Tử nói: "Trời sinh đức ở ta, Hoàn Đồi làm gì được ta".

Khổng Tử cho rằng, đức mà ông có là do Thượng Thiên ban cho thì Hoàn Đồi có thể làm gì được ông? Điều này đã thể hiện niềm tin của Khổng Tử vào Đạo Trời và tinh thần người nhân đức thì không sợ hãi (nhân giả vô úy).

Một lần đại phu nước Vệ là Vương Tôn Giả hỏi Khổng Tử: "Người ta nói, thờ phụng Thần Áo (Thần cai quản nhà cửa) không bằng thờ phụng Thần Táo (Thần cai quản bếp), như thế nghĩa là sao?"

Khổng Tử trả lời: "Không đúng. Đắc tội với Trời thì làm sao còn có nơi nào để cầu xin đây".

Câu trả lời của Khổng Tử nghĩa là nếu trái với Đạo Trời thì dẫu có cầu khấn thế nào đi nữa cũng vô dụng. Khổng Tử cho rằng biết được mệnh Trời là cực kỳ quan trọng: "Không biết mệnh thì không lấy gì để trở thành người quân tử được" (Bất tri mệnh, vô dĩ vi quân tử dã).

Kinh dịch viết: "Trời vận hành mạnh mẽ, người quân tử luôn tự cường không ngừng nghỉ. Địa thế khôn, người quân tử dùng đức dày mang chở vật" (Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức. Địa thế khôn, quân tử dĩ hậu đức tải vật).

Người quân tử là hóa thân của nhân cách lý tưởng. Các mỹ đức trong văn hóa truyền thống đều cấp cho người quân tử, dạy con người làm người quân tử, chớ làm tiểu nhân, khiến con người suy nghĩ về giá trị tôn nghiêm của nhân tính và lương tri, mãi mãi khiêm tốn truy cầu chân lý, không bị rơi vào vòng danh lợi ham dục.

Người quân tử là hình mẫu mà người xưa vô cùng sùng kính. Trong lịch sử chính vì đã có vô số những người nhân nghĩa chí sỹ, những chính nhân quân tử kiên trì giữ gìn đạo nghĩa và tiết tháo nên con người mới vượt qua bao sóng gió, xua tan mây mù đi tiếp đến ngày hôm nay.

Trung Hòa (biên dịch)

Tác giả: Tĩnh Viễn



BÀI CHỌN LỌC

Khổng Tử: luận về bảy điều khác biệt giữa quân tử và tiểu nhân (P-2)