Khổng Tử giải thích tại sao ví quân tử ‘ôn hòa như ngọc’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong “Lễ Ký - Ngọc Tảo” có ghi chép: “Một người quân tử thời xưa phải đeo ngọc, và một người quân tử không thể vô cớ mà ngọc bất ly thân.”

“Quân tử” vốn là tên gọi chung dành cho giới quý tộc, nhưng sau này Nho giáo tin rằng những người có phẩm chất đạo đức cao thượng có thể được gọi là “quân tử”. Từ bao đời nay, người xưa thường dùng thuật ngữ “ôn hòa như ngọc” để mô tả một người quân tử. Trong “Lễ Ký - Ngọc Tảo” có ghi chép: “Một người quân tử thời xưa phải đeo ngọc, và một người quân tử không thể vô cớ mà ngọc bất ly thân.”

“Đức của bậc quân tử có thể sánh với ngọc”

Vậy tại sao các quân tử thời xưa lại coi trọng ngọc bích đến vậy? Và tại sao lại dùng “ôn hòa như ngọc” để mô tả một bậc quân tử? Đệ tử của Khổng Tử là Tử Cống đã từng hỏi Khổng Tử câu hỏi này. Tử Cống hỏi: “Tại sao quân tử xem ngọc là quý còn đá là rẻ? Có phải nguyên nhân bởi vì ngọc ít nên đắt, đá đẹp nhiều nên rẻ chăng?”

Khổng Tử bèn kiên nhẫn trả lời cặn kẽ câu hỏi này: “Phi vi ngọc chi quả cố quý chi, mân chi đa cố tiện chi. Phu tích giả, quân tử bỉ đức vu ngọc yên. Ôn nhuận nhi trạch, nhân dã; chẩn mật dĩ lật, tri dã; liêm nhi bất quế, nghĩa dã; thùy chi như trụy, lễ dã; khấu chi kỳ thanh thanh việt dĩ trường, kỳ chung truất nhiên, nhạc dã; hà bất yểm du, du bất yểm hà, trung dã; phu duẫn bàng đạt, tín dã; khí vi bạch hồng, thiên dã; tinh thần kiến vu sơn xuyên, địa dã; khuê chương đặc đạt, đức dã; thiên hạ mạc bất quý giả, đạo dã”.

Câu trả lời của Khổng Tử có ý nghĩa là:

“Chẳng phải vì ngọc hiếm mà quý, cũng không phải đá nhiều mà coi thường. Xưa nay, quân tử đều ví phẩm đức của mình với ngọc:

  • Ngọc ấm áp, trơn bóng, giống như sự Nhân ái của người quân tử, trái tim ấm áp, nồng hậu và trong sáng;
  • Hoa văn của ngọc tinh minh và chắc chắn, giống như Trí huệ của người quân tử, xử thế chu toàn và tinh tế;
  • Ngọc dù có gãy, gãy dù sắc bén nhưng không làm người ta bị thương, giống như Nghĩa khí của người quân tử, có sự chính trực, cương nghị, có lòng nhân ái;
  • Khi đeo ngọc sẽ rủ xuống thẳng đứng chứ không nghiêng lệch, đúng như Lễ nghi của bậc quân tử, khiêm tốn, kính cẩn;
  • Âm thanh ngọc bích réo rắt, du dương, cuối cùng dừng lại đột ngột, giống như Đức âm nhã nhạc được các bậc quân tử yêu thích;
  • Ngay cả khi có khuyết điểm trên ngọc, nó cũng không che giấu được bản chất vẻ đẹp, và bản chất đẹp của nó cũng không che giấu khuyết điểm, giống như sự chân thành thực sự của một quân tử;
  • Ngọc sau khi đánh bóng, có thể nhìn thấy màu sắc khắp tứ phía, giống như Tín của người quân tử, trong ngoài như một;
  • Bảo ngọc ở đâu, trên có có khí giống như trắng hồng, được ví như sự tương thông của người quân tử với hơi thở của Trời;
  • Ngọc tụ hợp vẻ đẹp của núi và sông, giống như trái tim bao dung rộng lớn như Đất của người quân tử;
  • Ngọc có thể được sử dụng như một lễ vật quý, giống như Đức của quân tử, trác tuyệt, thanh cao;
  • Trên đời làm gì có ai không trân quý ngọc, cũng như không có bậc quân tử nào mà không tôn trọng Đạo”.

Trong “Thi” có câu: “Nói đến quân tử thì ấm áp như ngọc”. Vì vậy quân tử xưa nay đều coi trọng ngọc. Chúng ta có thể thấy rằng đối với Khổng Tử, sự ôn hòa của ngọc là tính cách của bậc quân tử.

“Ngọc không mài thì không thành đồ quý”

Ngọc bất trác, bất thành khí (Ảnh: GettyImages)

Người xưa quan niệm rằng ngọc cần phải được mài dũa để trở thành một khối ngọc đẹp, và con người cũng cần phải trải qua quá trình tôi luyện không ngừng để trở thành một bậc quân tử.

Trong “Thi kinh - Vệ phong - Kỳ áo” có chép: “Hữu phỉ quân tử, như thiết như tha, như trác như ma”. Nghĩa là bậc quân tử văn nhã, cũng giống như viên ngọc đã được tỉ mỉ cắt, đánh bóng, đẽo gọt, và mài dũa.

Như có câu “Ngọc không mài thì không quý”. Mỹ đức của quân tử cũng là thông qua lời dạy của các bậc Thánh hiền cùng với sự rèn luyện và tu dưỡng trong cuộc sống mà đạt được.

“Quân tử hữu cửu tư”

Từ những lời dạy của các bậc Thánh hiền, hãy cùng xem bậc quân tử nên rèn giũa phẩm chất và tu dưỡng bản thân như thế nào?

Trong cuốn “Luận Ngữ - Ký thị”, Khổng Tử nói: Quân tử hữu cửu tư: Thị tư minh, thính tư thông, sắc tư ôn, mạo tư cung, ngôn tư trung, sự tư kính, nghi tư vấn, phẫn tư nan, kiến đắc tư nghĩa”.

Khổng Tử nói rằng một người quân tử nên luôn tự suy ngẫm về bản thân ở chín khía cạnh:

  1. “Thị tư minh”: khi nhìn thì có nhìn rõ ràng không, nghĩa là thấu qua hiện tượng mà thấy rõ bản chất, có thể phân biệt được thực hư, chính tà, thiện ác.
  2. “Thính tư thông”: khi nghe có nghe rõ ràng không, dùng để chỉ khả năng nghe rõ đồng thời chắt lọc bỏ thô lấy tinh, bỏ cái giả giữ cái chân, hiểu rõ chân tướng sự việc.
  3. “Sắc tư ôn”: khi đối xử với mọi người có giữ được sắc mặt ôn hòa không, sắc mặt ôn hòa là thể hiện của nội tâm hài hòa, lương thiện.
  4. “Mạo tư cung”: giao tiếp với người khác dáng điệu có trang trọng, cung kính hay không, tôn trọng người khác là biểu hiện của cảnh giới nội tâm.
  5. “Ngôn tư trung”: lời nói có chân thành hay không.
  6. “Sự tư kính”: có nghiêm túc và tận tâm trong việc làm hay không.
  7. “Nghi tư vấn”: khi không hiểu có hỏi rõ không, và có tinh thần khiêm tốn học hỏi không.
  8. “Phẫn tư nan”: khi nổi nóng có nghĩ tới hậu quả không.
  9. “Kiến đắc tư nghĩa”: khi có được thứ gì đó thì có nghĩ xem mình có xứng đáng hay không, những thứ bất nghĩa thì không được lấy.

Trong thời kỳ Xuân Thu, Nho gia nhấn mạnh rằng quân tử đeo ngọc. “Hành tắc minh bội ngọc”, khi đi bộ, bội ngọc va vào nhau tạo nên tiết tấu du dương, vừa để nhắc nhở bản thân luôn luôn để ý tiến thoái có lễ, có tiết, có độ; đồng thời, đó cũng là hành vi thản đãng chính trực của bậc quân tử.

Minh An
Theo SOH

 



BÀI CHỌN LỌC

Khổng Tử giải thích tại sao ví quân tử ‘ôn hòa như ngọc’