Không đạm bạc chí chẳng sáng soi, không tĩnh tâm tiến xa chẳng nổi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có câu: “Tâm tĩnh thì tuệ sinh”, khi thân tâm thanh khiết cũng chính là lúc trí huệ khai thông. Thế tục vạn sự trùng trùng, cám dỗ muôn màu muôn vẻ, đâu đâu cũng có, muốn đi cho chính, chuẩn đường chuẩn hướng thì trước tiên chúng ta cần phải thấu hiểu chính mình. 

Bậc tiên hiền lỗi lạc Vương Dương Minh từng nói, làm người muốn tiến xa thì cần biết tĩnh, muốn tĩnh được lại cần hiểu kiếp nhân sinh.

Tu tĩnh: Nhập tâm cảnh

Vương Dương Minh cho rằng muốn tĩnh lại cần có 2 yếu tố tiên quyết.

Một là: Tức tư lự (Dừng suy nghĩ), đưa cái tâm của mình tiến nhập vào cảnh giới trống rỗng tĩnh lặng. Tạm thời dừng lại những truy cầu.

Hai là: "Tỉnh sát khắc trị" (tự phản tỉnh xem xét bản thân, khắc chế, trị sửa bản thân), tức là lấy tâm làm gương soi, quán chiếu xem xét bản thân.

Con người sinh ra thế gian, chìm đắm trong tư dục, sắc tình danh lợi. Khổng Tử thường giảng pháp chế của người quân tử là “Tự vấn bản thân, hướng nội tu dưỡng". Điểm mấu chốt trong vấn đề tĩnh tu của Vương Dương Minh cũng là ở chỗ này.

Tâm chúng ta không thể tĩnh lại được phần lớn là bởi suy nghĩ không đủ thanh tịnh. Vậy nên không ngừng soi xét tự chính mình chính là cách tốt nhất để liễu giải nội tâm bản thân.

Ý thành: gây dựng cái tâm ngay chính

Một niệm đầu vừa xuất hiện, lương tri tự nhiên sẽ biết là tốt hay xấu, nếu tốt giữ lại, xấu loại đi, đây chính là thành ý.

Vương Dương Minh cho rằng thành ý cũng tựa như mình thích cái thiện, cái đẹp, ghét cái ác như ghét mùi hôi thối.

Câu nói này nghe thì có vẻ đơn giản nhưng thực tế để làm được lại không phải việc giản đơn. Ví như chúng ta đều biết tham đồng tiền bất chính là xấu, tuy nhiên có những lúc làm được điều đó lại không dễ gì, sức lôi cuốn quá lớn, người không đủ đức hạnh khó có thể vượt qua. Một khi không vượt qua được mà tham lấy, nó cũng tựa như thích mùi hôi thối. Vì chúng ta thường xuyên không thành ý cho nên nội tâm thường xuyên cảm thấy có tội, tâm bất an và đương nhiên là trí không thể bình hoà, tâm không thanh tịnh lại được.

Cẩn trọng khi một mình để nghiêm khắc tự giác

Cho dù ở một mình cũng cần chú trọng hành vi của mình. Một người có thể giữ mình được ngay chính khi ở một mình chính là biểu thị người có cảnh giới cao hay không. Nói theo cách của Vương Dương Minh chính là tự quản chính mình.

Bản thân
Nghiên khắc tự soi bản thân. (Ảnh: Pexels)

Tự quản chính mình bao gồm rất nhiều phương diện, yếu tố. Vương Dương Minh cho rằng khi tĩnh tọa cần liệt kê những yếu tố này ra, đây chính là cẩn trọng khi một mình.

Trước tiên cần hướng nội nhìn nhận xem bản thân có tư dục gì.

Thứ hai là mục tiêu, phải làm gì để bài trừ những tư dục này.

Thứ ba là niềm tin, cần kiên trì tin vào bản thân có thể bài trừ những tư dục này.

Thứ tư là nghị lực, cần phải có một ý chí kiên định, mạnh mẽ. Một ngày không thành thì hai, hai không thành thì ba, nhất quyết không bỏ giữa chừng.

Thứ năm là tâm thái. Trong quá trình khắc chế tư dục bản thân cần phải bảo trì một tâm thái tốt, không thể vì khắc chế mà hà khắc, nếu không lại tạo thành tư dục mới.

Thứ sáu là học tập, cái được gọi là học tập ở đây chính là thông qua các loại biện pháp để thấu hiểu lương tri chính mình, lấy lương tri để tăng thêm sức mạnh tự giúp chính mình quản lý tự thân.

Thứ bảy là kiểm nghiệm, khi bạn xác định đã bài trừ tư dục của bản thân, bạn cần phải đi kiểm nghiệm nó.

Thứ tám là phản tỉnh, vì sao mình lại có loại tư dục này, nguyên nhân căn bản phát sinh tư dục này là gì. Chỉ khi nào bạn phản tỉnh tới tận gốc rễ của vấn đề thì khi ấy bạn mới không tái phạm nữa.

Có câu: “Tâm tĩnh thì tuệ sinh”, khi thân tâm thanh khiết cũng chính là lúc trí huệ khai thông. Thế tục vạn sự trùng trùng, cám dỗ muôn màu muôn vẻ, đâu đâu cũng có, muốn đi cho chính, chuẩn đường chuẩn hướng thì trước tiên chúng ta cần phải thấu hiểu chính mình.

Vũ Minh (biên dịch)

Tác giả: Wendy

Theo secretchina.com

Văn hoá


BÀI CHỌN LỌC

Không đạm bạc chí chẳng sáng soi, không tĩnh tâm tiến xa chẳng nổi