Không chỉ là những điều cơ bản: Hãy giáo dục con cái chúng ta suốt cuộc đời

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi nghe thấy từ “giáo dục”, hầu hết chúng ta sẽ liên tưởng đến hình ảnh lớp học đầy những học sinh đang miệt mài cắm cúi vào những trang sách…

Đến khi trẻ tốt nghiệp trung học, chúng ta lại hy vọng những thiếu niên này sẽ sở hữu những khả năng cạnh tranh trong các lĩnh vực toán học và khoa học. Sau 12 năm miệt mài đèn sách, thì chúng cũng đã học được lịch sử của quốc gia và những câu chuyện của những con người đã góp phần xây dựng nên đất nước. Chúng nên đạt được trình độ văn học giỏi nhất và khả năng viết văn lưu loát với cấu trúc rõ ràng mạch lạc, không còn sai chính tả hay lỗi ngữ pháp.

Đó là những tiêu chuẩn cơ bản để đào tạo một người trưởng thành thành công và công dân tốt cho xã hội. Khi thiếu những kỹ năng này, thì những người trẻ thường dễ gặp phải những rắc rối trong cuộc sống, không chỉ khi tìm kiếm công việc mà còn bị khuyết khả năng suy nghĩ chín chắn, hiểu được thế giới xung quanh, tất cả mọi thứ từ Tuyên ngôn Nhân quyền đến nguyên nhân lạm phát.

Hầu hết cha mẹ và thầy cô đều mong muốn trang bị những nền tảng kiến thức cơ bản này cho các em. Và đó cũng là lý do mà chúng ta tham gia vào cuộc thảo luận về những khả năng và thiếu sót của trường học để có thể cung cấp được nền giáo dục lý tưởng như vậy. Chúng ta mong rằng các em sẽ tốt nghiệp thực sự chứ không chỉ là một tấm bằng vô nghĩa trong tay.

Nhưng để thực sự chuẩn bị cho tương lai thì chúng ta cần mở rộng ý tưởng về những điều tạo nên một nền giáo dục.

Thực tiễn

Nhà văn nhà khoa học Robert Heinlein từng viết: “Là một con người nên có khả năng thay tã lót, lập kế hoạch tìm kiếm khám phá, làm thịt heo, điều khiển một con tàu, thiết kế nhà cửa, làm thơ xon-nê (sonnet), cân đối các tài khoản, xây tường, an ủi người hấp hối, nhận lệnh hoặc ra lệnh, hợp tác, hành động đơn độc, dàn xếp để tạo ra sự cân bằng, phân tích vấn đề mới, làm vườn, lập trình máy tính, nấu ăn ngon, đạt được lý tưởng trong đời một cách hiệu quả, chết một cách dũng cảm”.

Có lẽ danh sách này của Heinlein hơi quá toàn diện đối với hầu hết chúng ta, nhưng tôi chắc chắn rằng với một bộ não 18 tuổi chuẩn bị bước vào đại học hoặc xã hội sẽ có thể giải quyết được nhiều nhiệm vụ tương tự. Và đây là danh sách mà tôi đề xuất dựa theo mô phỏng của Heinlein: “Một học sinh tốt nghiệp trung học phải làm được các việc như sử dụng được máy giặt, máy sấy, biết cách trả giá mua bán, để tiết kiệm có thể tìm mua quần áo ở các cửa hàng đồ cũ, chà rửa nhà vệ sinh, cân bằng chi tiêu, hiểu sự cơ bản của tiết kiệm, đầu tư, tài sản thế chấp, hợp đồng cho thuê, tiền vốn và tiền lãi, biết sửa chữa chút chút cho ngôi nhà, chăm sóc thú cưng, đi học và đi làm đúng giờ, nhận thức được sự nguy hiểm của rượu bia, thuốc kích thích và thuốc lá, biết từ chối những lời cám dỗ tai hại, và không được để bất kì ai dụ dỗ mà đi lầm đường lạc lối. Trên hết, anh ta phải biết rằng trước pháp luật, anh ta là một người trưởng thành và phải chịu trách nhiệm về cuộc đời và hành động của mình”.

Củng cố các điểm mạnh

Có lẽ con gái của bạn không thích môn toán học cao cấp nhưng lại đam mê sinh học và giải phẫu học. Có lẽ bạn sống trong một khu dân cư cao cấp, lái một chiếc Lexus sang trọng và trông đợi cậu con trai 17 tuổi sẽ đăng ký vào một trường danh tiếng và sau đó là sự nghiệp thăng tiến. Nhưng cậu ấy lại tỏ ra thích thú với việc học làm mộc và xây dựng.

Tuy rằng, chúng ta luôn nỗ lực để khắc phục các điểm yếu trong học tập của các con nhưng đồng thời chúng ta cũng nên khuyến khích con theo đuổi đam mê riêng, những gì mà chúng thích và được thoải mái phát huy thế mạnh của chúng.

Trong “The Curmudgeon’s Guide to Getting Ahead” (tạm dịch: Sự hướng dẫn của Curmudgeon để bắt đầu), một cuốn sách gồm các lời khuyên dành cho học sinh trung học và đại học, tác giả Charles Murray đã viết “hai thành tựu mà chắc chắn sẽ mang đến hạnh phúc cho bạn: tìm được công việc yêu thích và có được người bạn tâm đầu ý hợp”.

Khi đề cập đến chủ đề việc làm, Murray đã đưa ra danh sách cho người đọc cân nhắc. Murray chỉ ra rằng chúng ta không nên tập trung vào một nghề nghiệp, chuyên môn cụ thể nào mà phải tập trung vào điều mà chúng ta đặc biệt thích: “bạn thích làm ngoài trời”, “bạn thích liều lĩnh”, “bạn thích làm việc độc lập”...

Nói cách khác, ông ấy đề xuất đầu tiên các bạn trẻ phải xác định được đam mê của mình, những thứ sẽ mang đến hạnh phúc và sau đó bắt đầu suy nghĩ về sự nghiệp phù hợp với sở thích đó.

Hôn nhân và gia đình

Chìa khóa hạnh phúc thứ hai của Murray chính là tìm được người bạn tâm giao, nghĩa là người bạn đời.

Huấn luyện viên bóng rổ tại trường cấp ba của con trai tôi, là một bác sĩ, thường lái xe đưa học sinh đến tham gia các trận thi đấu trên sân khách. Trên đường đi, anh ấy sẽ thảo luận mọi thứ từ sự kiện hiện tại cho đến ý nghĩa cuộc sống với các cậu thiếu niên. Điều nổi bật của những chuyến đi này là nhóm luôn cảm thấy rất vui vẻ và được khai sáng nhiều điều hay. Có lần anh ấy đã nói suốt cả chuyến đi về phẩm chất của người vợ tương lai mà các cậu thanh niên mong muốn tìm kiếm. Tôi chưa bao giờ tìm hiểu chi tiết về cuộc nói chuyện đó nhưng khi vừa nghe điều này, tôi nhận ra rằng giữa tôi và các con gần như chưa bao giờ đề cập đến chủ đề ấy.

Bất kể tình trạng hôn nhân của chúng ta như thế nào, thì đây là một chủ đề đáng để thảo luận với các con. Mặc dù số lượng các cặp đôi kết hôn trong 20 năm qua đang giảm và tỷ lệ sinh cũng thấp hơn, nhưng hôn nhân và gia đình vẫn luôn là nền tảng vững chắc cho xã hội. Với tư cách cá nhân thì hôn nhân, gia đình và con cái có thể mang đến những điều tuyệt vời nhất và niềm vui sâu sắc nhất trong cuộc đời mỗi chúng ta.

Đa số các con không thật sự biết rằng chúng muốn tìm kiếm gì ở người vợ hoặc chồng tương lai, hoặc những niềm vui và sự gian khó của cuộc sống hôn nhân đang chờ phía trước. Thậm chí chúng xem chúng ta như những hình mẫu để học hỏi cách dạy con và cách đối xử trong gia đình. Những cuộc hội thoại về chủ đề như thế này, chắc chắn rất quan trọng cho tương lai hạnh phúc của các con.

Mục tiêu

Trước đây, tôi là một giáo viên. Đôi khi, vì một số nhận xét về điểm số và trạng thái trong lớp, tôi đã cho lớp nghỉ giải lao để giải thích một số điều cho các em. Tôi nói: học thuật luôn định hình rõ ràng về thành tựu và thất bại, nhưng chỉ vài năm nữa những điều ấy sẽ là dĩ vãng. Khi các em bước vào thế giới của người lớn, những người đã trưởng thành, là nơi của những ông chủ và những đồng nghiệp, họ sẽ không quan tâm đến việc các em có đạt điểm số cao trong các kỳ thi hay không. Thay vào đó, họ quan tâm đến năng lực, phẩm chất cá nhân, hiệu quả và tính cách của các em.

Đây chỉ là điều mà tôi chia sẻ với các học trò của mình. Học thuật rất quan trọng khi bạn còn đang trong độ tuổi đến lớp. Cơ hội này sẽ không có nhiều, do đó hãy tận dụng nó, học nhiều như bạn muốn. Nhưng nên nhớ rằng, các năng lực và thế mạnh của bạn thì sách vở hay trường lớp có thể sẽ không có liên quan nhiều đâu. Mà thành công trong tương lai lại phụ thuộc vào việc phát triển tất cả những tài năng đó.

Mục tiêu của giáo dục là giúp cho các học sinh, sinh viên đạt đến những tiềm năng và phát triển tài năng, chứ không chỉ đơn thuần là thành công trong học tập. Giáo dục cung cấp cho các em hành trang để phát triển và sống hạnh phúc nhất có thể, chúng ta cần giữ bức tranh lớn như thế về giáo dục trong tâm trí và truyền cảm hứng cho thế hệ mai sau.

Du Du

Theo Jeff Minick - The Epoch Times

Giới thiệu tác giả: Jeff Minick có bốn người con và ‘một tiểu đội cháu đang tuổi lớn’. Suốt 20 năm, ông là giáo viên lịch sử, văn học và dạy tiếng Latinh cho các hội thảo giáo dục học sinh tại nhà ở Asheville, North Carolina. Ông là tác giả của hai tiểu thuyết “Amanda bell”, và “Dust On Their Wing” cùng hai tác phẩm phi hư cấu “Learning as I Go”, và “Movies Make the Man”. Hiện nay, ông đang sống và viết sách ở Front Royal, Virginia. Để biết thêm thông tin về tác giả, bạn có thể xem tại blog: JeffMinick.com

Văn hoá Giáo dục


BÀI CHỌN LỌC

Không chỉ là những điều cơ bản: Hãy giáo dục con cái chúng ta suốt cuộc đời