Khi nào nên bắt đầu dạy con giai đoạn thanh thiếu niên?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những năm thiếu niên, các thói quen sinh hoạt của trẻ đã được hình thành khá nhiều; và những gì đã xảy ra trước giai đoạn tuổi ô mai này mới thực sự quan trọng.

Khi tôi quyết định mở rộng chuyên môn thực hành ngành nhi khoa cho cả trẻ vị thành niên, tôi nghĩ mình có thể giúp đỡ các thanh thiếu niên gặp phải những vấn đề của tuổi mới lớn và gia đình của các em trở về đúng hướng.

Phát triển thái độ tích cực: Nếu bạn muốn con mình là những đứa trẻ hạnh phúc, lạc quan, trung thực, tốt tính và biết tôn trọng thì trước hết bạn cũng phải hạnh phúc, lạc quan, trung thực, tốt tính và biết tôn trọng!

Có nhiều cách để nuôi dạy con đạt đến những tiêu chuẩn đó. Nhưng cơ bản nhất là hãy dạy trẻ phải có trách nhiệm, chúng phải hiểu rằng bất kì hành động nào cũng sẽ để lại hậu quả, và pháp luật dù ở cấp độ nào cũng là để bảo vệ chúng ta; chúng ta cần tôn trọng pháp luật và những người thực thi nó.

Đầu tiên, hãy giúp con trẻ thấm nhuần tinh thần trách nhiệm.

Một trong những công cụ tốt nhất mà tôi biết để giúp trẻ học được tính chịu trách nhiệm chính là chiếc đồng hồ báo thức dành riêng cho bé ngay từ khi còn nhỏ, rất đơn giản đúng không! Trước khi trẻ vào lớp một hoặc thậm chí là mẫu giáo thì trẻ đã có khả năng nhận biết giờ giấc. Nếu chưa biết thì hãy dạy con nhé.

Nên trao đổi với trẻ việc ra khỏi giường ngay khi đồng hồ báo thức reo lên và dù có thế nào cũng không được tắt chuông và ngủ tiếp. Bạn có thể đưa ra những kết quả tốt đẹp khi bé tự thức dậy như một người lớn, để bé thấy được giá trị của bản thân. Nếu bé dậy trễ có thể sẽ bỏ lỡ một ngày học, vậy thì bạn sẽ phải ở nhà trông chúng hoặc gửi đến trường trễ. Và nhớ rằng không nên gửi sang nhà ông bà trông hộ, bởi đó sẽ là một ngày lộn xộn đối với bạn. Mọi trẻ em đều muốn làm ba mẹ vui vẻ, tự hào về chúng và thực sự các bé cũng phát triển hòa hợp khi làm cha mẹ hài lòng.

Khi trẻ có thể tự ra khỏi giường sau tiếng đồng hồ báo thức thì trẻ sẽ sẵn sàng cho các nhiệm vụ tiếp theo, đánh răng, chọn quần áo thay, ăn sáng, tất cả đều sẽ dễ dàng mà hình thành thói quen.

Thứ hai, dạy trẻ những hành động ‘nhân-quả’.

Cha mẹ và con cái cần nên trao đổi những việc gì nên làm. Trước khi có bất kì hành vi phạm lỗi nào xảy ra, các con cần biết về hậu quả sẽ như thế nào. Để cho con dễ hiểu, dễ nhớ việc gì nên và không nên thì cha mẹ hãy giải thích và gợi ý cho con hậu quả gì sẽ xảy ra nếu con vâng lời hoặc không.

Cũng có thể ‘thỏa thuận hình phạt’ nên như thế nào nếu con không nghe theo. Đừng ngạc nhiên khi trẻ đưa ra các kiểu hình phạt còn kinh khủng hơn cách của bạn! Đây cũng chính là cơ hội bạn trở nên “nhân từ” và ít bị trách móc hơn.

Nếu bạn muốn con mình là những đứa trẻ hạnh phúc, lạc quan, trung thực, tốt tính và biết tôn trọng thì trước hết bạn cũng phải hạnh phúc, lạc quan, trung thực, tốt tính và biết tôn trọng! (Ảnh: Pixabay)
Nếu bạn muốn con mình là những đứa trẻ hạnh phúc, lạc quan, trung thực, tốt tính và biết tôn trọng thì trước hết bạn cũng phải hạnh phúc, lạc quan, trung thực, tốt tính và biết tôn trọng! (Ảnh: Pixabay)

Thứ ba, hãy bắt đầu việc dạy con từ phương diện nghiêm khắc.

Tôi đã từng hỏi hàng trăm bạn trẻ trung học và đại học rằng cha mẹ của các em có nghiêm khắc hay khoan dung hơn so với các cha mẹ khác không? Phần lớn câu trả lời là “cha mẹ em bình thường”, cũng có một số trả lời rằng “cha mẹ em đã từng rất dễ chịu, thoải mái nhưng giờ thì họ rất nghiêm khắc, và thường xuyên la mắng”.

Đa số cho biết rằng “cha mẹ đã từng rất nghiêm khi các em còn nhỏ, nhưng từ khi các em bắt đầu trung học thì cha mẹ trở nên nhẹ nhàng hơn”.

Khi tôi hỏi các em ấy tại sao lại nghĩ cha mẹ thay đổi phương pháp và trở nên nghiêm khắc hơn; câu trả lời thường gặp là “em gặp khó khăn, rắc rối”.

Còn những bạn trẻ mà cha mẹ có phương pháp giáo dục khác, ví như thái độ khoan dung, hiền hòa hơn thì trả lời rằng các em chưa bao giờ gặp vấn đề hay rắc rối gì trong cuộc sống, có thể các bậc cha mẹ này không có điều gì phải lo lắng về các con nên họ cũng không quá sát sao với chúng.

Có lẽ, từ nghiêm khắc đến khoan dung sẽ dễ dàng hơn nhiều so với bất kì cách dạy dỗ nào khác.

Điều thứ tư, mong đợi điều tốt nhất.

Tôi thường nghe các cha mẹ nói rằng “bây giờ, con bé rất ngoan nhưng tôi cũng rất lo cho khi nó đến tuổi vị thành niên sẽ như thế nào?” hoặc là “tôi không biết sẽ phải làm những gì khi nó tới tuổi được lái xe. Tôi sợ khi nghĩ về điều ấy!”

Khi tôi hỏi họ tại sao lại sợ thì đều trả lời rằng “bạn biết tuổi mới lớn sẽ như thế nào mà”. Và điều tệ hơn là họ thường nói điều này trước mặt bọn trẻ.

Tại sao không nói những điều tích cực hơn như “tôi cảm thấy nôn nóng và không thể đợi đến khi con lấy bằng lái, vì tôi nghĩ con sẽ là một người lái xe giỏi và cẩn thận, khi đó tôi có thể nhờ con một số việc lặt vặt”. Chắc hẳn trẻ cũng sẽ nghe thấy điều này và cảm thấy mình quan trọng và hữu ích trong mắt cha mẹ chúng. Khi lái xe bạn hãy tuân theo các quy định và lái theo cách mà bạn muốn trẻ sẽ học theo.

Điều thứ năm, tôn trọng luật pháp và những người giám sát thi hành luật.

Bây giờ, trẻ em dễ cảm thấy sợ hoặc không thích cảnh sát bởi vì các kênh truyền thông trên mạng xã hội hay đưa tin về các nhân viên cảnh sát xấu tính. Tôi nghĩ hầu hết các cảnh sát đều là những người tốt, trung thực và đáng kính. Những lúc đi dạo, có thể dẫn con bạn đến gặp những cảnh sát đang trực trên đường hoặc là trong trạm, cho con cơ hội nói chuyện với họ, để con thấy rằng cảnh sát cũng thật dễ thương.

Chúng ta nên đối xử với cảnh sát bằng thái độ tôn trọng bởi vì họ đang phục vụ cho người dân và giúp tránh các rắc rối giao thông. Cần giải thích rõ cho con vì sao lỗi vi phạm đó là mối nguy hiểm cho mọi người tham gia giao thông, để con biết rằng các luật lái xe đều áp dụng cho tất cả mọi người, từ đó trẻ có khái niệm tuân thủ.

Cuối cùng, nếu chúng ta thể hiện cho con trẻ thấy các hành động trưởng thành, chúng sẽ rất tôn trọng và thấy thú vị, khi gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định, trẻ sẽ không ngần ngại và thoải mái hỏi cha mẹ lời khuyên. Nếu không, đồng nghĩa với việc chúng ta đã thất bại trong việc dạy con.

Hóa ra, việc dạy dỗ trẻ thành niên đã thực sự bắt đầu từ khi chúng mới sinh ra. Kế hoạch nuôi con tốt nhất mà tôi đã đề cập trước đó, là hãy trở thành những người mà bạn muốn con sẽ trở thành. Tùy vào điều kiện gia đình mà bạn linh hoạt áp dụng. Dạy con như trồng cây, bạn uốn nắn như thế nào thì con sẽ trưởng thành như thế ấy. Chúc bạn thành công!

Du Du
Theo The Epoch Times

Văn hoá Giáo dục


BÀI CHỌN LỌC

Khi nào nên bắt đầu dạy con giai đoạn thanh thiếu niên?