‘Hưu chiến lễ Giáng sinh’ năm 1914: Ý nghĩa thực sự của ngày lễ Giáng sinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất vốn cướp đi sinh mạng của hơn 15 triệu người, tuy nhiên, nó không chỉ nhắc nhớ nhân loại về tính tàn bạo và đau thương của chiến tranh, mà còn nêu bật lên sự phi thường của tình đồng loại qua một khoảnh khắc hòa bình ngắn ngủi nhưng kỳ diệu: Cuộc đình chiến Giáng sinh năm 1914 - một phép lạ của tình người.

Khi đêm Giáng sinh bắt đầu vào năm 1914, những người lính ngồi trong chiến hào phủ đầy băng giá và khổ sở chịu đựng cái giá lạnh, nỗi nhớ nhà và những mỏi mệt vì cuộc chiến tranh kéo dài. Các chính trị gia và tướng lĩnh, những người đang nghỉ ngơi thoải mái trong những ngôi nhà an toàn của họ, hoặc thư giãn nhấm nháp chút rượu trong một căn phòng ấm áp, đã hứa hẹn với những người lính rằng chiến tranh sẽ kết thúc trước mùa lá rơi”.

Vào năm tháng trước đó, những nhà lãnh đạo của các phe tham chiến đã tuyên bố rằng những người lính phải chiến đấu để cứu lấy bản thân, gia đình và đất nước của mình, rằng họ đang chiến đấu vì một sứ mệnh vô cùng “vĩ đại”. Người dân reo hò khi thấy những người lính hành quân qua các đường phố và quảng trường thị trấn. Rốt cuộc, họ là những người tốt, kẻ thù của họ là những kẻ xấu, và năm 1914 được cho là quãng thời gian huy hoàng để sống và cống hiến!

Đêm nay là một đêm rất khác - một đêm Giáng sinh của tình người

Có thể nói rằng, trong vòng năm tháng sau khi cuộc đại chiến thế giới lần thứ I bắt đầu, “những người tốt” đã “hăng hái” để giết chết “những kẻ xấu”. Vào một tuần trước đêm Giáng sinh, quân Đồng minh tấn công vào phòng tuyến của quân Đức, và gánh chịu đợt chống trả không khoan nhượng bằng súng máy từ chiến tuyến quân Đức, cuộc chiến rơi vào thế giằng co kịch liệt, các bên tham chiến đều chiến đấu vô cùng quyết liệt.

Tuy nhiên, “đêm nay” là một đêm rất khác, vì đó là một đêm Giáng Sinh, hay như sách Phúc âm Matthew gọi là ngày “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Bắt đầu bằng việc một cây thông Giáng sinh với những ngọn nến sáng lung linh đột nhiên xuất hiện trên đỉnh chiến hào quân Đức. Quân Đồng minh ngỡ ngàng khi nghe thấy “kẻ thù tàn bạo” của họ giờ đang hát vang giai điệu quen thuộc "Stille Natch! Heilige Natch!"(phiên bản tiếng Đức của bài Đêm thánh vô cùng), và hét lên những lời chúc mừng Giáng sinh với những “kẻ địch” bên kia chiến tuyến.

Cây thông Noel
Cây thông Giáng sinh với những ngọn nến sáng lung linh. (Ảnh minh hoạ)

Những người lính Đồng minh đã hát những bài hát mừng của mình và đáp lại bằng lời chúc mừng của đối phương. Binh nhì Graham Williams thuộc lữ đoàn bộ binh London số 5 viết trong nhật ký của ông rằng: “Tôi nghĩ rằng binh sĩ hai quốc gia cùng hát một bài giữa cuộc chiến là điều phi thường nhất".

Dường như giai điệu vui tươi và sâu sắc của bài hát đã chạm đến trái tim của những người lính, một cách chậm rãi và thận trọng, họ bắt đầu trèo ra khỏi chiến hào để gặp gỡ “kẻ thù” và sắp xếp một thỏa thuận ngừng bắn.

Thế rồi, như những người bạn cũ lâu ngày không gặp, họ bắt tay nhau, trao cho nhau những lời chúc mừng Giáng sinh và đồng ý hỗ trợ nhau trong việc chôn cất những người lính tử trận của cả hai phía. Chỉ một ngày trước, họ là những người lính thuộc hai phe đối nghịch, giờ đây họ như những người “đồng đội”, cùng nhau khiêng và chôn những thi thể. Binh sĩ hai phe còn tặng nhau những món quà như sô-cô-la, thực phẩm, thuốc lá, và đồ uống, cũng như chia sẻ những câu chuyện cá nhân.

Ở những nơi khác của mặt trận, những người lính ngồi trên chiến hào, hát cho “kẻ thù” của họ nghe, và vui vẻ đón nhận những tràng pháo tay cổ vũ từ cả hai phía. Tiếp đó, họ cùng chơi các trận bóng đá, cùng ăn, uống và cầu nguyện. Một người lính Đức đã cắt tóc giúp một người lính Anh.

Rõ ràng, nếu không được lưu ý rằng đây là một sự kiện diễn ra ngay giữa cuộc chiến tranh đẫm máu cấp nhân loại, thì người đọc sẽ không thể hình dung ra được. Bởi lẽ giữa những lời miêu tả về cảnh tượng “huyền thoại” đầy vui tươi của lễ Giáng sinh, không ai nhận thấy dấu hiệu nào của sự thù hận, giết chóc, tàn bạo… Trong dịp đặc biệt này, những người lính không còn là quân địch của nhau, họ cư xử thân ái và hòa đồng như những người bạn cũ.

Người lính
Không ai nhận thấy dấu hiệu nào của sự thù hận, giết chóc, tàn bạo… (Ảnh minh hoạ)

‘Phép lạ’ đã xảy ra

Trong 24 giờ tiếp theo, một “phép lạ” đã bất ngờ xuất hiện dọc theo Mặt trận phía Tây, trên lãnh thổ Bỉ và vùng đông bắc Pháp, khi một cảnh tượng hòa bình và thân ái hiếm thấy diễn ra giữa những chiến trường đẫm máu. Đơn giản chỉ vì những người lính có cùng đức tin và muốn cùng nhau chúc mừng ngày Giáng sinh của Đức Chúa của họ trong yên bình và yêu thương. Do đó, không chỉ giới hạn ở Mặt trận phía Tây, những cử chỉ thiện chí tương tự cũng diễn ra ở Mặt trận phía Đông.

Giáo hoàng Benedict XV đã gọi cuộc chiến tranh này là “sự tự sát của châu Âu”, và cố gắng kêu gọi “Hưu chiến nhân danh Chúa”, đặc biệt trong những dịp lễ quan trọng như lễ Giáng sinh. Dù vậy, nguyện vọng của ông đã bị lãnh đạo các phe tham chiến phớt lờ.

Sự thật là, mặc dù luôn có những bất đồng quan điểm về hệ tư tưởng giữa các tín đồ Công giáo, Tin lành và Chính thống giáo, nhưng cuối cùng họ vẫn cùng tôn kính cùng một vị thần, thuộc cùng một Đạo Thánh của Chúa Kito. Đức tin lớn đó đã ràng buộc tất cả các quốc gia châu Âu lại với nhau. Cũng như giữa cộng đồng người Do Thái và người Hồi giáo luôn có mâu thuẫn về các giáo lý, giáo điều tôn giáo, nhưng luôn cùng tôn thờ Đức Chúa Trời Jehovah.

Nhà thơ Hilaire Belloc nổi tiếng với tuyên bố rằng: “Đức tin là Châu Âu và Châu Âu là đức tin”.

Mặc dù ông đề cập đến đức tin Công giáo, nhưng nó áp dụng cho tất cả các tín ngưỡng Kitô giáo. Nói cách khác, đức tin là nguồn gốc của châu Âu, là sự thống nhất chặt chẽ của các dân tộc khác nhau dù họ vẫn giữ các phong tục và ranh giới riêng.

Đối với phần lớn người châu Âu, Chúa Jesus là Chúa Cứu Thế của họ, và vì bất kể lý do gì, ngày Giáng Sinh của Chúa cần phải là ngày mọi người sống hòa bình và tương ái, dù nó chỉ là một khoảnh khắc trong cuộc chiến thảm khốc này. Đó là điều mà các nhà lãnh đạo chính trị của bất kỳ phe phái nào cũng không thể thay đổi được

Ngày Giáng Sinh của Chúa cần phải là ngày mọi người sống hòa bình và tương ái. (Ảnh: Pixabay)
Ngày Giáng Sinh của Chúa cần phải là ngày mọi người sống hòa bình và tương ái. (Ảnh: Pixabay)

Sau tất cả những lý do cho cuộc chiến, tình người vẫn là trên hết

Khi ngày Giáng sinh năm 1914 kết thúc, những người lính không còn muốn tiếp tục cuộc chiến, họ thích tận hưởng thời gian của mình với những “kẻ thù” bên kia chiến tuyến. Trên thực tế, sau cuộc đình chiến tuyệt vời này, đã có nhiều trường hợp binh lính nổ súng “phía trên đầu kẻ thù” của họ để tránh việc giết chết đối phương.

Giờ đây, họ đã có cái nhìn khác đi về bản chất của chiến tranh. Nếu trong hoàn cảnh khác, những “kẻ thù” của nhau rất có thể sẽ cùng sống hòa thuận, thậm chí họ còn có thể cùng ăn mừng ngày lễ này trong nhà hoặc nhà thờ của nhau.

Một người lính tham chiến đã viết trong nhật ký của ông rằng: “Khó có thể tưởng tượng rằng chúng tôi đã bắn nhau trước đó trong tuần, thật lạ lùng!

“Hưu chiến đêm Giáng Sinh” trở thành một cụm từ mang tính chất lịch sự, được xem là biểu trưng cho hòa bình và tình nhân loại, thậm chí sự kiện này còn là “hình mẫu” cho một thỏa thuận đình chiến khác vào dịp năm mới.

Tuy nhiên, các tướng lĩnh quân sự đã trở nên tức giận khi nghe về thỏa thuận ngừng bắn Giáng sinh và quyết định “kết thúc” việc thoải mái ra vào chiến tuyến này. Họ không chỉ quyết tâm trừng phạt những người có trách nhiệm trong sự kiện hưu chiến mà còn cho rằng “tình bằng hữu” giữa các bên tham chiến là không thể chấp nhận và lên kế hoạch ngăn chặn việc phát sinh sự việc tương tự trong tương lai.

Sự bình yên, tình thân, tình bạn, tình yêu thương làm suy yếu tính “hiếu chiến” của những người lính. Do đó, các tướng lĩnh lo lắng rằng làm thế nào có thể mong đợi một đội quân duy trì một cuộc chiến nếu những người lính dành sự nhân ái thay cho thù hận với kẻ thù của mình?

Sau tất cả những lý do cho cuộc chiến, tình người vẫn là trên hết. (Ảnh minh hoạ)
Sau tất cả những lý do cho cuộc chiến, tình người vẫn là trên hết. (Ảnh minh hoạ)

John French, chỉ huy trưởng của lực lượng viễn chinh Anh, hồi tưởng lại trong nhật ký của mình:

Khi điều này được báo cáo lên tôi, tôi đã ra lệnh phải ngay lập tức ngăn chặn bất kỳ sự tái diễn nào của hành vi đó và kỷ luật nghiêm khắc đối với các chỉ huy địa phương nhằm giải quyết vấn đề này”.

Do đó, trong 12 tháng tiếp theo, cuộc chiến tranh phi nhân đạo tiếp tục phát triển với việc bổ sung những người tham chiến mới. Điều này đảm bảo rằng sẽ không có những sự kiện đình chiến “thiện chí” như vậy tồn tại vào các dịp Giáng sinh hoặc bất kỳ ngày lễ nào khác sau đó. Cuộc chiến tàn bạo vẫn tiếp diễn cho đến tận ngày 11/11/1918.

Ngày nay, chúng ta dễ dàng nhìn thấy các thanh thiếu niên từ các quốc gia thuộc Mặt trận phía Tây cũ của Đức, Pháp, Anh, Bỉ, Luxembourg và Ireland, cũng như các quốc gia châu Âu khác cùng gặp gỡ, giao lưu trong các nhà hàng, quán cà phê, câu lạc bộ đêm, bãi biển, cửa hàng quần áo, và các buổi hòa nhạc.

Hiện nay các tín đồ người châu Âu tham dự tại các nhà thờ đã giảm mạnh, và người dân có thể không còn cảm nhận được niềm vui chân chính và ý nghĩa thực sự của lễ Giáng sinh, tuy nhiên, vào năm 1914, “hưu chiến lễ Giáng sinh” chính là thông điệp kỳ diệu cho hòa bình và thiện chí ở những nơi ác liệt nhất, khó xảy ra nhất.

Tất cả những gì chúng ta nên làm là ghi nhớ ý nghĩa thực sự của dịp lễ đặc biệt này, bởi vì vào một trăm năm trước, một sự kiện tốt đẹp phi thường về giá trị của lương tâm, đạo đức, tình người, và tín ngưỡng đã từng diễn ra, giữa sự giết chóc của chiến tranh, và giữa những người từng coi nhau như kẻ địch.

Trọng Khiêm
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

‘Hưu chiến lễ Giáng sinh’ năm 1914: Ý nghĩa thực sự của ngày lễ Giáng sinh