Hong Kong 2019 - Giáng Sinh của những người mang mặt nạ Guy Fawkes (Kỳ 2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ôn hòa, bất bạo động có sức ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với bạo lực, vì nó khơi dậy lòng trắc ẩn và sự khâm phục của cả người trong và ngoài cuộc – một cách tự nguyện.

Kỳ 2: Từ khẩu trang che mặt đến mặt nạ Guy Fawkes và một mùa Giáng Sinh buồn ở Hong Kong

Xem lại Kỳ 1

Câu chuyện về chiếc mặt nạ Guy Fawkes

Vào ngày 5/11/1605, có một người Anh tên là Guy Fawkes bị phát hiện với âm mưu làm nổ tung tòa nhà Nghị viện Anh bằng thuốc nổ. Anh ta thất bại, bị bắt rồi tự sát nhưng cái tên Guy Fawkes thì đã trở thành biểu tượng của hành động phản kháng chính quyền hà khắc bằng thuốc nổ. Guy Fawkes được tưởng niệm ở Anh trong “đêm Guy Fawkes” kể từ ngày 5 tháng 11 năm 1605. Theo truyền thống, hình nộm của Guy Fawkes được đem hỏa thiêu cùng với chiếc mặt nạ mang nụ cười bí ẩn và tinh quái của anh ta trước khi chết. Người ta gọi lễ hội trong đêm 5/11 đó là “Bonfire Night”.

Nhưng Guy Fawkes cùng chiếc mặt nạ của anh ta chỉ trở nên nổi tiếng toàn cầu sau khi bộ phim Hollywood “V for Vendetta” được công chiếu năm 2006 và đã gây một tiếng vang lớn trên toàn thế giới. Kịch bản bộ phim được xây dựng dựa trên truyện tranh cùng tên của tác giả Alan Moore, được minh họa bởi họa sĩ David Lloyd.

Vào ngày 5/11/1605, có một người Anh tên là Guy Fawkes bị phát hiện với âm mưu làm nổ tung tòa nhà Nghị viện Anh bằng thuốc nổ.
Vào ngày 5/11/1605, có một người Anh tên là Guy Fawkes bị phát hiện với âm mưu làm nổ tung tòa nhà Nghị viện Anh bằng thuốc nổ. (Ảnh: Getty).

Truyện phim lấy bối cảnh của nước Anh giả định trong thế kỷ 21, bị thống trị bởi một chế độ độc tài chuyên chế - đứng đầu là pháp quan Adam Sulter; còn người hùng V là tên một chiến binh đơn độc đấu tranh cho tự do và sự thật. Anh kêu gọi dân chúng đứng lên chống chế độ độc tài tàn ác và giả tạo bằng phương pháp bạo lực. Không ai biết gì về V ngoài một người đàn ông giấu mặt sau chiếc mặt nạ Guy Fawkes cùng lời tuyên bố lặp đi lặp lại:

“Hãy nhớ, hãy nhớ về ngày 5/11”.

Và những phát ngôn bất hủ:

“Sau lớp mặt nạ này còn hơn là xương thịt, đằng sau nó là một tư tưởng, ngài Creedy. Tư tưởng này không thể bị giết chết bởi súng đạn”.

“Chúng ta được dạy rằng hãy ghi nhớ lý tưởng chứ đừng ghi nhớ con người, bởi vì con người có thể gục ngã. Anh ta có thể bị bắt, bị giết và bị lãng quên, nhưng 400 năm sau, một lý tưởng vẫn có thể thay đổi cả thế giới”.

V đã đánh bom tòa đại hình London sau khi thông báo về âm mưu ấy trên sóng truyền hình toàn quốc. Dân chúng bị chính quyền khống chế nên chỉ có thể theo dõi mà không thể ủng hộ V, nhưng họ thầm khâm phục anh ta. V cũng lập kế hoạch làm nổ tung tòa nhà quốc hội London vào ngày 5/11, giống như những gì Guy Fawkes định làm vào năm 1605, nhưng đã chết trước khi có thể thực hiện việc ấy. V chết nhưng tư tưởng của V thì không chết, những người dân thay vì ngồi ở nhà trước máy thu hình và đóng vai khán giả bất đắc dĩ, thì họ đã đeo lên chiếc mặt nạ Guy Fawkes và tràn ra đường, giống như cái cách những người dân Hong Kong đang làm.

“Chúng ta được dạy rằng hãy ghi nhớ lý tưởng chứ đừng ghi nhớ con người, bởi vì con người có thể gục ngã. Anh ta có thể bị bắt, bị giết và bị lãng quên, nhưng 400 năm sau, một lý tưởng vẫn có thể thay đổi cả thế giới”.
"Hãy ghi nhớ lý tưởng chứ đừng ghi nhớ con người, bởi vì con người có thể gục ngã. Anh ta có thể bị bắt, bị giết và bị lãng quên, nhưng 400 năm sau, lý tưởng ấy vẫn có thể thay đổi cả thế giới”. (Ảnh: Shutterstock).

Những ảnh hưởng mang tầm quốc tế

Ảnh hưởng của bộ phim lớn đến nỗi, người ta đã đeo chiếc mặt nạ Guy Fawkes theo kiểu của V để tham gia các cuộc biểu tình chống độc tài và bất công trên toàn thế giới, từ Anh quốc tới nước Mỹ, Ba Lan, Ấn Độ, Bahrain, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Ai Cập, Arab Saudi, Venezuela… Chiếc mặt nạ được sử dụng cả trong những cuộc biểu tình của Mùa xuân Ả Rập đến mức các chính quyền Trung Đông như Bahrain, Arab Saudi, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất… cũng phát run và ra lệnh cấm nhập khẩu, cấm đeo mặt nạ Guy Fawkes, viện dẫn đến việc phương hại an ninh quốc gia!...

Cả những nhân vật nổi tiếng như Julian Assange, người sáng lập Wiki Leak cũng đeo chiếc mặt nạ này để biểu tình.

Theo tạp chí Time năm 2011, doanh số bán ra của chiếc mặt nạ này trên trang Amazon.com là hàng trăm nghìn chiếc mỗi năm, thuộc loại sản phẩm bán chạy nhất.

Và câu chuyện về những 'Guy Fawkes' ở Hong Kong

Xã hội Hong Kong vốn không có mấy cách biệt với xã hội phương Tây, lại đã từng là mảnh đất một thời của Anh quốc, chắc hẳn không xa lạ gì với câu chuyện của Guy Fawkes, cũng như chiếc mặt nạ và tư tưởng của V trong bộ phim này. Bản thân Joshua Wong, thủ lĩnh của thanh niên biểu tình Hong Kong, vẫn thường nhắc đi nhắc lại một tuyên ngôn của V:

“Người dân không nên sợ chính phủ, chính phủ mới phải sợ người dân của mình”.

Có thể thấy tư tưởng của V lôi cuốn đến mức nào đối với nhóm người yêu tự do dân chủ và phản kháng độc tài chuyên chế.

Trong hai nhóm biểu tình tại Hong Kong, nhóm phản kháng bằng bạo lực còn gọi là “nhóm chiến đấu” có chủ trương và cách hành động dứt khoát và mạnh bạo hơn so với “nhóm hòa bình”, vốn không có những hành động phá hoại tài sản hay đối đầu cứng rắn đối với cảnh sát Hong Kong. Nhưng điều đáng chú ý là: trong ba cuộc thăm dò dư luận từ tháng 8 đến tháng 10 do Minh Báo hay Đại học Hong Kong tiến hành, số người cho rằng cảnh sát đã sử dụng vũ lực quá mức nhiều hơn số người cho rằng lỗi lạm dụng bạo lực thuộc về người biểu tình Hong Kong. Có đến 59,2% số người được hỏi (trong cuộc thăm dò giữa tháng 10) cho rằng: việc người biểu tình tham gia vào các hành động vũ lực là điều dễ hiểu khi các cuộc biểu tình ôn hòa quy mô lớn đã không thể dẫn đến phản ứng từ chính phủ. (1)

59,2% số người được hỏi cho rằng: việc người biểu tình tham gia vào các hành động vũ lực là điều dễ hiểu khi các cuộc biểu tình ôn hòa quy mô lớn đã không thể dẫn đến phản ứng từ chính phủ. (Ảnh: Getty).

Điều này cũng có thể hiểu được nếu xét đến những vụ hành hung, nhục mạ hay xâm hại tình dục trái pháp luật của cảnh sát Hong Kong với người biểu tình; xét đến số lượng 2537 thi thể chết được tìm thấy, bao gồm số người chết trước và sau khi tới bệnh viện trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9/2019; đến số lượng 256 người biểu tình “tự tử” hoặc "khỏa thân nhảy lầu" có sự “giúp đỡ” của cảnh sát trong cùng khoảng thời gian này (2).

Như vậy khi người dân của một nước nào đó mà phải đành lòng đeo lên mặt mình chiếc mặt nạ Guy Fawkes và đổ ra đường biểu tình thì có khác gì họ tố cáo rằng chính quyền đang quản lý họ là một chính quyền độc tài? Nhưng phải chăng họ đang lựa chọn phương án sử dụng bạo lực, nếu cần thiết, để đạt được nguyện vọng của mình? Vì đó chính là những gì chiếc mặt nạ Guy Fawkes đại diện.

Vậy lựa chọn bạo lực có phải là một giải pháp tối ưu?

Bạo lực có thể khiến những người biểu tình ôn hòa rời xa cuộc biểu tình; có thể kích thích ác tính của những người trong cuộc – tức là cả cảnh sát và người biểu tình – khiến sự việc bị đẩy đi xa hơn; cũng có thể khiến người Hong Kong mất đi phần nào sự ủng hộ của cộng đồng thế giới.

Người ta không nhất thiết phải sử dụng bạo lực để đạt được mục đích. Vì trước đây thánh Gandhi chẳng phải đã từng dẫn hơn 80,000 người dân Ấn Độ tuần hành ôn hòa mà đòi được độc lập cho Ấn Độ từ chính quyền Anh quốc đó sao?

Hay như cuộc thỉnh nguyện ôn hòa của 10,000 học viên Pháp Luân Công tại Trung Nam Hải vào ngày 22/4/1999 để đề nghị chính phủ Trung Quốc công nhận về quyền lợi hợp pháp được tu luyện Pháp Luân Công. Không có bất cứ vụ xung đột, biểu ngữ, khẩu hiệu hay tiếng hò hét nào. Cảnh sát rất thoải mái và các phương tiện vẫn lưu thông như bình thường.

Cũng tại sự kiện này, thủ tướng Chu Dung Cơ đại diện cho chính quyền Bắc Kinh đã gặp các cá nhân đại diện cho các học viên Pháp Luân Công và hứa sẽ giải quyết vấn đề được thỉnh nguyện, những học viên Pháp Luân Công liền lặng lẽ rời đi chỉ sau khi đã dọn toàn bộ rác trên phố.

Bức tranh tả lại khung cảnh biểu tình ôn hòa của học viên Pháp Luân Công vào ngày 25/04/1999.
Bức tranh tả lại khung cảnh biểu tình ôn hòa của học viên Pháp Luân Công vào ngày 25/04/1999. (Ảnh: Haiyan Kong - Đạt giải vàng cuộc thi hội họa quốc tế của NTD).

Hai mươi năm nay, dù bị đàn áp khốc liệt nhưng chưa có bất kỳ ai nghe thấy rằng có học viên Pháp Luân Công chân chính nào sử dụng bạo lực để chống chính quyền Trung Quốc. Giờ đây, ai cũng có thể thấy phong trào Pháp Luân Công đã lớn mạnh như thế nào trên toàn thế giới, điều này đối lập hoàn toàn với sự khủng hoảng của những cá nhân, tổ chức, nhà nước đã và đang bức hại họ.

Ôn hòa, bất bạo động có sức ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với bạo lực, vì nó khơi dậy lòng trắc ẩn và sự khâm phục của cả người trong và ngoài cuộc – một cách tự nguyện.

Đó có thể là một gợi ý hữu ích cho người biểu tình tại Hong Kong.

Hong Kong hỗn loạn và một mùa Giáng sinh buồn: Ai mới thực sự là người lãnh trách nhiệm?

Nhưng chẳng lẽ chỉ có người biểu tình Hong Kong cần phải ôn hòa hơn? Vậy còn vai trò của chính quyền Hong Kong đứng đầu là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga ra sao? Họ có trách nhiệm hay không khi để Hong Kong rơi vào tình trạng hiện nay? Họ đang gặp phải nguy cơ gì?

2500 năm trước, Đức Khổng Tử đã trả lời Tử Cống, học trò mình, khi ông này hỏi về phép trị dân, đại ý như sau: Ba điều cốt yếu để trị dân là “Lương thực cho đủ, binh bị cho đủ, dân tin chính quyền”, nhưng nếu trong ba điều ấy chỉ được giữ lại một điều duy nhất thì đó chính là “dân tin chính quyền”. Không có lương thực thì dân đói, dân chết, chính quyền cũng lung lay - nhưng từ xưa dù là ở thể chế nào cũng vẫn có người chết. Tuy nhiên, dân mà không tin chính quyền thì chính quyền ắt phải đổ.

Còn Đức Lão Tử trong cuốn Đạo Đức Kinh có viết: “Dân bất úy tử, nại hà dĩ tử cụ chi?

Nghĩa là: “Khi dân không sợ chết, làm sao lấy cái chết làm cho họ sợ được?”

Ngài còn viết thêm, đại ý: “Sinh sát là quyền của Trời, nay ta lại thay Ngài mà giết, thì có khác nào muốn đẽo gỗ thay thợ mộc đâu? Muốn thay thợ mà đẽo gỗ, khó mà thoát bị thương tật”.

“Sinh sát là quyền của Trời, nay ta lại thay Ngài mà giết, thì có khác nào muốn đẽo gỗ thay thợ mộc đâu? Muốn thay thợ mà đẽo gỗ, khó mà thoát bị thương tật”.
“Sinh sát là quyền của Trời, nay ta lại thay Ngài mà giết, thì có khác nào muốn đẽo gỗ thay thợ mộc đâu? Muốn thay thợ mà đẽo gỗ, khó mà thoát bị thương tật”. (Ảnh: Wikipedia).

Thử hỏi rằng người dân Hong Kong có tin chính quyền của họ không, có sợ chết không? Hãy xem câu trả lời của họ trong cuộc phỏng vấn của Reuters vào ngày 8/12/2019:

Lawrence , 23 tuổi, sinh viên đại học:

“Cuộc biểu tình đã kéo dài được nửa năm. Sắp đến Giáng sinh rồi nhưng chúng tôi không còn tâm trạng nào để ăn mừng nữa; vì vậy, tôi mang tấm bảng này để bày tỏ rằng mong muốn của người Hồng Kông không còn là về của cải vật chất mà là về quyền bầu cử phổ quát, chúng tôi đã chiến đấu cho đến nay vì có chung mong muốn ấy”.

Tang, 15 tuổi, học sinh phổ thông:

“Lúc đầu, tôi nghĩ rằng mình không đủ sức để ra ngoài, nhưng sau đó tôi bắt đầu nghĩ rằng mọi người đều cần đến đây, bất luận họ có nhỏ bé thế nào”, cậu nói tiếp trong khi trên mặt vẫn đeo chiếc mặt nạ đen: “Tôi nổi giận vì cảnh sát đã lạm dụng người biểu tình, lạm dụng tình dục và bắn hơi cay mà không có lý do”.

Ho, một người phụ nữ đã ngoại tứ tuần:

“Gia đình nhỏ của tôi cần được giáo dục” - Ho, một bà mẹ ngoại tứ tuần đã tham gia cuộc biểu tình với chồng và ba đứa con, nói thêm rằng: “Họ nên biết về di sản của mình, trở thành một người Hồng Kông là cái gì và ý nghĩa của việc trở thành một phần của phong trào.

Là một người ngoài 40 tuổi, chúng tôi đã không làm đủ cho những người biểu tình trẻ tuổi đang đấu tranh cho tự do của lũ trẻ nhà chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi phải làm hết sức có thể... Chúng tôi muốn ở lại Hồng Kông, chúng tôi muốn con mình có được tự do, và biết đến các quyền của chúng”.

Gia đình nhỏ của tôi cần được giáo dục” - Ho, một bà mẹ ngoại tứ tuần đã tham gia cuộc biểu tình với chồng và ba đứa con, nói thêm rằng: “Họ nên biết về di sản của mình, trở thành một người Hồng Kông là cái gì và ý nghĩa của việc trở thành một phần của phong trào.
"Gia đình nhỏ của tôi cần được giáo dục. Họ nên biết về di sản của mình, trở thành một người Hồng Kông là cái gì và ý nghĩa của việc trở thành một phần của phong trào." (Ảnh minh họa: Getty).

Ernest, 16 tuổi, bận đồ đen:

“Nếu hôm nay chúng tôi không ra tuyến đầu, chúng tôi sẽ không còn cơ hội để cất tiếng nói nữa. Chúng tôi sẽ trở thành 'Trung Quốc' thực sự và sẽ không có cơ hội phản kháng”.

“Chúng tôi cần Carrie Lam trả lời năm yêu sách của chúng tôi… Chúng tôi sẽ tiếp tục cho đến khi bà ấy trả lời năm yêu sách của chúng tôi”.

To, 40 tuổi:

“Ngoài diễu hành, chúng tôi không còn gì để làm hết”.

“Chúng tôi vui mừng khi biết nhiều quốc gia đang dõi theo những gì Hong Kong đang làm. Đó là điều tích cực”.

Matthew, 21 tuổi:

“Chúng tôi đang chuẩn bị như thế này (bận toàn đồ đen và đi găng tay) nhưng chúng tôi nghĩ rằng biểu tình ôn hòa là cách tốt nhất để đánh bại chính phủ”.

“Chúng tôi ăn mặc như thế này không phải vì chúng tôi có kế hoạch, mà chỉ vì chúng tôi sẵn sàng nếu cảnh sát manh động. Chúng tôi không thể chiến đấu với họ nhưng có thể cản trở họ, bằng cách ném một số viên gạch hoặc tạo ra một rào chắn. Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng có đủ thời gian để mọi người trốn thoát”.

Sakura, 37 tuổi, đến từ Nhật Bản:

“Đây không chỉ là vấn đề của Hồng Kông. Đây là một vấn đề quốc tế. Hôm nay là Hồng Kông, ngày mai là Nhật Bản. Đó là lý do tại sao tôi đến từ Nhật Bản để hỗ trợ cuộc biểu tình ngày hôm nay. Tôi muốn bảo vệ Nhật Bản, Đài Loan và Hồng Kông vì chúng tôi kết nối chặt chẽ với nhau. Bởi vậy, tôi cảm thấy giống như một người Hồng Kông và sẽ sát cánh với Hồng Kông”.

June, một bà mẹ 40 tuổi

“Tôi sẽ chiến đấu cho tự do cho đến khi tôi chết vì tôi là người Hồng Kông. Hôm nay là về việc đứng lên với Hồng Kông và cộng đồng quốc tế”.

Roita, 60 tuổi

“Ở tuổi của chúng tôi, chúng tôi đã chứng kiến vụ thảm sát Thiên An Môn rồi. Lúc đó chúng tôi không đủ sức chiến đấu cho những người trẻ tuổi, đó là lý do tại sao giờ đây chúng tôi cũng tới đây tham gia. Tôi muốn Hồng Kông có nhiều dân chủ hơn, tự do hơn và có hòa bình. Tôi không muốn kiếm tiền nữa ... Tôi muốn tự do hơn.”

...

Và nhiều hơn thế nữa... (3)

chúng tôi đã chứng kiến vụ thảm sát Thiên An Môn rồi. Lúc đó chúng tôi không đủ sức chiến đấu cho những người trẻ tuổi, đó là lý do tại sao giờ đây chúng tôi cũng tới đây tham gia.
Chúng tôi đã chứng kiến vụ thảm sát Thiên An Môn rồi. Lúc đó chúng tôi không đủ sức chiến đấu cho những người trẻ tuổi, đó là lý do tại sao giờ đây chúng tôi cũng tới đây tham gia. (Ảnh minh họa: Getty).

Cả thế giới đang nín thở theo dõi những bước chân của người biểu tình Hong Kong mang mặt nạ và những động thái của chính quyền Carrie Lam; đặc biệt là sau cuộc hội kiến của bà này với những nhân vật đứng đầu hệ thống ĐCSTQ và chính quyền Bắc Kinh như chủ tịch Tập Cận Bình, thủ tướng Lý Khắc Cường, ủy viên Ban thường vụ của Bộ chính trị Trung Quốc - Hàn Chính… vào ngày 16/12/201 với những diễn biến khó lường. Liệu bạo lực và các vụ đàn áp có gia tăng trong thời gian tới trên hòn đảo mà một thời đã từng là thiên đường mua sắm, thiên đường du lịch, xứ sở của tự do cho người gốc Hoa, trung tâm tài chính và nền kinh tế thịnh vượng hàng đầu Châu Á? Giáng Sinh đang đến gần, có thể người Hong Kong không còn lòng dạ nào để ăn mừng Giáng Sinh – sinh nhật Đức Chúa Jesus, nhưng ít nhất những người Hong Kong dù theo Công giáo hoặc không, đặc biệt là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga vốn là một con chiên Cơ Đốc, cũng nên tâm niệm những lời răn từ 2000 năm trước của Chúa:

“Hãy tra gươm vào vỏ, vì kẻ nào dùng gươm sẽ chết vì gươm”. (Mt 26,52)

“Hãy yêu thương người khác như chính bản thân mình”. (Mc 12,28b-3)

“Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Ðấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính”. (Mt 5, 38-48)

Chúc Hong Kong một mùa Giáng Sinh an lành!

Nguyên Vũ

Chú thích:
(1): nguồn https://www.inmediahk.net/node/1067950
(2): nguồn https://www.theepochtimes.com/young-hongkonger-dies-in-apparent-fall-after-day-of-protests-lead-to-64-injured_3145613.html
(3): nguồn https://www.reuters.com/article/us-hongkong-protests-quotes-factbox/what-people-in-hong-kong-are-saying-after-six-months-of-demonstrations-idUSKBN1YC05D



BÀI CHỌN LỌC

Hong Kong 2019 - Giáng Sinh của những người mang mặt nạ Guy Fawkes (Kỳ 2)