Hong Kong 2019 - Giáng Sinh của những người mang mặt nạ Guy Fawkes (Kỳ 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Điều này lý giải cho việc người dân Hong Kong, nhất là người trẻ, cảm thấy đặc biệt bất an khi Bắc Kinh càng ngày càng lộ rõ tham vọng kiểm soát gắt gao Hong Kong giống như ở đại lục. Do vậy, Dự luật dẫn độ Hong Kong có lẽ chỉ là cái cớ để hai bên chính quyền Trung Quốc và người Hong Kong sớm làm cho ngã ngũ việc: liệu Hong Kong có hoàn toàn trở thành một phần của Trung Quốc vào năm 2047 hay không?... 

Kỳ 1: Hong Kong 2019 – 'Thuở Trời Đất nổi cơn gió bụi'...

Hong Kong dịp Giáng Sinh và năm mới luôn rực rỡ màu sắc và rộn rã âm thanh. Đó là không gian ngập tràn ánh sáng đèn màu trong khu trượt băng Ice Wonderland; là ánh sáng rực rỡ và những họa tiết lạ mắt từ cây thông bằng pha lê Swarowski cao 30m ở quảng trường Statue, nơi dòng người tấp nập đi lại trong âm thanh tưng bừng của những bản nhạc Giáng Sinh; hay màn trình diễn cực kỳ ấn tượng của chương trình A Symphony of Lights với muôn vàn những ánh sáng kỳ ảo phát ra từ các tòa nhà cao tầng nổi tiếng thế giới; trong khi ấy từng chùm pháo hoa lộng lẫy phóng lên sáng rực trời đêm, để lại muôn hồng nghìn tía phản chiếu lung linh trên mặt vịnh Victoria… dưới vòm trời bát ngát âm nhạc đầy cảm xúc. Hong Kong còn nhộn nhịp với những show diễn công phu và cực kỳ sinh động trong công viên giải trí Disneyland, hay những hoạt động mua sắm tưng bừng từ những khu mua sắm hạng sang đến những khu chợ bình dân tấp nập đêm ngày, hàng gì cũng có…

Nhưng đó là Hong Kong của những năm về trước!...

Buổi Hong Kong 'gặp nỗi truân chuyên'...

Hong Kong năm nay thật hiu quạnh và chẳng có dấu hiệu gì về việc đón mừng Giáng Sinh hay năm mới. Trên khắp hòn đảo là hình ảnh những cửa hiệu bán lẻ vắng bóng người mua, sân bay vắng bóng khách du lịch, những khách sạn vắng bóng khách trọ... hậu quả là kinh tế sa sút, người lao động thất nghiệp, ngành bán lẻ và du lịch có nguy cơ biến mất và vị trí trung tâm tài chính số một Châu Á của Hong Kong có thể cũng mất sang tay Nhật Bản hay Singapore… nếu những cuộc biểu tình vẫn còn tiếp tục.

Hồng Kông có nguy cơ biến mất vị trí trung tâm tài chính số một Châu Á sang tay Nhật Bản hay Singapore… (Ảnh: Getty).
Hồng Kông có nguy cơ biến mất vị trí trung tâm tài chính số một Châu Á sang tay Nhật Bản hay Singapore… (Ảnh: Getty).

Người Hong Kong có biết điều ấy hay không?

Là những người trong cuộc, hơn ai hết họ hiểu rõ mình đang mất những gì. Nhưng có vẻ như cho dù mất tất cả, họ cũng không chịu để mất đi điều quý giá nhất – Tự do.

Đó là giá trị mà người Hong Kong có được do lịch sử để lại.

Hong Kong là phần đất của Trung Hoa thời phong kiến nhưng đã mất vào tay người Anh sau cuộc chiến tranh nha phiến lần thứ nhất năm 1842. Người Anh chỉ mới trao trả lại Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997. Sau 99 năm nắm giữ mọi mặt trên hòn đảo này: từ phương diện quản lý hành chính đến gây ảnh hưởng văn hóa, cũng như gieo trồng những giá trị khác của nước Anh – phương Tây vào sinh hoạt của người Hong Kong... thì có lẽ điều đặc biệt đáng quý nhất mà Anh quốc từng để lại cho người dân bản địa đó là tinh thần tự do dân chủ.

'Vì ai gây dựng cho nên nỗi này'...

Khi người Anh bàn giao Hong Kong, thỏa thuận giữa hai bên chính quyền Anh quốc và Trung Quốc sơ lược như sau: “Hong Kong sẽ là một khu vực thuộc Trung Quốc nhưng theo một quy chế riêng, nói như chính quyền Trung Quốc là “nhất quốc - lưỡng chế” hay “một quốc gia - hai chế độ”. Hong Kong sẽ được hưởng quyền tự trị trong 50 năm, đến tận năm 2047, bao gồm cả các quyền tự do dân chủ như: quyền bầu cử, tự do ngôn luận, lập hội, biểu tình hay xuất bản… Hong Kong chỉ phụ thuộc vào Trung Quốc ở chính sách ngoại giao và quốc phòng”.

Điều này đối lập với thể chế của Trung Quốc đại lục ở bờ biển bên kia, một chế độ toàn trị, nơi thủ tiêu tất cả những quyền tự do dân chủ của người dân. Có thể nói chính quyền Bắc Kinh là một con nợ lớn nhất thế giới về tự do, đã “vỡ nợ tự do” với chủ nợ chính – người dân Trung Quốc.

Vấn đề là đa phần người Hong Kong không nhận mình là người Trung Quốc. Cuộc thăm dò hàng năm của Đại Học Hong Kong vào cuối tháng 12 năm 2012 cho thấy hơn 70% những người được hỏi ý kiến nói rằng: họ tự nhận là người Hong Kong chứ không phải là người Trung Quốc (1).

Năm 1997, Hồng Kông được trao trả về Trung Quốc dưới danh nghĩa "một quốc gia - hai chế độ", tuy nhiên điều này lại đối lập với thể chế của Đại Lục, trong khi với người dân trên bán đảo này, dưới ảnh hưởng của nền giáo dục tiên tiến, họ đã dần không xem mình là người Trung Quốc. (Ảnh: Getty).

Có đến 95% dân số Hong Kong là người gốc Hoa, phần lớn là người gốc Quảng Đông, một tỉnh phía nam Trung Quốc. Trừ số ít những người Hoa đại lục mới nhập cư sau năm 1997 nói tiếng Quan Thoại, còn đa số người Hong Kong nói tiếng Quảng – một phương ngữ vùng Quảng Đông, và nói tiếng Anh. Trong những người lớn tuổi hiện nay ở Hong Kong, có nhiều người Trung Quốc di cư sang từ các thời kỳ trước; một mặt họ mang theo những ký ức ám ảnh của bản thân và gia đình về những biến động long trời lở đất của Hoa lục; mặt khác họ bảo tồn được những giá trị của 5000 năm văn hóa cổ truyền Trung Hoa và mang chúng sang xứ sở Hong Kong tự do trước khi những giá trị ấy bị đánh đổ bởi những cuộc vận động và phong trào chính trị, văn hóa điên cuồng sau năm 1949 ở Trung Quốc đại lục. Trong số đó có những nhân vật nổi tiếng và có ảnh hưởng to lớn trong xã hội như văn hào Kim Dung hay võ sư Diệp Vấn của môn phái Vịnh Xuân Hong Kong...

Còn lớp trẻ thì hoặc là hậu duệ của những người di cư này, hoặc là cư dân có gốc gác lâu đời ở đây. Họ được lớn lên trong những giá trị tự do dân chủ phương Tây, từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Một mặt, Hong Kong bảo tồn được rất nhiều những giá trị truyền thống. Trong đó, chữ Hán phồn thể - văn tự chính thống của đất nước này, chắc chắn là phương tiện kết nối với văn minh 5000 năm của xứ sở Thần Châu được lưu lại trong sách vở của cổ nhân. Khởi nguyên từ những điều như thế mà người Hong Kong rất gần gũi với những tư tưởng của Tam giáo: Nho, Phật, Lão. Đây có thể là một nguyên nhân chủ yếu khiến họ bảo lưu được nét văn hóa Thần truyền như: Những lễ hội truyền thống dân gian mang ảnh hưởng của Đạo giáo, Phật giáo hay Nho giáo; hoặc những loại hình nghệ thuật cổ truyền như Kinh Kịch; hay những liệu pháp của y học phương Đông; thậm chí là cả nền văn hóa ẩm thực phong phú, cầu kỳ, cân bằng Âm Dương… theo đúng tinh thần “ăn cơm Tàu, ở nhà Tây…” (“Tàu” ở đây tức là Trung Hoa theo truyền thống, không phải Trung Quốc với thể chế sau năm 1949).

Mặt khác, Hong Kong cũng thấm đẫm những giá trị của văn hóa phương Tây. Báo chí miễn phí, thông tin tự do, tư tưởng cởi mở là những giá trị đặc trưng của mảnh đất này. Giống như người phương Tây, người Hong Kong làm gì cũng nhanh chóng và đặc biệt rất thẳng thắn, họ có thể phát biểu chính kiến của mình một cách không hề e dè. Người Hong Kong cũng trân trọng những giá trị thuộc về tự do và họ có sự độc lập trong suy nghĩ. Đó là ảnh hưởng sâu đậm nhất của văn minh phương Tây lên văn hóa của xứ sở này.

Người Hồng Kông may mắn được thừa hưởng những tinh hoa của văn minh truyền thống Trung Hoa 5000 năm cùng với nền giáo dục tiến bộ của phương Tây, đã tạo nên một thế hệ với những phẩm chất hòa trộn giữa hai nền văn hóa lớn. (Ảnh: Getty).

Nhưng kỳ diệu là ở Hong Kong, tư tưởng tự do của phương Tây lại không bài xích những giá trị truyền thống của Trung Hoa, ngược lại chúng bổ sung cho nhau một cách hết sức nhuần nhuyễn. Điều ấy cũng giống như việc các tòa nhà chọc trời nổi tiếng ở Hong Kong như: tòa nhà HSBC, Cheung Kong Centre, Repulse Bay… được xây dựng vừa tuân thủ tiêu chuẩn kiến trúc phương Tây lại vừa áp dụng những quy tắc nghiêm ngặt trong phong thủy Trung Hoa vậy.

Bởi thế có thể nói, Hong Kong là mảnh đất hợp lưu của hai luồng văn hóa Đông Tây, nói như học giả Kam Louie trong tác phẩm Hong Kong Culture: Word and Image thì Hong Kong là một: "không gian dịch thuật, nơi văn hóa Trung Quốc được giải thích cho "Người phương Tây" hiểu và văn hóa phương Tây được dịch sang tiếng Trung Quốc”. Đó cũng chính là quê nhà thứ 2 của những người có dòng máu từ Trung Nguyên – mà lại không phải là người Trung Quốc.

Điều này lý giải cho việc người dân Hong Kong, nhất là những người trẻ, cảm thấy đặc biệt bất an khi Bắc Kinh càng ngày càng lộ rõ tham vọng kiểm soát gắt gao Hong Kong giống như ở đại lục. Do vậy, Dự luật dẫn độ Hong Kong có lẽ chỉ là cái cớ để hai bên chính quyền Trung Quốc và người Hong Kong sớm làm cho ngã ngũ việc: liệu Hong Kong có hoàn toàn trở thành một phần của Trung Quốc vào năm 2047 hay không? Bắc Kinh ra tay trước bằng Dự luật dẫn độ, người Hong Kong cũng “thuận nước đẩy thuyền” bằng các cuộc biểu tình với yêu sách vượt quá việc hủy dự luật ấy.

Giới trẻ Hồng Kông có lý do để lo lắng khi Bắc Kinh tỏ ra lộ liễu với tham vọng kiểm soát ngày càng gắt gao với vùng đất này. (Ảnh: Getty).

Vì lý do ấy, chúng ta thấy những cuộc biểu tình của người Hong Kong đã kéo dài suốt sáu tháng và hoàn toàn không có dấu hiệu hạ nhiệt. Những người Hong Kong với số lượng có khi lên tới cả triệu người tràn xuống đường với khuôn mặt bịt khẩu trang và giải thích rằng: "ấy là để họ tránh khỏi những phương tiện theo dõi của Trung Quốc".

Nhưng gần đây có một hiện tượng lạ. Người Hong Kong không chỉ đeo khẩu trang, mà họ còn đeo những chiếc mặt nạ, mặt nạ của nhân vật Guy Fawkes. Điển hình là trong cuộc diễu hành của những người Hong Kong vào ngày 5/11/2019 vừa qua.

Đến đây, chúng ta cần tìm hiểu đôi chút về nguồn gốc, ý nghĩa của những chiếc mặt nạ này để thử phỏng đoán xem điều gì đang xảy ra...

(còn tiếp)

Nguyên Vũ

Chú thích:
(1): nguồn https://www.hkupop.hku.hk/english/release/release1594.html



BÀI CHỌN LỌC

Hong Kong 2019 - Giáng Sinh của những người mang mặt nạ Guy Fawkes (Kỳ 1)