Hồn Phan-xi-păng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hai mươi năm sau tôi quay trở lại: Đôi vợ chồng người H'Mông dẫn đường năm xưa không còn nữa, họ đã chìm khuất giữa đại ngàn. Phan-xi-păng vẫn còn đó. Hồn của Phan-xi-păng đã bay về chốn mây trời…

Phan-xi-păng, đỉnh núi chọc trời, mây mù phủ kín, hai ngày nay chúng tôi vẫn không ngừng ngược dốc - tôi và hai vợ chồng người H'Mông bản địa. Thời tiết thật khắc nghiệt, gió rét, sương rừng và cái lạnh thấu xương như muốn đóng băng chúng tôi. Nơi triền cao chon von này, vào mùa đông nhiệt độ có lúc xuống đến âm độ C, thế nhưng tinh thần của gia đình người H'Mông vẫn thật kiên cường. Có thể nói đây là hành trình khắc nghiệt nhất mà tôi từng trải nghiệm.

Dường như tuyến đường vượt dốc chinh phục đỉnh Phan-xi-păng đang ra sức gây khó dễ cho chúng tôi. Ngày thì mưa gió, đường trơn khiến chúng tôi phải chôn chân trong lều. Ngày thì do linh cảm không hay của người dẫn đường bản địa khiến chúng tôi buộc phải dừng chân nghỉ sớm, dựng lều trại chờ qua đêm thay vì bước tiếp dù thời tiết không mấy khắc nghiệt.

chúng tôi buộc phải dừng chân nghỉ sớm, dựng lều trại chờ qua đêm thay vì bước tiếp
Chúng tôi buộc phải dừng chân nghỉ sớm, dựng lều trại chờ qua đêm thay vì bước tiếp. (Ảnh: Shutterstock)

Không ít lần tôi hỏi người đàn ông H'Mông dẫn đường rằng: “Chúng ta còn phải mất mấy ngày nữa mới tới được đỉnh Phan-xi-păng - đỉnh núi cao nhất Đông Dương - nhưng chẳng lần nào ông ấy trả lời thẳng thắn cả. Người H'Mông không thích những câu hỏi. Họ cho đó là một sự khiếm nhã. Chỉ người miền xuôi mới hay đặt ra những câu hỏi. Thêm nữa, người H'Mông không thích đưa ra câu trả lời. Nếu bạn hỏi họ: “Thời tiết ngày mai thế nào?” Họ sẽ chỉ lịch sự trả lời rằng: “Chi - pâu” (Tôi không biết), dù rằng họ có thừa khả năng dự đoán, sau đó họ làm như mình đang bận rộn với chú chó săn dẫn đường, nhằm hàm ý rằng: “Tại sao tôi phải trả lời anh cơ chứ? Nếu tôi nói đúng thì cũng chẳng giải quyết được điều gì, còn nếu tôi trả lời sai thì tự dưng tôi đã biến mình thành một kẻ ngốc”.

Suốt từ sáng đến chiều chúng tôi đi trên những con đường rừng hoặc dựng đứng trơn trượt, hoặc ngoằn ngoèo hoang vu và lạnh buốt. Người H'Mông chỉ ra hiệu cho chúng tôi dừng lại để xem xét dấu vết mới mà chú chó săn dẫn đường tìm ra hoặc để chụm củi nhóm bếp, nấu bữa ăn trưa ngay bên vệ đường còn ngai ngái mùi cỏ cây hoa lá và âm u giữa đại ngàn cổ thụ.

Chúng tôi quan sát đỉnh núi đang chìm mình ngủ vùi giữa mây trời, nhìn xuống thung lũng phía dưới là cả một biển mây trắng lốp xốp, từng gợn mây đang bồng bềnh trôi theo gió, lúc thì như những tảng bông khổng lồ đang lừ lừ di chuyển, khi lại như những gợn sóng trắng tinh khôi chậm rãi duềnh lên tụt xuống giữa mênh mang triền núi. Và dĩ nhiên - nơi rẻo cao tít tắp của dãy Hoàng Liên này, chúng tôi đang ở phía trên mây, nhìn biển mây trôi ngay dưới chân mình.

Có lẽ chỉ còn một ngày nữa là chúng tôi lên đến đỉnh. Nhưng khi một tia hy vọng nhỏ nhoi nào đó vừa lóe lên thì mưa phùn lại giăng mù mịt, gió lại thổi, thậm chí còn có tuyết rơi. Dường như Phan-xi-păng đang muốn xóa đi mọi dấu vết, rừng núi đại ngàn như muốn nuốt chửng và bủa vây chúng tôi trong căn lều trại giữa mênh mông hoang vắng đến nao lòng!

chinh phục đỉnh phan xi pang
Khi một tia hy vọng nhỏ nhoi vừa lóe lên thì mưa phùn lại giăng mù mịt, gió lại thổi. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)

Vậy là tôi và vợ chồng người H'Mông dẫn đường lại phải dừng lại lần nữa, hạ lều trại và nghỉ ngơi. Chầm chậm, không chút vội vàng theo phong cách của người dân bản địa. Tối đó, bên bếp lửa rừng bập bùng, người đàn ông H'Mông ngồi trầm tư châm tẩu, mùi sợi thuốc khét lẹt, chị vợ thì khe khẽ hát, lời hát ru bằng tiếng địa phương mang âm hưởng dân ca và đậm chất núi rừng - [mãi cho đến sau này, khi tôi gặp họ trong một phiên chợ vùng cao thơm nức mùi thắng cố và nồng nàn men rượu Shan Lùng, anh chồng mới phiên dịch lại cho tôi lời của những câu hát ấy]:

"Vì đời lắm đường cong
Nên tính người H’Mông ta thẳng
Vác thân gỗ to sẽ không thấy nặng
Nếu con có bạn bè
Người ta có hai lỗ tai để nghe
Nhưng chỉ cần một cái mồm để nói...
Muốn người yêu hãy thổi khèn mà gọi
Núi cũng phải siêu lòng!
Cái đuôi con ngựa tự quất vào mông
Không thấy đau bằng đòn roi kẻ khác
Con trai khôn, con gái lớn đừng để mẹ cha phải thẹn
Với làng bản quê mình!"...

...

Không thể kìm nén nổi cảm giác bồn chồn khó hiểu, tôi lại hỏi người đàn ông dẫn đường câu hỏi quen thuộc ấy: “Ông nghĩ là bao giờ chúng ta sẽ lên tới đỉnh Phan-xi-păng?”. Và tôi cũng không biết việc lặp đi lặp lại những câu hỏi như vậy đã khiến ông ta cảm thấy phiền lòng hay đó cũng chính là vấn đề mà ông ấy đang thực sự quan tâm. Chỉ thấy người đàn ông H'Mông đưa mắt ánh nhìn sang phía vợ, và trong sự im lặng thường thấy - thông qua ánh mắt - dường như hai vợ chồng vừa trao đổi cho nhau sự đồng cảm không lời. Suốt mấy ngày đường rừng, họ vẫn thường im lặng và nhìn nhau như thế, người vợ thì lầm lũi gùi đồ - chiếc gùi lỉnh kỉnh những vật dụng thiết yếu dành cho cả chuyến đi: đèn pin, áo quần, gạo, thực phẩm, nồi niêu, thuốc men và nước uống, v.v... Còn ông chồng, ngoài việc dẫn đường còn khoác theo cả chiếc ba lô to quá khổ đựng lều trại bằng vải bạt.

trải nghiệm leo núi
“Ông nghĩ là bao giờ chúng ta sẽ lên tới đỉnh Phan-xi-păng?” (Ảnh: Shutterstock)

Rít thêm một hơi dài tẩu thuốc, người đàn ông H'Mông chậm rãi phả khói và nhìn thẳng vào tôi. Ông ấy nói bằng cái giọng trầm trầm pha chút ngọng nghịu của người bản địa, nhưng vẫn giữ được thái độ nghiêm túc và đôn hậu:

- Không phải là con chó săn của 'cái mình'(*) cũng đi giỏi như 'eng'(*) muốn đó sao?

Và sau đó lại là sự im lặng. Chú chó săn màu vàng sẫm, bụng hóp, lưng thon quay đầu lại nhìn chủ như thường lệ - dường như nó tưởng rằng sắp phải tiếp tục cuộc hành trình. Người phụ nữ H'Mông giả bộ bận rộn, cúi xuống nhặt những bông cỏ gai đang bám đầy vạt váy nhuộm chàm thêu hoa văn thổ cẩm, nhưng tôi biết họ cũng đang lặng lẽ quan sát mình.

Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, mọi thứ dường như chững lại. Đó là cảm giác mà người H'Mông thường gieo vào lòng bạn khi bỏ mặc bạn trong những khoảng lặng căng thẳng. Họ khiến sự im lặng càng trở nên nặng nề hơn. Và liệu họ có dừng lại như thế không? Không, họ còn để chúng đi xa hơn. Cuối cùng, người đàn ông cũng cất tiếng nói, dường như ông ta không thể kìm nén lòng mình:

- Chẳng phải chuyến đi của bọn ta đang rất tốt sao? Chẳng phải 'eng' đã rất vui khi thấy mây trắng bồng bềnh trôi phía dưới chân mình? Và 'eng' cũng đã thấy hoa đỗ quyên nở bạt ngàn bên triền núi?

Ông nhìn tôi bằng ánh mắt trách móc. Tôi có cảm giác như cả kỷ nguyên của dãy núi Hoàng Liên với sự giản đơn, trầm mặc nhưng thâm sâu và đầy bí ẩn vừa hiện lên qua lời nói và ánh mắt của người đàn ông H'Mông đầy trắc ẩn này. Có lẽ người vùng cao không hề 'lạc hậu' như người ta vẫn tưởng... Rồi bỗng nhiên tôi như đọc được những thông điệp mà đôi mắt già nua nhưng cương nghị đó đang muốn nói.

Chúng nói với tôi rằng: “Việc gì phải vội vã như vậy, và tại sao lúc nào anh cũng muốn đi tiếp thế? Điều gì khiến anh cứ phải day dứt, tất bật với tương lai, trong khi hiện tại lại đang rất tuyệt vời?”.

Việc gì phải vội vã như vậy, và tại sao lúc nào anh cũng muốn đi tiếp thế?
Việc gì phải vội vã như vậy, và tại sao lúc nào anh cũng muốn đi tiếp thế? (Ảnh: Shutterstock)

Ngày hôm đó, người đàn ông H'Mông đã dạy cho tôi một bài học mà tôi không bao giờ quên. Vì mải miết suy nghĩ trăn trở về tương lai, tôi đã bỏ quên mất niềm hạnh phúc của hiện tại. Câu nói của ông ấy khiến tôi chợt nhớ ra có ai đó đã từng bảo với tôi rằng: “Nghĩ về quá khứ là để hối tiếc, nghĩ về tương lai là để lo lắng. Nhưng còn hiện tại thì sao? Không phải chỉ có hiện tại mới là điều dễ hiểu và thực tế nhất đó sao?"

Thế giới chẳng qua là sự phản ánh hiện thực qua tâm thái của mỗi con người. Với tôi, Phan-xi-păng là niềm cảm hứng, là khát khao muốn khám phá, là đỉnh núi cao nhất Đông Dương cần chinh phục; nhưng với gia đình người H'Mông dẫn đường này, nó đơn giản chỉ là một dãy núi bình dị và thân thuộc như chính ngôi nhà, vườn lê và nương ngô của họ vậy. Với tôi, sương rừng, giá lạnh, dốc núi và mưa tuyết là những gian nan thử thách; còn với người H'Mông, nó là sự ban ơn, là món quà của Giàng - đấng tạo hóa đã dành cho họ... đơn giản là thông qua lăng kính nhìn vào cuộc sống của chính mình, mỗi người trong chúng ta được quyền lựa chọn, quyết định giữa khổ đau và hạnh phúc.

Chúng ta mải miết băng qua những xa lộ cuộc đời và thờ ơ với những cảnh quan hai bên đường, chúng ta hậm hực và bon chen nhau từng giây mỗi khi đứng trước ngã ba, ngã tư đường chờ đèn xanh đèn đỏ, chúng ta quay cuồng trong cơm áo gạo tiền, địa vị và danh vọng, v.v... những mong tìm kiếm một tương lai hạnh phúc nhưng dường như lại không hay biết rằng ta đang "bỏ rơi" hạnh phúc ngay trong chính từng phút giây hiện tại. Còn tương lai ư? Đó là điều mà chưa một ai từng chạm tay tới - vì nó đang còn ở phía trước, mơ hồ và xa xôi... Giống như William Feather đã từng nói:

"Nhiều người không biết thế nào là hạnh phúc, không phải vì họ chưa từng có hạnh phúc mà vì họ chưa bao giờ biết dừng lại để tận hưởng nó mà thôi".

Cuộc sống tuyệt vời bao hàm cả những phút giây nhàn rỗi - những phút giây sống chậm, ngưng nghỉ, và suy ngẫm. Người H'Mông dừng lại khi họ hài lòng với lũng mây trôi, với con suối chảy, với triền hoa đỗ quyên đỏ rực... mặc dù ngày mai đang chờ họ có thể là sự rình rập của khổ đau, đói nghèo, bệnh tật, già nua và cái chết... Bởi thế khi thần chết chưa tìm đến, họ vui vẻ tận hưởng, thản nhiên sống và trải nghiệm cuộc đời mộc mạc, bình dị nhưng không kém phần tươi đẹp, bỏ lại sau lưng mọi nuối tiếc, đua chen và toan tính.

Khi đọc được những thông điệp mà người đàn ông H'Mông trao gửi qua ánh mắt, cũng là lúc tôi nhận ra tâm hồn mình thật nghèo nàn và 'lạc hậu' biết bao trước những phút giây ngắn ngủi giữa đại ngàn Phan-xi-păng hùng vĩ. Cũng từ đó, tôi học được bài học quý giá rằng: phải biết nâng niu, trân trọng từng ngày, từng giây phút và chẳng gì ở tương lai có thể thay đổi thứ ta đang nắm giữ trong hiện tại.

Bài học quý giá
Tôi học được bài học quý giá rằng: phải biết nâng niu, trân trọng từng ngày, từng giây phút. (Ảnh: Shutterstock)

***

Hai mươi năm sau, tóc đã pha sương, tôi quay trở lại dãy núi Hoàng Liên: Đỉnh Phan-xi-păng vẫn còn đó, lừng lững giữa mây trời. Đôi vợ chồng người H'Mông dẫn đường năm xưa không còn nữa, họ đã chìm khuất giữa đại ngàn, giống như những lối mòn vượt núi băng rừng hướng lên đỉnh Phan-xi-păng khi xưa đã chìm khuất giữa mênh mang cỏ dại. Người ta dường như đều đã lãng quên những con đường - những lối đi truyền thống bình yên và thân thuộc len lỏi dưới tán rừng đại thụ... Đường lên đỉnh Phan-xi-păng bây giờ ngổn ngang những ca-bin và cột trụ cáp treo hiện đại, chúng tựa như những cây đinh sắt khổng lồ tàn khốc cắm phập vào từng đốt sống lưng của dãy Hoàng Liên cao vòi vọi, cắm phập lên đỉnh đầu của Phan-xi-păng hùng vĩ - đớn đau, quằn quại...

Đèo Ô Quý Hồ u uất và đơn côi đứng lặng giữa những khu hàng quán tấp nập khách du lịch Tây, Ta và bộn bề dịch vụ. Thác Bạc khóc cạn dòng trân trối nhìn lên đỉnh Hoàng Liên lở loét với những bê tông, chùa chiền, quán xá và ga trạm... Cây cầu Mây được tết toàn bằng dây mây rừng nguyên sơ khi xưa uốn mình thơ mộng bên dòng thác từ lâu cũng không còn nữa, người ta đã thay thế nó bằng cầu bê tông với lan can sắt sơn xanh hoen gỉ... Phải chăng đó là tất cả những gì biểu trưng cho tinh thần "chinh phục thiên nhiên"; "bắt núi lớn cúi đầu, bắt sông sâu khuất phục" mà con người hiện đại ngày nay đang theo đuổi?

...

Phan-xi-păng vẫn còn đó. Hồn của Phan-xi-păng đã bay về chốn mây trời...

Đường Tân

Chú thích: 'Cái mình' - tôi; 'eng' - anh. [Cách xưng hô theo phương ngữ của người bản địa].



BÀI CHỌN LỌC

Hồn Phan-xi-păng