Hơn 500 tăng nhân bị kẹt trên núi, vị pháp sư già chỉ nói một câu giải mối âu lo [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mọi người đến chỗ ở của lão pháp sư, quỳ xuống trước giường của ông, cầu xin lão pháp sư nghĩ cách. Vị pháp sư già đứng dậy và nói: "Đừng lo lắng, gạo vẫn còn đủ ba ngày để ăn, đến ngày thứ tư tự nhiên sẽ có thí chủ đến, mọi người cứ yên tâm chờ đợi đi!".

Núi Thiên Thai tọa lạc ở huyện Thiên Thai, tỉnh Chiết Giang. "Núi có tám ngọn trùng điệp, tứ phía như một, đỉnh đối tam Thần, ngưu - nữ phân chia, bên trên ứng sao Thai, tên cổ Thiên Thai", bởi vậy nó là danh sơn nổi tiếng ở miền đông tỉnh Chiết Giang. Được thế giới biết đến với cái tên "Phật tông đạo nguyên, sơn thủy Thần Tú", đây là nơi sản sinh ra phái Thiên Thai Tông của Phật giáo Trung Quốc và Nam Tông của Đạo giáo, cũng là quê hương của Phật Sống Tế Công. Ngọn núi tiên này đã lưu truyền cho đến nay những câu chuyện thần bí.

Lưu Thần và Nguyễn Triệu du Thiên Thai

Tương truyền, trong những năm Vĩnh Bình thời Đông Hán, có hai chàng Lưu Thần và Nguyễn Triệu đi hái thuốc bị lạc vào núi Thiên Thai, không biết đường về. Suốt mười mấy ngày quanh quẩn ở núi Thiên Thai, hai chàng Lưu, Nguyễn chịu đói, chỉ uống nước suối cầm hơi. Nhưng may mắn thay, hai chàng chợt nhìn thấy một cây đào trên núi có trái chín, bèn gắng sức trèo lên hái mấy trái mà ăn. Ăn xong mấy trái đào, hai chàng chẳng những không còn đói mà còn cảm thấy có thêm sức lực. Ăn xong, họ lại mon men đến dòng suối uống nước.

Lạ thay, Lưu và Nguyễn nhìn thấy trên dòng suối trong vắt có cành lá tươi thắm đang trôi, mà ở giữa lại có một chén cơm muối vừng. Hai chàng thấy vậy bèn bảo nhau rằng: "Có lẽ có người ở gần đâu đây". Thế là cả hai cùng men theo dòng suối đi ngược lên. Đi được một lúc, Lưu, Nguyễn nhìn thấy bên bờ suối có hai cô gái tuyệt đẹp đang nhìn họ, hỏi rằng sao hai chàng đến muộn thế? Hai cô gái còn mời hai chàng về nhà, ân tình khoản đãi, kết làm phu thê.

Lưu Thần, Nguyễn Triệu ở nơi Thiên Thai được nửa năm, trông thấy chim xuân thì buồn bã khóc, nhớ về quê cũ và người thân. Thế là, mặc cho hai người vợ giữ lại như thế nào, hai chàng Lưu, Nguyễn vẫn nằng nặng muốn trở về cố hương. Hai người vợ ở chốn Thiên Thai biết không thể giữ người ở lại được nữa, đành phải tiễn hai chàng xuống núi và chỉ đường cho về.

Hai chàng Lưu Thần và Nguyễn Triệu đi hái thuốc bị lạc vào núi Thiên Thai. (Ảnh: Wikipedia)
Hai chàng Lưu Thần và Nguyễn Triệu đi hái thuốc bị lạc vào núi Thiên Thai. (Ảnh: Wikipedia)

Khi hai chàng Lưu, Nguyễn trở về quê cũ thì thấy cảnh vật đã hoàn toàn đổi khác, cũng chẳng tìm được một người quen cũ nào, bởi nửa năm hai chàng ở chốn Thiên Thai thì nơi quê hương họ đã trải qua bảy đời rồi. Hai chàng tìm những người cao tuổi nhất trong làng để hỏi thăm về gia đình của mình trước kia, ai cũng lắc đầu không biết.

Lưu Thần và Nguyễn Triệu buồn bã, bèn tìm đường trở lại Thiên Thai, nhưng lại thấy mịt mù không có gì nữa…

Về sau mới có bài thơ rằng:

Lưu Thần, Nguyễn Triệu du Thiên Thai

Thụ nhập thiên thai thạch lộ tân,
Vân hoà thảo tĩnh quýnh vô trần.
Yên hà bất tỉnh sinh tiền sự,
Thuỷ mộc không nghì mộng hậu thân.
Vãng vãng kê minh nham hạ nguyệt,
Thời thời khuyển phệ động trung xuân.
Bất tri thử địa quy hà xứ,
Tu tựu Đào Nguyên vấn chủ nhân.

Tạm dịch:

Cây đến Thiên Thai lối đá ngần,
Bụi không mây nhẹ cỏ êm chân.
Ráng hơi quên trước dòng đời tục,
Cây nước ngờ sau giấc mộng tràn.
Chốc chốc bên hang gà gáy nguyệt,
Thường thường trong động chó kêu xuân.
Nơi đây nào biết là đâu nhỉ?
Xin đến nguồn Đào hỏi chủ nhân.

(Bản dịch của Lê Nguyễn Lưu; Nguồn: Đường thi tuyển dịch, NXB Thuận Hoá, 1997)

Hơn 500 tăng nhân bị kẹt trên núi, Pháp sư Tuệ Biện nói một câu giải mối âu lo

Vào những năm cuối triều Thanh, trên núi Thiên Thai ở Chiết Giang từng có một vị hòa thượng có Pháp danh là Tuệ Biện, mọi người đều gọi ông là "lão pháp sư". Những người biết chuyện kể rằng: Lão pháp sư sinh vào những năm cuối triều Nguyên, đến cuối thời nhà Thanh thì đã 500, 600 tuổi. Ông cả ngày nằm quay mặt vào tường, không ăn không uống, cho dù là xuân, hạ, thu, đông, ông đều chỉ mặc một bộ áo vải mỏng, xưa nay không đổi, nhưng cũng không bẩn. Nếu có khách nhân đến, muốn gặp ông, thì có hòa thượng sẽ thông báo.

Trên núi Thiên Thai ở Chiết Giang từng có một vị hòa thượng có Pháp danh là Tuệ Biện, mọi người đều gọi ông là "lão pháp sư" ( Ảnh: Tranh của Trương Lộ thời nhà Minh)
Trên núi Thiên Thai ở Chiết Giang từng có một vị hòa thượng có Pháp danh là Tuệ Biện, mọi người đều gọi ông là "lão pháp sư" ( Ảnh: Tranh của Trương Lộ thời nhà Minh)

Sau khi được lão pháp sư đồng ý, hòa thượng sẽ dẫn khách nhân vào, khách nhân kính cẩn chào, lão pháp sư cũng chắp tay vấn lễ. Ông thường không nói nhiều, chỉ nói vài câu ẩn ngữ. Ban đầu, mọi người thường không hiểu lời ông nói có ý gì, nhưng một thời gian sau thì luôn luôn ứng nghiệm.

Tướng mạo của pháp sư Tuệ Biện tựa như mới có 60, 70 tuổi. Có người từng hỏi ông bao nhiêu tuổi, ông cũng không trả lời, chỉ nói: "Cái cây bách trước cửa này là do tôi trồng khi còn nhỏ". Cây bách kia là một cây cổ thụ, thân già vảy lốm đốm, hai người cũng không ôm xuể, qua đây cũng có thể hình dung tuổi của nó.

Sau khi Thái Bình Thiên Quốc tiến vào Chiết Giang, giao tranh ác liệt, cả một vùng Đông Nam tan hoang đổ nát, vậy mà duy chỉ có núi Thiên Thai vẫn bình yên vô sự. Thế nhưng chẳng bao lâu sau, những ngôi chùa trên núi và hơn 500 hòa thượng tu luyện trong đó cũng dần dần không còn lương thực để ăn. Mọi người bàn nhau rằng, nếu xuống núi khất thực thì e rằng khó tránh khỏi đao kiếm đả thương, nhưng ở lại thì sẽ chết đói chết khát lần nữa, thật sự là không biết làm thế nào. Vì vậy, mọi người bàn bạc và quyết định thỉnh giáo ​​lão pháp sư.

Hình ảnh: Một phần bức tranh "Núi Thiên Thai" của Pháp Nhược Chân thời nhà Thanh
Hình ảnh: Một phần bức tranh "Núi Thiên Thai" của Pháp Nhược Chân thời nhà Thanh

Mọi người đến chỗ ở của lão pháp sư, quỳ xuống trước giường của ông, cầu xin lão pháp sư nghĩ cách. Vị pháp sư già đứng dậy và nói: "Đừng lo lắng, gạo vẫn còn đủ ba ngày để ăn, đến ngày thứ tư tự nhiên sẽ có thí chủ đến, mọi người cứ yên tâm chờ đợi đi!".

Mọi người đều biết lão pháp sư có thể đoán trước được tương lai, cho nên tất cả đều vui mừng, họ trở về chùa và tiếp tục tu luyện chốn bồng lai.

Lại nói, có một bà lão họ Trương là chủ một gia đình giàu có, ngày thường rất tín Phật. Một đêm nọ, bà bỗng nhiên mộng thấy một vị Kim Thân La Hán đến hóa duyên cho bà. Bà hỏi vị La Hán: "Ngài sống ở nơi nào?". La Hán nói: "Núi Thiên Thai". Bà lập tức bừng tỉnh giấc mộng, khi mở mắt ra thì vẫn còn nhìn thấy kim quang lóe sáng.

Bà lão nhớ rằng trên núi Thiên Thai có rất đông hòa thượng, hiện tại khắp nơi chiến hỏa hoành hành, chắc hẳn đều đang lâm vào cảnh vây khốn khó khăn. Vậy là, bà sai người nhà vội vàng dùng xe chở ba trăm thạch lương thực đi giúp các hòa thượng. Các hòa thượng nhìn thấy lương thực được chuyển đến, lại nghe thí chủ kể về kỳ ngộ trong giấc mộng, thì đều cảm thấy rất cao hứng.

Qua sự việc này, mọi người cũng biết rằng lão pháp sư là một vị cao tăng đã tu thành chính quả. Tin tức này sau khi truyền ra, rất nhiều người có bệnh tật, hoặc người đang gặp khó khăn đều tìm đến muốn gặp pháp sư Tuệ Biện để hỏi về cát hung, nhưng ông vẫn một mực quay đầu đi không trả lời vấn đề của họ.

Vào một ngày mùa thu năm Quang Tự thứ 4 (năm 1878), vị pháp sư già bỗng nhiên uống mấy đấu nước, sau đó chắp tay ngồi ngay ngắn. Một lát sau, hai tay ông rủ xuống, mọi người tới xem xét thì mới biết rằng ông đã viên tịch mà đi.

Trung Nguyên
Theo Sound of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Hơn 500 tăng nhân bị kẹt trên núi, vị pháp sư già chỉ nói một câu giải mối âu lo [Radio]