Hoa Kỳ lập quốc: Bản Tuyên ngôn Độc lập huyền thoại và ảnh hưởng của nó

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi tranh luận lâu như vậy, văn kiện được chép lại và đặt lên bàn của Chủ tịch, mỗi đại biểu Quốc hội bước lên phía trước ký tên, không khí nặng nề đến nghẹt thở. Vào thời điểm đó, những chữ ký này có nghĩa là - tất cả mọi người trong danh sách đều có chung nguy cơ bị Vua nước Anh treo cổ.

Bản Tuyên ngôn Độc lập, là một văn kiện lập quốc quan trọng nhất của Hoa Kỳ, được trình bày trước Quốc hội Lục địa Hoa kỳ bởi Ủy ban Năm Nghị sĩ.

Khi ấy, Quốc hội Lục địa đã chỉ định một ủy ban để soạn thảo ra Bản Tuyên ngôn Độc Lập, sử gọi là Ủy ban Năm Nghị sĩ. Ủy ban này gồm: Thomas Jefferson, John Adams, Benjamin Franklin, Roger Sherman và Robert Livingston, hoạt động từ ngày 11 tháng 6 năm 1776 cho đến ngày 5 Tháng 7 năm 1776, ngày mà Tuyên ngôn Độc lập được xuất bản.

Ủy ban thống nhất cử Thomas Jefferson là người viết ra bản thảo, và bản thảo được đồng ý với rất ít thay đổi. Ngày 2 tháng 7, Quốc hội Lục địa bắt đầu tranh luận và Bản Tuyên ngôn Độc lập được chấp thuận vào ngày 4 tháng 7 năm 1776.

Ngày 1 tháng 7, Quốc hội đã công bố bản dự thảo Tuyên ngôn và chuyển nó sang một ủy ban toàn diện, với Chủ tịch Benjamin Harrison của Virginia, và họ đã tiếp tục cuộc tranh luận về nghị quyết độc lập của Richard Henry Lee. John Dickinson đã thực hiện một nỗ lực cuối cùng để trì hoãn quyết định, cho rằng Quốc hội không nên tuyên bố độc lập mà không đảm bảo liên minh nước ngoài và hoàn thiện Các điều khoản Hợp bang. John Adams đã có một bài phát biểu khi trả lời Dickinson, khôi phục lại vụ kiện để tuyên bố ngay lập tức.

Một cuộc bỏ phiếu đã được thực hiện sau một ngày dài với hàng loạt các bài phát biểu, mỗi thuộc địa bỏ một phiếu bầu như mọi khi. Phái đoàn mỗi thuộc địa được đánh số từ 2 đến 7 thành viên và mỗi phái đoàn đã bỏ phiếu để xác định phiếu bầu của thuộc địa mình.

Pennsylvania và Nam Carolina đã bỏ phiếu chống lại tuyên ngôn độc lập.

Phái đoàn New York đã bỏ phiếu trắng vì không được phép bỏ phiếu độc lập.

Delaware không bỏ phiếu vì phái đoàn đã bị chia rẽ giữa Thomas McKean, người đã bỏ phiếu đồng ý, và George Read, người đã bỏ phiếu chống.

Chín phái đoàn còn lại đã bỏ phiếu ủng hộ độc lập, điều đó có nghĩa là nghị quyết đã được ủy ban toàn diện phê chuẩn. Bước tiếp theo là nghị quyết được bầu bởi chính Quốc hội.

Edward Rutledge của Nam Carolina đã phản đối nghị quyết của Lee nhưng mong muốn sự nhất trí, và anh ấy cảm động khi biết rằng cuộc bỏ phiếu sẽ bị hoãn lại cho đến ngày hôm sau.

Vào ngày 2 tháng 7, Nam Carolina đã đổi ý và bỏ phiếu độc lập.

Trong phái đoàn Pennsylvania, Dickinson và Robert Morris đã bỏ phiếu trắng, cho phép phái đoàn bỏ phiếu 3 thắng 2 ủng hộ độc lập.

Sự cân bằng trong phái đoàn Delaware đã bị phá vỡ bởi sự xuất hiện kịp thời của Caesar Rodney, người đã bỏ phiếu ủng hộ độc lập.

Phái đoàn New York đã bỏ phiếu trắng một lần nữa vì họ vẫn không được phép bỏ phiếu độc lập, mặc dù họ được phép làm như vậy một tuần sau đó bởi Đại hội tỉnh New York.

Nghị quyết độc lập đã được thông qua với 12 phiếu thuận và 1 phiếu trắng, và các thuộc địa chính thức cắt đứt quan hệ chính trị với Vương quốc Anh.

John Adams đã viết cho vợ vào ngày hôm sau và dự đoán rằng ngày 2 tháng 7 sẽ trở thành một ngày lễ lớn của nước Mỹ. Ông nghĩ rằng cuộc bỏ phiếu độc lập sẽ được kỷ niệm; tuy nhiên ông đã không biết rằng người Mỹ sẽ kỷ niệm Ngày quốc khánh vào ngày mà thông báo về hành động đó được hoàn tất.

Bản Tuyên ngôn Độc lập là tác phẩm nổi tiếng nhất của Thomas Jefferson, John Adams và Ngài Benjamin Franklin đức cao vọng trọng, cũng là thành viên của nhóm soạn thảo, chỉ sửa đổi một vài từ trong bản thảo, và cuối cùng đã xóa một đoạn mà Jefferson khẳng định rằng Vương quốc Anh đã ràng buộc chế độ nô lệ vào các thuộc địa để bản Tuyên ngôn trở nên ôn hòa và xoa dịu những người ở Vương quốc Anh ủng hộ Cách mạng Mỹ.

Mở đầu bản Tuyên ngôn có đề cập đến Thần, Sáng Thế Chủ, là tạo hóa thiên địa và cai trị vạn sự vạn vật, mọi cuộc đấu tranh của con người đều được tiến hành theo đúng những quyền mà Thần đã ban cho nhân loại. “Mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ được Tạo hoá ban cho một số quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Để đảm bảo cho những quyền này, chính phủ đã được lập ra từ trong nhân dân và có được quyền lực chính đáng là do có sự ưng thuận của nhân dân.”

Vậy vì sao phải tách khỏi mẫu quốc để thành lập một quốc gia độc lập? Phần đầu của Tuyên ngôn Độc lập giải thích:

"Trong tiến trình lịch sử nhân loại, khi một dân tộc thấy cần rũ bỏ những mối liên hệ chính trị ràng buộc họ với một dân tộc khác và cần giành lấy một địa vị riêng biệt, bình đẳng trong hàng cường quốc trên trái đất này - địa vị mà các quy luật của thiên nhiên và của đấng cai quản muôn loài cho phép họ được hưởng – thì vì nghiêm túc tôn trọng phán xét của nhân loại, họ không thể không tuyên bố những căn nguyên khiến họ phải ly khai.

Chúng tôi khẳng định những chân lý này là hiển nhiên, mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ được Tạo hoá ban cho một số quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Để đảm bảo cho những quyền này, chính phủ đã được lập ra từ trong nhân dân và có được quyền lực chính đáng là do có sự ưng thuận của nhân dân. Bất cứ khi nào một hình thức chính quyền nào đó trở nên có hại cho việc thực hiện những mục tiêu này thì đương nhiên nhân dân có quyền thay đổi hoặc loại bỏ nó, và lập chính quyền mới, đặt nền tảng trên những nguyên tắc đó và sắp xếp quyền lực cho nó dưới một hình thức nào đó, sao cho có thật nhiều khả năng làm cho nhân dân được an toàn và hạnh phúc. Thật ra, nếu đúng là thận trọng thì đừng vì những lý do đơn giản và nhất thời mà thay đổi những chính phủ đã hình thành từ lâu; và do vậy, kinh nghiệm từ bao đời nay đều cho thấy rằng con người thà chịu đựng khi cái xấu còn ở mức chịu đựng được, còn hơn là tự hoàn thiện bằng cách loại bỏ những hình thức mà mình đã quen thuộc. Nhưng khi hàng loạt hành vi lạm dụng và tước đoạt, khăng khăng đeo đuổi một mục tiêu, đã làm lộ rõ ý đồ khuất phục họ dưới ách chuyên chế tuyệt đối thì họ có quyền, có bổn phận lật đổ một chính quyền như thế và cử những người khác ra giữ yên ổn cho họ trong tương lai.

Các thuộc địa này từng phải cắn răng chịu đựng như thế; cho nên bây giờ hoàn cảnh buộc họ cũng phải thay đổi những hệ thống chính quyền cũ như thế. Lịch sử của Vua nước Anh hiện nay là lịch sử của những đau thương và tước đoạt triền miên, tất cả đều nhằm mục đích trực tiếp là thiết lập ách chuyên chế bạo ngược ở những bang này. Ðể chứng minh điều này, hãy để sự thật cho một thế giới trung thực phán xét.”

Những dòng chữ này chưa bao giờ phai nhạt theo thời gian, ngược lại, nó càng trở nên nổi bật hơn. Trên toàn thế giới, văn bản này là chuẩn mực tinh thần cho mọi người thoát khỏi chế độ chuyên chế, đấu tranh cho nhân quyền và tự do.

Tại Hồng Kông vào năm 2019, để đấu tranh chống lại sự chuyên chế của ĐCSTQ và bảo vệ nền độc lập hiến pháp cũng như nhân quyền và tự do của Hồng Kông, một thế hệ thanh niên đã xuống đường để bày tỏ quan điểm của chính mình, họ thành lập chính phủ lâm thời và phát biểu Tuyên ngôn với phần mở đầu là Bản Tuyên ngôn Độc lập của Thomas Jefferson.

Chúng ta hãy quay về mùa hè rực lửa năm 1776 ở Philadelphia, trong căn phòng oi bức như một lò nướng, John Adams cầm trên tay bài viết của Jefferson, ông rất ngưỡng mộ và hài lòng, bởi ban đầu ông chỉ đề nghị Jefferson viết một bài để bày tỏ lập trường của Quốc hội. Nhưng thật bất ngờ vì bài viết vượt trên cả mong đợi, thể hiện tài năng văn học tuyệt vời, ngôn từ chân thành, thấu tình đạt lý, cơ sở lập luận chặt chẽ, đặc biệt với chuẩn mực tinh thần cao thượng này, đó không chỉ là tinh thần lập quốc của Hoa Kỳ mà còn là Tuyên ngôn của cả nhân loại.

bản tuyên ngôn độc lập của Mỹ 3
Bức tranh "Tuyên ngôn độc lập" của họa sĩ người Mỹ Jean Leon Gerome Ferris mô tả cảnh ba cha con nước Mỹ-Jefferson (phải), Franklin (trái) và Adams (giữa) cùng nhau soạn thảo bản tuyên ngôn. (Phạm vi công cộng)

Năm 1760, khi ấy Thomas Jefferson 16 tuổi, theo học tại Học viện Williams and Mary ở Williamsburg, là thủ phủ của thuộc địa Virginia với dân số thời đó chỉ vào khoảng 1.000 người. Thomas học về toán, văn chương và triết học với Tiến sĩ William Small, một học giả gốc Scotland.

Năm 1762, Tiến sĩ Small đã thu xếp để Thomas Jefferson học luật với Thẩm phán George Wythe, một trong những chuyên gia luật uyên thâm nhất của địa phương. George Wythe đã ảnh hưởng rất nhiều tới Thomas Jefferson và chính Wythe sau này cũng là một trong các thành viên ký tên vào bản Tuyên ngôn Độc lập.

Nhờ sự quen biết với Small và Wythe, Thomas Jefferson được giới thiệu với Thống đốc Virginia là Francis Fauquier (1758-1768). Bốn người họ thường hăng say đàm luận về thời cuộc cũng như dạo các bản nhạc thính phòng tại tư dinh của Thống đốc. Nhân dịp này, Thomas Jefferson đã có một cuộc gặp gỡ định mệnh với Patrick Henry.

Trong thời gian học luật, Thomas Jefferson đã quan tâm tới sự căng thẳng chính trị giữa Vương quốc Anh và các thuộc địa Bắc Mỹ. Cuộc chiến tranh Bảy Năm (1756–1763), hay còn được gọi là cuộc Chiến tranh Pháp và người Da đỏ ở Bắc Mỹ đã loại người Pháp ra khỏi tiểu lục địa Ấn Độ và lục địa Bắc Mỹ. Người Pháp đã bị người Anh thay thế và thế lực Anh đã lấn át tại phía Tây bán cầu và nhiều nơi trên biển. Nước Anh nhờ thế mà thụ hưởng được sự phát triển thương mại trên rất nhiều lãnh thổ.

Năm 1760, vua George III lên ngôi nhưng do sự bất lực của ông nên đã sinh ra nhiều bất ổn đối với các xứ thuộc địa Bắc Mỹ.

Tại miền Bắc Hoa Kỳ, các doanh nhân thường buôn lậu với nhiều cánh quân địch và Quốc hội Lục địa đã không cung cấp nhân lực và tiếp liệu cho chính quyền Anh trong khi số nợ nần của nước Anh đã tăng lên do việc quản trị các vùng đất mới. Để có tiền, Quốc hội nước Anh đã thông qua Đạo Luật Tem Thuế vào tháng 3 năm 1765 để gia tăng lợi tức cho nước Anh.

Khi đạo luật này được công bố, Thomas Jefferson đã được nghe Patrick Henry hùng biện, đả kích sự bất công và cho rằng Quốc hội Anh không có quyền đánh thuế các thuộc địa Bắc Mỹ. Sau này, Thomas đã kể lại rằng: “Đối với tôi, Ngài Henry đã diễn thuyết hùng hồn giống như Thi hào Homeros làm thơ vậy”.

Vì vậy mà trong bản Tuyên ngôn, Jefferson đã không quên đề cập đến vấn đề giải phóng nô lệ, ông đã thêm một đoạn trong dự thảo ban đầu của mình, cáo buộc mạnh mẽ vai trò của Vương quốc Anh trong việc buôn bán nô lệ, nhưng điều này đã bị xóa khỏi phiên bản cuối cùng.

Sau khi Tuyên ngôn Độc lập được thông qua tại Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Hancock là người ký tên đầu tiên vào ngay giữa ở khoảng trống bên dưới văn kiện, chữ ký lớn khá ấn tượng của Hancock đã trở thành biểu tượng và thuật ngữ John Hancock nổi lên ở Hoa Kỳ như một từ đồng nghĩa không chính thức cho “chữ ký”. Vì vậy mà chữ ký này đã trở thành câu nói cửa miệng của người dân Mỹ: “Nào, hãy đến Hancock”, nghĩa là, vui lòng ký tên của bạn.

Tuy nhiên, ngay tại thời điểm ấy, những chữ ký này có nghĩa là - tất cả mọi người trong danh sách đều có chung nguy cơ bị Vua nước Anh treo cổ.

Một đại biểu Quốc hội đã nói đùa rằng: “Nếu Tướng quân Washington và quân đội của ông ấy bị đánh bại, chúng ta sẽ bị treo cổ chung hoặc bị treo cổ từng người một.”

bản tuyên ngôn độc lập của Mỹ 5
Người đầu tiên ký "Tuyên ngôn Độc lập" của Hoa Kỳ. Chữ ký của John Hancock trên Tuyên ngôn Độc lập. (Phạm vi công cộng)

Mối tương quan giữa Jefferson, Lincoln và Tuyên ngôn Độc lập

Mối quan hệ của Tuyên ngôn với chế độ nô lệ đã được đề xuất vào năm 1854 bởi Abraham Lincoln, khi ấy ông chỉ là một cựu Dân biểu ít được biết đến. Lincoln nghĩ rằng Tuyên ngôn Độc lập đã thể hiện những nguyên tắc cao nhất của Cách mạng Hoa Kỳ, và những Người sáng lập đã dung túng chế độ nô lệ với mong muốn cuối cùng nó sẽ khô héo. Để Hoa Kỳ hợp pháp hóa việc mở rộng chế độ nô lệ trong Đạo luật Kansas-Nebraska, Lincoln nghĩ, là để từ chối các nguyên tắc của Cách mạng. Trong bài phát biểu Peoria tháng 10 năm 1854, Lincoln nói:

“Gần tám mươi năm trước, chúng tôi đã bắt đầu bằng cách tuyên bố rằng tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng.”

Ý nghĩa của Tuyên bố là một chủ đề lặp đi lặp lại trong các cuộc tranh luận nổi tiếng giữa Lincoln và Stephen Douglas vào năm 1858. Douglas lập luận rằng cụm từ “tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng” trong Tuyên ngôn chỉ nói đến đàn ông da trắng. Mục đích của Tuyên ngôn, theo ông, chỉ đơn giản là để biện minh cho sự độc lập của Hoa Kỳ, và không tuyên bố sự bình đẳng của bất kỳ “chủng tộc thấp kém hay suy thoái” nào.

Tuy nhiên, Lincoln nghĩ rằng ngôn ngữ của Tuyên ngôn có hàm ý phổ quát, đặt ra một tiêu chuẩn đạo đức cao mà nền Cộng hòa Mỹ khao khát, ông nói: “Tôi đã nghĩ rằng Tuyên ngôn đã dự tính sự cải thiện tiến bộ trong tình trạng của tất cả đàn ông ở khắp mọi nơi”.

Trong cuộc tranh luận chung lần thứ 7 và cũng là lần cuối cùng với Steven Douglas tại Alton, Illinois vào ngày 15 tháng 10 năm 1858, Lincoln đã phát biểu về Tuyên ngôn:

“Tôi nghĩ rằng các tác giả của công cụ đáng chú ý đó có ý định bao gồm tất cả mọi người, nhưng họ không có nghĩa là tuyên bố tất cả mọi người đều bình đẳng về mọi phương diện. Họ không có ý nói tất cả mọi người đều bình đẳng về màu da, tầm vóc cơ thể, trí tuệ, sự phát triển đạo đức hay năng lực xã hội. Họ định nghĩa với sự khác biệt có thể chấp nhận được trong những gì họ đã xem xét tất cả những người đã tạo ra sự bình đẳng như nhau trong ‘những quyền không thể thay đổi nhất định, trong số đó là quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc’. Đây là điều họ nói và cũng là điều mà họ muốn nói. Họ không có ý khẳng định sự thật không rõ ràng rằng tất cả sau đó thực sự được hưởng sự bình đẳng đó, hoặc họ sắp trao nó ngay lập tức cho họ. Trong thực tế, họ không có quyền lực để có được một quyền lợi như vậy. Họ có ý đơn giản là tuyên bố quyền, để việc thi hành nó có thể diễn ra nhanh nhất có thể. Họ có ý là thiết lập một câu châm ngôn tiêu chuẩn cho xã hội tự do quen thuộc với mọi người, liên tục tìm kiếm, không ngừng lao động và thậm chí, mặc dù không bao giờ đạt được một cách hoàn hảo, liên tục cố gắng để đạt được nó, và do đó liên tục lan rộng và tăng cường ảnh hưởng của nó, và làm tăng thêm hạnh phúc và giá trị của cuộc sống cho tất cả mọi người, mọi sắc tộc, ở mọi nơi.”

Theo Pauline Maier, một nhà sử học người Mỹ - theo chủ nghĩa xét lại về cuộc Cách mạng Hoa Kỳ, cách giải thích của Douglas chính xác hơn về mặt lịch sử, nhưng quan điểm của Lincoln cuối cùng đã thắng thế. “Trong tay Lincoln”, Maier viết rằng: “Tuyên ngôn độc lập trở thành tài liệu sống đầu tiên và quan trọng nhất” với “một loạt các mục tiêu sẽ được hiện thực hóa theo thời gian”.

Giống như Daniel Webster, James Wilson và Joseph Story trước ông, Lincoln lập luận rằng Tuyên ngôn Độc lập là một tài liệu lập quốc của Hoa Kỳ, và điều này có ý nghĩa quan trọng để giải thích Hiến pháp, đã được phê chuẩn hơn một thập kỷ sau Tuyên ngôn. Hiến pháp đã không sử dụng từ “bình đẳng”, nhưng Lincoln tin rằng khái niệm “tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng” vẫn là một phần của các nguyên tắc sáng lập của quốc gia.

Lincoln nổi tiếng với sự bày tỏ niềm tin này vào câu mở đầu của Diễn văn Gettysburg năm 1863: “Tám mươi bảy năm trước [tức là vào năm 1776], ông cha ta đã tạo dựng một quốc gia mới trên lục địa này, bắt nguồn từ khao khát Tự do, và dốc lòng trong niềm tin chắc chắn rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng.”

Diễn văn Gettysburg là một trong những bài diễn văn hay nhất, vĩ đại nhất, được trích dẫn nhiều nhất trong lịch sử Hoa Kỳ và trong suốt bề dày lịch sử nhân loại, trong đó, Abraham Lincoln đã đề cập đến những diễn biến trong cuộc Cách mạng Mỹ. Quan điểm của Lincoln có sức ảnh hưởng hết sức to lớn, ông coi đó là một tiêu chí đạo đức để giải thích Hiến pháp. Có thể nói, Abraham Lincoln đã tiếp nối đoạn văn dang dở mà Jefferson đã viết vào năm 1776, vị Tổng thống Hoa Kỳ vĩ đại này dành cả cuộc đời của mình để thực hiện và hoàn thành Bản Tuyên ngôn Độc lập một cách mỹ mãn.

Cao Nguyên

Theo Epoch Times và tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Hoa Kỳ lập quốc: Bản Tuyên ngôn Độc lập huyền thoại và ảnh hưởng của nó