Hiếu không báo dạy con vô ích; đức không tu, phong thuỷ bất linh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhân sinh tại thế, vạn sự tùy tâm, phúc lộc hoạ căn, thảy đều do tự thân tạo dựng. Hiếu không tròn, dạy con nào có ích? Đức không vun, phong thuỷ để làm chi?

Hiếu không tròn, dạy con vô ích

Chuyện kể rằng trước đây có một người đàn ông, vợ mất sớm, sợ cảnh mẹ kế con chồng sẽ làm khổ con nên ông không đi thêm bước nữa mà đành lòng ở vậy chịu cảnh "gà trống nuôi con". Sau bao năm vất vả nuôi con khôn lớn, cuối cùng người con trai của ông cũng đã trưởng thành, lập nghiệp trên thành phố. Khi người cha gần đất xa trời, cậu con trai của ông mới đón ông từ quê lên thành phố ở cùng để chăm sóc, tuy nhiên vì tuổi già sức yếu, tay chân vụng về, run rẩy, bước đi chậm chạp, ông thường xuyên làm bể bát đĩa và rơi vãi thức ăn.

Sự việc liên tiếp diễn ra một thời gian, điều này đã khiến cô con dâu không hài lòng nói với chồng, lúc đầu người con trai cũng khuyên nhủ vợ mình nên thông cảm cho cha nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn. Sau cùng người chồng cũng chiều theo ý vợ, anh con trai kê một chiếc bàn nhỏ ở góc bếp cho cha mình ngồi ăn ở đó, còn bản thân anh ta cùng vợ con thì vui vẻ ngồi ăn trên nhà trên.

anh con trai kê một chiếc bàn nhỏ ở góc bếp cho cha mình ngồi ăn ở đó, còn bản thân anh ta cùng vợ con thì vui vẻ ngồi ăn trên nhà trên.
Anh con trai kê một chiếc bàn nhỏ ở góc bếp cho cha mình ngồi ăn ở đó, còn bản thân anh ta cùng vợ con thì vui vẻ ngồi ăn trên nhà trên. (Ảnh: NTD Việt Nam)

Mặc dù đã ngồi một mình nhưng do tay chân của ông không tự chủ được, vẫn thường xuyên làm bể bát đĩa, thức ăn rơi vãi nên cô con dâu đã thay bát đũa bằng gỗ cho ông ăn. Ngồi ăn một mình buồn tủi, nhiều hôm ông vừa ăn vừa khóc, liếc mắt nhìn lên nhà trên thấy vợ chồng con trai và đứa cháu nội ăn uống vui vẻ. Ông muốn được lại gần ôm cháu nhưng đáp lại điều đó chỉ là ánh mắt lạnh nhạt và lời cảnh cáo không được lại gần, họ sợ ông làm bẩn quần áo của đứa cháu nội. Sự việc cứ như thế âm thầm diễn ra dưới mắt đứa cháu nội mãi cho đến ngày ông mất đi.

Sau khi ông mất một thời gian, một buổi tối nọ, người con trai ông thấy con mình đang ngồi trên sàn nhà loay hoay với hai khúc gỗ vụn. Anh ta dịu dàng hỏi con: “Con bố đang làm gì thế?”. Đứa bé cũng ngọt ngào đáp lại cha “Con muốn tự tay làm hai chiếc bát gỗ cho cha mẹ, sau này khi bố mẹ già sẽ dùng đến ạ”. Nói xong cậu con trai mỉm cười và quay lại tiếp tục công việc đang dang dở của mình.

“Con muốn tự tay làm hai chiếc bát gỗ cho cha mẹ, sau này khi bố mẹ già sẽ dùng đến ạ”
“Con muốn tự tay làm hai chiếc bát gỗ cho cha mẹ, sau này khi bố mẹ già sẽ dùng đến ạ”. (Ảnh: Shutterstock)

Nghe con trai đáp vậy, người cha như rụng rời chân tay, đầu choáng váng, trời đất như đảo lộn. Đêm đó anh đã thức trắng đêm, suy nghĩ về những gì mình đã làm, mọi sự hối hận đều đã muộn màng.

Kỳ thực cây vững nhờ gốc, lá tốt nhờ cành, trong xã hội thực tế có vô số những gia đình con cái bỏ mặc cha già mẹ yếu, họ chỉ biết ngày đêm vun vén chăm lo cho con mình, cứ nghĩ chăm con để mong một ngày con khôn lớn sẽ đền đáp mẹ cha. Họ đã quên mất rằng cha mẹ mới chính là cội nguồn của phúc phận. Chính cách họ đối xử với cha mẹ mình mới là thứ quyết định hậu vận cho bản thân.

Đức không tu, phong thuỷ bất linh

Năm 1141 thời Nam Tống Nhạc Phi và con trai Nhạc Vân bị gian thần Tần Cối hạ độc giết tại đình Phong Ba. Vụ án oan thảm khốc của ông từ đó đi vào sử sách khiến muôn dân căm phẫn.

Trong ghi chép của cổ thư phong thủy thì Tần Cối từng ép buộc vị thầy phong thuỷ nổi tiếng lúc bấy giờ là Lại Bố Y tìm cho mình vùng đất phong thuỷ tốt để an táng tổ tông, với tham vọng có thể truy cầu phúc lộc và xưng vương xưng bá sau này. Thầy phong thủy bị Tần Cối ép bức cuối cùng đã tìm được một mảnh đất cát linh chi địa rồi bố trí long huyệt. Nhưng lúc chuẩn bị rời đi ông liền nói: “Mảnh đất này rất đẹp, nếu không phát thì không còn gì gọi là phong thuỷ địa lý nữa. Nhưng mà nếu phát thì trên đời này không còn thiên lý”.

Căn cứ theo phong thuỷ dịch lý học, thì địa lý là nói đến nguyên lý dịch chuyển long mạch của thế đất. Thầy phong thuỷ căn cứ theo thế đất mà tính toán tìm ra được long mạch của khu đất, xem chỗ nào tụ được nhiều khí tốt rồi chỉ cho người ta an táng mộ phần tổ tiên ở đó, nhằm lợi dụng linh khí của núi sông đại địa, chuyển vượng khí vào gia tộc người chủ. Làm được như vậy thì gia đình đó không thể không phát, nếu không đạo lý thiên địa chi linh đều trở thành thứ lừa gạt người đời...

Nhưng nói đi cũng cần nói lại, phàm trên đời mọi thứ đều có thiên lý tuần hoàn chế ước. Ví như theo mệnh số để phân tích, Tần Cối là một người nham hiểm tàn ác, hãm hại trung lương như vậy mà gia tộc hậu thế vẫn có thể phát tài phát lộc, thăng quan tiến chức, thì không còn phù hợp với thiên lý nữa. Vậy nên lúc sắp rời đi Lại Bố Y mới có dự ngôn như vậy.

“Mảnh đất này rất đẹp, nếu không phát thì không còn gì gọi là phong thuỷ địa lý nữa. Nhưng mà nếu phát thì trên đời này không còn thiên lý”.
“Mảnh đất này rất đẹp, nếu không phát thì không còn gì gọi là phong thuỷ địa lý nữa. Nhưng mà nếu phát thì trên đời này không còn thiên lý”. (Ảnh: NTD Việt Nam)

Sau khi tìm được mảnh đất tốt, Tần Cối cho người di chuyển mộ phần tổ tiên đến đó. Không những vậy, y còn dương dương tự đắc cho rằng mình đã làm được một việc đại cát đại lợi, ngày sau nhất định sẽ gặp hảo sự, vậy nên bèn cấu kết với phiên bang, mộng tưởng sau khi thành công sẽ được phong vương phong hầu, đời đời hưởng phúc lộc vinh hoa phú quý.

Tuy nhiên, người tính không bằng trời tính. Sau khi Tần Cối chuyển mộ phần tổ tiên về đó không lâu, thì bỗng một đêm mưa to gió lớn, sấm vang chớp giật, trời đất chuyển mình, núi sông như đảo lộn khiến cho long mạch dịch chuyển. Vốn dĩ mảnh đất này là bảo địa chi linh thì nay lại thành mảnh đất tiêu phúc hại gia. Quả nhiên sau đó ứng với lời tiên đoán của Lại Bố Y: “Nếu phát thì trên đời này không còn thiên lý”.

Minh Vũ



BÀI CHỌN LỌC

Hiếu không báo dạy con vô ích; đức không tu, phong thuỷ bất linh