Hiền tướng Yến Tử khéo léo khuyên vua, tạo phúc muôn dân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người xưa thường nói “Làm bạn với vua như chơi với hổ”, ý nói đến việc ở bên vua rất dễ gặp nguy hiểm, chỉ cần hơi sơ ý một chút cũng có thể bị mất mạng. Nên thông thường, những người ở bên cạnh vua thường tìm cách lấy lòng, chứ ít ai dám thẳng thắn can ngăn. Nhưng trong lịch sử Trung Quốc cũng có những ngoại lệ.

Yến Tử (còn gọi là Yến Anh, Án Anh) là vị quan thanh liêm nước Tề. Dưới triều vua Tề Cảnh Công, ông làm đến chức tể tướng, được Tề Cảnh Công hết sức tin dùng. Tuy vậy, Yến Tử tuyệt nhiên không hề xu nịnh vua Tề Cảnh Công, mà thường xuyên khuyên can, có khi một ngày khuyên can mấy lần, ấy vậy mà không hề bị vua Tề Cảnh Công trách phạt. Đó là bởi vì cách ông khuyên can vua Tề Cảnh Công vô cùng khéo léo, vừa có lý, vừa có tình, khiến vua nhận ra lỗi lầm của mình mà không cảm thấy tức giận.

Khéo léo khuyên vua bỏ hình phạt độc ác

Yến Tử tuy làm quan to trong triều, nhưng ông lại sống vô cùng cần kiệm, liêm khiết. Sống trong một ngôi nhà nhỏ ở gần chợ, trông chẳng khác mấy so với những ngôi nhà của thường dân sống gần đó. Cảnh Công định sửa sang chỗ ở của Yến tướng quốc, nhưng Yến Tử luôn tìm cớ xin từ chối. Đến khi Yến Tử đi sứ Tấn quốc, Cảnh Công bèn cho phá những ngôi nhà xung quanh để mở rộng nhà của ông. Yến Tử trở về, trước tạ ơn Cảnh Công, sau đó phá dỡ ngôi nhà mới, lấy gạch dựng lại những ngôi nhà bị phá khi trước và mời những người hàng xóm cũ trở về. Tề Cảnh Công tuy không hài lòng vì việc đó, nhưng biết Yến Tử ưa lối sống đạm bạc, hòa đồng nên đành phải thuận theo như vậy.

Một hôm khác, Cảnh Công lại cùng đoàn tùy tùng đi thăm Yến Tử.

Vào đến nhà, Cảnh Công quan sát phòng khách nhà Yến Tử; đồ đạc rất đơn giản, diện tích cũng không lớn, ngồi trong phòng khách, nhưng có thể nghe tiếng ồn ào, cũng có thể ngửi thấy mùi ô uế ngoài chợ.

Cảnh Công rất cảm động nói với Yến Tử rằng: “Phủ của ngài rất nhỏ, hơn nữa nơi này âm thanh ồn ào, mùi vị khó ngửi, không bằng ngài chuyển vào Ngự Viên Lâm đi! Tôi đã sắp xếp tốt rồi, ở đó phòng ốc rộng rãi, môi trường cũng thanh nhã”.

Yến Tử vái ba lạy cảm ơn, kiên quyết từ chối không nhận, ông nói: “Đa tạ ý tốt của ngài! Nhưng thần ở đây quen rồi, không muốn rời xa, nhà thần đông người, hoàn cảnh túng thiếu, dựa vào chợ để kiếm miếng cơm, sáng tối đều buôn bán ở chợ không thể chuyển nhà quá xa”.

Chân dung Yến Tử
Chân dung Yến Tử. (Ảnh: Wikipedia)

Cảnh Công cười nói: “Ngài đã quen với cảnh sống gần chợ, có thể cho ta biết cái gì rẻ nhất, cái gì đắt nhất không?”.

Khi đó, Cảnh Công rất hay dùng hình phạt, đặc biệt là Nguyệt Hình, người phạm tội bị chặt ngón chân hoặc chân. Người bị phạt không thể đi những đôi giầy mà người bình thường hay đi, mà cần phải có chân giả, loại hình phạt này lúc đó vẫn được xem là tương đối nhẹ. Yến Tử nghĩ đến điểm này bèn trả lời: “Chân giả đắt nhất, giầy cỏ rẻ nhất”.

Cảnh Công cảm thấy rất kỳ lạ: “Như vậy là tại sao?”.

Yến Tử nói: “Bởi vì người bị nguyệt hình rất nhiều”.

Cảnh Công nghe vậy cảm thấy rất kinh hãi, sắc mặt biến đổi, nói: “Quả nhân đã quá tàn bạo rồi”.

Sau đó ông ta hạ lệnh bỏ đi năm hình phạt, trong đó có Nguyệt Hình.

Trong câu chuyện trên, ta thấy Yến Tử vô cùng khéo léo trong việc khuyên can vua Tề Cảnh Công. Là một người sống hòa đồng với bách tính trăm họ, Yến Tử hẳn là hiểu nỗi khổ của nhân dân. Những hình phạt nặng của Tề Cảnh Công hẳn là khiến ông trăn trở. Nhưng kẻ quân vương là người có quyền lực tối cao, người làm bề tôi phần nhiều vì khuyên can mà gặp họa sát thân, trong lịch sử cũng có vô số oan ức sinh ra từ chuyện can gián bề trên. Nếu Yến Tử thẳn thắn can gián nhà vua, có khi hình phạt không được xóa bỏ mà còn khiến Tề Cảnh Công không hài lòng, bởi vua không nói chơi, hình phạt một khi đã công bố ra rồi thì khó có thể thu hồi lại được. Trong câu chuyện “Chân giả đắt nhất, giầy cỏ rẻ nhất”, Yến Tử đã rất khéo léo trong việc can gián nhà vua, ông không trực tiếp đi thẳng vào vấn đề, mà mượn chính câu chuyện Tề Cảnh Công khởi xướng ra để lái câu chuyện theo ý mình, giúp Tề Cảnh Công nhận ra hình phạt của mình là độc ác.

Hiền tướng Yến Tử khéo léo khuyên vua
Trong câu chuyện “Chân giả đắt nhất, giầy cỏ rẻ nhất”, Yến Tử đã rất khéo léo trong việc can gián nhà vua. (Ảnh: Epoch Times)

Yến Tử cai quản vùng Đông A

Yến Tử được Tề Cảnh Công phái đi cai quản vùng Đông A (một huyện thuộc Liêu Thành, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày nay). Ông làm quan hết sức thanh liêm, hết lòng vì dân chúng, nghiêm khắc với quan địa phương, nên không ít kẻ khó chịu, tìm cách nói xấu Yến Tử với những nịnh thần bên cạnh nhà vua. Làm quan được ba năm, đột nhiên Yến Tử bị Tề Cảnh Công cho gọi về, vua nổi giận quát mắng rằng: “Ta nghĩ ngươi năng lực giỏi hơn người khác, mới yên tâm giao Đông A cho ngươi cai trị, không ngờ ngươi làm cho tồi tệ hơn, ta không xử phạt ngươi thật nặng thì không được”.

Yến Tử biết mình bị nói xấu, nhưng ông vẫn không lấy đó làm hoảng, suy nghĩ một lát, ông nói: “Xin ngài cho tôi thêm ba năm nữa, tôi sẽ cố gắng thay đổi cách cai trị, đến lúc đó nếu vẫn không được, tôi tình nguyện xin xử tội chết”.

Tề Cảnh Công bằng lòng với yêu cầu của Yến Tử. Kết quả mới qua một năm, đã được Cảnh Công khen ngợi: “Ngươi quả nhiên không lừa dối ta, thành tích một năm thật là tốt”.

Yến Tử lúc này mới nói: “Trước đây khi tôi cai quản vùng Đông A, tôi cấm tuyệt đối các quan thuế nhận hối lộ, những nguồn lợi cá muối từ thiên nhiên đem lại tôi đều cho dân nghèo khai thác, dân chúng Đông A không có người đói rét, nhưng lại bị ngài trách mắng. Một năm nay, tôi cho các quan thuế trực tiếp nhận hối lộ, nguồn lợi từ cá muối đều do những nhà có quyền thế nắm giữ, bây giờ một nửa dân chúng Đông A đang đói rét, ngược lại tôi lại được ngài khen thưởng, Có lẽ xin cho tôi từ chức, giao cho ai có thể làm được hơn tôi, người có cách làm ”.

Yến Tử cai quản vùng Đông A
"...nguồn lợi cá muối từ thiên nhiên đem lại tôi đều cho dân nghèo khai thác, dân chúng Đông A không có người đói rét, nhưng lại bị ngài trách mắng..." (Chen Zhiching / Epoch Times)

Cảnh Công vừa nghe xong, chợt hiểu ra mọi chuyện, vội tạ lỗi với Yến Tử: “Ta biết ta sai rồi, ngươi cố giúp ta cai trị vùng Đông A! Về sau ta nhất quyết không nghe theo lời gièm pha, không can thiệp vào việc cai quản của ngươi nữa”.

Yến Tử cai quản vùng Đông A không tránh khỏi những lời gièm pha của quan tham. Nên khi bị Tề Cảnh Công trách mắng, dù Yến Tử có minh oan được cho mình, thì sẽ trở thành cái gai trong mắt những kẻ đã nói xấu, những kẻ đó hẳn sẽ tìm mọi cách để hãm hại ông. Nên lúc này Yến Tử đã lùi một bước, sửa đổi cách cai trị, để Tề Cảnh Công thấy cách cai trị nào tốt hơn, mặt khác, khiến những kẻ gièm pha ông cho rằng ông đã lùi một bước, đáp ứng yêu cầu của bọn chúng, không còn quấy nhiễu ông nữa. Sau một năm, thực tiễn đã chứng minh cách cai trị đầu tiên của Yến Tử có lợi cho bách tính, đó cũng là bằng chứng thuyết phục nhất để chứng minh cho vua Tề Cảnh Công thấy việc ông làm là đúng hay sai.

Yến Tử vốn là nhà ngoại giao xuất sắc, bao lần đi sứ đều khiến các vua nước khác kính phục, giữ gìn được quốc thể. Nên tài năng ứng xử của ông là điều không cần phải bàn cãi. Điều đáng trân quý ở đây là tài năng đó lại có xuất phát điểm từ lòng thương xót vô hạn với nhân dân trăm họ, trở thành một tấm gương sáng lưu truyền mãi nghìn năm.

Nam Minh



BÀI CHỌN LỌC

Hiền tướng Yến Tử khéo léo khuyên vua, tạo phúc muôn dân