Giúp người lo tang sự, đắc phúc báo không ngờ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi Quách Chấn đến Lương Châu, các tướng Thổ Phồn vốn đã nghe danh Quách Chấn liền bàn bạc với nhau: “Tán Phổ của chúng ta đều sợ hắn, làm sao có thể đánh thắng được hắn đây?” Sau đó lần lượt xuất binh rời đi...

Quách Chấn (656-713), tự Nguyên Chấn, người Quý Hương, Ngụy Châu (nay thuộc Danh Bắc, Hà Bắc, Trung Quốc), là vị công tướng đời Đường, tính tình khảng khái, hào sảng. Năm 16 tuổi Nguyên Chấn đến học trường Thái Học, cùng lớp có hai người bạn là Tiết Tắc và Triệu Ngạn. Có một hôm cha mẹ của Quách Chấn sai người mang đến cho cậu 40 vạn tiền học phí và chu cấp sinh hoạt.

Vừa hay khi ấy có một người đàn ông mặc tang phục đột nhiên gõ cửa. Người đàn ông nói với Quách Chấn: "Tổ tiên năm đời của ta cho đến nay vẫn không được chôn cất đàng hoàng, quan tài của họ tản mát khắp nơi. Bây giờ ta muốn lo liệu cho họ chuyện hậu sự này, nhưng khổ nỗi không có tiền. Ta nghe nói gia đình cậu vừa mới gửi cho cậu tiền học phí, cậu có thể giúp ta không?"

Quách Chấn sau khi nghe xong liền đưa cho ông ta tất cả 40 vạn tiền mà không hỏi tên tuổi, cũng không cần ông ta để lại thông tin gì. Hai bạn đồng môn là Tiết Tắc và Triệu Ngạn thấy vậy bèn cười nhạo Nguyên Chấn, và cho rằng cậu thật ngu ngốc. Quách Chấn thẳng thắn nói: "Ta giúp ông ta chôn cất tổ tiên. Đây là chuyện đại sự, có gì đáng cười?”...

Đảm đương trọng trách uy danh vang khắp Tây Vực

Năm 18 tuổi Quách Chấn thi đỗ tiến sĩ. Đương thời những người trẻ tuổi tài năng đều lấy việc nhận chức “Chính tự”, “Giáo thư” (những chức quan văn thời Đường, là chức quan từ cửu phẩm trở lên) làm vinh dự nhưng, Quách Chấn thì khác. Ông xin được nhậm chức ở biên giới Lương Châu cách xa kinh thành. Quách Chấn làm việc thường không câu nệ tiểu tiết, khí phách hào sảng vang danh tứ phương.

Khi Quách Chấn đến Lương Châu, các tướng Thổ Phồn vốn đã nghe danh Quách Chấn liền bàn bạc với nhau: “Tán Phổ(*) của chúng ta đều sợ hắn, làm sao có thể đánh thắng được hắn?”

Sau đó các tướng Thổ Phồn lần lượt dẫn quân rời đi.

Quách Chấn xem xét rằng phía Tây của Lương Châu là Thổ Phồn, biên giới phía Bắc là Đột Quyết. Sau khi Đường Thái Tông băng hà, thủ lĩnh các bộ lạc liên tục xâm chiếm biên giới. Vì thiên uy của Đại Đường, Quách Chấn đã tập hợp 12 vạn binh mã chia thành 10 hướng tiến qua Thanh Hải để vào lãnh thổ Thổ Phồn.

Binh mã
Quách Chấn đã tập hợp 12 vạn binh mã tiến vào lãnh thổ Thổ Phồn. (Ảnh minh hoạ).

Gặp phải vu khống, các trọng thần cùng nhau giúp đỡ

Một lần nọ, tể tướng đương triều là Tôn Sở Khách và Quách Chấn bất hòa, tể tướng vu cáo với Võ Tắc Thiên rằng Quách Chấn có dã tâm làm phản. Lúc ấy 25 danh tướng trong triều gồm Địch Nhân Kiệt, Ngụy Nguyên Trung, Lý Kiệu, Tống Cảnh, Diêu Sùng, Trương Thuyết… liên kết với quan thượng thư cùng lấy thân đảm bảo rằng, Quách Chấn không có ý định nào khác, Võ Tắc Thiên mới yên tâm phần nào.

Đại quân của Quách Chấn tiến vào lãnh thổ Thổ Phồn, Tán Phổ khiếp sợ trước uy binh của quân binh nhà Đường, quỳ gối cầu hòa, xin hiến cho triều Đường ba vạn cân vàng, 3000 con tuấn mã cùng vô số dê cừu. Đường triều vốn mong mỏi dẹp yên biên thùy đã lâu, cuối cùng cũng có thể thể hiện uy binh, hàng phục Tây Nhung, chấn uy Bắc Địch... Ngay cả quân Đột Quyết hung hãn cũng tỏ vẻ thần phục, xin hiến 2000 con ngựa tốt, hơn nữa còn đem tất cả người trước kia bắt ở Lương Châu đều đem thả về biên cương. Quách Chấn khi trấn thủ Lương Châu, đã quét sạch toàn bộ quân địch ở Tây trấn.

Quách Chấn trong thời gian trấn giữ ở Lương Châu 5 năm, lệnh cho quân binh cày ruộng. Năm nào vụ mùa cũng bội thu nên quân binh không cần phải sống dựa vào lương thực của triều đình, hơn nữa còn tích được mấy chục năm quân lương. Uy đức của Quách Chấn vang dội khắp vùng. Thuở đó ở Lương Châu bá tánh có thể an cư, người dân không nhặt của rơi trên đường, kỷ luật nghiêm minh, ngoại bang kính phục, biên cương yên ổn.

lúa
Năm nào vụ mùa cũng bội thu nên quân binh không cần phải sống dựa vào lương thực của triều đình. (Ảnh: Pexels).

Được người vô danh tặng của

Sau này triều đình triệu Quách Chấn hồi kinh. Quách Chấn tuy là trọng thần nhưng bản thân lại không có phủ của riêng mình, sau khi về kinh thì sống ở nhờ nhà bạn bè chờ ngày vào triều. Một ngày nọ, khi Quách Chấn bước ra khỏi cửa, đang định đi dạo thì có một người tới trước ngựa đưa cho ông một bức thư rồi vội vàng rời đi. Quách Chấn mở thư ra xem thấy trong thư có chỉ dẫn cho ông tới một địa điểm để nhận quà tặng mà không hề viết tên người gửi.

Quách Chấn theo lời trong thư đi đến chỗ một cái cây thì thấy có 20 con ngựa và 3000 cuộn gấm. Ông suy nghĩ thật lâu về món quà này, cuối cùng nhớ ra: “Đây chẳng phải là món quà từ người đàn ông xin ta tiền chôn cất tổ tiên hồi ta còn ở trường Thái học hay sao?”

Quách Chấn trước kia khảng khái giúp người mà không cầu báo đáp, cũng chẳng hỏi đối phương tên họ, giờ đây người đó lại dùng chính cách ấy để báo ân ông. Quách Chấn lấy số tài sản ấy cất một dinh thự và ổn định gia thất. Hai người bạn học lúc trước của ông là Tiết Tắc và Triệu Ngạn sau khi nghe câu chuyện này đã cảm thán mãi không thôi.

“Đãn hành hảo sự, mạc vấn tiền trình” (chỉ lo làm việc tốt, không cần hỏi tương lai là gì). Chuyện mà danh tướng Đại Đường Quách Chấn trải qua đã chứng minh Thiên lý rõ ràng, chỉ cần làm việc tốt sau này sẽ gặp được phúc báo.

Thiên Hoa (biên dịch)

nguồn: http://www.visiontimes.com

Ghi chú: (*) Tán Phổ là thủ lĩnh tối cao của Thổ Phồn



BÀI CHỌN LỌC

Giúp người lo tang sự, đắc phúc báo không ngờ