Giáo sư Đại học Stanford: 6 bí quyết giúp cha mẹ nuôi dưỡng những đứa trẻ thành công

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đối với mỗi bậc cha mẹ, con cái là món quà tuyệt vời nhất mà Thượng Đế ban tặng. Nhìn những gương mặt ngây thơ của trẻ, là bậc cha mẹ, dường như chỉ muốn dành cho con cuộc sống tốt nhất và nền giáo dục tốt nhất để trẻ lớn lên thành người tốt.

Vậy người như thế nào được coi là người tốt? Đối với câu hỏi này, các bậc cha mẹ có những câu trả lời hoàn toàn khác nhau. Bởi vì tiêu chuẩn cho con trai và con gái rất khác nhau, và đương nhiên phương pháp giáo dục cũng khác nhau.

Việc nuôi dạy con gái dễ hơn so với việc nuôi dạy con trai, bởi cho dù là về tính cách hay các phương diện khác, khi lớn lên con trai sẽ gặp nhiều vấn đề hơn. Các bậc cha mẹ rất lo lắng, nhưng họ không biết phải làm thế nào. Hơn nữa nếu áp dụng sai phương pháp giáo dục thì kết quả sẽ phản tác dụng.

1. Sau khi con trai lớn lên, những vấn đề nào sẽ khiến cha mẹ đau đầu?

Dễ xúc động, cáu kỉnh, bốc đồng

Nguyên là cậu con út trong gia đình. Vì bé đầu là con gái, cha mẹ thường không thấy phiền phức. Khi dạy dỗ Nguyên, cha mẹ rất ngỡ ngàng, cậu bé hay cáu kỉnh và khóc vì những chuyện vặt vãnh. Có hôm, mẹ đi siêu thị mua đồ ăn vặt về, Nguyên và chị gái lấy ra ăn. Ăn được một nửa, cậu bé nhìn vào gói khoai tây chiên của chị rồi vội vàng chộp lấy. Cô chị không muốn nói chuyện với cậu bé. Cậu lấy khoai tây chiên, chạy đi, vừa giẫm chân, rồi ngã lăn ra.

Sau khi thấy bộ dạng của cậu bé, người mẹ thở dài và yêu cầu cô chị đưa khoai tây chiên cho Nguyên, bởi vì cha mẹ quá quen với tình huống này. Chỉ cần xảy ra chút chuyện, cậu con trai sẽ trút giận và đe dọa bằng cách này, họ không biết phải làm sao.

Trẻ em đang trong giai đoạn phát triển, nhất là đối với các bé trai, tính tò mò và tính chiếm hữu thường mạnh hơn nhiều so với các bé gái. Chúng sẽ dùng nhiều cách để có được thứ chúng muốn. Đây là căn nguyên. Khi trẻ muốn khoai tây chiên của chị gái mình, trẻ sẽ giành lấy ngay, và khi không giành được, trẻ sẽ bộc lộ cảm xúc theo cách của mình.

Kỹ năng giao tiếp kém, tính cách hướng nội

Một hôm khi đi siêu thị, tôi đã gặp một người bạn tốt Vương Tĩnh. Vương Tĩnh nhiệt tình trò chuyện với tôi. Con trai anh đứng một bên và nhìn chúng tôi. Vương Tĩnh kéo con trai và nói: "Nhanh lên, con trai, chào cô đi con!" Cậu bé lùi lại một bước với vẻ mặt miễn cưỡng.

Tôi thấy hơi lạ. Cậu bé dường như đã khác trước. Trước đây, khi tôi tới nhà chơi, cậu bé sẽ nhanh chóng chào hỏi, còn vội vàng mang tất cả đồ ăn tới cho tôi. Hôm nay có chuyện gì vậy?

Khi tôi thắc mắc, Vương Tĩnh khẽ nói với tôi: "Dạo này, không biết có chuyện gì, cháu nhìn thấy mọi người cũng không chào hỏi, thậm chí cũng ít nói chuyện với bố. Hôm nay mình nói mãi mới đi siêu thị cùng".

Trong cuộc sống, chúng ta thường thấy những đứa trẻ như vậy. Một số trẻ khá hòa đồng và tự nhiên trước những người quen, nhưng một khi nhìn thấy người lạ, chúng sẽ trở nên rụt rè, và cha mẹ có thể thấy khó hiểu.

vì sao trẻ Dễ xúc động, cáu kỉnh, bốc đồng
Trong cuộc sống, chúng ta thường thấy những đứa trẻ như vậy. (Ảnh: Pixabay)

Dễ bị lây "thói hư tật xấu"

Vì trẻ ở các độ tuổi khác nhau nên các giai đoạn phát triển tâm lý của trẻ cũng khác nhau. Sở thích và thú vui của trẻ có thể thay đổi theo giai đoạn. Chúng cũng dễ bị thu hút bởi một số “thói hư tật xấu” xung quanh. Ví dụ, như các vấn đề thường nói tới như hút thuốc, uống rượu, nghiện Internet và các vấn đề khác.

Biết rằng đây là một “sở thích xấu” nhưng các cậu thanh niên vẫn bị thu hút đặc biệt, có thể là do muốn thể hiện “ngầu” hoặc do ảnh hưởng của bạn bè xung quanh. Những năm gần đây, tỷ lệ thanh niên nhiễm thói hư ngày càng gia tăng, đặc biệt là nghiện Internet, hút thuốc lá ngày càng phổ biến, kéo theo đó là các ca mắc bệnh cũng ngày càng nhiều. Đối với gia đình và xã hội, thói hư tật xấu giống như căn bệnh “ung thư”, phá hoại hết gia đình này đến gia đình khác. Vô số bậc cha mẹ thấy con mình lầm đường lạc lối mà không biết làm sao để giúp con.

2. Nguyên nhân của những vấn đề này là gì?

Sự tự kiềm chế và kiềm chế từ bên ngoài khiến trẻ cảm thấy tự ti và lo lắng

Sự phủ định được chia thành phủ nhận bản thân và phủ nhận bên ngoài. Sự khác biệt giữa hai loại này nằm ở chỗ ai là đối tượng của sự phủ nhận. Tự phủ nhận bản thân là một tâm lý đáng sợ, có nghĩa là trẻ bắt đầu mất niềm tin vào bản thân và bắt đầu nảy sinh lo lắng, sợ hãi. Nếu cứ tiếp tục như vậy sẽ khiến trẻ gặp phải bất kỳ chuyện gì. Câu hỏi đầu tiên chúng xem xét không phải là "làm thế nào để giải quyết" mà là "mình phải làm gì".

Sự phủ nhận từ bên ngoài thường được phản ánh ở việc từ chối của người khác. Khi trẻ thường xuyên bị người khác từ chối, chúng sẽ trở nên tự ti, rụt rè và nhạy cảm. Trẻ không dám giao tiếp với người khác. Khi gặp vấn đề, chúng sẽ làm mọi cách để trốn tránh gặp phải vấn đề chứ không trực tiếp và dũng cảm đối diện với khó khăn.

Khi một đứa trẻ bị chối bỏ nhiều, nó sẽ sinh ra nhiều cảm xúc tiêu cực khác nhau, dẫn đến tự ti, hướng nội, nhạy cảm, lo lắng, trầm cảm, v.v. Tuy hai hình thức phủ định khác nhau nhưng tác hại đối với trẻ là như nhau.

Không khí gia đình không tốt và thiếu sự chăm sóc của cha mẹ

Nhiều bậc cha mẹ tin rằng quan tâm đến con cái của họ có nghĩa là quan tâm đến việc chúng có đủ ăn và mặc, có đủ tiền tiêu vặt hay không và liệu các các khóa học thêm của con có đầy đủ hay không. Chỉ cần con đủ về vật chất là yên tâm

Mẹ của bé Vinh vừa đi làm về, chưa kịp thay giày đã chạy đến phòng con và hỏi: "Đã có kết quả cuối kỳ chưa con? Con trai, kỳ thi thế nào rồi!". Sau khi nhìn thấy kết quả của con, bà mẹ rất phấn khích, chạy sang phòng khách, lập tức nhấc máy gọi cho bạn gái: "Ôi, biết gì không, Vinh nhà tớ lại đứng nhất lớp rồi..."

Vinh ngồi trong phòng, làm bài tập và cậu bé không có biểu hiện gì. Cậu đã quen với phản ứng của mẹ. Cậu cho rằng mẹ không thích cậu, mà chỉ thích bảng thành tích. Cậu muốn nói với bố mẹ rằng "Con thực sự rất mệt", nhưng vẫn chưa dám nói.

Mẹ của Vinh chỉ chú ý đến thành tích, và không quan tâm rằng hành động của mình sẽ gây tổn hại lớn cho con. Bà mẹ chỉ để ý đến kết quả học tập của con mà không quan tâm con có bị áp lực hay gặp khó khăn gì trong cuộc sống hay không.

Các giai đoạn khác nhau gây ra những thay đổi tâm lý

Cách trẻ tương tác với mọi người có liên quan rất nhiều đến tính cách của trẻ. Trẻ em ở các độ tuổi khác nhau có tính cách khác nhau và cách xử sự khác nhau. Trong quá trình trưởng thành, trẻ sẽ trải qua nhiều giai đoạn như trẻ sơ sinh, thời thơ ấu, thiếu niên, và trưởng thành. Trong quá trình trưởng thành, suy nghĩ và tâm lý của trẻ cũng không ngừng phát triển. Những điều này sẽ ảnh hưởng đến tình cảm, cảm xúc và phương thức giao tiếp của trẻ.

Ảnh hưởng của môi trường xung quanh và bạn bè

Trẻ em vẫn còn nhỏ và chưa có hiểu biết đúng đắn về nhiều sự việc. Hành vi của chúng nhiều khi bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh và bạn bè. Chúng ta thường gọi là “tâm lý đám đông”. Nói chung, con trai thường nổi loạn hơn. Cha mẹ càng hạn chế thì trẻ càng muốn thử những trò như lên mạng, đánh nhau và trốn học. Khi bạn bè xung quanh rủ rê, sẽ xuất hiện tâm lý đám đông và trẻ sẽ thấy tò mò, và cũng muốn thử.

Các giáo sư Đại học Stanford từng bày tỏ quan điểm về "cách dạy con ngoan" và chia sẻ 6 phương pháp.

nuôi dạy trẻ
Khi bạn bè xung quanh rủ rê, sẽ xuất hiện tâm lý đám đông và trẻ sẽ thấy tò mò, và cũng muốn thử. (Ảnh: Pixabay)

Cha mẹ nên thông qua 6 phương pháp để học cách nuôi dưỡng con thành công:

1. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của trẻ

Nhiều bậc cha mẹ thường nói với con rằng: “Con chẳng giống đàn ông chút nào”. Cha mẹ muốn con trai sống có trách nhiệm, nhưng không nên dùng kiểu nói khích này. Điều này sẽ chỉ làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ. Trong cuộc sống, cha mẹ có thể để con bắt đầu từ những việc nhỏ, nhưng không thể trốn tránh trách nhiệm. Cha mẹ có thể hướng dẫn và giúp đỡ con đối diện với khó khăn để trẻ có thể xác lập vị trí.

2. Giáo dục trẻ tôn trọng bình đẳng

Nhà triết gia người Pháp Descartes từng nói: “Chỉ khi tôn trọng người khác thì người đó mới được tôn trọng". Tôn trọng là cơ sở của giao tiếp giữa người với người. Công việc, tình bạn,… đều dựa trên sự tôn trọng. Chỉ có tôn trọng thì mới có văn minh. Nếu một người không tôn trọng người khác, thì bản thân anh ta cũng không đáng được tôn trọng. Vì vậy, trong quá trình giáo dục con cái, cha mẹ cần cho con hiểu tầm quan trọng của “sự tôn trọng” và để con học cách tôn trọng mọi người và mọi điều đẹp đẽ trên đời.

bí quyết dạy con
Cha mẹ cần cho con hiểu tầm quan trọng của “sự tôn trọng” (Ảnh: Pixabay)

3. Dạy trẻ cách tiếp nhận và bày tỏ tình yêu thương

Điều tốt nhất cha mẹ có thể làm là "yêu thương con". Điều tốt nhất con cái có thể làm là tiếp nhận tình yêu thương của cha mẹ. Đối với con cái, tiếp nhận yêu thương của cha mẹ là lẽ đương nhiên, và tình yêu vô điều kiện của cha mẹ cũng là chuyện đương nhiên. Trên thực tế, việc học cách bày tỏ tình yêu thương và dạy trẻ cách biến “được yêu” thành “yêu” là rất quan trọng đối với trẻ. Như thế, trẻ có thể trở thành một con người ấm áp.

4. Vai trò của người cha rất quan trọng

Tình mẹ nhẹ nhàng, tinh tế như tơ nhẹ vuốt ve êm dịu. Còn tình cha thì rất sâu đậm nhưng không dễ bộc lộ ra. Một nghiên cứu nước ngoài đã chỉ ra rằng những đứa trẻ lớn lên có cha bên cạnh, có xu hướng học giỏi hơn, đạt điểm cao hơn, và chỉ số thông minh cao.

Vì vậy, vai trò của người cha trong gia đình là rất đặc biệt. Nếu người cha có thể làm tấm gương tốt và định hướng tốt cho trẻ thì đó là món quà tốt nhất dành cho trẻ.

5. Dạy trẻ các phương pháp xử lý cảm xúc

Có rất nhiều điều trong cuộc sống và học tập có thể gây ra căng thẳng cho trẻ. Khi áp lực dồn đến một mức độ nhất định, cảm xúc của trẻ cần được giải tỏa. Cha mẹ nên kịp thời hướng dẫn con trút bỏ cảm xúc, ví dụ: thường xuyên trao đổi với con để duy trì trạng thái khỏe mạnh. Tâm thái là cách dạy trẻ làm thế nào chuyển hướng chú ý và trút bỏ cảm xúc một cách chính xác.

6. Hãy để trẻ học cách thông cảm

Mỗi người thành công đều không phải là người ích kỷ. Con người bình thường không phải là một vị Thánh. Cha mẹ cần cho con biết rằng trong mọi sự việc chúng không thể chỉ để ý tới cảm xúc của mình, mà cần học cách đồng cảm và học cách nhìn vấn đề từ góc độ của người khác. Cha mẹ có thể thử đổi vị trí với con để giải quyết một sự việc, giúp bản thân trẻ trải nghiệm thực sự và hiểu được ý nghĩa của lòng nhân ái.

Dù là con trai hay con gái, khái niệm giáo dục đều như nhau. Chỉ cần sẵn sàng dồn nhiều tâm sức, sự kiên nhẫn và dành tình yêu thương phù hợp cho trẻ, thì đứa trẻ nào cũng có thể trở thành một đứa trẻ xuất sắc. Chìa khóa thành công của một đứa trẻ chính là cha mẹ “cảm tính” hay “hiểu biết, lý trí"?

Trên con đường trưởng thành, mỗi đứa trẻ xuất sắc đều có những người cha người mẹ xuất sắc đồng hành.

Minh An
Theo aboluowang

Văn hoá Giáo dục


BÀI CHỌN LỌC

Giáo sư Đại học Stanford: 6 bí quyết giúp cha mẹ nuôi dưỡng những đứa trẻ thành công