Giáo dục hạnh phúc - Bài 8: Đức dày chở vật, tự cường không ngừng nghỉ [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hạnh phúc là thứ ai cũng truy cầu nhưng ít người đắc được, bởi vì bí mật của hạnh phúc ở sự trao đi. Người có tấm lòng bao dung rộng lớn thì mới có thể cống hiến nhiều, mới có thể hạnh phúc nhiều, giống như đất mẹ rộng lớn, đức dày chở vật...

(Xem thêm: Bài 1; Bài 2; Bài 3; Bài 4; Bài 5; Bài 6; Bài 7; Bài 8; Bài 9; Bài 10; Bài 11; Bài 12; Bài 13; Bài 14; Bài 15; Bài 16)

Các thầy cô là người vĩ đại vì có thể yêu thương hàng chục hàng trăm học sinh. Tuy nhiên vẫn có thứ to lớn hơn, đó là Trái đất. Người mẹ Trái Đất này hết thảy tất cả. Đất Mẹ yêu con người, không phân biệt dân tộc, màu da, quốc tịch, cũng không phân biệt dung mạo xinh đẹp hay xấu xí, tất cả đều được Đất Mẹ yêu thương như nhau.

Chúng ta xem quan hệ giữa người mẹ, người thầy và trái đất. Trái đất cũng là người mẹ, nhưng Đất Mẹ mang chở trên mình tất cả, bất kể là con người, động vật hay cỏ cây hoa lá. Chữ "chở" này có thể nói là một cỗ xe, cỗ xe chở được nhiều nhất, lớn nhất chính là Trái đất. Tấm lòng Đất Mẹ chính là “đức dày chở vật”.Trong "Kinh dịch" có hai câu như thế này: "Trời vận hành mạnh mẽ, người quân tử tự cường không ngừng nghỉ. Địa thế khôn, người quân tử đức dày chở vật".

Hãy xem câu thơ:

Mặt trời đã khuất non cao
Sông Hoàng cuồn cuộn chảy vào bể khơi.
(Bạch nhật y sơn tận, Hoàng Hà nhập hải lưu)

cảnh hoàng hôn
Bạch nhật y sơn tận, Hoàng Hà nhập hải lưu. (Ảnh: Pexels).

Thời cổ xưa thơ rất hay, không chỉ ngôn ngữ đẹp, nội hàm sâu mà còn có ý cảnh đẹp. Chỉ mấy chữ đơn giản, dễ hiểu này mà biểu đạt ra ý cảnh vô cùng sâu xa. Mặt trời màu đỏ, nhưng ở đây lại dùng "Bạch nhật" (mặt trời trắng), đó là mặt trời ở xa, trên nền trời hoàng hôn đỏ sẫm thì nhìn như màu trắng. "Y sơn" (dựa núi), núi màu xanh, khi mặt trời dần khuất núi thì sắc núi xanh này sẽ càng ngày càng thẫm. Chúng ta thấy cảnh sắc đổi thay: trắng - đỏ - xanh - tối. Lại còn Hoàng Hà màu vàng chảy vào biển xanh lam.

"Bạch nhật y sơn tận" (Mặt trời đã khuất non cao), đâu chỉ là mặt trời xuống núi, ngày mai mặt trời lại mọc, rồi lại xuống núi, rồi lại mọc, lại xuống núi, cứ tuần hoàn như thế. Nó đã tuần hoàn như thế bao nhiêu lâu rồi? Mười năm, trăm năm, nghìn năm, triệu năm, còn lâu hơn thế nữa. Đó chính là "Trời vận hành mạnh mẽ".

Câu thơ Đường "Bạch nhật y sơn tận" này chính là "Trời vận hành mạnh mẽ, người quân tử tự cường không ngừng nghỉ". Khi người quân tử nhìn thấy mặt trời như thế này thì cũng học theo mặt trời, tu dưỡng mỹ đức liên tục không ngừng nghỉ, không ngừng nâng cao, không dừng lại một ngày nào, nghiêm khắc yêu cầu bản thân, không buông lơi một ngày.

"Mặt trời đã khuất non cao
Sông Hoàng cuồn cuộn chảy vào bể khơi"

"Bác có thấy:
Sông Hoàng Hà lưng trời tuôn nước
Xuống biển rồi có ngược lên đâu"

Sông Hoàng Hà mênh mông cuồn cuộn chảy ra biển không ngừng nghỉ. Người quân tử cũng vậy, cũng gắng sức nỗ lực không ngừng nghỉ tu dưỡng bản thân, không thứ gì có thể ngăn trở nổi. Không phải hôm nay người ta tốt với mình thì mình tu dưỡng bản thân, ngày mai người ta không tốt với mình, gây khó khăn cho mình thì mình dừng lại, mà phải giống như dòng Hoàng Hà cuồn cuộn đổ ra biển kia, mạnh mẽ, không ngừng nghỉ, không gì ngăn cản nổi.

Đệ tử quy (Phép tắc người con) có câu:

“Cha mẹ thương, hiếu đâu khó
Cha mẹ ghét, hiếu mới hay”

Khi cha mẹ tốt với mình thì đương nhiên mình phải báo đáp cha mẹ. Nhưng là người hiền đức, khi cha mẹ không tốt với mình, mình vẫn phải tốt với cha mẹ, và phải càng làm tốt hơn nữa.

Quá trình dòng Hoàng Hà đổ ra biển khơi cũng nhiều lúc gặp cản trở, không thuận lợi, nhưng trở lực không ngăn cản được, nó vẫn kiên định tiến lên. Chúng ta ngày ngày cố gắng nỗ lực, cũng có khi mệt mỏi, gặp trở ngại, nhưng "Trời vận hành mạnh mẽ, người quân tử tự cường không ngừng nghỉ". Làm được như thế quả không đơn giản dễ dàng.

Sông hoàng hà
Quá trình dòng Hoàng Hà đổ ra biển khơi cũng nhiều lúc gặp cản trở, không thuận lợi, nhưng trở lực không ngăn cản được, nó vẫn kiên định tiến lên. (Ảnh qua twdienwiki).

Tại sao biển lại rộng lớn mênh mông. Vì nó ở chỗ thấp. Ở càng thấp thì nước đổ về càng nhiều. Biển dung nạp muôn sông, vì bao dung nên to lớn. Chúng ta đặt mình thấp xuống, tôn kính cha mẹ, tôn kính thầy cô, ai ai mình cũng tôn kính, như vậy ai ai cũng sẽ tôn kính mình, trân quý mình, yêu thương bảo vệ mình.

"Bạch nhật y sơn tận, Hoàng Hà nhập hải lưu", chỉ mười chữ đơn giản nhưng đã chứa đựng biết bao nội hàm như thế đó.

"Địa thế khôn, người quân tử đức dày chở vật". Biển lớn là do khéo ở chỗ thấp, nhưng đất còn lớn hơn, thấp hơn, ai ai cũng đều giẫm đạp lên đất, đến con kiến nhỏ cũng đạp lên đất, như thế đất là thấp nhất. Nhưng đất lại mang chở tất cả, bao dung tất cả. Người quân tử nhìn thấy đất liền nghĩ đến "đức dày chở vật". Như thế, chúng ta học làm người quân tử, thì học theo đất, từ yêu thương một vài người mở rộng ra yêu thương tất cả mọi người, rồi lại mở rộng ra yêu thương tất cả động vật, thực vật, chúng sinh. Đó chính là lòng nhân ái bao la rộng lớn, là đại thiện, đó chính là "Địa thế khôn, người quân tử đức dày chở vật".

Thế nên người xưa dùng tâm thái như thế đối đãi với trời đất vạn vật, sùng kính Trời Đất, lập chí học tập, học Đạo, thuận theo trời đất.

Trong bài thơ "Đăng Quán Tước lâu" của thi nhân Vương Chi Hoán đời Đường có đoạn

"Mặt trời đã khuất non cao
Sông Hoàng cuồn cuộn chảy vào bể khơi
Muốn xem ngàn dặm xa xôi
Hãy lên tầng nữa trông vời nước non"

Vậy làm người phụ nữ, đất dày chở vật biểu hiện ở chỗ nào? Nói về người phụ nữ là nói về Khôn Đạo - là Đạo nhu thuận đức dày chở vật của đất. Vũ trụ vĩ đại còn có chân lý cao hơn, còn có nhiều điều tốt đẹp hơn nữa đáng để chúng ta học tập. Chúng ta nỗ lực làm người quân tử, làm người thiện lương thì nên tự cường không ngừng nghỉ, nên đức dày chở vật.

Bạn là giáo viên, trong quá trình dạy bảo trẻ, bạn cống hiến bao nhiêu, bỏ công sức bao nhiêu thì bạn sẽ có được hạnh phúc nhiều bấy nhiêu. Tấm lòng yêu thương người khác của bạn càng lớn thì bạn càng nhiều hạnh phúc. Người thầy còn có sứ mệnh thiêng liêng, đó là làm người truyền Đạo chân chính, dạy trẻ đạo đức, học đạo đức, giữ đạo đức, không phải là để trẻ thoải mái nhất thời, vui vẻ nhất thời mà khiến trẻ hạnh phúc lâu dài, hạnh phúc vĩnh viễn. Làm được như thế thì mới là người thầy chân chính, mới là đức dày chở vật.

Thanh Hà (biên dịch)
Tác giả: Đồng Hân - zhengjian.org



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Giáo dục hạnh phúc - Bài 8: Đức dày chở vật, tự cường không ngừng nghỉ [Radio]