Giáo dục hạnh phúc - Bài 3: Phụ nữ ngày nay liệu có cần 'giải phóng'? [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dư luận hiện nay luôn luôn nói: "giải phóng phụ nữ", thực ra phụ nữ thời xưa sẽ không cần "giải phóng", bởi vì họ vốn đã hạnh phúc rồi. Ngày nay nói "giải phóng phụ nữ", đại đa số phụ nữ có thực sự được "giải phóng" không?

(Xem thêm: Bài 1; Bài 2; Bài 3; Bài 4; Bài 5; Bài 6; Bài 7; Bài 8; Bài 9; Bài 10; Bài 11; Bài 12; Bài 13; Bài 14; Bài 15; Bài 16)

Bài trước chúng ta nói đến việc làm thế nào để trở thành người con tốt, người con gái tốt. Đó chính là hiếu thuận, là cảm ân, là tôn kính. Sau đây chúng ta bàn tiếp thế nào là một người vợ tốt

Vợ chồng là gì, làm thế nào hòa hợp?

Trước tiên chúng ta nói về chữ Phụ (婦) trong từ Phụ nữ. Bên trái là một chữ Nữ (女) - nữ giới, bên phải là chữ Chửu (帚) - cái chổi. Thời cổ đại tạo chữ rất có ý nghĩa, người phụ nữ chính là liên hệ với việc nhà.

Có cô gái nói, tại sao lại để phụ nữ chúng tôi quét dọn nhà? Đàn ông thì sao? Đàn ông làm gì?

Mọi người hãy xem chữ Nam (男) - nam giới, gồm một chữ Điền (田) - ruộng và một chữ Lực (力) - sức lực. Như vậy đàn ông phải ra đồng dốc sức lực.

Nếu chúng ta ở thời cổ đại thì các cô giáo sẽ không ở đây làm thầy đâu, có thể đang ở nhà khâu giày hoặc dệt vải gì đó. Thực ra ở nhà như thế này rất hạnh phúc. Mọi người đều biết hiện nay ra ngoài làm đều không dễ dàng chút nào. Với phụ nữ thì việc này lại càng không dễ dàng hơn nữa, do đó nói phụ nữ ngày nay rất vĩ đại, bởi vì họ vừa ở ngoài làm việc của đàn ông, về nhà vẫn phải làm việc của phụ nữ. Thời xưa những việc nặng nhọc đều là việc của đàn ông, như đánh trận, trồng trọt, săn bắn... Còn phụ nữ ở nhà nuôi tằm dệt vải, giáo dục con cái, đó đều là những việc nhẹ nhàng.

phụ nữ truyền thống thời xưa
Phụ nữ thời xưa vốn dĩ vẫn luôn cảm thấy hài lòng và hạnh phúc với cuộc sống của mình. Những công việc họ làm đều rất nhẹ nhàng phù hợp với thể trạng và năng lực của họ như dệt vải, nấu ăn, làm việc nhà... (Ảnh: Pexels).

Như đã nói ở trên, ngày nay phụ nữ chúng ta tuổi không lớn nhưng đã phải làm rất nhiều việc, vừa phải lo việc bên ngoài vừa phải quản việc nhà, như vậy có mệt không? Kết hôn rồi, đàn ông đi làm, phụ nữ cũng đi làm. Khi về nhà thì việc nhà mỗi người cũng phải "gánh" một nửa. Nhưng trên thực tế chúng ta thấy đại đa số đều là phụ nữ gánh vác việc nhà nhiều hơn. Thử hình dung: việc nhà bạn làm nhiều hơn, việc ngoài xã hội cũng làm không ít. Hãy nói xem, bạn có thoải mái dễ chịu không?

Quan niệm hiện nay luôn luôn nói "giải phóng phụ nữ". Với phụ nữ thời xưa sẽ không có khái niệm này bởi vì họ vốn đã hạnh phúc. Ngày nay nói "giải phóng phụ nữ", nhưng đại đa số phụ nữ có thực sự được "giải phóng" không? Trái lại, gánh vác lại nặng nề hơn, tình trạng ly hôn cũng nhiều hơn. Còn có rất nhiều sự việc tồi tệ như: ngoại tình, vợ hai, mại dâm... không còn luân lý con người bình thường nữa, không phải là xã hội bình thường nữa. Do đó thời xưa nói, phụ nữ chủ việc trong nhà, đàn ông chủ việc bên ngoài, cương nhu hỗ trợ lẫn nhau, như thế mới hài hòa hạnh phúc.

Chúng ta hãy xem chữ Thê (妻) - vợ, trong từ phu thê, ở giữa có chữ giống chữ Chửu (帚) - cái chổi, thực ra đó là một bàn tay, có nghĩa là làm chủ ở trong nhà. Còn chữ Phu (夫) - chồng, trong từ phu thê, gồm chữ Nhất (一) nghĩa là một, và chữ Đại (大) nghĩa là lớn. Mà chữ Nhất và chữ Đại cũng ghép thành chữ Thiên (天) nghĩa là trời.

Còn nữa, phía trên chữ Phu và chữ Thê đều có một nét ngang, người xưa tạo chữ rất có ý nghĩa, vậy nét ngang đó đại biểu cái gì? Người xưa đều cài trâm. Cài trâm thì biểu thị là đã là người thành niên rồi, không phải cậu bé cô bé nữa, tức là đã có thể thành phu thê (vợ chồng) rồi.

Chữ Phu này lại giống chữ Thiên. Ngày xưa người làm quan gọi là Đại phu. Một nước được gọi là Quốc gia. Chủ của một nước (quốc) gọi là Quốc quân, vậy chủ của một nhà (gia), thời xưa không phải nói là gia đình nhỏ, mà là Gia tộc. Chủ của một gia tộc gọi là Đại phu. Do đó người chồng (phu) ở nhà giống như Trời (thiên) vậy.

Vậy tại sao người vợ lại gọi là Thê, bởi vì Thê tức là tề (ngang bằng), vợ và chồng là ngang bằng. Do đó vợ và chồng là ngang bằng nhau, vợ chồng bình đẳng. Người phụ nữ cầm cái chổi không phải là kỳ thị mà là có nghĩa làm việc nhà nhẹ nhàng.

vợ chồng bình đẳng
Người xưa khi tạo chữ "Phu Thê" (夫妻) đã rất có dụng ý thể hiện vai trò và sự bình đẳng của vợ chồng trong gia đình. (Ảnh: Wikipedia).

Chữ Phụ (phụ nữ) gần âm với chữ Phục (phục vụ). Người xưa nói "Phụ nữ nghĩa là phục vụ". Thời xưa người phụ nữ là phục vụ người khác. Ngày nay sẽ có người nói, tôi việc gì phải phục vụ anh ta? Mọi người đều biết câu cổ ngữ: "Vợ hiền chồng ít họa, con hiếu cha yên lòng" (nguyên văn: "Thê hiền phu họa thiểu, tử hiếu phụ tâm an"). Con cái biết nghe lời thì cha mẹ yên lòng, thầy cô cũng nhàn nhã. Còn người vợ, chính là người phục vụ, phục vụ gia đình, giúp chồng nuôi dạy con, trông nom cai quản việc trong nhà.

Làm thế nào để mọi người hạnh phúc

Mọi người cũng đã biết chuyện "Ông lão đánh cá và con cá vàng". Ông lão đánh cá bắt được một con cá vàng. Bà vợ muốn có căn nhà. Nhà có rồi, lại muốn có cung điện. Cung điện cũng có rồi, lại muốn Thần Tiên - Long Vương đến hầu hạ bà. Lòng tham vô đáy, kết quả cuối cùng trắng tay. Nguyên nhân trắng tay là gì? Có phải do lòng tham của bà vợ gây ra không?

Quan tham ngày nay cũng như vậy, không ngừng gia tăng lòng tham, tham nhũng hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ. Bản thân cũng chẳng tiêu được bao nhiêu tiền, cuối cùng vào ngồi tù, cũng trắng tay. Chẳng phải cũng giống như bà vợ ông lão đánh cá đó sao? Người như thế này vô cùng ngốc. Họ vốn muốn thu vén tài sản, kết quả là vào ngồi tù. Họ cũng muốn hạnh phúc, nhưng tìm sai phương hướng, kết quả nhận về là bất hạnh.

Một ví dụ nữa là chuyện "Ông già làm gì cũng đúng" của Andersen. Mọi người có biết câu chuyện này không? Ông già làm gì cũng đúng này chính là bà vợ luôn luôn tín nhiệm ông. Chúng ta kể vắn tắt lại:

Nhà họ có con bò, ông lão dắt bò đi chợ phiên bán, trên đường gặp một người dắt một con cừu. Ông già nghĩ con cừu này tốt đây, thế là ông nói với người ta rằng: "Tôi đổi con bò của tôi lấy con cừu của ông có được không?".

Người kia nghe vậy đương nhiên là rất mừng. Thế là ông già đổi lấy con cừu rồi lại tiếp tục đi chợ phiên. Đi được một lúc lại thấy một người ôm một con gà. Ông già nghĩ, con gà này rất tốt, thế là nói với người ta rằng: "Tôi đổi con cừu này lấy con gà có được không?"

Người ta đương nhiên là rất vui lòng đổi. Đổi xong ông liền ôm gà tiếp tục đi.

Đến chợ phiên, chuẩn bị ăn cơm, ông bước vào một quán ăn thì va phải một người thanh niên. Trên tay người thanh niên này cầm một túi táo nát. Ông thấy những quả táo này cũng rất tốt, thế là ông nói: "Tôi đổi con gà này lấy túi táo của cậu thì thế nào?"

Người thanh niên nghe vậy nghĩ, túi táo nát này vốn chỉ đem vứt đi, thế mà giờ lại có người muốn đem gà đổi táo, tìm đâu ra việc tốt như thế này, liền đồng ý ngay. Ông già cầm túi táo nát vào trong quán đặt lên bếp lửa. Ông già nghe thấy tiếng lép bép. Bởi vì mùa đông bếp lò giữ nhiệt sưởi, ông cũng không biết. Thì ra chính tiếng lép bép của những quả táo nát này. Ông già trò chuyện với mọi người, kể lại những gì ông đã trải qua dọc đường, cảm thấy vô cùng vui thích.

Có hai thương gia nghe chuyện cảm thấy ông già này quá ngốc nghếch. Họ nói: “Ông còn vui thích ư, đợi lát nữa về nhà xem vợ ông có mắng ông một trận nên thân không”.

Ông già nói: “Chắc chắn là không. Bà ấy sẽ không mắng tôi. Không những không mắng mà còn hôn tôi nữa”.

Hai người thương nhân nghe vậy bất ngờ: “Cái gì, còn hôn ông nữa ư? Sao có thể tin được?”.

Thế là hai thương nhân đánh cược với ông lão: “Nếu ông về nhà mà vợ ông không mắng, lại hôn ông thì chúng tôi sẽ thua cuộc, mỗi người sẽ đưa cho một túi vàng”.

Đối với hai thương nhân kia mà nói, đây là sự việc tuyệt đối không thể xảy ra. Bạn thử nghĩ xem, nếu bạn là người vợ, nếu chồng bạn dắt con bò đi, cuối cùng đổi lấy một túi táo nát đem về nhà, bạn sẽ hành xử như thế nào? Mọi người chúng ta có cảm thấy ông già quá ngốc nghếch không?

Thế là hai thương nhân thuê một cỗ xe cùng ông già về nhà. Về đến nhà ông già nói: "Tôi đổi con bò lấy một con cừu".

Bà vợ liền nói: "Ái chà, thật là tốt. Tôi đang muốn có một con cừu. Có cừu, chúng ta có thể được uống sữa cừu, lại còn cắt lông cừu đan áo len. Từ lâu tôi đã muốn đan cho ông một cái áo len rồi".

Dù ông lão tỏ ra ngốc nghếch nhưng vợ ông vẫn luôn tin tưởng vào chồng mình và bảo vệ ông. (Ảnh: Pexels).

Ông già liền nói: "Nhưng tôi đã đổi con cừu lấy một con gà rồi".

Bà vợ nghe vậy rất vui mừng nói: "Ái chà, có gà thì tốt quá. Nếu có một con gà, chúng ta có thể để nó đẻ rất nhiều trứng, sau đó có thể ấp ra rất nhiều gà. Gà ấp trứng, trứng nở ra gà, sang năm chúng ta sẽ có một trại gà. Khi đó sẽ có rất nhiều gà và rất nhiều trứng".

Ông già lại nói: "Nhưng tôi lại đem gà đổi lấy túi táo nát rồi".

Bà vợ nói: "Ái chà, tốt quá. Vừa rồi tôi muốn làm cái bánh trứng gà cho ông, nên đến nhà hàng xóm mượn hành. Bà ấy không những không cho tôi mượn lại còn nói: 'Nhà chúng tôi ngay cả một quả táo nát cũng không có'. Lần này nhà chúng ta có hẳn một túi táo nát, tôi sẽ đem tặng bà hàng xóm hai quả".

Càng nói bà vợ càng phấn khích, cuối cùng bà xúc động hôn ông già. Hai thương nhân ngây người ra, rồi mỗi người lấy ra một túi vàng đưa cho ông già.

Mọi người có biết ý nghĩa là gì không? Trong con mắt chúng ta thì đôi vợ chồng này chính là một ông già ngốc nghếch và một bà vợ ngốc nghếch. Nhưng ông già ngốc nghếch như thế này cuối cùng lại thắng được hai túi vàng. Còn vừa rồi nói vợ ông lão đánh cá có ngốc không? Quá khôn ngoan, cuối cùng cái gì cũng không có được, có phải thế không? Mọi người xem hai ông bà già "ngốc nghếch" này, họ chẳng phải rất hạnh phúc đó sao? Bà vợ hoàn toàn tín nhiệm chồng, tức là nói, những gì chồng tôi làm nhất định là đúng. Đối với bà mà nói thì ông già làm gì cũng đúng. Bà vợ có sự tín nhiệm này, chẳng phải là không hề oán trách. Nếu người vợ cảm thấy chồng không đúng thì người vợ còn có thể vui vẻ nói anh làm không đúng được không? Bà vợ sẽ oán trách người khác, hễ oán trách thì sẽ tức giận, sẽ nổi nóng. Điều này đối với bản thân cũng không tốt, đối với gia đình càng không tốt, người ta nói: "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" mà!...

Có tài liệu nghiên cứu cho biết, con người nổi giận trong 1 giờ thì tương đương với làm thêm giờ 6 tiếng. Bạn nói xem, làm thêm giờ có mệt không? Đương nhiên là mệt rồi. Nổi giận còn có nhiều thứ không tốt nữa, đó là khi con người tức giận thì thân thể sẽ sản sinh ra độc tố. Người nước ngoài đã làm thí nghiệm, lấy một chai nước sạch, cho người thổi khí vào. Khi chúng ta vui mừng thì nước trong bình thường. Khi chúng ta nổi giận hoặc không vui thì nước đục. Khi bạn vô cùng bực tức thì nước rất đục. Do đó mọi người nên chú ý, khi bạn tức giận thì cơ thể sẽ sinh ra những nhân tố bất hảo.

Lại nói, khi bạn đặc biệt tín nhiệm chồng bạn thì hai người sẽ sản sinh ra cảm giác đặc biệt hạnh phúc. Chúng ta hãy thử nghĩ xem, nếu nhà bạn có một con bò, nếu con bò này bị mất thì bạn sẽ biểu hiện như thế nào? Bạn có oán trách người khác không? Hai người có oán trách nhau không? Hai vợ chồng già trong câu chuyện này lại không mâu thuẫn, vô cùng vui vẻ.

Do đó một người phụ nữ thì cần phải tin tưởng chồng mình. Tin tưởng chồng mình có hạnh phúc không? Rất hạnh phúc. Có người phụ nữ chúng ta luôn oán trách chồng rằng: "Anh xem người ta như thế nào, đều mua ô tô cả rồi, anh vẫn còn đi xe đạp". Tôi thấy đi xe đạp tốt mà. Đi xe đạp vừa khỏe người, vừa bảo vệ môi trường, lại còn an toàn nữa. Do đó là người vợ thì chớ nên cứ nhìn thấy chồng là không vui.

Thanh Hà (biên dịch)

Theo Đổng Hân - zhengjian.org.



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Giáo dục hạnh phúc - Bài 3: Phụ nữ ngày nay liệu có cần 'giải phóng'? [Radio]