Giải mã cuộc sống của người xưa (P-1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Không có điện, không có nước máy, không có máy điện thoại thông minh… vậy người xưa sống như thế nào nhỉ? Đây ắt hẳn là câu hỏi mà mỗi người ít nhiều đều đã từng thắc mắc. Trên thực tế cuộc sống của họ không kém gì người hiện đại chúng ta ngày nay.

Chúng ta hãy xem một chút tác giả Lý Đông Kỳ đã mô tả về cuộc sống của người Trung Hoa xưa như thế nào nhé!

Người xưa thường nói “học phú ngũ xa", vậy một xa (xe) chứa được bao nhiêu quyển sách

Câu “học phú ngũ xa" dùng để chỉ một người rất chăm chỉ đọc sách, sách nhiều đến độ có thể lấp đầy nhiều xe, hay còn dùng để chỉ người có học vấn uyên thâm. Nhưng xe thời xưa là ý nói về xe ngựa, xe bò, chứ không phải xe tải. Nguyên gốc của câu nói này là dùng để miêu tả Thi Huệ, ông là một học giả thời nhà Minh cực kỳ nỗ lực trong việc học tập. Mỗi khi ra khỏi nhà Thi Huệ đều đem theo năm chiếc xe ngựa chở đầy sách tre để đọc. Kỳ thực sách tre trên năm xe cũng có không có bao nhiêu cuốn, không lấp đầy được tập sách bìa cứng Cổ Văn Quan Chỉ. Nhẩm tính theo cách như vậy thì mỗi người đều có thể học được từ 90 đến hơn 100 chiếc xe sách.

Một chiếc xe bò được làm bằng gốm. (Ảnh: Shutterstock)
Một chiếc xe bò được làm bằng gốm. (Ảnh: Shutterstock)

Người xưa ăn thịt như thế nào?

Người dân thường thời cổ đại rất ít được ăn thịt, quan viên quý tộc thì sẽ được ăn nhiều hơn, vậy nên thường gọi họ là “Nhục thực giả" (Người ăn thịt). Văn hoá ẩm thực Trung Hoa vô cùng phong phú đặc sắc, cách ăn thịt của người xưa cũng có rất nhiều:

  • Cách ăn thịt đầu tiên là “Chích"

Chích hay còn gọi là nướng. Chữ “Chích" tiếng hoa “炙” gồm có bộ hoả “火” phía dưới, thịt được nướng có thể là thịt khô hoặc thịt tươi, nướng có thể nướng chín toàn bộ rồi ăn, hoặc nếu khúc thịt to thì có thể vừa nướng vừa ăn, phần ngoài hễ nướng chín thì dùng dao cắt riêng để ăn, phần bên trong chưa chín thì lại để nướng tiếp.

  • Cách ăn thứ hai là luộc

Cho nước vào trong nồi sau đó cho thịt vào đun. Muốn thịt nhanh chín hơn cũng có thể cắt thành khúc nhỏ để luộc. Khi thịt chín có thể cho thêm chút gia vị rồi ăn, đối với những người không quá cầu kỳ thường chỉ rắc thêm một chút muối.

  • Cách ăn thịt thứ ba là thịt băm

Món này ăn đưa cơm và khá phổ biến với người Trung hoa. Đầu tiên phơi hoặc hun khói cho thịt khô, sau đó băm nhỏ hoặc cắt hạt, đổ vào hũ hỗn hợp rượu và muối, đóng chặt nắp lại sau vài ngày là có thể ăn.

  • Cách ăn thịt thứ tư là nấu súp

Các món súp của người xưa thường sử dụng thịt để làm nước dùng. Súp có thể ăn nóng và nếu không cho bột năng thì có thể được dùng như canh chan cơm.

Một bát canh súp xương bò - món ăn đã có từ 600 năm trước đây. (Ảnh: Epoch Times)
Một bát canh súp xương bò - món ăn đã có từ 600 năm trước đây. (Ảnh: Epoch Times)

Người xưa thường tắm như thế nào? Họ dùng gì để gội đầu?

Người xưa bàn luận nhiều về vệ sinh hơn chúng ta tưởng tượng. Vào thời nhà Hán, cách tắm "hưu mộc" xuất hiện. Hưu mộc có nghĩa là quan chức sau năm ngày làm việc mệt mỏi sẽ có một ngày được nghỉ để tắm táp thư giãn (vậy nên hiện nay một số gọi ngày nghỉ là “hưu mộc nhật”). Thay vì dùng bồn tắm như hiện nay, người xưa thường dùng thùng gỗ rộng để đựng nước tắm, phụ nữ có thể rắc thêm hoa cho thơm. So với việc tắm thì người xưa gội đầu siêng năng hơn, họ thường sử dụng nước sạch và các nguyên liệu thảo mộc tự nhiên để gội đầu.

Người xưa không có tủ lạnh, vậy làm thế nào để bảo quản thực phẩm?

Kỳ thực người xưa không phải không có tủ lạnh. Một chiếc đồng băng giám (chiếc lư to bằng đồng có đựng băng bên trong) được khai quật từ ngôi mộ của Tằng Hậu Ất Sở ở huyện Tùy, tỉnh Hồ Bắc. Mùa đông thời Xuân Thu, những người đầy tớ thường đào băng để dành cho các quan viên quý tộc uống vào mùa hè. Nói một cách đơn giản, "tủ lạnh" cổ đại là một chiếc lư hoặc hũ lớn bên trong có chứa băng và thực phẩm được đặt tại chính giữa trung tâm để được bảo quản.

Người xưa dự báo thời tiết như thế nào?

Thời nhà Thương, việc quan sát thiên thể bằng cách sử dụng các giác quan như mắt, tai cùng các hệ thống cảm quan khác là một việc được thực hiện giỏi phi thường. Trong triều đại Tần và Hán, người xưa đã hoàn thành chế định 24 tiết khí (Tiết khí là 24 điểm đặc biệt trên quỹ đạo của Trái Đất xung quanh Mặt Trời, mỗi điểm cách nhau 15°. Nó được sử dụng trong công tác lập lịch của các nền văn minh phương đông cổ đại như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên để đồng bộ hóa các mùa). Sau đó, sự ra đời của âm lịch là sự kết tinh trí tuệ của tổ tiên trong lịch sử. Thời cổ đại con người chú trọng nghiên cứu về thân thể, sinh mệnh, vũ trụ, chú trọng thực hiện nguyên lý “thiên nhân hợp nhất" vậy nên cho dù không có dụng cụ tinh vi, nhưng phát hiện cho thấy rất nhiều trường hợp dự báo đáng tin cậy hơn so với hiện tại.

Công cụ dự báo động đất thời Trung Quốc cổ đại. (Ảnh chụp video)
Công cụ dự báo động đất thời Trung Quốc cổ đại. (Ảnh chụp video)

Phụ nữ xưa trang điểm như thế nào?

Xưa nay phấn luôn là sở thích của phái nữ. Đồ trang điểm của phụ nữ xưa thường gồm ba thứ: phấn kẻ lông mày, phấn trắng và phấn má hồng. Phấn kẻ lông mày được làm từ một loại khoáng chất màu đen, nó được nghiền thành bột sau đó trộn với nước thành một thể rắn hoàn chỉnh, sau đó có thể dùng để kẻ mày. Phấn trắng thời cổ đại giống như kem nền hiện tại. Phấn má hồng là son của người xưa. Nguyên liệu làm phấn má hồng là từ một loại hoa có tên là “hồng lam”. Giờ đây các loại vật dụng trang điểm vô cùng phong phú khiến phụ nữ có nhiều sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên nguyên liệu có thể không được thuần tịnh và an toàn hơn thời cổ đại.

Phụ nữ Trung Quốc cổ đại trang điểm. (Ảnh: Epoch Times)
Phụ nữ Trung Quốc cổ đại trang điểm. (Ảnh: Epoch Times)

Người xưa xử lý với rác thải như thế nào?

Người xưa thân thiện với môi trường hơn nhiều so với con người hiện đại. Tùy tiện vứt rác nơi công cộng hay khạc nhổ trên đường phố là chuyện rất hiếm khi xảy ra vào thời đó. Ngay từ 8000 năm trước, người xưa đã dùng các hố đất tự nhiên có sẵn hoặc hố tự đào để đổ rác tập trung vào đó và xử lý. Cách nhanh nhất để giải quyết rác là chôn trực tiếp nếu không thể đốt được, rác thời kỳ đó cũng ít các vật liệu hoá học khó phân huỷ, như vậy khi chôn một thời gian chúng cũng sẽ tự phân huỷ. Trong tàn tích của các bãi rác cổ đại, hầu hết là đồ sứ và đồ sơn mài bị hỏng.

Người xưa uống nước lã hay uống nước đã đun sôi?

Chỉ có xã hội hiện đại mới khiến con người lo lắng về vấn đề nước uống. Thời cổ đại không có tình trạng ô nhiễm như hiện nay, cho dù là sông, suối, hay nước giếng, thậm chí đến nước mưa đều có thể uống trực tiếp và sẽ không lo bị đau bụng. Chỉ khi tiết trời lạnh người xưa mới đun nước lên để uống. Tuy rằng một số dịch bệnh thời cổ đại đa số đều có liên quan đến nguồn nước, khi đó họ sẽ cẩn thận hơn trong việc lấy nước để uống.

Trúc Lâm
Theo: Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Giải mã cuộc sống của người xưa (P-1)