Kỳ nhân cổ đại có thể giải mã âm nhạc, biết trước vận nước hưng vong

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những kỳ nhân này nghe một đoạn âm nhạc giống như có được được mật mã của sự kiện, biết trước quốc vận hưng vong, chuyện quốc gia đại sự. Việc này đối với người hiện nay mà nói thì quá thần kỳ.

Ngũ âm của âm nhạc truyền thống các nước Á Đông là 5 nốt nhạc gồm: Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ. Âm Cung đại biểu cho quốc quân, âm Thương là bề tôi, âm Giốc là con dân, âm Chủy tượng trưng cho sự việc, âm Vũ biểu thị vạn vật.

Một khúc nhạc hoàn chỉnh bắt đầu từ âm Cung, ở giữa là các âm Giốc, Chủy, Vũ tổ hợp thành, và kết thúc bằng âm Thương. Âm luật như thế này tượng trưng quốc quân dẫn dắt văn quan võ tướng, lấy bách tính là trung tâm, ai nấy giữ chức phận, cả nước đồng lòng. Quốc gia như thế này thì tự nhiên sẽ hưng thịnh giàu có.

Cách minh quân Thánh chủ thời cổ đại đều thông hiểu ý nghĩa của đức âm chính nhạc, thế nên họ rất coi trọng tác dụng giáo hóa của âm nhạc. Do âm nhạc có thể biểu đạt nội hàm của vua, quan, và người dân, do đó các triều đại xưa đều có rất nhiều người có khả năng nghe sự biến hóa của âm nhạc mà biết trước được sự hưng vong của quốc gia.

Sau đây chúng ta cùng xem một số kỳ nhân dị sĩ dùng âm nhạc để dự đoán vận mệnh quốc gia.

Nghe âm nhạc Thái miếu biết phúc lành của tông thất nhà Đường

Năm Thần Long thứ nhất đời Võ Tắc Thiên (năm 705), Thái miếu Tây Kinh cử hành lễ tế mùa xuân, quan Thái nhạc lệnh Bùi Tri Cổ tham gia lễ tế. Sau khi nghe diễn tấu âm nhạc, ông nói khẽ với viên quan am hiểu âm luật là Nguyên Hành Xung rằng: "Kim thạch (tức âm thanh của các nhạc cụ kim loại và nhạc cụ bằng đá, cũng chỉ âm nhạc nói chung) đều hài hòa, nhất định sẽ có sự việc tốt lành xảy ra. Sự việc tốt lành sẽ ứng nghiệm ở con cháu tông thất nhà Đường".

Ngay trong tháng mà Bùi Tri Cổ nói câu này thì Võ Tắc Thiên bệnh nặng qua đời. Giang sơn xã tắc nhà Đường bị Võ Tắc Thiên cướp đoạt lập ra triều Võ Chu, lại được các đại thần ủng hộ truyền lại cho con cháu tông thất nhà Đường.

Năm Thiên Thụ tứ nhất (năm 690), Võ Tắc Thiên thoán đoạt ngôi nhà Đường, đổi quốc hiệu Đại Đường thành nước Chu và tự xưng đế. Đến khí Đường Trung Tông Lý Hiển lên ngôi mới khôi phục lại quốc hiệu Đại Đường. Bùi Tri Cổ thông qua âm nhạc đã biết trước việc tông thất nhà Đường sẽ có việc phúc lành xảy ra.

Ninh Vương nghe khúc nhạc biết trước quốc nạn

Năm cuối niên hiệu Khai Nguyên đời Đường, Đô đốc phủ Tây Lương cống tiến một khúc nhạc mới. Đường Huyền Tông chiêu đãi các hoàng thân quốc thích đến thiên điện để thưởng thức nhạc khúc. Sau khi khúc nhạc diễn tấu kết thúc, các vương đều tới tấp ca ngợi, duy chỉ có anh trai của Huyền Tông là Ninh Vương Lý Hiến lặng lẽ không lên tiếng. Huyền Tông thấy vậy bèn hỏi vương huynh rằng: "Tại sao huynh lại im lặng như vậy?"

Ninh Vương nói: "Khúc nhạc này âm điệu tuy đẹp, nhưng thần nghe nói, một khúc nhạc thì phải bắt đầu từ âm Cung và kết thúc bằng âm Thương, ở giữa là các âm Giốc, Chủy, Vũ tổ hợp thành, đầu đuôi đều phải tương ứng với Cung Thương. Nhưng khúc nhạc này vừa khởi đầu là đã rời khỏi điệu Cung, hai âm Chủy, Thương tạp loạn, hơn nữa khí thế âm thô bạo. Thần lại nghe nói, âm Cung đại biểu cho quân vương, âm Thương đại biểu cho bề tôi, âm Cung không mạnh có nghĩa là thế lực của quân vương suy yếu, âm Thương quá mạnh có nghĩa là bề tôi làm loạn phạm thượng. Tuy dấu hiệu rất nhỏ bé và ẩn mình trong âm luật, nhưng truyền bá khúc nhạc này thì cuối cùng sẽ có ngày ứng nghiệm vào sự việc con người. Thần lo lắng một ngày nào đó loạn thần tặc tử bên dưới sẽ phạm thượng. Bệ hạ e sẽ có nạn ly tán lưu lạc, dấu hiệu đều đã nói trước trong khúc nhạc này rồi".

Nghe những lời giải thích của Ninh Vương, hoàng đế Huyền Tông lập tức trầm ngâm im lặng không nói năng gì.

Triều Đường xảy ra "Loạn An Sử" do An Lộc Sơn và Sử Tư Minh phát động, triều Đường vì vậy mà từ hưng thịnh chuyển sang suy thoái. Bức tranh "Minh Hoàng hạnh Thục đồ" hiện lưu trữ ở Bảo Tàng Cố Cung Đài Bắc.
Triều Đường xảy ra "Loạn An Sử" do An Lộc Sơn và Sử Tư Minh phát động, triều Đường vì vậy mà từ hưng thịnh chuyển sang suy thoái. Bức tranh "Minh Hoàng hạnh Thục đồ" hiện lưu trữ ở Bảo Tàng Cố Cung Đài Bắc. (Miền công cộng)

Sau đó không lâu, triều Đường xảy ra "Loạn An Sử" do An Lộc Sơn và Sử Tư Minh phát động, triều Đường vì vậy mà từ hưng thịnh chuyển sang suy thoái. Sự việc Ninh Vương nghe âm nhạc biết trước quốc nạn cũng đã được chứng thực.

Đương thời còn có một hiện tượng nữa, vào những năm Thiên Bảo, có rất nhiều tên của các nhạc chương đều là lấy tên đất vùng biên cương, ví như Lương Châu khúc, Cam Châu khúc, Y Châu khúc v.v. Những khúc nhạc này nhiều chỗ sử dụng "phồn thanh" (âm nhạc phù phiếm xa hoa mỹ lệ), trước tên đều thêm chữ "phá". Sau này những vùng đất biên cương này đều bị người Hồ phía Tây công phá xâm chiếm. Chiến tranh loạn lạc chưa xảy ra thì trong các nhạc chương đều đã xuất hiện dấu hiệu báo trước rồi.

Nhạc công dự ngôn triều Tùy đại loạn

Tranh chân dùng Tùy Dương Đế Dương Quảng.
Tranh chân dùng Tùy Dương Đế Dương Quảng. (Miền công cộng)

Triều Tùy cũng có một nhạc công nổi tiếng là Vạn Bảo Thường, là người thiên tư thông tuệ, tinh thông âm luật.

Một năm nọ, Vạn Bảo Thường nghe được âm nhạc mà các nhạc công diễn tấu, ông nước mắt giàn giụa nói với mọi người rằng: "Tiếng nhạc hung bạo lại đầy bi thương, nó cho thấy không lâu sau thiên hạ sẽ có đại loạn, bốn biển ngùn ngụt, tàn sát lẫn nhau".

Thiên hạ nhà Tùy khi đó vẫn còn rất thái bình, thế nên mọi người đều không cho rằng những lời Vạn Bảo Thường nói là đúng.

Năm Đại Nghiệp thứ 14, Tùy Dương Đế tuần du Giang Nam, ham vui hưởng lạc quên chuyện triều chính, cuộc sống ngày càng kiêu sa dâm dật, xây dựng cung điện vườn ngự uyển, hành cung biệt quán ở khắp nơi, bách tính trong thiên hạ vì thế phải lao dịch và thuế khóa nặng nề, trộm cướp nổi lên, khắp nơi phản loạn. Dự ngôn của Vạn Bảo Thường đã ứng nghiệm.

Nhạc công nghe âm nhạc biết trước Tùy Dương Đế một đi không trở lại

Triều Tùy còn có một nhạc công nổi tiếng nữa là Vương Lệnh Ngôn, cũng rất tinh thông âm luật. Một hôm con trai ông từ trong cung trở về nhà, ở nhà ngoài, anh ta dùng đàn tỳ bà đàn khúc nhạc "An công tử khúc".

Vương Lệnh Ngôn đang ở nhà trong nghe thấy khúc nhạc này, trong lòng kinh sợ, vội vàng gọi con trai lại và nói: "Tốt nhất con không theo hoàng đế đến Giang Đô. Hoàng Thượng lần này đi khẳng định là không trở về rồi".

Con trai ông hỏi nguyên do, ông nói: "Khúc nhạc này âm Cung chỉ đi mà không trở về, mà âm Cung đại biểu cho quốc quân, do đó nên ta biết được như thế".

Tùy Dương Đế tuần hành lần này, quả nhiên không trở về kinh thành, bị sát hại ở Giang Đô. Con trai Vương Lệnh Ngôn nhờ nghe lời cha mà thoát nạn.

Văn Thiên Tường nghe khúc hát biết trước nước Nam Tống sẽ bị diệt vong

Anh hùng chống quân Nguyên nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa là Văn Thiên Tường, một lần nghe tiếng ca hát của quân Mông Cổ, ông biết trước Nam Tống sẽ diệt vong.

Chân dung Văn Thiên Tường
Chân dung Văn Thiên Tường. (Miền công cộng)

Tháng 12 năm thứ 15 triều Nguyên (năm 1278), Nam Tống thua trận. Thừa tướng Văn Thiên Tường bị bắt, quân Nguyên áp giải ông vào kinh thành. Khi đó, người Mông Cổ thắng trận nên vui mừng cùng nhau ca hát ca khúc "A thích lai". Văn Thiên Tường ngồi trong thuyền nghe được bài hát này thì trong lòng kinh sợ.

Ông hỏi một viên võ quan Mông Cổ: "Khúc hát này có nguồn gốc từ nơi nào?"

Viên võ quan nói: "Khúc hát này có nguồn gốc từ sa mạc, đó là quốc ca của Đế quốc Mông Cổ chúng tôi".

Văn Thiên Tường nghe vậy thì bất giác bi thương nước mắt lã chã, ông ngửa mặt lên trời than rằng: "Đây chính là âm hoàng chung, người Nam (tức Nam Tống) không phục hưng được nữa rồi".

Thời cổ đại, hoàng chung là âm Cung, ví với quân vương. Văn Thiên Tường nghe tiếng ca của quân Mông Cổ như tiếng hoàng chung, vì vậy than thở quốc vận nước Nam Tống sẽ bị diệt vong, không thể phục hưng được nữa.

Kỵ binh Mông Cổ sử dụng cung tên Mông Cổ tác chiến
Kỵ binh Mông Cổ sử dụng cung tên Mông Cổ tác chiến. (Miền công cộng)

Những thần dân của các triều Tùy, Đường, Tống, Nguyên này nghe một đoạn âm nhạc giống như có được được mật mã của sự kiện, biết trước quốc vận hưng vong. Người xưa nghe sự biến hóa của âm luật của âm nhạc liền có thể biết được chuyện quốc gia đại sự, việc này đối với người hiện nay mà nói thì quá thần kỳ.

Âm nhạc chỉ là những nốt nhạc trừu tượng, nhưng báo trước sự hưng vong của quốc gia. Từ đó có thể thấy, âm luật - quy luật của âm nhạc, ở trong thời không mà con người không trông thấy, nó còn phát huy tác dụng thần kỳ.

Hoàng Mai
Theo Hồng Hy - Epoch Times

Tài liệu tham khảo:
- Thái Bình Quảng Ký - Nhạc quyển 1
- Tùy Thư - Quyển 78
- Tống Nhân Dật Sự Hội Biên - Quyển 19



BÀI CHỌN LỌC

Kỳ nhân cổ đại có thể giải mã âm nhạc, biết trước vận nước hưng vong