Phú quý, công danh nơi trần thế phải chăng là tiền định?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tả Tông Đường là danh thần nổi tiếng trong thời kỳ cuối của triều đại nhà Thanh, ông được đặc cách sắc phong Tiến sĩ, làm quan đến Đông Các Đại Học Sĩ, Quân Cơ Đại Thần, sau đó được phong Nhị đẳng Khác Tĩnh hầu. Cùng Tăng Quốc Phiên, Lý Hồng Chương, Trương Chi Động được xưng là “Vãn Thanh Tứ Đại Danh Thần”. Tương truyền rằng con đường công danh của Tả Tông Đường có liên quan mật thiết đến một giấc mơ của ông thời trẻ.

Giấc mơ của Tả Tông Đường

Tả Tông Đường tuổi trẻ là một thanh niên thích tự do phóng khoáng, trước khi phát tài, mộng thấy tham gia thi hương trong tỉnh, đậu cử nhân, cảm thấy vô cùng đắc ý. Sau đó khảo thí tiến sĩ mấy lần cũng không đậu, về sau gặp đợt chiến loạn, trở thành phụ tá quân sự, tham dự trù tính việc binh. Đại soái tiếp thu kế sách của ông nên liên tục chiến thắng, công huân cao ngút.

Tả Tông Đường lại mơ thấy mình chỉ huy một đội quân, nhiều lần đánh bại quân giặc cường hãn, thăng tiến thành quan lớn, một mình đảm đương một cõi, được trao tặng tước vị cao quý.

Tả Tông Đường.
Chân dung Tả Tông Đường. (Ảnh: Wikipedia)

Ban đầu, nơi đại kỳ của ông đi qua đều là non xanh nước biếc, người xinh đẹp, vật thanh tú. Sau khi liên tiếp chiến đấu ở các nơi, đột nhiên ông bị điều đi hành quân ở vùng tây bắc, chỗ đi qua đều là vách núi hiểm trở, cách các trấn tên tuổi hào hùng ngày càng xa, đâu đâu cũng chỉ thấy cát vàng mênh mông vô tế.

Tiếp đó ông lại chỉ huy quân đội hành quân vạn dặm, thẳng đường mà tiến, càn quét biên cảnh, công danh ngày ngày càng hiển hách, không ngừng được ân sủng thăng quan tiến chức, tại biên cương thu hồi đất đai càng lúc càng rộng rãi, vì vậy dự tính sẽ cử quan phòng bị. Sau khi bố trí cơ bản ổn thỏa, ông thống lĩnh quân nhân, trở về khu vực phòng thủ khi xưa. Lúc này ông bỗng tỉnh giấc, mới biết được thì ra đó chỉ là một giấc mộng.

Ai ngờ, giấc mộng ấy đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc đời về sau của Tả Tông Đường. Theo ghi chép của Tiết Phúc Thành, Tả Tông Đường dường như đã đoán trước cuộc đời mình qua giấc mơ.

Giấc mộng ấy đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc đời về sau của Tả Tông Đường.
Giấc mộng ấy đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc đời về sau của Tả Tông Đường. (Ảnh tổng hợp)

Từ bỏ đường khoa cử, từ quan văn chuyển sang quan võ

Từ thuở nhỏ, Tả Tông Đường đã chăm chỉ việc học, hẳn là ông có dự định thành danh qua con đường học hành. Năm 4 tuổi, ông theo ông nội là Tả Nhân Cẩm đọc sách ở Ngô Đường tư thục. Đến năm 6 tuổi đã bắt đầu học "Tứ thư", "Ngũ kinh", 9 tuổi bắt đầu học bát cổ văn.

Năm ông 19 tuổi, Tả Tông Đường đi học tại thư viện Thành Nam Trường Sa, được thầy khen ngợi chăm chỉ đọc sách, coi trọng việc học. Tuy vậy, con đường thi cử của ông lại không hề thuận lợi.

Năm Đạo Quang thứ 12 (1832), ngay ở kỳ thi Hương, kỳ thi thấp nhất theo thứ bậc thi cử thời xưa là Hương - Hội - Đình, ông đã thi trượt. Đạo Quang Đế yêu cầu chấm kĩ càng "Di quyển", nhờ vậy mà ông mới được bổ sung làm Cử nhân thứ 18.

Về sau, ông ba lần tham gia hội thí nhưng đều trượt. Ông nhớ lại giấc mơ, tự biết không có hy vọng theo con đường hàn lâm, từ đó quyết không chen chân vào cánh cửa khoa cử chật hẹp, mà chuyển từ quan văn sang quan võ, làm tham mưu quân sự. Năm 1851, Tả Tông Đường được bổ nhiệm vào quân sư cho viên Tuần phủ tỉnh Hồ Nam là Lạc Bỉnh Chương. Tại đây, ông được Lạc Bỉnh Chương hết sức trọng dụng, thết đãi như một thượng khách, thuộc hạ có việc trình lên, Lạc Bỉnh Chương đều giao cho Tả Tông Đường giải quyết hoặc nhờ ông quyết đoán giùm nên thanh danh của ông ngày càng vang dội.

Trong trận chiến với quân Thái Bình Thiên Quốc, Tả Tông Đường nhiều lần lập công lớn, được Tăng Quốc Phiên cùng Hồ Lâm Dực đề khen ngợi ông trong tấu chương. Ông khởi đầu từ tứ phẩm rất nhanh được thăng lên làm tuần phủ Chiết Giang.

Sau khi phá được Hàng Châu, ông đi vào vùng thượng Tây Hồ, giật mình cảm thấy như là đã đến một nơi rất quen thuộc, những cảnh tượng này ông đều đã gặp trong giấc mộng khi trước. Những gì ông trải qua sau này, tất cả đều xác minh giấc mộng đó, từng sự việc đều ăn khớp.

Phú quý, công danh nơi trần thế phải chăng là tiền định?
Sau khi phá được Hàng Châu, ông đi vào vùng thượng Tây Hồ, giật mình cảm thấy như là đã đến một nơi rất quen thuộc. (Ảnh minh hoạ)

Thu phục Tân Cương, Y Lê

Lợi dụng nhà Thanh suy yếu trong việc trấn áp quân Thái Bình Thiên Quốc, ở vùng Tân Cương có A Cổ Bá nổi loạn, nước Nga cũng chiếm khu vực Y Lê. Trong triều đình rất nhiều người cho rằng địa thế Tân Cương rất rộng lớn hơn nữa lại xa xôi, nên đối với việc tiến quân đến Tân Cương đều e dè. Nhưng Tả Tông Đường lại dõng dạc xin xuất quân viễn chinh mà không hề có bất kỳ băn khoăn nào, mặc dù lúc này ông đã ngoài 60 tuổi. Một số người cho rằng, nhờ giấc mộng năm nào, ông tự biết đó là cơ hội lập được đại công, bởi vì trong mộng ông đã từng đi qua nơi Tân Cương này.

Tả Tông Đường từng giúp việc quân vụ cho Tăng Quốc Phiên, trấn áp cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc và cuộc khởi nghĩa của dân Hồi ở Thiểm Cam, có nhiều kinh nghiệm việc binh, nên nguyện vọng của ông được triều đình chấp thuận.

Năm 1875, Tả Tông Đường được thăng Khâm sai đại thần, Đốc biện Tân Cương quân vụ, Văn Hoa điện Đại học sĩ, đồng thời ông cũng được đặc cách làm Tiến sĩ mà không cần qua khảo thí.

Tháng 8 năm 1876, Tả Tông Đường dẫn 8 vạn quân Tây chinh để thu phục Tân Cương, đường đi hàng ngàn dặm núi non hiểm trở, cát vàng mênh mông đúng như giấc mơ năm nào. Sau gần 2 năm chinh chiến, đến năm 1878, quân A Cổ Bá hầu hết đã bị tiêu diệt, Tân Cương được thu phục, biên giới phía Nam được ổn định hoàn toàn.

Tả Tông Đường dẫn 8 vạn quân Tây chinh để thu phục Tân Cương đúng nhu giấc mộng năm nào
Tả Tông Đường dẫn 8 vạn quân Tây chinh để thu phục Tân Cương đúng nhu giấc mộng năm nào. (Ảnh minh hoạ)

Cuộc thu phục Tân Cương của Tả Tông Đường cũng ảnh hưởng rất lớn đến đàm phán giành lại vùng Y Lê với Nga, buộc Nga phải ký kết hiệp ước năm 1881 tại St. Petersburg theo đó Nga hoàn trả cho Trung Hoa một số phần đất chiến lược nằm trong vùng Y Lê.

Nhờ công lao này, Tả Tông Đường được thăng Nhị đẳng Khác Tĩnh hầu năm 1878, bổ nhiệm làm Quân cơ đại thần năm 1880, Tổng đốc Lưỡng Giang (1881 - 1884). Cho đến khi ông mất năm 1885 có thể nói ông đã đạt được công danh rực rỡ, xứng đáng là một đại danh thần cuối triều đại nhà Thanh.

Như vậy giấc mơ thuở trẻ đã ảnh hưởng rất lớn đến con đường công danh sự nghiệp của Tả Tông Đường, là một chỉ dẫn rất rõ ràng để ông thành danh trên con đường binh nghiệp. Qua giấc mơ của Tả Tông Đường, liệu rằng phú quý, công danh nơi trần thế phải chăng là tiền định, đã được định sẵn từ trước?

Có một số người trong giấc mộng đi vào không gian khác, nhìn thấy vận mệnh tương lai của mình, giấc mộng của Tả Tông Đường hẳn là thuộc loại tình huống này.

Cho nên người xưa giảng mọi chuyện đều nên thuận theo tự nhiên, những gì không đạt được cũng không nên cưỡng cầu hay ưu phiền mà nhọc sức, bởi có thể trong mệnh của ta không có thứ đó, như Tả Tông Đường không cưỡng cầu theo con đường khoa cử.

Nhưng cũng không nên nghĩ số mệnh đã an bài sẵn rồi thì ta không phải cố gắng mà không làm gì nữa. Thiên tượng biến hóa, ở dưới cần có người thực hiện theo thì mới thành sự thực. Như Tả Tông Đường, dù biết mình sẽ thành danh trên con đường chinh chiến, nhưng cũng phải cố gắng hết sức, xông pha trận mạc thì mới làm lên một sự nghiệp lừng lẫy.

Vì thế hãy cố gắng làm tốt những việc ta cần phải làm nhưng không nên nghĩ quá nhiều về chuyện được mất, bởi thành hay bại là do thiên ý.

Nam Minh



BÀI CHỌN LỌC

Phú quý, công danh nơi trần thế phải chăng là tiền định?