Gia Cát Lượng trí huệ xuất chúng, chưa ra khỏi lều tranh đã thông tỏ chuyện thiên hạ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dưới sự tiến cử của ẩn sĩ Tư Mã Huy và Từ Thứ, Lưu Bị hạ quyết tâm đến lều tranh viếng Gia Cát Lượng, mời ông xuống núi tương trợ, hoàn thành chí nguyện thống nhất thiên hạ ấp ủ trong tâm bấy lâu.

Vịnh Hoài Cổ tích kỳ 5 - Vũ Hầu miếu, nhà thơ Đỗ Phủ đã viết:

Gia Cát đại danh thuỳ vũ trụ,
Tông thần di tượng túc thanh cao.
Tam phân cát cứ vu trù sách,
Vạn cổ vân tiêu nhất vũ mao.
Bá trọng chi gian kiến Y Lã,
Chỉ huy nhược định thất Tiêu Tào.
Vận di Hán tộ chung nan phục,
Chí quyết thân thiêm quân vụ lao.

Dịch nghĩa:

Đại danh của Gia Cát Lượng vang khắp vòm trời
Người tôi trung xưa nay còn bức tượng thanh cao
Chia ba thiên hạ là mưu kế của ngài
Vạn thuở mây trời nhẹ tựa lông chim
Quyền cao sánh nổi với Y Doãn, Lã Vọng
Chỉ huy quyết sách hơn cả Tiêu Hà, Tào Tham
Biết vận nước dời đổi, cơ đồ nhà Hán không khôi phục được
Nhưng vẫn một lòng lo việc quân cơ

(Năm 766)

Trong mắt của nhà thơ Đỗ Phủ, thanh danh của Gia Cát Lượng vang lừng khắp thiên hạ, vạn thế ca tụng và ngưỡng mộ mãi không thôi. Tuy nhiên, những công lao sự nghiệp gây dựng nên nhà Thục Hán, hình thành thế chân vạc Tam Quốc, liên minh Thục-Ngô chống Ngụy cũng chưa đủ để nói lên hết tài năng một đời của Gia Cát Lượng, dù đó có là chiến tích lẫy lừng thế nào chăng nữa, nhưng đối với trí huệ xuất chúng của Gia Cát Lượng mà nói, thì nó chỉ tựa như một sợi tơ nhẹ mà thôi.

chưa ra khỏi lều tranh đã thông tỏ chuyện thiên hạ
Chân dung Gia Cát Lượng. (Ảnh: Wikipedia)

Đỗ Phủ đánh giá cao Gia Cát Lượng, các thi nhân đời sau vẫn không ngừng tiếp bước ông. Ví như Lưu Khắc Trang, một nhà thơ thời Tống đã viết: "Ngọa Long mất đã ngàn năm, mà những người có chí ở thế gian đều nguyện cả 3 đời phò tá vua. Bài thơ này đánh giá Gia Cát sánh ngang Y Doãn, Lã Thượng, còn Tiêu Hà, Tào Tham thì kém xa, không đáng kể. Đánh giá này đều từ Tử Mỹ (tức Đỗ Phủ) mà ra".

Điều này nói lên rằng Gia Cát Lượng rất được mọi người kính trọng, họ tin rằng ông có thể sánh ngang với những vị khai quốc công thần của ba triều đại nhà Hạ-Thương-Chu, chẳng hạn như Y Doãn nhà Ân-Thương và Lã Thượng nhà Chu, trong khi các nguyên lão khai quốc của nhà Tây Hán là Tiêu Hà và Tào Tham không đáng được nhắc đến.

Gia Cát Lượng là người đất Dương Đô quận Lang Nha đời Đông Hán (nay thuộc huyện Nghi Nam, tỉnh Sơn Đông), là hậu duệ của quan Tư lệ Hiệu úy là Gia Cát Phong đời nhà Hán. Cha là Gia Cát Khuê, thời Hán mạt làm chức Quận thừa ở Thái Sơn. Nhưng cha của Gia Cát Lượng sớm qua đời khi ông còn nhỏ, Gia Cát Lượng theo chú là Gia Cát Huyền sinh sống ở Dự Chương (Giang Tây Nam Xương), Kinh Châu (nay là tỉnh Hồ Bắc), về sau Gia Cát Lượng sống ẩn dật ở Nam Dương.

Sau khi thúc Gia Cát Huyền qua đời, Gia Cát Lượng sống thanh nhàn với nghề nông ở cách Tương Dương thành khoảng 20 dặm, Gia Cát Lượng gọi nơi này là “Long Trung”. Gia Cát Lượng thích làm ca từ theo khúc “Lương Phủ Ngâm”, ông thường tự ví mình với Quản Trọng và Nhạc Nghị, là những danh tướng tế thế có một không hai, người đời gọi ông là “Ngọa Long”, “Phục Long”.

Đương thời, Tào Tháo đã tiêu diệt huynh đệ nhà họ Viên ở phương Bắc, chiếm bốn Châu ở Hà Bắc, hơn một nửa phương Bắc và vùng Trung nguyên đều thuộc quyền cai trị của Tào Tháo. Mã Siêu và Hàn Toại chiếm Quan Trung và Lũng Hữu ở phía Tây, Lưu Biểu chiếm Kinh Châu ở phía Nam, Tôn Quyền chiếm Giang Đông ở phía Đông Nam.

Vào năm Sơ Bình thứ nhất (năm 194), Lưu Biểu được Đại tướng quân Hà Tiến tiến cử nhậm chức Thứ sử Kinh Châu. Lưu Biểu giữ chức phận phò hoàng đế Đông Hán (Năm 189, Hán Linh Đế mất, Hán Thiếu Đế lên thay. Ngoại thích Hà Tiến mâu thuẫn gay gắt với hoạn quan do Trương Nhượng đứng đầu. Lưu Biểu cũng trong số những người thù địch với hoạn quan, bị cánh hoạn quan mưu làm hại, nhưng nhanh chân chạy thoát được). Vì tình hình Kinh Châu khá hỗn loạn nên Lưu Biểu đã áp dụng phương sách bảo cảnh an dân (bảo vệ Kinh Châu để an dân), trị vì từ đầu những năm Sơ Bình đến năm Kiến An thứ 13 (năm 208) thì qua đời. Gần 20 năm trị vì, mặc dù Trung nguyên và Quan Trung liên tiếp biến loạn, nhưng Kinh Châu vẫn khá an yên và ổn định, rất nhiều người dân phương Bắc đã chạy nạn đến Kinh Châu.

Chân dung Lưu Biểu. (Ảnh: Wikipedia)
Chân dung Lưu Biểu. (Ảnh: Wikipedia)

Mặc dù Lưu Biểu có thể ổn định Kinh Châu, nhưng ông không có tham vọng mở rộng biên cương, ông cũng giúp đỡ các nhân sĩ tài giỏi từ phương bắc đến Kinh Châu nhưng không tin tưởng bổ nhiệm chức vụ. Gia Cát Lượng, Từ Thứ và Bàng Thống đều là những tuấn kiệt xuất chúng tập hợp tại Kinh Châu thời bấy giờ nhưng Lưu Biểu không hề trọng dụng.

Vào khoảng năm 200, hai thế lực lớn là Tào Tháo và Viên Thiệu giao chiến ở trận Quan Độ, ban đầu Lưu Bị dưới trướng của Viên Thiệu. Viên Thiệu phái Lưu Bị đến Nhữ Nam để thu nạp và dẹp loạn Hoàng Cân (hay còn gọi là loạn Khăn Vàng, là một cuộc nổi loạn chống lại nhà Hán vào năm 184), rồi nhiễu loạn hậu phương của Tào Tháo, đồng thời kết nối liên lạc với Lưu Biểu, từ đó đánh gọng kìm Tào Tháo.

Trong trận Quan Độ, Tào Tháo đánh bại Viên Thiệu, xua quân truy kích Lưu Bị. Cuối cùng, Lưu Bị chạy về phía Nam đến Kinh Châu nương nhờ Lưu Biểu. Lưu Biểu nghe danh và uy tín của Lưu Bị nên cũng có chút kiêng dè, không dám trọng dùng, nhưng lại muốn dựa vào Lưu Bị để chống lại Tào Tháo, nên để Lưu Bị đóng quân ở Tân Dã. Huyện Tân Dã ở phía Bắc của sông Hán Thủy, đối diện với Tương Dương ở phía kia sông, và là cửa ngõ phía Bắc của Kinh Châu.

Lần đầu nghe danh “Ngọa Long”

Theo “Trung Quốc thông sử” của Bạch Thọ Di ghi chép, khi Lưu Bị đóng quân ở Tân Dã,” thu hoạch” lớn nhất của ông chính là quy nạp được “Ngọa Long” Gia Cát Lượng, trở thành bước ngoặt lập nên công lớn trong việc hình thành thế chân vạc Tam Quốc.

Lưu Bị lần đầu tiên nghe danh “Phục Long” từ Tư Mã Huy. Theo ghi chép trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của La Quán Trung, Lưu Bị vì tránh bộ tướng của Lưu Biểu là Sái Mạo mưu hại mình, ông đã nhảy lên tuấn mã Đích Lư chạy tới suối Đàn Khê rất rộng khó vượt qua, nhưng đúng lúc đó tuấn mã Đích Lư bất thần tung vó nhảy qua được suối lớn cứu ông thoát nạn, an toàn đến gặp ẩn sĩ Tư Mã Huy.

Tư Mã Huy tự Đức Tháo, hiệu là “Thủy Kính tiên sinh”, người Dĩnh Xuyên. Khi Lưu Bị được một đồng tử dẫn đến trang viên của Thủy Kính, trong tư trang phát ra tiếng đàn réo rắt, Lưu Bị dừng lại chăm chú lắng nghe. Lúc này, tiếng đàn bỗng ngừng lại, có một người mỉm cười bước ra và nói: “Giai điệu tiếng đàn thanh khiết u tịnh, âm thanh bỗng nổi giai điệu cao, ắt có anh hùng nghe đàn”. Người này chính là Tư Mã Huy.

Tư Mã Huy từ tốn hỏi Lưu Bị từ đâu đến, Lưu Bị giả vờ nói rằng thỉnh thoảng đi qua đây. Tư Mã Huy qua một đôi lời đã biết Lưu Bị vì chạy nạn mà đến.

Tư Mã Huy nói: Minh công đại danh, như lôi quán nhĩ, hôm nay lạc thác đến đây, đơn giản chỉ vì không có tướng tài tương trợ. Hôm nay thiên mệnh hữu quy, long hướng thiên phi, tất cả đều quy tụ về bên Lưu Huyền Đức.

Ý ông là đối với việc Lưu Bị cần người tài mà nói, thiên hạ kỳ tài như Phục Long và Phượng Sồ đều đang ở đất Kinh Tương đây.

Trong tác phẩm “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, Tư Mã Huy nổi tiếng với câu nói với Lưu Bị: "Ngọa Long, Phượng Sồ, được một trong hai có thể an thiên hạ".

Tam quốc diễn nghĩa, gia cát lượng
Tư Mã Huy nổi tiếng với câu nói với Lưu Bị: "Ngọa Long, Phượng Sồ, được một trong hai có thể an thiên hạ". (Ảnh chụp màn hình Tam Quốc Diễn Nghĩa hoàn hoạ)

Sau khi Lưu Bị nghỉ ngơi vào đêm đó, Từ Thứ, người làng Dĩnh Xuyên cũng đến trang viên, nói với Tư Mã Huy về quá trình đến nương nhờ Lưu Biểu nhưng thất vọng quay về. Nghe xong, Tư Mã Huy có chút quở trách Từ Thứ rằng: Tâm mang hoài bão trợ giúp bậc hiền tài, nhưng lại không sáng suốt nhìn ra minh chủ, lại còn đi nương nhờ Lưu Biểu. Tư Mã Huy nói tiếp: Minh chủ (ý chỉ Lưu Bị) ở ngay trước mặt, chỉ là huynh không biết mà thôi. Từ Thứ không ngớt lời khen thiện ý của Tư Mã Huy.

Trong “Tam Quốc Chí” ghi chép, khi Lưu Bị đóng quân ở Tân Dã, Từ Thứ từng đến diện kiến Lưu Bị, Lưu Bị rất coi trọng Từ Thứ, đối đãi và giúp đỡ như khách quý. Lúc này, vừa hay gặp phải bộ tướng của Tào Tháo là Hạ Hầu Đôn và Vu Cấm dẫn quân đến đánh, Từ Thứ lập tức vạch kế sách cho Lưu Bị, tự thiêu đồn lương, rồi rời thành đi về hướng Nam. Hạ Hầu Đôn và Vu Cấm cho rằng Lưu Bị khiếp nhược không dám tiếp chiến, nên chỉ huy binh lính cấp tốc truy đuổi, nhưng không ngờ lại bị phục binh tứ phía, đánh úp một trận khiến cho thất bại tả tơi. Sau đó Lưu Bị thu dọn chiến trường dẫn quân tháo chạy về huyện Nghiệp (là một ấp của Tề, nay thuộc tỉnh Hà Nam).

Lưu Bị tận mắt chứng kiến bản lĩnh của Từ Thứ nhưng Từ Thứ một mực nói rằng bản lĩnh của mình vẫn không sánh bằng Gia Cát Lượng, nên đã tiến cử Gia Cát Lượng với Lưu Bị.

Lưu Bị hy vọng Từ Thứ sẽ đi mời Gia Cát Lượng đến nhưng Từ Thứ đã nói rằng: “Gia Cát Khổng Minh, cũng là Ngọa Long. Ngài nhất định nên gặp người này, không dễ mà khuất phục chiêu dẫn. Tướng quân trực tiếp giá cố một phen.”

Lời này đã nói lên rằng, Gia Cát Lượng không phải là một người bình thường, Lưu Bị nhất định phải đích thân đến tận nơi thăm viếng, không thể tùy tiện chiêu mời.

Vậy đó, Gia Cát Lượng vẫn chưa hề xuất hiện nhưng danh tiếng đã khắc sâu trong tâm trí của Lưu Bị rồi.

Chân dung Lưu Bị. (Ảnh miền công cộng)
Chân dung Lưu Bị. (Ảnh miền công cộng)

Lưu Bị ba lần giá cố lều tranh

Dưới sự tiến cử của ẩn sĩ Tư Mã Huy và Từ Thứ, Lưu Bị hạ quyết tâm đến lều tranh viếng Gia Cát Lượng, mời ông xuống núi tương trợ, hoàn thành chí nguyện thống nhất thiên hạ ấp ủ trong tâm bấy lâu.

Vào một ngày mùa đông giá rét năm Kiến An thứ 12 (năm 207), Lưu Bị cùng Quan Vũ và Trương Phi đến Long Trung tìm Gia Cát Lượng, nhưng không may là khi ấy Gia Cát Lượng đã rời khỏi nhà, ba người Lưu Bị đành trở về.

Sau khi Lưu Bị quay về Tân Dã, ông không ngừng phái người đến Long Trung nghe ngóng xem khi nào thì Gia Cát Lượng về nhà. Một hôm, được biết Gia Cát Lượng từ phương xa đã trở về, Lưu Bị lập tức quyết định đến Long Trung viếng thăm Gia Cát Lượng lần thứ hai.

Lúc đó ngay giữa mùa đông, khí trời rét buốt căm căm, ráng mây hồng bủa đầy trời, tiếng gió Bắc hú vi vút, tuyết bay tới tấp từng trận từng trận. Mặc dù Lưu Bị đã thăm dò tin tức từ trước, nhưng lần này Gia Cát Lượng lại xuất hành vào phút cuối, nên ba người Lưu Bị chỉ có thể gặp được Gia Cát Quân là em trai của Gia Cát Lượng. Sau khi hàn huyên và đàm đạo một hồi, Lưu Bị chỉ còn cách gửi lại phong thư nhờ Gia Cát Quân chuyển giao cho huynh mình.

Đến mùa xuân năm Kiến An thứ 13 (năm 208), Lưu Bị chỉnh tề y phục và chuẩn bị ngựa đến viếng Gia Cát Lượng lần thứ ba. Ba người Lưu-Quan-Trương phi ngựa đến thẳng Long Trung và đến trước thảo lư (lều tranh) của Gia Cát Lượng. Lần này thì Gia Cát Lượng đang ngủ trưa trong nhà. Lưu Bị e rằng quấy nhiễu giấc ngủ của Gia Cát Lượng nên chẳng quản thân mình mệt mỏi đường xa vạn dặm, mà đứng lẳng lặng bên ngoài tĩnh tâm chờ đợi, mãi cho đến khi Gia Cát Lượng thức dậy mới dám diện kiến.

đến trước thảo lư (lều tranh) của Gia Cát Lượng.
Ba người Lưu-Quan-Trương phi ngựa đến thẳng Long Trung và đến trước thảo lư (lều tranh) của Gia Cát Lượng.

Chưa xuất lều tranh, Gia Cát Lượng đã biết thiên hạ chia ba

Lưu Bị ba lần giá cố thảo lư mới có thể diện kiến được Gia Cát Lượng.

Sau khi Gia Cát Lượng tỉnh dậy, ông hỏi đồng tử trong nhà rằng liệu có khách đến không, đồng tử thưa rằng có Lưu Hoàng thúc đứng đợi bên ngoài đã rất lâu rồi. Gia Cát Lượng vội chấn chỉnh y quan và bước ra nghênh đón Lưu Bị. Gia Cát Lượng đầu đội luân cân (là khăn che đầu làm bằng dây thao xanh), mình khoác áo hạc, bước đi nhẹ nhàng thanh thoát như Thần tiên vậy.

Lưu Bị và Gia Cát Lượng thi lễ xong thì khách và gia chủ cùng ngồi xuống đàm đạo, đồng tử dâng trà.

Lưu Bị nói với Gia Cát Lượng rằng: Hiện nay nhà Hán sắp sụp đổ, Lưu Bị tôi không biết lượng sức mình, trong lòng ôm hoài bão muốn cứu vãn thiên hạ nguy vong, nhưng khổ não vì bản thân tài sơ học thiển, đến tận hôm nay vẫn chưa đạt được thành tựu gì. Cuối cùng Lưu Bị nói hy vọng Gia Cát Lượng có thể xuất sơn, trợ giúp ông hoàn thành tâm nguyện này.

Gia Cát Lượng đáp lời Lưu Bị rằng:

“Kể từ khi Ðổng Trác phản nghịch, hào kiệt khởi nghĩa khắp nơi, từ Châu đến Quận nhiều không kể xiết.

Ban đầu, so với danh tiếng và quân lực của Viên Thiệu, Tào Tháo đều không sánh bằng, nhưng chẳng bao lâu thì Tào đã thắng Thiệu, lấy yếu làm mạnh, ấy là không phải chỉ nhờ thiên thời mà còn nhờ mưu trí của con người nữa.

Hiện nay Tào Tháo đã nắm trong tay bách vạn dân, lấy Thiên tử để sai khiến chư hầu. Như thế, thật khó tranh giành lại được

Tôn Quyền nắm giữ Giang Ðông, nối nghiệp đã ba đời, nước hiểm trở, dân thuận phục. Vậy cũng chỉ nên kết làm ngoại viện, chứ không thể mưu chiến.

Lưu Bị và Gia Cát Lượng thi lễ xong thì khách và gia chủ cùng ngồi xuống đàm đạo
Lưu Bị và Gia Cát Lượng thi lễ xong thì khách và gia chủ cùng ngồi xuống đàm đạo. (Ảnh: Tam Quốc Diễn Nghĩa liên hoàn họa)

Còn Kinh Châu phía Bắc có sông Hán, sông Miện; nguồn lợi phía Nam đến tận Nam hải; mặt Ðông liền với Ngô Hội; phía Tây thì thông với Ba Thục, chính là đất dụng võ. Nếu chẳng phải chân chúa thì khó mà giữ được. Ðó là chỗ trời dành cho Tướng quân đó, chớ nên bỏ. Ðất Ích Châu hiểm trở, ngàn dặm đồng lầy, nổi tiếng là “cái kho nhà trời”. Xưa vua Cao Tổ cũng nhờ vào đó mà nên đế nghiệp. Nay Lưu Chương nhu nhược, dân đông nước giàu, lại chẳng biết lo giữ vững. Những kẻ trí năng đều chán nản, chỉ mong mỏi được thờ một đấng minh quân. Nay Tướng quân là dòng dõi nhà Hán, tín nghĩa sáng rỡ khắp bốn bể, lại biết thu phục anh hùng, cầu người hiền như khát nước, nếu gồm được Kinh Châu, Ích Châu mà giữ vững thế hiểm, thì phía Tây hòa với các rợ Nhung, phía Nam vỗ yên các xứ Di, Việt, rồi bên ngoài kết liên Tôn Quyền, bên trong sửa sang chính lý. Chờ khi thiên hạ có biến, hãy sai một Thượng tướng kéo quân Kinh Châu lên miền Uyển Lạc. Còn Tướng quân thì thân đem đại binh Ích Châu ra mặt Tần Xuyên. Thử hỏi trăm họ bốn phương, nơi đâu lại không đem giỏ cơm, bầu nước ra đón Tướng quân? Có thể hoàn thành bá nghiệp và phục hưng nhà Hán.”

Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” còn có một chi tiết:

Gia Cát Lượng nói xong rồi gọi tiểu đồng đem ra một bức địa đồ, treo lên giữa nhà, Gia Cát Lượng nói với Lưu Bị rằng:

“Ðây là bản đồ năm mươi bốn huyện Tây Xuyên. Tướng quân muốn dựng nghiệp Ðế thì phía Bắc phải nhường cho Tào Tháo chiếm thiên thời. Phía Nam nhượng cho Tôn Quyền chiếm lấy địa lợi. Còn Tướng quân phải chiếm lấy nhân hòa. Vậy trước phải lấy Kinh Châu làm nhà, sau lấy Tây Xuyên mà khai cơ nghiệp, tạo thành cái thế chân vạc rồi sau mới mưu đồ đến đất Trung nguyên.”

Đây chính là giai thoại trứ danh “Long Trung đối” cũng gọi là “Thảo lư đối”, từ nội dung của Thảo lư đối có thể nhìn thấy, Gia Cát Lượng còn chưa ra khỏi lều tranh đã biết được thiên hạ chia ba.

Hậu nhân có bài thơ ca ngợi trí huệ của Gia Cát Lượng như sau:

Dự châu đang lúc vận gieo neo,

May gặp danh nhân dưới mái lều.

Thiên hạ chia ba, rồi sẽ thấy,

Tiên sinh cười trỏ bản đồ treo.

(Còn tiếp)

Cao Nguyên
Theo Epoch Times

Văn hoá Văn học


BÀI CHỌN LỌC

Gia Cát Lượng trí huệ xuất chúng, chưa ra khỏi lều tranh đã thông tỏ chuyện thiên hạ