Gia Cát Lượng Bắc phạt, cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi (P.1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gia Cát Lượng Bắc phạt để hoàn thành tâm nguyện của tiên chủ Lưu Bị, tâm tư của ông để cả trong câu văn bất hủ trong "Xuất sư biểu": "cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi".

Gia Cát Lượng Bắc phạt là một loạt chiến dịch quân sự do Thục Hán phát động tấn công Tào Ngụy từ năm 228 đến năm 234 trong thời kỳ Tam Quốc. Chiến dịch này do Thừa tướng nước Thục là Gia Cát Lượng đích thân chỉ huy và tấn công vào biên giới phía Tây của Tào Ngụy. Trước sau tổng cộng có năm lần tấn công, nhưng không đạt được thành công; Tào Ngụy cũng từng phát động phản công, nhưng cũng thất bại.

Cuối cùng, trong trận chiến thứ năm, chủ soái của Thục Hán, Thừa tướng Gia Cát Lượng do lao tâm khổ nhọc lâu ngày mà sinh bệnh và qua đời trong doanh trại ở gò Ngũ Trượng, đến đây cũng xem như Gia Cát đã làm tròn thệ ước, cả đời “cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi”.

So sánh mạnh yếu trong Tam Quốc

Năm 223, Thục Hán Chiêu Liệt Hoàng Đế Lưu Bị bị Đông Ngô đánh bại ở trận Di Lăng, dẫn đến quốc lực của Thục Hán suy giảm đáng kể. Sau khi Thừa tướng Gia Cát Lượng phò trợ Hậu chủ Lưu Thiện, thì tiềm lực quốc gia cũng dần dần được khôi phục, đồng thời còn phái Trần Chấn và Đặng Chi sang sứ Đông Ngô để củng cố lại mối giao hảo Ngô Thục.

Đến năm 225, Gia Cát Lượng Nam chinh, bình định bạo loạn ở miền Nam Thục Hán, chiến thắng này đã bổ sung đầy đủ quân nhu và tài lực cho chiến dịch Bắc phạt sau này.

Khi Hậu chủ Lưu Thiện lên ngôi được một thời gian, thì đến năm Kiến Hưng thứ 4 (năm 226), Ngụy Văn Đế Tào Phi mắc bệnh qua đời, Thái tử Tào Duệ kế vị, hiệu là Ngụy Minh Đế. Khi ấy trong triều đình Ngụy nghị luận rằng, nhân cơ hội Gia Cát Lượng đang ở Hán Trung, nên xuất binh thảo phạt. Tào Duệ cũng có ý này, nhưng Tôn Tư cho rằng vùng đất Nam Trịnh ở Hán Trung là nơi hiểm trở khó đánh, tiến binh ào ạt sẽ dẫn đến thiên hạ rối loạn, hao công tổn phí rất lớn, đề xuất các đại tướng căn cứ theo tình hình, đừng tự tìm nguy hiểm, khi nước Ngụy mạnh lên thì Thục, Ngô sẽ tự hàng thôi, vì vậy khuyên Tào Duệ tạm thời không nên xuất binh.

Mặt khác, Gia Cát Lượng lại cho rằng, chính quyền Tào Ngụy vừa mới thay đổi, tân quân mới lập, quả là cơ hội tốt để Bắc phạt. Đồng thời, Bắc phạt Tào Ngụy, trở về cố đô cũng là tâm nguyện và mục tiêu định ra bấy lâu trong Long Trung đối sách của Gia Cát Lượng.

So sánh mạnh yếu trong Tam Quốc 2
Gia Cát Lượng lại cho rằng, chính quyền Tào Ngụy vừa mới thay đổi, tân quân mới lập, quả là cơ hội tốt để Bắc phạt. (Ảnh chụp màn hình Tam Quốc Diễn Nghĩa liên hoàn hoạ)

Nhưng xét đến điều kiện ở thời điểm ấy mà nói, thì lực lượng quân sự của Thục quốc là yếu nhất trong Tam Quốc, cơ hội thành công của chiến dịch Bắc phạt không mấy khả thi.

Khi đó, Tào Ngụy có khoảng 4,43 triệu dân và 43 vạn quân; Thục quốc chỉ có khoảng 94 vạn dân và 12 vạn quân; còn Ngô quốc có khoảng 2,3 triệu dân và 23 vạn quân. Trong lần Bắc phạt đầu tiên, Gia Cát Lượng đã điều động 10 vạn quân Thục. Về phía nhà Ngụy thì điều động trước sau khoảng 20 vạn quân.

Điều này cho thấy lực lượng ba bên chênh lệch quá xa, Thục Hán muốn tiêu diệt Tào Ngụy dường như là chuyện khá khó khăn. Đặc biệt là sau khi mất Kinh Châu, cũng đồng nghĩa với việc mất đi hai tuyến đường xuất binh quan trọng trong chiến dịch Bắc phạt. Tuy vậy, Gia Cát Lượng vẫn không từ bỏ kế hoạch Bắc phạt ấp ủ bấy lâu.

Năm Kiến Hưng thứ 5 (năm 227), Gia Cát Lượng thống lĩnh Thục quân xuất khỏi Hán Trung, chuẩn bị hành trình Bắc phạt, trước khi ra trận thì trình tấu lên Hậu chủ Lưu Thiện Xuất Sư Biểu phân tích tình hình và đề nghị tiến quân:

“Tiên Đế sáng lập quốc gia, gây dựng nên cơ đồ, mới nửa đường đã mệnh chung, tâm nguyện vẫn chưa tròn. Nay thiên hạ chia ba, Ích Châu suy yếu, tình thế thực sự trở nên nguy cấp, nước nhà cũng bên bờ tồn vong… Phương Nam đã bình định, binh giáp đã đầy đủ đáng khích lệ ba quân; nay Bắc định Trung Nguyên, thần xin đem hết lòng khuyển mã, trừ sạch gian ác phục hưng triều Hán về lại cố đô, như vậy thần báo đáp được Tiên Đế, mà cũng là chức phận dưới bệ rồng”.

Gia Cát Lượng khuyên Hậu chủ Lưu Thiện cần sáng suốt nhìn rõ được điểm yếu và điểm bất lợi của Thục Hán trong Tam Quốc, Tam Quốc tự tranh cường, Thục Hán nguy nan kề cận, vì vậy hãy phấn chấn tinh thần chủ động tấn công, đừng tự mãn với cục diện ổn định tạm thời này.

Trong Tam Quốc Chí-Đổng Doãn truyện ghi chép: Gia Cát Lượng dâng sớ nhưng lo lắng Hậu chủ Lưu Thiện an nhàn phú quý nhiều năm, khó phân biệt phải trái, nên không ngừng nhắc nhở và cảnh tỉnh Hậu chủ phải “thân hiền thần, viễn tiểu nhân”, nên tín dụng Quách Du Chi, Phí Y, Đổng Doãn (con trai của đại thần Đổng Hòa), Hướng Sủng, Trương Duệ, Tưởng Uyển v.v. và những trung thần khác. Gia Cát Lượng cũng hy vọng Lưu Thiện tạo điều kiện cho chúng thần tham vấn bàn luận, có thể tiếp thu được những lời chính nghĩa, thưởng phạt công minh, đừng nên đối xử bất công không theo phép tắc.

Nghe xong những lời này, Hậu chủ Lưu Thiện đã hạ bút chuẩn tấu Xuất Sư Biểu, chiến dịch Gia Cát Lượng Bắc phạt bắt đầu mở ra từ đây.

Gia Cát Lượng khuyên Hậu chủ Lưu Thiện cần sáng suốt 2
Chiến dịch Gia Cát Lượng Bắc phạt bắt đầu mở ra từ đây. (Ảnh chụp màn hình Tam Quốc Diễn Nghĩa liên hoàn hoạ)

Bắc phạt lần thứ nhất

Vào mùa xuân năm Kiến Hưng thứ 6 (năm 228), Gia Cát Lượng chỉ thị đại quân Thục chuẩn bị theo đường Tà Cốc (từ Hán Trung, Thiểm Tây đến huyện My) để chiếm My Thành, đồng thời cử lão tướng Triệu Vân và Đặng Chi dùng kế nghi binh, đem quân đi chiếm Ki Cốc và làm ra vẻ như muốn đi theo đường Tà Cốc để tiến lên phía Bắc, nhằm thu hút sự chú ý của quân Tào. Trong khi đó Gia Cát Lượng đích thân thống lĩnh đội quân chủ lực theo đường Kỳ Sơn về hướng Tây Bắc. Tào Ngụy phái đại tướng Tào Chân chỉ huy ba quân ra nghênh chiến.

Tính từ thời điểm này cho đến năm Kiến Hưng thứ 12 (năm 234), khi Gia Cát Lượng lâm bệnh qua đời ở gò Ngũ Trượng, tổng cộng đã có sáu cuộc chiến tranh giữa Thục Hán và Tào Ngụy. Năm lần là Thục Hán phát động tấn công, một lần do Tào Ngụy tấn công và Thục Hán phòng thủ.

Gia Cát Lượng dẫn đại quân tấn công từ phía Tây Kỳ Sơn (nay là Đông Bắc, huyện Lễ, Cam Túc). Quân Thục qua nhiều năm được Gia Cát Lượng huấn luyện đã trở thành một đạo quân dũng mãnh, trận thế chỉnh tề, hiệu lệnh rất nghiêm minh, khí thế hào hùng, chiến dịch Bắc phạt tiến triển vô cùng thuận lợi.

Quân Thục nhanh chóng phá được nhiều điểm kháng cự của Tào Ngụy và tiến ra Thiên Thủy, cũng đánh bại nhiều viên tướng của Ngụy như Tào Chân, Tào Thuần.

Ba quận của Tào Ngụy là Nam An, Thiên Thủy, An Định ở Lũng Hữu cũng phản Ngụy hàng Thục, đều ra nghênh đón Gia Cát Lượng. Ngay cả Khương Duy, một danh tướng Ngụy cai quản Thiên Thủy cũng quy hàng Gia Cát Thừa tướng.

Lúc này triều đình Tào Ngụy vô cùng kinh ngạc, không thể ngờ rằng Thục Hán nhỏ bé lại dám mưu đồ đánh Ngụy, thế như chẻ tre gây xôn xao cả miền Quan Trung.

gia cát lượng Bắc phạt lần thứ nhất 1
Tào Ngụy vô cùng kinh ngạc, không thể ngờ rằng Thục Hán nhỏ bé lại dám mưu đồ đánh Ngụy. (Ảnh chụp màn hình Tam Quốc Diễn Nghĩa liên hoàn hoạ)

Khi đó Ngụy Minh Đế mới vội vàng đích thân thống lĩnh quân đội đến Trường An, phái đại tướng Trương Cáp dẫn quân đi ngăn Gia Cát Lượng.

Gia Cát Lượng lập tức hạ lệnh cho Đô đốc Mã Tốc đem tiền quân đánh với Trương Cáp và chiếm Nhai Đình. Tuy nhiên Mã Tốc bất tuân lệnh Gia Cát Lượng, thay vì đóng quân dưới chân núi gần nguồn nước thì ông đã làm ngược lại, đã lập trại trên núi dẫn đến Nhai Đình thất thủ, bị Trương Cáp đánh cho một trận tan tác, khiến cho cục diện xoay chuyển hoàn toàn.

Vì cánh quân của Triệu Vân và Đặng Chi suy yếu trong khi địch mạnh nên đã thất bại ở Ki Cốc. Khi lui quân, Triệu Vân đích thân ngăn chặn địch ở phía sau nên binh tướng không bị tổn thất, hầu hết quân nhu cũng được bảo toàn. Thất bại ở Nhai Đình khiến cho quân Thục mất quyền chủ động và quân đội của Gia Cát Lượng bị phân tán, chỉ còn lại Vương Bình với hơn 1.000 quân dồn sức chiến đấu, cố thủ không rút. Trương Cáp nghi ngờ có phục binh nên không dám tiến. Vương Bình nhân có thời gian bèn chỉnh đốn đội ngũ, tập hợp những quân sĩ còn sót lại rồi bình tĩnh rút về.

Gia Cát Lượng xuất binh lần này đã có được thêm 1.000 hộ dân ở 4 quận phía Tây của Tào Ngụy, ông cũng ban thưởng cho Vương Bình, thăng làm Tham quân, thống lĩnh 5 quân kiêm chức Đương doanh sự, Thảo khấu tướng quân và sắc phong Đình hầu. Đồng thời Gia Cát Lượng đã thu phục được Khương Duy, một tướng trẻ có tài của Ngụy, người mà sau này trở thành đại tướng quân của Thục Hán, kế tục ý chí Bắc phạt của Gia Cát Lượng.

Sử sách chép rằng, sau khi về đến Hán Trung, khi Gia Cát Lượng hạ lệnh chém Mã Tốc, người đã cả gan làm trái quân lệnh. Tưởng Uyển can rằng: “Thiên hạ chưa được bình định, mà lại giết mất tướng tài, lẽ nào không đáng tiếc lắm sao?”

Gia Cát Lượng trả lời rằng: “Sở dĩ Tôn Vũ làm chủ được thiên hạ chính là nhờ ông ta biết giữ gìn quân pháp rất nghiêm minh, nay nghiệp lớn thống nhất chưa thành, mới giao tranh với quân địch lần đầu mà đã tự ý phá vỡ quân pháp, như vậy làm sao có thể chiến thắng quân địch được?”

Và để giữ nghiêm quân luật, dẫu Mã Tốc là người tài hoa, giỏi sách lược, luôn được Gia Cát thừa tướng quan tâm cất nhắc, nhưng Gia Cát vẫn phải gạt lệ chém Mã Tốc, đồng thời viết tấu lên Hậu chủ Lưu Thiện xin hạ tước vị của mình xuống ba bậc, ngoài ra ông còn công bố sai lầm của mình cho cả nước được biết, tự nhận khuyết điểm và làm gương cho mọi người.

gia cát lượng Bắc phạt lần thứ nhất 2
Để giữ nghiêm quân luật, dẫu Mã Tốc là người tài hoa, giỏi sách lược, luôn được Gia Cát thừa tướng quan tâm cất nhắc, nhưng Gia Cát vẫn phải gạt lệ chém Mã Tốc. (Ảnh chụp màn hình Tam Quốc Diễn Nghĩa liên hoàn hoạ)

Bắc phạt lần thứ hai

Vào mùa thu năm Kiến Hưng thứ 6 (năm 228), nhân cơ hội Đại Đô đốc Lục Tốn của Đông Ngô đánh bại Tào Hưu ở Thạch Đình, đến mùa đông, Gia Cát Lượng lại xuất quân tấn công Ngụy lần thứ hai.

Theo Hán Tấn Xuân Thu ghi chép, Gia Cát Lượng nghe được tin Tôn Quyền đã đánh bại Tào Hưu, quân Ngụy rút về chi viện phía Đông, lực lượng phòng ngự vùng Quan Trung giảm thiểu. Gia Cát Lượng lại dâng tấu lên Hậu chủ Lưu Thiện, ấy là bản Hậu Xuất sư biểu, thể hiện quyết tâm dốc hết sức mình vì nhà Thục Hán mà Bắc phạt phen này. Trong bài biểu có hai câu nói nổi tiếng sau này đã trở thành biểu tượng cho tấm lòng trung thành của Gia Cát Lượng với nhà Thục Hán nói riêng và của các bậc trung thần với triều đình nói chung: “Cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi.”

Lại nói một chút về lão tướng Triệu Vân, ngay trước khi Bắc phạt lần thứ hai bắt đầu thì nhà Thục đã chịu một mất mát vô cùng to lớn, ấy là danh tướng Triệu Vân, người cuối cùng trong Ngũ hổ tướng đã lâm bệnh và qua đời.

Vào tháng 12, Gia Cát Lượng xuất chinh, đi qua Tán Quan, lần này quân Ngụy phòng thủ kỹ càng. Địa thế ở Trần Thương vô cùng hiểm trở, dễ giữ, khó đánh, được coi là nơi các nhà quân sự phải chiếm bằng được. Trước đó Tào Chân đã cho Hác Chiêu tăng cường phòng bị. Tại ải Trần Thương, quân Ngụy do tướng Hác Chiêu chỉ huy đã kiên cường phòng thủ trước những đợt tấn công liên tiếp của quân Thục, đánh nhau ròng rã hơn 20 ngày mà không suy suyển. Lúc này quân Thục cũng gặp vấn đề khó khăn về lương thực, đồng thời viện binh của Tào Ngụy cũng sắp đến, Gia Cát Lượng đành phải rút quân về Hán Trung. Bộ tướng của Trương Cáp là Vương Song dẫn quân truy kích nhưng bị quân Thục phục kích và giết chết tại Kỳ Sơn.

Bắc phạt lần thứ ba

Mùa xuân năm Kiến Hưng thứ 7 (năm 229), Gia Cát Lượng phát động chiến dịch Bắc phạt lần thứ ba. Ông phái Trần Thức đánh chiếm được hai quận thuộc Lũng Hữu là Vũ Đô (Thủ phủ ở vùng Tây Bắc, huyện Thành, tỉnh Cam Túc) và quận Dương Bình (Thủ phủ ở Tây Bắc, huyện Văn, tỉnh Cam Túc). Tướng Ngụy là Quách Hoài dẫn binh đến giải cứu nhưng bị đánh bại, quân Thục đã chiếm lĩnh được hai quận này.

Gia Cát Lượng làm yên lòng các dân tộc thiểu số địa phương như dân tộc Đê, Khương và nhiều dân tộc khác nữa, đồng thời lưu lại tướng bảo vệ rồi đích thân dẫn quân về lại Hán Trung. Vì Gia Cát Lượng lập được công, chiếm được hai quận nên được Hậu chủ Lưu Thiện phục chức Thừa tướng.

Bắc phạt lần thứ ba 1
Gia Cát Lượng làm yên lòng các dân tộc thiểu số địa phương như dân tộc Đê, Khương và nhiều dân tộc khác. (Ảnh chụp màn hình Tam Quốc Diễn Nghĩa liên hoàn hoạ)

Tào Ngụy phản công

Mùa xuân năm Kiến Hưng thứ 8 (năm 230), Tào Ngụy muốn thay đổi tình thế từ bị động sang chủ động nên đã phái đại quân tấn công Hán Trung, chia làm 3 nhánh quân: Đạo quân thứ nhất do Tư Mã Ý chỉ huy từ Tây thành, đạo quân thứ hai do Trương Cáp chỉ huy từ Tý Ngọ, và đạo quân thứ ba do Tào Chân chỉ huy từ Tà Cốc, tất cả cùng xuất phát tiến thẳng đến Hán Trung.

Lúc này Gia Cát Lượng đợi địch ở Thành Cố và Xích Bản (nay là huyện Dương, Thiểm Tây).

Ngoài tăng cường phòng thủ ra, Gia Cát Lượng còn điều Lý Nghiêm dẫn hai vạn quân gấp rút đến Hán Trung để dò xét tình hình quân đội Tào Ngụy thế nào. Nhưng vì mưa to liên tiếp hơn 30 ngày không ngớt nên Tý Ngọ Cốc, Tà Cốc và nhiều nơi khác ngập chìm trong biển nước, đường xá không thông, quân Tào Ngụy hết cách, đành phải rút lui.

Cùng năm, Ngụy Diên đơn độc xuất binh, tuy lần này không có Thừa tướng Gia Cát Lượng chỉ huy nhưng Ngụy Diên dũng mãnh tác chiến đã đánh bại được Thứ sử Quách Hoài ở Dương Khê. Quách Hoài là một trọng tướng ở Quan Tây của Tào Ngụy, người được mệnh danh là Tinh tường vạn sát, từng đánh bại Mã Tốc “Đập tan Liêu Hóa, bắt giữ Cú An” (Tam Quốc Chí-Quách Hoài truyện).

Tào Duệ hạ lệnh thu quân, Gia Cát Lượng cũng không đuổi theo, hai bên không giao tranh gì. Khi này trên đường lui quân thì Tào Chân bị mưa to lâu ngày, mắc trọng bệnh và qua đời.

Lại nói một chút về địa thế lãnh thổ Thục là nơi núi cao hiểm trở, dễ phòng thủ khó tấn công, điều này cũng gây không ít khó khăn cho quân Thục vận chuyển lương thảo, đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho hai nhà Thục-Ngụy không thể tác chiến lâu dài. Để giải quyết vấn đề vận chuyển quân lương này, Gia Cát Lượng đã lên kế hoạch chế tạo “trâu gỗ ngựa máy”.

(Còn tiếp)

Cao Nguyên

Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Gia Cát Lượng Bắc phạt, cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi (P.1)