First News Trí Việt kiện Ladaza - Alibaba - Jack Ma: Cái giá đắt của 'giá rẻ'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vừa qua First News - Trí Việt chính thức khởi kiện hành vi tiếp tay tiêu thụ hàng giả, sách giả của Lazada, công ty Recess - Tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma, Trung Quốc.

Lazada là một trong những kênh thương mại điện tử được đầu tư phát triển nhanh nhất trong vài năm gần đây.

Công ty First News trong đơn khởi kiện cho biết: Suốt 2 năm qua, Lazada đã tiếp tay tiêu thụ một số lượng lớn sách giả các ấn phẩm của Công ty First News. Dù Công ty First News đã nhắc nhở bằng văn bản và tổ chức hai cuộc họp báo để cảnh cáo, nhưng Lazada vẫn không ngừng hành vi bán sách giả trên mạng. Trong thời gian cao điểm đại dịch Covid, Lazada đã trở thành là trung tâm tiếp tục bán rất nhiều sách giả “Muôn kiếp nhân sinh” và hơn 600 đầu sách của Công ty First News. Ước tính, Công ty First News đã bị thiệt hại hàng tỷ đồng từ việc bị bán sách giả trên sàn thương mại điện tử lớn này.

Ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc Công ty First News chia sẻ: “Chúng tôi tìm hiểu và biết được kênh thương mại điện tử Lazada được điều hành bởi Công ty Recess thuộc tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma - Trung Quốc. Họ không chỉ tiếp tay tiêu thụ số lượng lớn sách giả được làm theo kiểu ăn cắp bản quyền ấn phẩm của chúng tôi, mà còn bán rất nhiều mặt hàng giả khác gây ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam cũng như lợi ích chính đáng của người tiêu dùng Việt Nam”.

Khởi kiện lazada
Ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc Công ty First News. (Ảnh qua enternews.vn)

Tòa án nhân dân Quận 1 - TPHCM cũng đã phát ra văn bản xác nhận thụ lý đơn khởi kiện Lazada từ Công ty First News.

Lý do First News - Trí Việt quyết định khởi kiện, theo ông Phước: "Chúng tôi khẳng định lại, suốt hơn 2 năm qua, First News - Trí Việt cùng hàng trăm bài báo, truyền hình đã chỉ đích danh Lazada đã trực tiếp, gián tiếp tiêu thụ sách giả của First News - Trí Việt với quy mô tần suất lớn, liên tục mà không hề nhận được bất cứ phản hồi nào từ Lazada."

Theo thông tin từ Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt, sau buổi họp báo công bố First News khởi kiện Lazada ngày 9/9/2020, hàng trăm ngàn bạn đọc Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm, phẫn nộ, bức xúc với vấn nạn sản xuất và tiêu thụ sách giả. Sau một tuần tạm rút các cửa hàng bán sách giả, thì sáng ngày 18/9/2020, các cửa hàng trên Lazada vẫn tiếp tục tiêu thụ sách giả công khai như chưa hề có việc gì xảy ra. First News đã cùng bạn đọc và luật sư lập vi bằng vi phạm lúc 9 giờ sáng ngày 21/9/2020.

Hiện rất nhiều cuốn sách giá trị của First News - Trí Việt bị hơn 18 nơi in lậu - nghĩa là: Cứ 19 cuốn sách được bán ra là 18 cuốn sách giả, kém chất lượng, đến tay bạn đọc. Rất nhiều sách giả để giá bìa cao hơn sách thật 30-50% để giảm giá bán bằng giá bìa sách thật.

Tòa án nhân dân Quận 1 - TPHCM cũng đã phát ra văn bản xác nhận thụ lý đơn khởi kiện Lazada từ Công ty First News.
Tòa án nhân dân Quận 1 - TPHCM cũng đã phát ra văn bản xác nhận thụ lý đơn khởi kiện Lazada từ Công ty First News.

Đại diện First News khẳng định việc sản xuất, in ấn và tiêu thụ sách giả không chỉ vi phạm Luật Bản quyền, Công ước Berne, Luật Xuất bản Việt Nam mà còn vi phạm quy định của Luật hình sự về tội sản xuất, tiêu thụ hàng giả - được quy định cụ thể tại Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015. Ông Nguyễn Văn Phước cũng cho biết, First News tuyên bố sẽ theo đuổi vụ kiện này tới cùng và sẵn sàng theo đuổi vụ án tại Tòa hình sự.

Ngoài sách giả, sách vi phạm bản quyền được Lazada phát hành công khai trên nền tảng công nghệ thương mại điện tử, rất nhiều tờ báo đã khẳng định Lazada đã bán nhiều sản phẩm hàng giả hàng nhái khác - nhiều sản phẩm liên quan đến sức khoẻ người dân - trên sàn thương mại điện tử Lazada.

lazada bị kiện
Rất nhiều tờ báo đã khẳng định Lazada đã bán nhiều sản phẩm hàng giả hàng nhái khác. (Ảnh chụp màn hình)

Sách giả, sách lậu đang bức tử sách thật

Theo thống kê của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thì kể từ năm 2010 đến nay, có ít nhất 500.000 bản sách và gần 8 tấn thành phẩm sách giáo dục bị in lậu tại rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Thông thường, các đối tượng làm sách lậu lấy sách thật, sử dụng các thiết bị công nghệ như máy scan, máy photocopy, máy tính để sao chép lại các trang sách. Sau đó các đối tượng chỉnh sửa, có thể phải đánh chữ, đổ màu lại nếu scan bị mờ hoặc nét chữ bị gai, in màu trang bìa, nhằm tái tạo lại sách gốc. Sau đó, chuyển sang các cơ sở in để tổ chức in lậu. Các đối tượng thường phân chia các công đoạn làm sách thực hiện ở địa điểm khác nhau để dễ tẩu tán, tiêu thụ. Sau khi in và hoàn thiện xong, sách lậu được phân tán nhanh về các nơi để tung ra thị trường. Nghiêm trọng hơn, sách lậu giờ đây lại có thêm một con đường để tiêu thụ, chính là các sàn thương mại điện tử lớn - nơi có thể dễ dàng tiếp cận với hàng chục triệu khách hàng độc giả.

Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News cho biết đã phát hiện trên 700 đầu sách của công ty bị in lậu, làm giả, bị xâm phạm bản quyền dưới mọi hình thức.

 sách bị làm giả.
Những đầu sách bị làm giả. (Ảnh qua thegioitiepthi.vn)

Làm giả kiếm lời lớn bởi vì... hình phạt quá nhẹ

Nguyên nhân quan trọng khiến cho tình trạng sách lậu mặc sức hoành hành là việc xử phạt sách giả sách lậu quá nhẹ so với lợi nhuận phi pháp khổng lồ mà nó mang lại.

Nhờ in ấn gia công rẻ tiền, không phải trả phí bản quyền cho tác giả, không phải đầu tư xây dựng nội dung, bản thảo, đóng thuế, chất lượng in thấp, giấy giá rẻ, không mất các khoản chi phí khác trong quá trình in ấn, xuất bản như giấy phép, tiền dịch, hiệu đính, biên tập, chế bản, họa sĩ trình bày… nên sách lậu thường được bán rẻ hơn rất nhiều so với giá bán niêm yết trên bìa sách thật (có thể giảm từ 20-50%). Cho nên lợi nhuận từ việc kinh doanh giả mạo này là rất lớn. Vậy nhưng nghịch lý là hầu hết các hình phạt với hành vi làm và tiêu thụ sách lậu chỉ là xử phạt hành chính chứ rất hiếm xử lý hình sự.

Hành vi in lậu bị phạt 30-40 triệu đồng, còn hành vi tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in lậu, in giả, in nối bản trái phép từ 300 bản trở lên bị phạt từ 20-30 triệu đồng. Trong khi đó, lợi nhuận từ việc in và tiêu thụ xuất bản phẩm lậu là hàng chục, hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Do vậy, các hoạt động in lậu, in giả, in nối bản trái phép vẫn diễn ra với quy mô lớn và ngày càng phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho tác giả, các nhà xuất bản, và đối tác liên kết, làm thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế khi tham gia công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Sau một thời gian dài kiên trì theo dõi, đặt mua hàng trên Lazada và các Fanpage trên mạng xã hội, Internet, First News - Trí Việt cùng các bạn đọc trung thành đã tìm ra mối quan hệ chặt chẽ giữa các chủ gian hàng tiêu thụ hàng giả - sách giả trên Lazada và hàng trăm Fanpage chuyên tiêu thụ sách giả đánh lừa bạn đọc với các trùm in sách giả đang lộng hành, vi phạm pháp luật tại Hà Nội.

in sách giả
Hình phạt quá nhẹ nên các hoạt động in lậu, in giả, in nối bản trái phép vẫn diễn ra với quy mô lớn. (Ảnh qua doisongphapluat.com)

Suy thoái văn hóa thưởng thức

Sách lậu gây ra hậu quả khôn lường đối với sự phát triển của ngành sách cũng như ảnh hưởng đến văn hóa đọc của độc giả.

Nhiều người xem nhẹ việc buôn bán sách giả với lập luận rằng, sách giả giá rẻ hơn sẽ giúp cho người có ít tiền có thể tiếp cận tri thức tức là có lợi mà không gây tổn hại đến độc giả. Những lập luận kiểu này là cách ngụy biện nguy hiểm cho chính độc giả.

Một cuốn sách ra đời là việc không đơn giản. Đó là bao nhiêu tâm huyết trí tuệ của người viết sách và nỗ lực của cả một tập thể gồm tác giả, nhà xuất bản, bộ phận phát hành… với hy vọng mang đến cho độc giả một món quà tri thức đáng quý. Nếu coi việc mua sách giả là bình thường, tức là vô tình đã coi thường chất xám, coi thường công sức của người viết sách và tập thể làm ra sách.

Điều quan trọng là, nếu thường xuyên đọc sách giả, người ta cũng quen với việc thưởng thức một sản phấm chất lượng kém. Sách giả khiến cảm quan thưởng thức thẩm mỹ bị hạ thấp. Những cuốn sách làm giả thường bị nhòe chữ, sai sót về nội dung, chính tả sẽ ảnh hưởng đến nhận thức khiến cho độc giả khó tiếp nhận nội dung hoặc tiếp nhận thông tin sai lệch. Đặc biệt, với sách về giáo dục, y học, việc chữ, số bị nhòe sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Làm giàu bằng hàng giả

Lazada hiện đang thuộc quyền kiểm soát của Tập đoàn Alibaba của Jack Ma, sau khi tỷ phú Trung Quốc này rót thêm 2 tỷ USD sở hữu 83% cổ phần.

Cách đây 2 năm, tỷ phú Jack Ma gây sự chú ý của dư luận khi Đảng Cộng sản Trung Quốc công bố một danh sách tiết lộ thân phận đảng viên của Jack Ma – người đứng đầu Alibaba, thống trị ngành thương mại điện tử Trung Quốc và đang vươn ra các quốc gia khác.

Khu vực Đông Nam Á có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển toàn cầu của Alibaba, nhất là sau khi Tập đoàn công nghệ Trung Quốc không thể “chen chân” tại các thị trường lớn ở châu Mỹ và châu Âu bởi dính cáo buộc về hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan và rằng Alibaba đã chưa có nỗ lực đầy đủ trong việc chống hàng giả.

Lazada hiện đang thuộc quyền kiểm soát của Tập đoàn Alibaba
Lazada hiện đang thuộc quyền kiểm soát của Tập đoàn Alibaba của Jack Ma( Ảnh: Sean Gallup/Getty Images)

Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ là một cường quốc về hàng giả lũng đoạn thế giới. Những tháng gần đây, Mỹ liên tục phơi bày việc ĐCSTQ dùng vô số chiêu trò để ăn cắp tài sản trí tuệ của người Mỹ thông qua các hoạt động gián điệp quy mô lớn khó tưởng tượng.

Một trong những nguyên nhân Tổng thống Trump tuyên bố phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc là để đáp trả hành vi ăn cắp tài sản trí tuệ của Mỹ. Ông Trump liên tục cáo buộc Trung Quốc đã đánh cắp “hàng tỷ, hàng tỷ đô la tài sản của chúng ta” khiến Mỹ thiệt hại “từ 225 đến 600 tỷ USD hằng năm”.

Cái giá của "giá rẻ"

Việc tiếp tay tiêu thụ sách giả, sách lậu phá hoại hệ thống sách bản quyền của các nhà xuất bản, các doanh nghiệp làm sách chính thống bởi sách lậu khiến cho họ bị thua lỗ một số tiền không nhỏ mỗi năm. Khi các nhà xuất bản, doanh nghiệp làm sách thật bị tổn hại nặng nề về kinh tế và uy tín, sẽ buộc phải hạn chế số lượng sách xuất bản do việc xuất bản các đầu sách giá trị cần nguồn lực lớn chi phí. Điều này tất yếu sẽ dẫn đến việc người đọc khó có thể tiếp cận được những đầu sách hay, giá trị trong tương lai.

Tâm lý ham rẻ là một loại biến dị về đạo đức khiến xã hội tha hóa. Khi người mua ham của rẻ thì người bán cũng không từ thủ đoạn nào để làm giả, làm chất lượng kém, đáp ứng nhu cầu thích đồ rẻ của người mua. Ngày nay, hàng giả và độc hại tràn lan, trăm sự đều từ cái tâm tham lợi đó mà ra. Người bán hay người mua đều vì một chút tiền lợi mà hại người khác, rồi hại chính mình.

Việc buôn bán tiêu thụ sách giả trên quy mô lớn thể hiện sự suy thoái nghiêm trọng về đạo đức của xã hội trên diện rộng. Ranh giới giữa thật, giả, đúng sai, thiện ác bị xem nhẹ, coi thường và cái giả, cái xấu, cái sai lũng đoạn xã hội, sẵn sàng chà đạp và bức tử cái thật, cái tốt, cái đẹp.

Khi cái giả, phi pháp công khai lan tràn ngay cả những sàn thương mại điện tử như Ladaza và hàng trăm đơn vị buôn bán kinh doanh sách giả, sách lậu thể hiện một xã hội bất chấp pháp luật và pháp luật không bảo vệ được những người tốt, người làm ăn chân chính. Sự yếu kém, lỏng lẻo trong các chế tài quản lý không kiểm soát được hàng giả tràn lan, khiến pháp luật không duy trì được vai trò bảo vệ, thậm chí tiếp tay cho cái xấu lan tràn.

bán sách giả trên mạng
Những đơn hàng sách mua trên các trang mạng. (Ảnh qua thegioitiepthi.vn)

Kinh doanh, mua bán thể hiện cách làm người

Sách là sản phẩm tri thức, giúp con người bồi đắp trí tuệ trau dồi nhân cách. Chính từ trong sách vở, ta hiểu được kinh doanh cũng là thể hiện cách làm người. Đạo lý kinh doanh của người xưa dựa trên nền tảng chữ Tín. Thời xưa, thương nhân chân chính đều rất xem trọng uy tín và danh dự, coi việc giữ gìn chữ Tín hơn tiền bạc. Trong bốn nguyên tắc đạo nghĩa của người xưa, có một đạo dành cho người kinh doanh, đó là: “Thương Đạo thù Tín”, tức là đạo kinh doanh đền đáp cho người biết giữ chữ Tín. Ngày nay chữ Tiền đã che phủ chữ Tín.

Thật nghịch lý trong xã hội ngày nay, người ta lại mang chính thứ đại diện cho các giá trị văn hóa thành đối tượng để làm những điều phản văn hóa, đạo đức. Và nó trở thành "chuyện thường ngày ở huyện". Người ta đã quen với quan niệm “mười người buôn, chín kẻ gian” và cho rằng đó mới là nguyên lý kinh doanh, rằng thương nhân là phải buôn gian, bán lận. Kỳ thực, đó là một quan niệm hoàn toàn biến dị.

Việc dung dưỡng cho những hành vi đó có thể đến từ nhiều phía, và ai tham gia đều phải chịu trách nhiệm của mình. Việc First News - Trí Việt khởi kiện đến cùng hành vi tiếp tay tiêu thụ hàng giả, sách giả, đánh lừa bạn đọc của Lazada là cần thiết, khi không ai lên tiếng hay bảo vệ sự uy nghiêm của những giá trị chân chính, của sự thật, thì xã hội sẽ hoàn toàn bị thao túng bởi những cái xấu, giả, ác.. Và người bị hại chính là những người im lặng.

Ở các quốc gia phát triển, bản quyền tác giả được tôn trọng ở mức cao nhất. Đó là bởi vì hơn hết họ hiểu rằng tri thức, trí tuệ là tài sản giá trị nhất trong mọi loại tài sản. Việc trả giá cao và trừng phạt nặng các hành vi vi phạm bản quyền thể hiện quốc gia đó coi trọng giá trị tài sản này.

Nếu một người, rộng hơn là một xã hội, một quốc gia biết trân trọng giá trị của tri thức, thì chắc chắn quốc gia đó sẽ có nhiều chiến lược đầu tư phát triển và bảo vệ trí tuệ, tri thức, đó là lý do mà Mỹ luôn là nước đi đầu về công nghệ, khoa học bởi các cơ chế đặt trọng tâm vào phát triển tri thức, và kết quả tất nhiên là quốc gia đó sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, thịnh vượng.

Điều ngược lại tất yếu sẽ xảy ra với những quốc gia không bảo vệ được tài sản trí tuệ, để cho cái giả, xấu lũng đoạn, người bán hàng, người mua coi trọng tiền hơn tri thức, tiếp tay cho cái xấu, ác hoành hành.

Điều này không khỏi nhắc người ta nhớ lại năm xưa, khi ĐCSTQ lên nắm quyền, đã tàn sát tầng lớp tinh anh, những người lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống vốn là nền tảng đạo đức của người dân Trung Hoa. Một quốc gia coi thường tri thức, tất nhiên sẽ coi thường đạo đức. Đó là lý do mà ĐCSTQ đã xây dựng Trung Quốc thành cường quốc về hàng giả, thay vì phát triển tri thức, ĐCSTQ lại thuần thục trong việc ăn cắp trí tuệ của cả thế giới.

không nên tiếp tay cho sách giả
Nếu mỗi người sẵn sàng từ chối không chấp nhận tiếp tay tiêu thụ sách giả, thì đó là cách tốt nhất để nó không có cơ hội phát triển. (Ảnh: Pixabay)

“Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng. Chẳng bằng kinh sử một vài pho” (Lê Quý Đôn)

Người xưa hiểu rõ giá trị của sách vở, vàng bạc cũng không so sánh được. Vậy nên ngày nay, chúng ta lại càng không nên vì một chút lợi nhỏ mà góp phần tạo nên tổn thất lớn cho môi thường văn hóa đọc, phát triển tri thức.

Có cầu mới có cung, độc giả chính là thị trường béo bở nhất của những doanh nghiệp làm giả. Nếu độc giả đều từ chối không chấp nhận tiếp tay tiêu thụ sách giả, thì đó là cách tốt nhất để nó không có thị trường phát triển. Muốn thế, hãy đừng để lòng tham chi phối, ham rẻ mà hại người hại mình.

Đọc sách để nâng cao tri thức, trau dồi phẩm hạnh, đạo đức, học những điều hay lẽ phải, phân biệt được cái gì tốt, cái gì là xấu, thiện ác, chính tà... Vậy nên là độc giả, càng nên là người hiểu rõ nhất giá trị của tri thức, và trách nhiệm của người học hỏi tiếp kho báu tài sản vô giá đó. Sự thật không có cái gì rẻ mà không đi kèm một cái giá đắt nào đó. Việc mua sách rẻ có thể giúp lời được một khoản tiền nhỏ, nhưng cái mất đi là đạo đức của chính mình, cái mất nữa là dần phá hỏng cả một môi trường phát triển tri thức mà đáng ra mình sẽ được hưởng, và cái mất đau xót nhất là cả một xã hội suy thoái, thay vì chọn một xã hội tử tế nhân văn, thì lại bằng lòng sống chung với các xấu, cái giả các ác...

Tìm đến những cơ sở uy tín để mua sách, nói không với sách lậu chính là cách ứng xử lý trí, văn minh của những độc giả biết trân trọng giá trị tri thức và nhân văn mà sách vở đã đem đến cho xã hội. Đó là cách nhanh nhất mà mỗi chúng ta có thể góp phần trách nhiệm của mình trong việc xây dựng văn hóa đọc văn minh cho chính chúng ta và xã hội. Đó là cách mỗi chúng ta cảm ơn và khích lệ những người làm sách chân chính cống hiến, sáng tạo nỗ lực tiếp tục làm ra những cuốn sách giá trị, đó cũng là cách để chúng ta góp phần vào sự thịnh vượng của đất nước mình, bởi một đất nước không coi trọng giá trị của tri thức là một đất nước mãi nghèo nàn.

Hành vi tiêu thụ hàng giả quy mô lớn của Lazada có thể không phải là chuyện khó hiểu đối với một tập đoàn ở một cường quốc về hàng giả đang ngày càng phơi bày sự thật băng đảng trộm cắp lớn nhất thế giới, thách thức pháp luật và chà đạp lên văn hóa tri thức. Quyết tâm của First News - Trí Việt là hành động phản kháng lại cái giả, phi pháp - một nỗ lực không dễ dàng, nhưng sẽ ra sao nếu không ai muốn đứng lên chống lại cái xấu nữa?

Khi chúng ta chỉ chấp nhận và thưởng thức cái tốt đẹp, từ chối cái giả, ác xấu, chính là chúng ta đang kiến tạo một xã hội mà mình đáng được hưởng.

Đan Thanh



BÀI CHỌN LỌC

First News Trí Việt kiện Ladaza - Alibaba - Jack Ma: Cái giá đắt của 'giá rẻ'