Đường Thái Tông Lý Thế Dân đã đối đãi với bậc trọng thần 'trung ngôn nghịch nhĩ' như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhắc đến Đường Thái Tông chính là nhắc đến bậc minh quân văn võ song toàn. Với tư cách là Hoàng đế, ông không ngại hạ mình cầu hiền, lắng nghe can gián, chọn dùng người đúng với khả năng, các việc trị quốc chi đạo của ông đều được hậu thế tôn sùng...

Có câu: “Thời thế tạo anh hùng", thời thế đổi thay, con người cũng thay đổi, xưa nay biết bao bậc anh hùng kỳ tài, lừng danh thiên cổ đã từ buổi loạn thế mà sinh thành. Khi lòng người thay đổi, phúc cùng, đức tận cũng là lúc loạn lạc đao binh, trời đất chuyển mình, càn khôn tái tạo, sắp đặt một thế cục mới cho thiên hạ. Khi minh quân xuất thế, ắt có hiền tài giáng sinh, tác hợp với thiên tượng tạo ra một kỷ nguyên mới cho muôn dân phúc hưng, lộc thịnh. Và âu đó cũng lại là bài học, lời nhắc nhở cho thế nhân: làm người cần hữu tâm trọng đức.

Và đương nhiên trong buổi thời thế hỗn loạn, đạo xuất anh hùng ấy, ta không thể không nhắc đến Thái Tông Đại Đường - Lý Thế Dân.

Chân dung Đường Thái Tông
Chân dung vua Đường Thái Tông. (Ảnh: Wikipedia)

Thái Tông Đại Đường 16 tuổi đã bắt đầu xung phong ra trận, cưỡi ngựa bắn tên, xông pha trận mạc, thống lĩnh ba quân, đánh tan giặc cướp, bình định Trung Nguyên, nhất thống thiên hạ... Sau khi lên ngôi, Thái Tông dẫn dắt thần dân mở ra một thời hoàng kim “Trinh Quán chi trị” thiên hạ an hưởng thái bình, xưa nay chưa từng có.

Nhắc đến Thái Tông chính là nhắc đến bậc minh quân văn võ song toàn. Với tư cách là Hoàng đế, ông không ngại hạ mình cầu hiền, lắng nghe can gián, chọn dùng người đúng với khả năng, các việc trị quốc chi đạo đều được hậu thế tôn sùng. Với tư cách là tướng quân, ông dẫn quân đánh đâu thắng đó, chiến công hiển hách, uy danh vang xa. Là một thi nhân, ông chuyên cần sáng tác, tạo nên thể ngâm, mở ra thời kỳ văn nhã phồn thịnh suốt 300 năm của triều đại nhà Đường.

Đường Thái Tông khiêm cung đón người 'trung ngôn nghịch nhĩ'...

Năm Trinh Quán thứ 3, Lý Đại Lượng đảm nhiệm chức đô đốc Lương Châu. Đường Thái Tông phái một vị sứ thần đến Lương Châu, thấy ở đấy có một loại ưng điểu rất nổi tiếng quý báu. Vị sứ thần yêu cầu Lý Đại Lượng mang về cung tiến cho Đường Thái Tông.

Lý Đại Lượng nghe xong liền âm thầm viết sớ dâng cho Đường Thái Tông bẩm báo: “Điện hạ từng hạ lệnh cấm săn bắn, bây giờ ngược lại, lại phái sứ thần đến yêu cầu đại ưng. Nếu như đây là ý chỉ của Điện hạ, vậy thì Điện hạ đã làm trái với ý chỉ của mình trước đây. Còn nếu như đây là chủ chương của sứ thần, vậy thì ông ta chính là sứ thần mạo danh".

Đường Thái Tông khiêm cung đón người 'trung ngôn nghịch nhĩ'...
Đường Thái Tông khiêm cung đón người 'trung ngôn nghịch nhĩ'... (Ảnh chụp phim Tam Tự Kinh)

Đường Thái Tông sau khi xem xong tấu sớ của Lý Đại Lượng liền hồi đáp:

“Khanh là một hiền tài văn võ song toàn, đối với quốc gia trung can nghĩa đảm nên trẫm mới uỷ thác trọng trách, phái khanh trấn thủ biên quan. Mấy năm nay khanh đã vì quốc gia mà tận chức, tận trung, uy danh vang dội khắp vùng biên ải. Trẫm phái sứ thần đến yêu cầu đại ưng, khanh không những không vì quyền mà hạ thế tác thành, lại còn mượn việc đời xưa, xét đời nay, thẳng thắn dâng lời trung ngôn, quả là trung can nghĩa đảm. Bất kể lời tán thưởng nào cũng không thể bày tỏ được tâm ý của Trẫm, có được một trung thần như khanh thế này, trẫm còn gì phải phân ưu nữa đây? Hy vọng khanh có thể bảo trì được thành ý của mình trước sau như một. Trong Thư Kinh có câu: “Cung kính chức phận, ấy người chính trực. Thần linh nghe thấy, ban cho cảnh phúc”, cổ nhân từng nói những lời có trọng lượng như vậy, giá trị của nó vượt trên cả ngàn lượng hoàng kim. Những lời khanh nói quả là trân quý, nay trẫm ban thưởng cho khanh một chiếc bình vàng và một chiếc bát vàng, tuy không phải giá trị thiên kim nhưng đây đều là những thứ trẫm dùng hàng ngày. Khanh bản tính ngay thẳng, làm người chính trực, một lòng vì công không tư, việc trẫm uỷ thác cho khanh, khanh còn dâng tấu xác minh, cách làm việc của khanh có thể được xem như một điển tích xưa nay. Trẫm ban thưởng thêm cho khanh một bộ Tuân Duyệt trong Hán Ký, đây là bộ sách tự thuật giản yếu, nghị luận thâm sâu đối với việc thế nào là trị quốc, thế nào là tận lực chức trách của quân thần, giảng giải vô cùng thấu triệt. Nay trẫm ban nó tặng cho khanh, hy vọng khanh trở về chú tâm chuyên đọc”.

Xưa nay, tiếp nhận lời khuyên can của người khác, tuy khó nhưng vẫn có thể làm được. Nhưng có thể ban thưởng, trọng dụng ngay cả những bậc hạ thần "trung ngôn nghịch nhĩ" thì không phải bậc đế vương nào cũng làm được. Đây chính là điểm hơn người của Đường Thái Tông vậy.

Minh Vũ

Theo: secretchina.com



BÀI CHỌN LỌC

Đường Thái Tông Lý Thế Dân đã đối đãi với bậc trọng thần 'trung ngôn nghịch nhĩ' như thế nào?