Dũng khí của trẻ nhỏ và sự khôn ngoan của người lớn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trí tuệ mà chúng ta học được trong quá trình trưởng thành khiến ta làm việc gì cũng cẩn trọng, suy tính kỹ càng, cân nhắc thiệt hơn, nhưng đôi khi sự khôn ngoan ấy vô tình làm giảm dũng khí.

Một hôm, tôi dắt con gái nhỏ đến công viên tản bộ, ở khu đất rộng lớn có thiết kế một số con dốc thoai thoải, có lẽ là nơi dành cho trẻ em chơi ván trượt.

Lúc ấy công viên vắng vẻ và yên tĩnh, không có mấy người, con gái tôi đến chỗ cái dốc, tuy không có ván trượt nhưng cô bé cũng sáng tạo ra những kiểu chơi đùa rất vui vẻ. Sau khi chạy lên chạy xuống mệt nhoài, cô bé bắt đầu xoay người lại và đi lùi, rồi đi lùi lên, đi lùi xuống. Tôi nhìn thấy rất lo lắng, sợ con gái ngã nhào, tôi nhắc nhở mấy lần nhưng cô bé không quan tâm, còn nói “Không sao đâu mẹ.”

Chơi mãi một mình cũng chán, sau đó cô bé nghịch ngợm dùng cách nói khích tướng tôi rằng: “Mẹ này, liệu mẹ dám đến đây đi lùi với con không?” Đề nghị của con nhắc tôi nhớ lại mình đã từng nghe điều này trước đây, rằng thỉnh thoảng đi lùi cũng tốt cho sức khỏe. Thế là tôi bắt đầu đi lùi cùng cô bé.

Chơi mãi một mình cũng chán, sau đó cô bé nghịch ngợm dùng cách nói khích tướng tôi rằng: “Mẹ này, liệu mẹ dám đến đây đi lùi với con không?”
Chơi mãi một mình cũng chán, sau đó cô bé nghịch ngợm dùng cách nói khích tướng tôi rằng: “Mẹ này, liệu mẹ dám đến đây đi lùi với con không?” (Ảnh: Pixabay)

Con gái thấy tôi đồng ý tham gia thì vui lắm, tỏ ra rất quan tâm và nói: “Con đi chầm chậm đợi mẹ nhé.” Tôi mỉm cười và bảo con đừng bận tâm vì bản thân mẹ có thể tự đi được. Tôi nghĩ, dốc không lớn, cũng không cao, đi lùi cũng dễ mà. Chỉ là, khi lên đến đỉnh dốc nhìn xuống mới phát hiện rằng không hề đơn giản như mình đã nghĩ. Cảm thấy có chút hồi hộp trong lòng, băn khoăn không biết có nên bước tiếp không?!

Cuối cùng tôi cũng quyết định không bỏ cuộc, có điều là, mỗi bước chân đi xuống, dường như đều cảm thấy sắp té đến nơi, bản thân không kiểm soát được sự cân bằng trọng lượng của cơ thể. Cho nên, trong tiềm ý thức cứ thôi thúc tôi ngoái đầu lại nhìn để chắc chắn rằng mỗi bước chân đi xuống có thể được an toàn. Con gái trông thấy bộ dạng tôi rụt rè, cứ liên tục quay đầu như vậy thì cười ngất.

Thử so sánh một chút, hành động của một người lớn như tôi lại dè dặt nhút nhát rất ngây ngô, còn con gái chỉ là một đứa trẻ lại rất can đảm, không có chút sợ hãi, cũng chẳng mảy may quay đầu, mỗi bước chân của cô bé đều toát lên vẻ dứt khoát và kiên định.

Sau khi con gái cười một một hơi thì hỏi tôi rằng: “Mẹ ơi, vì sao người lớn không có can đảm như trẻ nhỏ?” Tôi nghe xong cũng ngẩn người giây lát, thật lòng không biết giải thích ra sao, bởi vì thắc mắc của cô bé quá thực tế nhưng lại điểm trúng vào tâm lý quá phức tạp của người lớn như tôi.

“Mẹ ơi, vì sao người lớn không có can đảm như trẻ nhỏ?”
“Mẹ ơi, vì sao người lớn không có can đảm như trẻ nhỏ?” (Ảnh: Wikimedia Commons)

Chỉ là việc đi ngược xuống dốc thôi, nhưng quả thực là tôi không có dũng khí như con gái. Cô bé chỉ tập đi một chút mà đã trở nên thuần thục, còn tôi thì cứ phải dòm trước ngó sau một cách khổ sở, trong ánh mắt cứ toát lên vẻ căng thẳng mãi.

Phải chăng khi chúng ta ôm trong tâm quá nhiều quan niệm, trong đó quan niệm bảo vệ bản thân là lớn nhất, nên mới khó mở lòng tiếp thu nhận thức mới?

Sau đó tôi không quên khen cô bé rằng: “Con hỏi vấn đề này hay lắm.”

Sự dũng cảm của cô bé, có thể là do tâm tính đơn giản không sợ ngã, thản đãng mà đi, thậm chí không hề nghĩ đến liệu bản thân có ngã hay không. Người lớn thì cứ nghĩ mình vốn dĩ khôn ngoan, dày dặn kinh nghiệm, không muốn phạm sai lầm, nên hễ đi là nhìn ngang ngó dọc, cũng bởi vì thói quen an toàn thích chọn đi trên đường bằng phẳng vững chãi, hết sức né tránh đi đường gập ghềnh khúc khuỷu. Ai ai cũng chọn chỗ tốt, vậy chỗ không tốt kia sẽ thuộc về ai nhỉ?

Đây chính là sự khôn khéo mà chúng ta học được trong quá trình trưởng thành, làm việc gì cũng phải hoàn hảo, suy nghĩ vấn đề phải an toàn, không thiệt hại, chúng ta cho rằng đó là thông minh, nhưng không ngờ chính sự thông minh ấy lắm lúc khiến chúng ta mất đi dũng khí.

Người lớn thì cứ nghĩ mình vốn dĩ khôn ngoan, dày dặn kinh nghiệm, không muốn phạm sai lầm, nên hễ đi là nhìn ngang ngó dọc...
Người lớn thì cứ nghĩ mình vốn dĩ khôn ngoan, dày dặn kinh nghiệm, không muốn phạm sai lầm, nên hễ đi là nhìn ngang ngó dọc... (Ảnh: Good Free Photo)

Bạn có từng nghĩ chưa, việc gì cũng quá cẩn trọng, chỉ chăm bẵm lo sợ bản thân bị tổn thất, làm không dám làm, ngay cả nghĩ cũng không dám nghĩ, vậy liệu có thể đột phá được mục tiêu không? Có thành công lớn không?

Tôi nhìn con dốc thoai thoải trước mặt, thật cũng không dễ gì mà ngã cho được, nếu thật sự ngã thì hậu quả cũng không phải là quá nghiêm trọng. Vậy mà tôi cứ thổi phồng sự việc, thấp thỏm lo âu, trong tâm nặng nề cất từng bước chân, trong khi con gái vô tư, tâm sáng lòng nhẹ nhàng, chỉ mấy bước là đi hết con dốc. Chính cái tâm ấy là nhân tố thúc đẩy dũng khí và thành công!

Thiết nghĩ con dốc cũng giống như con đường đời vậy, ai ai cũng có con đường riêng của mình. Vui, buồn, sướng, khổ cũng tùy thuộc vào mỗi bước đi. Cao hứng thì chạy thật nhanh, âu sầu thì một bước cũng không cất nổi, khổ quá thì dừng lại không muốn đi, thậm chí còn không muốn sống nữa… Làm người như vậy có mệt quá không? Có vui vẻ bình an không?

Mỗi một người chỉ có mấy mươi năm để sống, ngần ấy năm đâu phải là chặng đường dài, có khác gì con dốc kia đâu, ngay trên đỉnh cao đã thấy cuối dốc rồi.

Mỗi một người chỉ có mấy mươi năm để sống, ngần ấy năm đâu phải là chặng đường dài, có khác gì con dốc kia đâu, ngay trên đỉnh cao đã thấy cuối dốc rồi. 
Mỗi một người chỉ có mấy mươi năm để sống, ngần ấy năm đâu phải là chặng đường dài, có khác gì con dốc kia đâu, ngay trên đỉnh cao đã thấy cuối dốc rồi. (Ảnh: Pickpik)

Quy luật thịnh - suy chưa bao giờ thay đổi, hôm nay giàu, ngày mai nghèo… chuyện gì cũng thay đổi từng ngày, nếu tâm chúng ta cũng vọng động không có dũng khí, lúc cần quyết định thì cứ mãi chần chừ, thì có lẽ, bước thấp bước cao rồi cũng đến cuối con dốc phải không?

Phần lớn người ta kết thúc “con dốc cuộc đời” như vậy đó, phước mỏng, nghiệp nhiều, lại thêm cả đời lo lắng, “quá khôn ngoan” nên mãi không thoát ra khỏi “cái tổ an toàn”, trèo mãi không qua được “bức tường ngoan cố” và sớm khuya dò dẫm trên “con dốc thăng trầm” đầy quan niệm. Cảm xúc chi phối quá nhiều mà chậm lỡ bước chân. Ngoảnh đầu nhìn lại thì đã ở cuối con dốc rồi, một đời đã qua đi!

Thiết nghĩ làm người không phải như vậy, đã là người trưởng thành và có tri thức nhất định thì nên có dũng khí mà chọn lựa đúng sai, phân biệt tốt xấu, thị phi. Giữa xã hội muôn vàn cám dỗ và thực hư lẫn lộn này, thì cái dũng khí kia là vô cùng quan trọng, nó là điểm then chốt để người ta lựa chọn chính khí và chính nghĩa, bước đi tự tin trên con dốc của chính mình mà không lưu lại bất kỳ hối tiếc nào.

Cao Nguyên
Theo Epoch Times

Văn hoá


BÀI CHỌN LỌC

Dũng khí của trẻ nhỏ và sự khôn ngoan của người lớn