Đừng để lại 'tài sản 5 nhà' cho con cái 

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Về phần còn lại, gia tài mấy trăm triệu lượng, chỉ là tài sản 'tài sản 5 nhà' hữu hình ở bên ngoài . Vì sao nói như vậy? Bởi vì nếu như thần gặp phải lũ lụt, hoả hoạn, thậm chí khi lọt vào đám đạo tặc cướp bóc, đừng nói tiền tài, có khi tính mạng của thần cũng không giữ nổi!

Ngày xưa, có một vị quốc vương nhân từ, nghĩ rằng mình đã rất quan tâm đến cuộc sống của người dân. Tuy vậy, ông chưa từng tự mình xuất cung đi tuần sát đời sống của nhân dân.

Một lần nọ, tể tướng khuyên bảo nhà vua, hy vọng nhà vua có thể xuất cung, đích thân vi hành quan sát dân chúng. Quốc vương nghe xong, cao hứng nói: "Tốt lắm, ta sẽ xuất cung một lần ra ngoài xem sao!"

Ngày hôm sau, nhà vua chính thức xuất cung. Ông nhìn thấy trong nước có rất nhiều người giàu có, bọn họ ở trong các dinh thự rộng lớn, rường cột chạm khắc, vàng son lộng lẫy. Một mặt, nhà vua cảm thấy hài lòng vì nhân dân có thể có cuộc sống giàu có yên vui như vậy. Nhưng mặt khác, ông cũng cho rằng những vị phú hào này có nhiều của cải quá sẽ không có lợi cho dân chúng và quốc gia.

Thế là, sau khi quốc vương cân nhắc kỹ lưỡng, đã ban hành một mệnh lệnh, yêu cầu những người giàu có kia công bố gia sản của mình, chuẩn bị cho việc trưng thu, chuyển thành tài chính của quốc gia.

Lúc bấy giờ, có một vị đại phú ông với gia tài ức vạn lượng, giàu có hơn tất cả mọi người, vào cung và công bố với nhà vua rằng mình chỉ có “tài sản cá nhân” ba ngàn vạn lượng. Khi nhà vua nghe thấy điều này, bèn rất tức giận, định lấy tội khi quân áp cho người giàu có này.

Chỉ thấy đại phú ông bình tĩnh giải thích với nhà vua: "Tài sản cá nhân mà thần tích lũy được thì không thể dâng cho quốc vương được; nhưng 'tài sản của năm nhà' không phải là tài sản riêng, phần này quốc vương có thể xử lý".

Lời nói của đại phú ông khơi dậy sự tò mò của nhà vua, nên nhà vua tiếp tục hỏi: "Tài sản cá nhân" là gì? "Tài sản năm nhà" là gì?

Đại phú ông trả lời quốc vương:

"Muôn tâu Đại vương, lòng thần thường giữ được tường hòa bình tĩnh, không quên đạo lý của nhà Phật. Trong miệng thì thường xuyên nói lời Phật Đà dạy bảo, hơn nữa còn dùng hành động thực tế để chứng thực trải nghiệm đối với Phật Pháp.

Cho nên thần dự định đem ba ngàn vạn lượng trong tài sản dùng để khởi công xây dựng chùa Phật, cúng dường tăng chúng, và trợ giúp những người có cuộc sống nghèo khó, cũng như hết thảy côn trùng chim thú. Bởi vì trong lòng luôn có thiện niệm, lúc nào cũng làm việc thiện, khiến cho trong lòng thần luôn cảm thấy an vui yên tĩnh, mà những việc làm thiện này tích lũy phúc phận, chẳng những đời đời kiếp kiếp đi theo thần, mà cũng có thể che chở con cháu đời sau, đây chính là 'Tài sản cá nhân' của thần.

Đại phú ông nói tiếp:

"Về phần còn lại, gia tài mấy trăm triệu lượng, chỉ là tài sản 'tài sản 5 nhà' hữu hình ở bên ngoài . Vì sao nói như vậy? Bởi vì nếu như thần gặp phải lũ lụt, hoả hoạn, thậm chí khi lọt vào đám đạo tặc cướp bóc, đừng nói tiền tài, có khi tính mạng của thần cũng không giữ nổi!

Cứ cho rằng thần không gặp phải những tai nạn kia, trông có vẻ như có được gia sản mấy trăm triệu lượng, nhưng đợi đến lúc thần vãng sinh, cũng chỉ có thể tay không mà đi, bên người có nhiều tiền tài bao nhiêu thì một chút cũng không mang theo được. Huống hồ thế sự vô thường, tương lai những gia sản này rốt cuộc là mang đến phúc hay họa cho con cháu? Cũng không thể nào biết được.

Cho nên thần đại khái tính toán một chút, những gia sản này là có thể chia cho quốc vương, lũ lụt, hoả hoạn, đạo tặc và con cháu, gọi là 'tài sản 5 nhà'. Số tiền tài này đối với thần mà nói, ngược lại chính là ngọn nguồn của họa loạn, khiến cho thần lúc nào cũng lòng mang sợ hãi, không muốn giữ lấy nó. Hiện tại nhờ vào cơ hội này, vừa vặn để quốc vương đem những tài sản trưng thu làm quốc khố, cũng có thể giải thoát cho thần khỏi nỗi lo lắng trong thời gian dài bấy lâu nay".

Quốc vương nghe đại phú ông nói những lời này, trong lòng rất cảm thán. Lúc này quốc vương mới nhận ra, hóa ra mình chỉ nhìn thấy của cải hữu hình, lại là không hiểu những tâm sự trong lòng của đại phú ông. Mà người đàn ông trước mắt này mới thật sự là người giàu có có đại trí tuệ. Bởi vì ông ta biết rõ chân lý nhân sinh vô thường, biết rõ trên thế gian không có một sự vật gì là vĩnh hằng bất biến. Vì vậy, đối với quốc vương mà nói, bản thân có cả giang sơn quốc thổ, của cải, vợ con..., chẳng phải cũng giống như là 'tài sản 5 nhà' vậy, cuối cùng cũng sẽ có một ngày bỏ mặc mình đi xa.

Sau khi trải qua một phen trải nghiệm này, quốc vương không chỉ một lòng tu Phật hướng thiện, mà còn bắt đầu coi trọng phẩm hạnh đạo đức của con cái, đồng thời bổ nhiệm các quan đại thần trung thành chính nghĩa đến phụ tá triều chính. Những tài sản mà quốc gia trưng thu cũng không còn dùng để khuếch trương thanh thế, mà được lấy ra để cứu tế nhân dân nghèo khó.

Cũng bởi vì nội tâm của quốc vương thực sự cải biến, xây dựng chính quyền nhân nghĩa yêu dân như con, không đến ba năm sau, quốc thái dân an, đạo tặc tuyệt tích, bách tính áo cơm no ấm, vui vẻ an khang. Và sau khi quốc vương băng hà, người kế nhiệm đời sau cũng kế thừa di phong của quốc vương, chính trị trong sáng, bách tính an cư lạc nghiệp.

Câu chuyện xưa về vị quốc vương kể trên, có lẽ cũng khiến các bậc làm cha mẹ chúng ta không khỏi suy ngẫm. Từ những trải nghiệm sâu sắc của câu chuyện, có lẽ mỗi chúng ta đã ngộ ra rằng nên để lại những gì cho con cháu đời sau.

Lý Tuệ
Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Đừng để lại 'tài sản 5 nhà' cho con cái