Đừng dành những điều tốt nhất đến lúc cuối cùng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có biết bao người dành cả một đời phiêu bạt, một đời lao lực, một đời chờ đợi, một đời ngóng trông chỉ để theo đuổi hạnh phúc. Nhưng cuối cùng vẫn không chờ đợi được hạnh phúc. Rốt cuộc hạnh phúc ở đâu? Ở tương lai chăng? Hay chỉ có ở trong giấc mơ? 

Câu chuyện thứ nhất

Có một bà lão rất tiết kiệm, bà có một hộp táo, mỗi lần bà lại lấy ra một miếng nhỏ để ăn. Bà kiên nhẫn dùng dao cắt bỏ phần hỏng đi, rồi ăn phần còn lại một cách thích thú. Kết quả là những quả táo trong hộp dần dần hỏng từng quả một, bà cụ ăn hết cả hộp táo nhưng chưa ăn được một quá táo nào còn tươi ngon cả.

Câu chuyện thứ hai

Một cô con gái mua một chiếc áo khoác rất đắt tiền tặng mẹ. Người mẹ rất thích chiếc áo này, nhưng vì nó rất đắt tiền nên bà không dám mặc thường xuyên, mà chỉ mặc vào những dịp quan trọng nhất. Mấy năm nay bà này chỉ mặc có ba lần. Đến giờ thì màu sắc và kiểu dáng của chiếc áo đã lỗi thời mất rồi, bà mẹ chỉ biết tiếc nuối mà nói rằng: “Chiếc áo đắt tiền như thế này, mà mới chỉ mặc được ba lần”. Cô con gái bà nói lại với bà rằng: “Ai bảo mẹ phải luôn giữ những thứ tốt chứ, giữ đến cuối cùng cũng chẳng còn giá trị nữa.”

Đừng để dành những thứ tốt nhất cho đến cuối cùng; vì thực phẩm, quần áo, tiền bạc, v.v. sẽ dần mất đi giá trị ban đầu của chúng theo thời gian.

Đừng để dành những thứ tốt nhất cho đến cuối cùng. Bởi vì thời gian sẽ không chờ đợi bạn, đến khi bạn muốn tận hưởng cuộc sống, lúc đó bạn mới thấy không còn hơi sức nào để hưởng thụ nữa.

Đừng để dành những thứ tốt nhất cho đến cuối cùng, vì sự đẹp đẽ không lưu lại mãi. Đừng đợi bạn đến khi bạn lấy chiếc áo đẹp của chính mình ra, thì mới nhận ra rằng bạn đã qua tuổi để mặc nó.

Thế nhưng, trong cuộc sống này, điều chúng ta thường hay làm nhất không phải việc gì khác mà là chờ đợi. Chờ đến khi tôi có tiền, chờ đến khi tôi có thời gian. Chờ đến tương lai, chờ đến sau này, chờ tới chờ lui và chờ mãi... Để rồi những gì còn lại chỉ là tiếc nuối.

Chúng ta cứ luôn chờ, chờ cho đến khi sức khỏe không còn nữa, mới biết chăm sóc bản thân thì cũng đã muộn. Chờ đến khi cơ hội không còn nữa, mới nhận ra rằng mình đã không nỗ lực. Chờ cho đến khi tình cảm không còn nữa, mới nhận ra rằng mình đã không trân trọng nó.

Người làm cha làm mẹ, chúng ta đang chờ
Người làm cha làm mẹ, chúng ta đang chờ. (pixabay)

Người làm cha làm mẹ, chúng ta đang chờ. Chờ khi con cái tốt nghiệp, tôi sẽ yên tâm - chờ khi con tôi có việc làm, tôi sẽ yên tâm - chờ khi các con lập gia đình, tôi sẽ an tâm - chờ khi con cái sinh con rồi, tôi sẽ không còn lo lắng nữa. Chờ cho đến cuối cùng, khi phúc chưa kịp hưởng thụ tuổi già an nhàn, thì thân người này đã không còn nữa rồi.

Sức khỏe không thể chờ đợi, một khi sức khoẻ không còn, mọi thứ bạn có đều trở nên vô nghĩa.

Giáo dục không thể chờ đợi, cũng giống như khi cây con bị cong, sau khi trưởng thành rồi rất khó để uốn nắn lại.

Đạo hiếu không thể chờ đợi, khi cha mẹ không còn nữa, con cái muốn hiếu kính cũng không còn cơ hội nữa.

Tình cảm không thể chờ đợi, một khi người đã đi xa, dẫu muốn trân quý nhưng đã quá muộn rồi.

Điều quý giá nhất chỉ có một lần, cuộc đời này chúng ta chỉ sống một lần, nên hãy sống cho từng khoảnh khắc. Chỉ có một thân thể này, nên hãy nghỉ ngơi thật tốt. Chỉ có một trái tim chân thành, nên hãy trân quý nó.

Vậy tại sao chúng ta vẫn cứ chờ đợi?

Có một câu chuyện kể rằng: Có một thanh niên luôn than phiền về những điều xui xẻo, bất hạnh trong cuộc sống, và suốt ngày cau có buồn phiền về cuộc sống của mình.

Một ngày nọ, một ông già râu tóc bạc trắng đi ngang qua thấy vậy và hỏi: “Này anh, tại sao anh lại buồn phiền khó chịu vậy?”

Người thanh niên than với ông lão rằng: “Ông ơi, không hiểu tại sao con làm việc cực nhọc hoài mà vẫn cứ nghèo như vậy?”

Nghe xong ông lão nói: “Ta cho rằng anh rất giàu có”.

Người thanh niên băn khoăn hỏi: “Ông dựa vào đâu mà nói con giàu có”.

Ông lão không trả lời mà hỏi lại người thanh niên: “Nếu hôm nay, ta bẻ một ngón tay của anh và cho anh 5 triệu, anh có làm không?”

Người thanh niên đáp: “Con sẽ không làm”.

Ông lão hỏi lại: “Nếu anh chặt đứt tay và tôi đưa cho anh 50 triệu, anh có làm không?”

Người thanh niên đáp: “Con không làm”.

Ông lão hỏi tiếp: “Vậy nếu anh ngay lập tức bây giờ trở thành một ông già 80 tuổi và cho anh 5 tỷ, anh có làm không?”

Câu trả lời của người thanh niên vẫn là: “Con không làm”.

Lần này ông lão lại hỏi: “Vậy bây giờ ta lấy đi sinh mệnh của anh và đưa cho anh 50 tỷ, anh có làm không?”

Người thanh niên cương quyết trả lời: “Chắc chắn là con không làm rồi”.

Ông lão vuốt bộ râu bạc phơ cười nói: “Đúng vậy, số tiền của anh bây giờ đã vượt quá 50 tỷ rồi, chẳng phải anh là người giàu có đó sao!”

Ông lão nói xong cười rồi rời đi.

Trong cuộc sống, nhiều người luôn có suy nghĩ hạnh phúc là phải có được những gì mình mong muốn như trong trí tưởng tượng. Khi còn trẻ, còn khỏe, lúc bản thân còn tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết, chúng ta chạy theo những điều mà bản thân tự định nghĩa là hạnh phúc. Nhưng cuộc sống vốn có quy luật vận hành riêng của nó, nên không phải cứ muốn là được. Trái lại, khi mải miết theo dòng xoáy của cuộc đời chúng ta quên mất thực tại, quên đi cả giá trị của chính mình.

Để rồi, khi trải qua những thăng trầm của cuộc sống, khi đôi chân đã mỏi nhừ, khi mất đi điều gì đó, hay thậm chí là khi đạt được điều mà mình truy cầu mới chợt nhận ra: Hạnh phúc chẳng phải kiếm tìm ở đâu xa, không phải ở tương lai mà là hạnh phúc chính là trân trọng những gì ta đang có, hạnh phúc là ở thực tại.

Hãy trân quý mỗi khoảnh khắc thực tại,
Hãy trân quý mỗi khoảnh khắc thực tại.

Đừng tìm hương gió xuân trong mùa thu, đừng tìm ánh trăng mùa thu giữa trời đông, mỗi mùa chúng ta đều hãy tận hưởng cuộc sống. Dù 60 tuổi hay 70 tuổi, chúng ta cũng hãy sống hết mình, hãy trân quý mỗi khoảnh khắc thực tại, nên làm gì thì hãy làm, muốn làm gì thì hãy làm, đừng để điều tốt đẹp nhất đến cuối cùng!

Lam Sơn
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Đừng dành những điều tốt nhất đến lúc cuối cùng