Đức vua Trần Nhân Tông (P.2): Trần Nhân Tông và hai lần đại phá quân Nguyên Mông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo sách binh pháp thì người giỏi cầm quân là người chiến thắng ngay từ khi cuộc chiến chưa bắt đầu và chiến công to lớn phải là chiến công được thực hiện dễ dàng. Trần Nhân Tông và hai lần đánh bại quân Nguyên Mông có thể coi là một ví dụ kinh điển cho loại đại tướng thiên tài nói trên trong binh thư.

Xem lại:
Đức vua Trần Nhân Tông. Bài 1: Những giai thoại về nhân duyên to lớn nơi cửa Phật

Lần xâm lăng thứ nhất của Mông Cổ chỉ mang tính chất ném đá dò đường. Tuy bị nhà Trần đập tan nhưng nguy cơ lớn nhất vẫn còn đó. 30 năm sau, đoàn quân xâm lược cả thủy lẫn bộ khổng lồ của đế quốc Nguyên Mông đang ở thời kỳ đỉnh cao sau khi quật ngã nhà Nam Tống, đã rầm rập tiến vào nước ta với khí thế nghiêng trời lệch đất tưởng không gì có thể chống nổi. Thế nhưng một vị hoàng đế Thiền sư nhân từ vốn dĩ không muốn làm vua đã cùng với đoàn quân nhỏ bé của mình ung dung đánh bại triệt để đoàn quân được mệnh danh “cơn thịnh nộ của Chúa trời” kia.

Chương Dương đoạt giáo giặc, Hàm Tử bắt rợ Hồ

Không chỉ là người tu hành chân chính với tâm từ bi rộng khắp, Nhân Tông còn là một vị minh quân hiếm có trong lịch sử. Ông không những đã điều hành đất nước vững mạnh, đánh tan hai lần xâm lược của đạo quân khủng khiếp nhất thế giới mà còn mở rộng lãnh thổ 2 châu mà không tổn một binh một tốt nào.

Từ nhiều năm trước tuy đất nước thái bình nhưng vua Trần Nhân Tông đã tích cực làm rất nhiều sự chuẩn bị để đối phó với cuộc xâm lăng ngày càng rõ ràng của nhà Nguyên.

“Nhâm Ngọ, [ Thiệu Bảo] năm thứ 4 [1282]. Mùa đông, tháng 10, vua ngự ra Bình Than đóng ở vũng Trần Xá họp vương hầu và trăm quan, bàn kế sách công thủ và chia nhau đóng giữ những nơi hiểm yếu.

Quý Mùi, [ Thiệu Bảo] năm thứ 5 [1283]. Mùa đông, tháng 10, vua thân hành dẫn các vương hầu điều quân thủy bộ tập trận. Tiến phong Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn làm Quốc công tiết chế, thống lĩnh quân đội toàn quốc, sai chọn các quân hiệu có tài chỉ huy, chia đi nắm giữ các đơn vị.

Giáp Thân, [Thiệu Bảo] năm thứ 6 [1284] Mùa thu, tháng 8, Hưng Đạo Vương điều các quân của vương hầu, duyệt binh lớn ở Đông Bộ Đầu, chia các quân đóng giữ Bình Than và những nơi xung yếu khác.” (Đại Việt sử ký toàn thư)

Quan trọng hơn cả những chuẩn bị đó, là sự đoàn kết của lòng dân hoàn toàn đứng về phía triều đình, thể hiện ý chí của mình qua hội nghị Diên Hồng lịch sử.

“Tháng 12, Trần Phủ từ Nguyên trở về, tâu rằng vua Nguyên sai bọn thái tử Trấn Nam Vương Thoát Hoan, Bình Chương A Lạt và A Lý Hải Nha đem quân lấy cớ mượn đường đi đánh Chiêm Thành, chia đường vào cướp nước ta.

Thượng hoàng triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão điều nói "đánh", muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng”. (Đại Việt sử ký toàn thư)

Năm 1285 cuối cùng nhà Nguyên đã quyết định xâm lấn Đại Việt bằng một cuộc cường công cả hai mặt thủy bộ, sau nhiều năm uy hiếp bằng ngoại giao không hiệu quả. Trước thế mạnh của giặc, quân ta đành phải vừa đánh vừa lui.

“Ngày 26, giặc đánh vào các ải Vĩnh Châu, Nội Bàng, Thiết Lược, Chi Lăng, Quan quân đánh bất lợi lui về đóng ở bến Vạn Kiếp.” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Tuy thất lợi trước thế giặc mạnh, nhưng Trần Nhân Tông với trí huệ của một người chân tu vẫn luôn bình thản chỉ huy toàn quân ứng phó.

“Hưng Đạo Vương vâng mệnh điều quân dân các lộ Hải Đông, Vân Trà, Ba Điểm, chọn những người dũng cảm làm tiền phong, vượt biển vào Nam, thế quân lên dần. Các quân thấy vậy, không đạo quân nào mà không tới tập hợp. Vua làm thơ đề ở đuôi thuyền rằng:

Cối Kê cựu sự quân tu ký,
Hoan Diễn do tồn thập vạn binh.
(Cối Kê chuyện cũ người nên nhớ,
Hoan Diễn còn kia chục vạn quân”)
(Đại Việt sử ký toàn thư)

Chưa hết mối lo trên bộ, thì cánh quân mấy chục vạn thủy bộ từ biển đánh từ Chăm Pa lên do danh tướng lừng danh thế giới Toa Đô (Sogetsu) với dự tính sẽ san phẳng nước ta bằng thế gọng kìm.

“Nguyên soái Toa Đô đem 50 vạn quân từ Vân Nam qua nước Lão Qua, thẳng đến Chiêm Thành, hội với quân Nguyên ở Châu Ô Lý rôi cướp châu Hoan, châu Ái, tiến đóng ở Tây Kết, hẹn trong ba năm sẽ san phẳng nước ta”. (Đại Việt sử ký toàn thư)

Trong binh pháp có câu “kiêu binh tất bại”, quân Nguyên Mông tuy không phải kiêu binh, nhưng họ đã có phần đánh giá thấp quân đội nhà Trần. Họ không ngờ rằng nhà Trần vốn kế thừa nền tảng quân đội tinh nhuệ từng phá Tống bình Chiêm của nhà Lý, giờ đây được lãnh đạo bởi hàng loạt danh tướng đẳng cấp đương thời thì không phải là một đối thủ dễ ăn như các quốc gia khác từng bại dưới tay Toa Đô.

“Vua bàn với bầy tôi rằng: "Bọn giặc nhiều năm phải đi xa, lương thảo chuyên chở hàng vạn dặm, thế tất mỏi mệt. Lấy nhàn chống mệt, trước hết hãy làm chúng nhụt chí, thì ắt là đánh bại được chúng".

Mùa hạ, tháng 4, vua sai bọn Chiêu Thành Vương (khuyết danh), Hoài Văn hầu Quốc Toản, tướng quân Nguyễn Khoái đem tiệp binh đón đánh giặc ở bến Tây Kết”.
(Đại Việt sử ký toàn thư)

Các danh tướng Đại Việt dưới sự chỉ huy của Nhân Tông đã liên tiếp giáng những đòn nặng nề vào quân Nguyên Mông.

Đầu tiên là trận Hàm Tử Quan nổi tiếng, đúng thật là “cầm Hồ Hàm Tử Quan” với Chiêu Văn Vương ghi công lớn cùng đạo quân Tống lừng danh của ông.

“Quan quân giao chiến với quân Nguyên ở Hàm Tử Quan. Các quân đều có mặt. Riêng quân của Chiêu Văn Vương Nhật Duật có cả người Tống, mặc quần áo Tống, cầm cung tên chiến đấu. Thượng hoàng sợ các quân có thể không phân biệt được, sai người dụ rằng: "Đó là quân Thát của Chiêu Văn đấy, phải nhận kỹ chúng". Vì người Tống và người Thát, tiếng nói và y phục giống nhau. Quân Nguyên trông thấy [quân Tống] đều rất kinh hãi, bảo nhau là người Tống sang giúp, vì thế thua chạy. Trước kia, nhà Tống mất, nhiều người Tống theo ta, Nhật Duật thu nạp họ, có Triệu Trung làm gia tướng. Cho nên chiến công đánh bại giặc Nguyên, Nhật Duật lập được nhiều hơn cả.

Tháng 5, ngày mồng 3, hai vua đánh bại giặc ở phủ Trường Yên, chém đầu cắt tai giặc nhiều không kể xiết” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Tiếp đến là chiến thắng Chương Dương, “đoạt sáo Chương Dương độ”, đuổi quân giặc ra khỏi thành Thăng Long do danh tướng Trần Quang Khải chỉ huy Thánh Dực quân tiến đánh.

“Ngày mồng 7, thám tử báo tin: Toa Đô từ Thanh Hoá tới.
Ngày mồng 10, có người từ chỗ giặc trốn về đến ngự doanh tâu báo:
Thượng tướng Quang Khải, Hoài Văn Hầu Quốc Toản và Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp cùng em là Nguyễn Truyền đem dân binh các lộ đánh bại quân giặc ở các xứ Kinh Thành, Chương Dương. Quân giặc tan vỡ lớn. Bọn thái tử Thoát Hoan, Bình chương A Lạt rút chạy qua sông Lô.” (Đại Việt sử ký toàn thư)

Hai tướng giặc khét tiếng là Ô Mã Nhi (Omar) và Toa Đô (Sogetsu) từng lừng danh với các chiến công hiển hách trên thế giới nhưng nay lại phải đền tội cho sự tàn ác của chúng nơi đất Việt này, quả thật là thiện ác hữu báo. Quân Nguyên Mông năm mươi vạn tan tác rút chạy về Trung Quốc.

“Ngày 17, Toa Đô và Ô Mã Nhi lại từ biển đánh vào sông Thiên Mạc, muốn hội quân ở Kinh sư, để chi viện cho nhau.
Ngày 20, hai vua tiến đóng ở Đại Mang Bộ. Tổng quản giặc Nguyên là Trương Hiển đầu hàng. Hôm đó, ta đánh bại giặc ở Tây Kết, giết và làm bị thương rất nhiều, chém đầu Nguyên Soái Toa Đô.
Nửa đêm Ô Mã Nhi trốn qua cửa sông Thanh Hoá, hai vua đuổi theo nhưng không kịp bắt được hơn 5 vạn dư đảng giặc đem về, Ô Mã Nhi chỉ còn một chiếc thuyền vượt biển trốn thoát.
Hưng Đạo Vương lại giao chiến với Thoát Hoan và Lý Hằng ở Vạn Kiếp, đánh bại được, giặc chết đuối rất nhiều. Lý Hằng đem quân hộ vệ Thoát Hoan chạy về Tư Minh. Quân ta lấy tên tẩm thuốc độc bắn trúng đầu gối bên trái của Hằng, Hằng chết. Tỳ tướng Lý Quán thu nhặt 5 vạn quân còn lại, giấu Thoát Hoan vào một đồ đồng, chạy trốn về Bắc. Đến Tư Minh, Hưng Vũ Vương đuổi kịp, dùng tên tẩm thuốc độc bắn trúng Lý Quán, Quán chết. Quân Nguyên tan vỡ lớn.”
(Đại Việt sử ký toàn thư)

Nhà Nguyên thua càng đau thì lại càng điên cuồng vì đế quốc Nguyên Mông đang thời đỉnh cao vừa mới quật nhào nhà Tống hùng mạnh mà nay lại thất bại thảm hại tại vùng đất phương Nam nhỏ bé xa xôi. Do đó vua Nguyên ngay từ năm 1286 (1 năm sau thất bại lần trước) đã bắt đầu chiến dịch xâm lược lần nữa.

“Bính Tuất, Trùng Hưng năm thứ 2 [1286] Tháng 3, vua Nguyên sắc phong cho Thượng thư tỉnh Áo Lỗ Xích, Bình Chương sự Ô Mã Nhi,
Đại tướng Trương Văn Hổ điều 50 vạn quân, hạ lệnh Hồ Quảng đóng 300 chiếc thuyền biển, hẹn tháng 8 hội cả ở Khâm Châu, Liêm Châu. Lại ra lệnh quân ba hành tỉnh Giang Chiết, Hồ Quảng, Giang Tây xâm lược phương Nam, mượn cớ đưa người đầu hàng là Trần Ích Tắc về nước lập làm An Nam Quốc Vương.”
Đinh Hợi, Trùng Hưng năm thứ 3 [1287]
Nhà Nguyên phát Quân Mông Cổ, quân Hán Nam, 3 hành Tỉnh Giang Hoài, Giang Tây, Hồ Quảng, lính Vân Nam, lính người Lê ở 4 châu ngoài biển, chia đường vào cướp. Sai bọn vạn hộ Trương Văn Hổ đi đường biển, chở 70 vạn thạch lương, theo sau. Lại đặt Chinh Giao Chỉ hành thượng thư tỉnh do Bình chương sự Áo Lỗ Xích, các Tham tri chính sự Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp thống lĩnh và chịu tiết chế của Trần Nam Vương". (Đại Việt sử ký toàn thư)

Bạch Đằng đại thắng, bởi Đại Vương coi thế giặc nhàn

Tuy nhiên nhà Trần vốn đã 2 lần đánh thắng cường địch, lại không đánh giá cao đoàn quân xâm lược quyết tâm báo thù kỳ này. Than ôi, một đất nước nhỏ bé ấy mà hai lần đánh bại đoàn quân xâm lược khổng lồ mạnh nhất thế giới, đến lần thứ ba còn bình thản đánh giá là “năm nay đánh giặc nhàn”, khí phách hào hùng ấy thực chỉ có thể thấy được dưới thời Trần Nhân Tông, quả là duy nhất trong lịch sử vậy. Đáng kính thay.

“Mùa đông, tháng 10, kiểm duyệt, diễn tập quân lính điều động được.
Đinh Hợi, Trùng Hưng năm thứ 3 [1287],
Vua hỏi Hưng Đạo Vương:"Giặc tới, liệu tình hình thế nào".
Vương trả lời: "Năm nay đánh giặc nhàn”.
(Đại Việt sử ký toàn thư)

Đối phó với đoàn quân như hổ như sói kia, vậy mà chính sách của triều đình nhà Trần vẫn nhất quán và đầy tự tin vào năng lực và sự chuẩn bị của mình, thậm chí không hề cần phải bắt thêm lính.

Bính Tuất, Trùng Hưng năm thứ 2 [1286] Mùa hạ, tháng 6, lệnh cho vương hầu, tôn thất mộ binh, thống lĩnh thuộc hạ của mình. Vua lệnh cho Hưng Đạo Vương đốc thúc vương hầu tôn thất điều động quân lính, chế tạo vũ khí, thuyền bè.
Quan chấp chính xin bọn tráng đinh sung quân để tăng quân số lên nhiều. Trần Hưng Đạo nói :"Quân quý ở tinh nhuệ, không quý ở số đông. Dẫu đến 100 vạn quân mà như Bồ Kiên thì cũng làm gì được?" (Đại Việt sử ký toàn thư)

Đúng như lời Hưng Đạo Vương dự liệu, quân giặc lần này khá dễ phá. Bước ngoặt của cuộc chiến đã sớm diễn ra khi Nhân Huệ Vương Khánh Dư mai phục thành công đánh tan đoàn thuyền lương Trương Văn Hổ. Một đạo cô quân vào đất địch mà không có lương lại không có tiếp viện thì kết quả chỉ có bị tiêu diệt mà thôi.
“Khi ấy, thủy quân Nguyên đánh vào Vân Đồn, Hưng Đạo Vương giao hết công việc biên thùy cho Phó tướng Vân Đồn là Nhân Huệ Vương Khánh Dư. Khánh Dư đánh thất lợi thượng hoàng được tin, sai trung sứ xiềng Khánh Dư giải về kinh. Khánh Dư nói với trung sứ:
"Lấy quân pháp mà xử, tôi cam chịu tội, nhưng xin khất hai, ba ngày, để mưu lập công rồi về chịu tội búa rìu cũng chưa muộn".
Trung sứ theo lời xin đó.
Khánh Dư liệu biết quân giặc đã qua, thuyền vận tải tất theo sau, nên thu thập tàn binh đợi chúng. Chẳng bao lâu thuyền vận tải quả nhiên đến, [Khánh Dư] đánh bại chúng, bắt được quân lương khí giới của giặc nhiều không kể xiết, tù binh cũng rất nhiều. Lập tức sai chạy ngựa mang thư về báo.
Thượng hoàng tha cho tội trước không hỏi đến và nói:
"Chỗ trông cậy của quân Nguyên là lương thảo khí giới, nay đã bị ta bắt được, sợ nó chưa biết, có thể còn hung hăng chăng?".
Bèn tha những tên bị bắt về doanh trại quân Nguyên để báo tin. Quân Nguyên quả nhiên rút lui. Cho nên, năm này, vết thương không thảm như năm trước, Khánh Dư có phần công lao trong đó.” (Đại Việt sử ký toàn thư)

Sau khi bị đoạt mất quân lương, số phận quân Nguyên coi như đã định sẵn thất bại. Quân nhà Trần dưới sự chỉ huy của hai vua và Trần Hưng Đạo đã làm nên một chiến công vĩ đại bậc nhất trong sử Việt - chiến thắng Bạch Đằng. Lần này không những đánh sập toàn bộ cuộc xâm lược và ý chí xâm lược của nhà Nguyên mà còn bắt sống cả tướng chỉ huy khét tiếng khát máu của giặc là Ô Mã Nhi (Omar) và bộ chỉ huy cùng nhiều quan chức cao cấp.
“Mậu Tý, [Trùng Hưng] năm thứ 4 [1288]. Mùa xuân, tháng giêng, Ô Mã Nhi đánh vào phủ Long Hưng.
Ngày mồng 8, quan quân hội chiến ngoài biển Đại Bàng, bắt được 300 chiếc thuyền giặc, 10 thủ cấp giặc, quân Nguyên bị chết đuối rất nhiều.
Tháng 2, ngày 29, Ô Mã Nhi đánh vào trại Yên Hưng.
Tháng 3, ngày mồng 8, quân Nguyên hội ở sông Bạch Đằng để đón thuyền lương của bọn Trương Văn Hổ nhưng không gặp. Hưng Đạo Vương đánh bại chúng.
Trước đó, Vương đã đóng cọc ở sông Bạch Đằng, phủ cỏ lên trên. Hôm ấy, nhân lúc nước triều lên, Vương cho quân khiêu chiến rồi giả cách thua chạy, bọn giặc đuổi theo, quân ta cố sức đánh lại.
Nước triều xuống, thuyền giặc vướng cọc hết. Nguyễn Khoái chỉ huy quân Thánh dực dũng nghĩa đánh nhau với giặc, bắt sống Bình chương Áo Lỗ Xích. Hai vua đem quân tiếp đến, tung quân đánh lớn, quân Nguyên chết đuối nhiều không kể xiết, nước sông do vậy đỏ ngầu cả. Đến khi Văn Hổ tới quân mai phục hai bên bờ hăng hái xông ra đánh, lại đánh bại chúng. Nước triều rút nhanh, thuyền lương của Văn Hổ mắc trên cọc, nghiêng đắm gần hết. Quân Nguyên chết đuối rất nhiều. Bắt được 400 chiếc thuyền. Nội Minh tự Đỗ Hành bắt được Ô Mã Nhi và Tích Lê Cơ Ngọc dâng lên thượng hoàng. Thượng hoàng sai dẫn lên thuyền ngự, cùng ngồi nói chuyện với chúng và uống rượu vui vẻ.
Ngày 17, đem các tướng giặc bị bắt là Tích Lệ Cơ Ngọc, Nguyên soái Ô Mã Nhi, Tham chính Sầm Đoàn, Phàn Tiếp, Nguyên soái Điền, các Vạn hộ, Thiên hộ làm lễ dâng thắng trận ở Chiêu Lăng”. (Đại Việt sử ký toàn thư)

Lời bàn:

Theo sách binh pháp thì người giỏi cầm quân là người chiến thắng ngay từ khi cuộc chiến chưa bắt đầu và chiến công to lớn phải là chiến công được thực hiện dễ dàng. Trần Nhân Tông và hai lần đánh bại quân Nguyên Mông có thể coi là một ví dụ kinh điển cho loại đại tướng thiên tài nói trên trong binh thư. Câu nói đầy tự tin khi dẫn quân về Nghệ An và lời nhận xét “năm nay đánh giặc nhàn” của Hưng Đạo Vương sẽ vĩnh viễn được lưu truyền trong lịch sử quân sự vinh quang của dân tộc ta. Quả thật là chỉ khi “tâm tĩnh” thì “trí huệ sinh”, có lẽ các vị tướng cầm quân đều nên tu tập Thiền định thì mới đạt đến trình độ đỉnh cao như vua Trần vậy.

Minh Bảo



BÀI CHỌN LỌC

Đức vua Trần Nhân Tông (P.2): Trần Nhân Tông và hai lần đại phá quân Nguyên Mông