Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Phần 11): Giáo hóa nơi Vương Thành, nhiều chúng sinh đệ tử [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phật thấy thiện căn của chúng nhân đã chín muồi, liền bắt đầu thuyết Pháp. Vương cùng Thế Tôn nghị luận nhiều lần xong, Bình Sa Vương cùng vài vạn thần dân đều khai Pháp nhãn, đắc Tu Đà Hoàn sơ quả. Thế là Quốc vương hành lễ bái lạy, tỏ lòng hối tiếc vì ngày ấy đã nông nổi dùng vinh hoa tài vật, cản trở Thái tử xuất gia, nguyện cúng dường đồ ăn, y phục cả đời cho Phật và chư Tăng.

(Xem lại: Phần 1; Phần 2; Phần 3; Phần 4; Phần 5; Phần 6; Phần 7; Phần 8; Phần 9; Phần 10; )

Đại Hùng Thế Tôn lại độ hơn nghìn người ngoại Đạo thờ Thần lửa, nhớ lại hẹn xưa với Bình Sa Vương, đến thành Vương Xá để cứu độ thần dân ở đó. Vị Ca Diếp nơi đây tuổi cao đức trọng, được quốc vương, đại thần, dân chúng, tất cả đều tôn sùng và tín phụng. Bình Sa Vương lấy một thôn nhỏ, cung phụng làm thực ấp, sau có người báo, nói là Ca Diếp và đệ tử đều trở thành đồ đệ của người thanh niên trẻ Cù Đàm Sa Môn (họ Cù Đàm trong nhà Phật - nguyên trước nhà Phật lấy họ là Cù Đàm, tiếng Phạn là Gautama, sau mới đổi là họ Thích).

Quốc vương nghe tin, rất đỗi lạ lùng, hầu hết quan viên dân chúng đều cho là kỳ quái, còn cho đó là tin sai, có chăng là vị thanh niên đó làm đệ tử của Ca Diếp. Đợi đến lúc Ca Diếp sai người báo Quốc vương, nói đã theo giáo hóa của Phật, bảo Quốc vương nghênh đón cúng dường, thì mọi người mới tin là Ca Diếp đã thực sự là đệ tử của Phật.

Thế là Bình Sa Vương dẫn đầu thần dân, chỉnh trang đạo lộ, nghi thức long trọng, nghìn xe vạn mã hướng đến khu rừng thỉnh mời Thế Tôn. Từ xa thấy Phật ngồi dưới gốc cây lớn, tán rộng che phủ, hào quang sáng ngời, nghìn người vây quanh. Quốc vương bất giác sinh lòng kính ngưỡng. Từ xa, Quốc vương cho lui thuộc hạ, tháo trang sức, khom mình bước nhẹ đến trước Phật, lễ bái vấn an, ngồi lùi sang bên. Thế là Ca Diếp dùng kệ tán dương Phật, thể hiện thần biến, nói với chúng nhân: “Ta từ lúc theo học Phật, mới thực sự đắc Đạo, thực sự vĩnh viễn đoạn trừ sinh tử phiền não, mà đắc chân thực an tĩnh".

"Chư vị! trên thế gian này, sinh tử khổ hoạn bức bách người ta thật ghê gớm, chỉ có nhanh nhanh theo Phật tu học thì mới thoát được bể khổ của sinh tử phiền não, đến bờ bên kia của Niết Bàn (nơi không sinh không diệt) an lạc!”.

Đại chúng nghe xong, càng thêm kính ngưỡng.

Phật thấy thiện căn của chúng nhân đã chín muồi, liền bắt đầu thuyết Pháp. Quốc vương cùng Thế Tôn nghị luận nhiều lần xong, Bình Sa Vương cùng vài vạn thần dân đều khai Pháp nhãn, đắc Tu Đà Hoàn sơ quả. Thế là Quốc vương hành lễ bái lạy, tỏ lòng hối tiếc vì ngày ấy đã nông nổi dùng vinh hoa tài vật, cản trở Thái tử xuất gia, nguyện cúng dường đồ ăn, y phục cả đời cho Phật và chư Tăng.

Phật vui lòng khen ngợi ông, Bình Sa vương trở thành vị đế vương hộ Pháp đầu tiên. Sau khi hồi cung, ông dặn dò Hoàng hậu và tất cả nữ nhân trong, ngoài cung, thực hiện sáu điều trai giới trong ba tháng.

Lúc này, ở nước Ma Kiệt Đà có một phú ông tên Ca Lăng, ở cách thành không xa, ông có một vườn trúc, thanh tĩnh rộng rãi, cảnh vật diễm lệ, xanh tốt quanh năm, còn được gọi là “Hàn Lâm”, ông lấy khu vườn cúng phụng Thế Tôn, Phật và Tăng chúng chuyển đến ở, nên gọi là Trúc Viên Ca Lăng.

Bình Sa Vương biết tin, liền cho xây dựng Tinh Xá to đẹp trong Trúc Viên, điện các nguy nga, phòng ốc liên tiếp, cờ phướn tung bay, tráng lệ vô cùng, mời Phật và chư Tăng an cư thuyết Pháp. Thật xứng là Tinh Xá Trúc Lâm, đây là “Tăng Già Lam (cũng là Tinh Xá)” đầu tiên, cũng là ngôi chùa đầu tiên của Tăng chúng.

Lúc đó, trong Vương Xá thành có hai người Bà la Môn (là người ngoại Đạo, cũng tu Tịnh Hạnh), một người tên Xá Lợi Phất, một người tên Mục Kiền Liên, đều học rộng tài cao, trí huệ hùng biện hơn người, mỗi người có cả trăm đệ tử, rất được người địa phương tôn trọng. Họ là bạn thân, kính trọng lẫn nhau, có ước hẹn: “Nếu ai gặp được Đạo trước, phải lập tức nói cho người kia, tuyệt không giấu giếm một mình.”

Vào một ngày, Tỳ Kheo tên A Xá Bà Kỳ, đệ tử của Đức Phật, vào thôn trang khất thực, thân khoác cà sa, tay cầm bát sắt, bước chậm rãi an nhiên, uy nghi cung kính. Nửa đường thì gặp Xá Lợi Phất. Xá Lợi Phất hỏi: “Tôi thấy ông như người mới xuất gia thôi, sao trông uy nghi trấn tĩnh, khả kính tự tại! Xin hỏi, sư phụ của ông là ai? Giảng Pháp gì? Ông có thể nói cho tôi biết được không?”

A Xá Bà Kỳ ung dung đáp: “Bổn sư của tôi là Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn. Ngài từ bi, phúc đức, trí huệ, thần thông, không ai có thể so sánh, tôi tuổi còn non, học Đạo nông cạn, sao dám nói thuyết về Phật Pháp huyền diệu? Nay có chút ít sở học, sơ lược nói với ông!”

Nói rồi, A Xá Bà Kỳ đọc bốn câu kệ: “Nhất thiết chư Pháp bản. Nhân duyên sinh vô chủ. Nhược năng giải thử giả. Tắc đắc chân thực Đạo”

Tạm dịch: “Tất cả cội nguồn của Pháp, đều do nhân duyên sinh ra, nếu có thể hiểu được điều này, chính là đắc được Đạo chân thực.”

Lúc đó, thiện căn của Xá Lợi Phất đã đủ độ chín, liền lập tức khai ngộ, thành Tu Đà Hoàn. Thế là bái biệt tỳ kheo, về báo cho Mục Kiền Liên, Mục Kiền Liên nghe xong kệ, cũng khai ngộ chứng sơ quả. Hai người hết sức vui mừng, mang trăm đệ tử cùng đến trước Phật, thỉnh cầu xuất gia.

Phật làm lễ xuống tóc cho họ, giảng Tứ Thánh Đế Pháp, hai vị cùng các đệ tử đều đắc A La Hán quả vị.

Phật nói với các đệ tử: “Xá Lợi Phất trí huệ đệ nhất, Mục Kiền Liên thần thông đệ nhất, là hai đệ tử đứng đầu trong đại chúng.”

Vậy là đã có một nghìn hai trăm năm mươi đệ tử A La Hán .

Nước Thâu La Quyết Xoa, có một vị Bà La Môn học thức cao rộng, tên gọi Ca Diếp, mang 32 tướng quý trên người, gia tài giàu có, thích bố thí hành thiện. Ông có người vợ đẹp như hoa như ngọc, nhưng ông không ham sắc dục, chỉ muốn thanh tĩnh, một lòng cầu Đạo. Sau nghe được tin Thích Ca Mâu Ni Phật xuất thế, đang ở Tinh xá Trúc Lâm thuyết Pháp.

Ca Diếp vui mừng tột độ, vội tới nước Ma Kiệt Đà. Thế Tôn sớm biết người này sẽ đến, do Ca Diếp là người đại căn khí, nên Thế Tôn tự thân ra đón, gặp Ca Diếp tại Đa Tử Đâu Bà. Ca Diếp quy y nghe Pháp, rồi cùng Phật về Trúc Viên, theo học giáo hóa. Trong đệ tử của Phật, người tên Ca Diếp rất nhiều, nên ông được gọi là Đại Ca Diếp.

(Còn tiếp)

Thái Bình
Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Phần 11): Giáo hóa nơi Vương Thành, nhiều chúng sinh đệ tử [Radio]