Đức Phật dạy cách giải thoát khỏi nỗi đau mất người thân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người ta nói con người sống đều là vì cái tình này: tình cảm gia đình, tình bạn bè, tình cảm nam nữ... Khi tuổi già mất con thì sẽ đau xót như thế nào? Tại sao khi ly hôn người ta lại đau buồn không muốn sống? Những sự tình như thế này, ta thường có thể nghe thấy rất nhiều. Vậy thời xa xưa khi Đức Phật Thích Ca truyền Pháp, người tu luyện thời đó nên đối đãi với cái tình như thế nào? Phật dạy họ gì? Con người phải làm thế nào để thoát khỏi sự quấy nhiễu của tình?

Tương truyền rằng sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đến Xá Vệ quốc để thuyết Pháp và giáo hóa cho dân chúng, người dân trong thành đều trở thành những người đạo đức, lễ phép, yêu thương, giúp đỡ và sống hòa thuận với nhau. Vì thế Xá Vệ quốc trở thành vùng đất hạnh phúc.

Khi tin này truyền đến các nước, có một người ngoại đạo ở La Việt Chi quốc xa xôi, nảy sinh lòng ngưỡng mộ uy đức của Đức Phật, nên đã vứt bỏ khổ hạnh, không quản ngại gian khổ đường xa đến Xá Vệ quốc với mong muốn bái kiến Đức Phật và thỉnh cầu được chỉ dẫn. Nhưng trước khi gặp Đức Phật, người này đã gặp phải một sự việc khó giải thích.

Thì ra Xá Vệ quốc là nơi nhiệt đới có rất nhiều rắn độc, nếu bị rắn độc cắn thì sẽ chết ngay, chính vì vậy, ở nơi này, rất nhiều người bị rắn độc cắn chết. Khi người ngoại đạo tới phía ngoài thành phố, thấy hai cha con đang làm ruộng, bỗng một con rắn độc lao ra khỏi bụi cỏ, cắn người con, không bao lâu độc phát tác và người con chết. Nhưng người cha vẫn làm việc như bình thường, và cái chết của con trai dường như không có ảnh hưởng lớn đến ông.

Thấy lạ, người này tiến tới hỏi người cha: “Người thanh niên bị rắn cắn là ai?”

“Con tôi” ông lão đáp.

“Vốn là con của ông, tại sao cậu ấy bị rắn cắn chết mà ông không có chút nào đau khổ mà vẫn còn có thể tiếp tục làm việc, cậu ấy không phải con đẻ của ông sao?

“Có gì phải bi thương đâu. Đời người đều sẽ phải chết. Sự hưng thịnh, suy vong của sự vật đều có quy luật riêng của nó, người cũng đã chết rồi, nếu con ta có nhân thiện thì sẽ có được báo đáp tốt đẹp, nếu nhân ác của nó chín muồi thì ác báo sẽ thể hiện ngay, ta đau khổ khóc lóc liệu có gì tốt cho người đã mất?” Ông lão nói đến đây, thấy người ngoại đạo đang kinh ngạc, sững sờ, ông liền hỏi anh ta: “Anh đi vào thành sao? Tiện đường tôi có thể nhờ anh một việc được không?”

Người này hỏi ông lão cần nhờ việc gì, ông nói tiếp: “Sau khi vào thành phố, anh rẽ phải và khi đi ngang qua nhà thứ hai, anh hãy nói với người nhà tôi rằng khi buổi trưa mang cơm thì chỉ mang cho tôi một suất cơm là được, nói với bà ấy rằng con trai đã bị rắn cắn chết rồi.”

Người ngoại đạo cảm thấy vô cùng kỳ quái, tự nhủ: tại sao ông lão này một chút thiện tâm và nhân từ cũng không có, con trai chết ở đây, đã không đau buồn thì thôi lại còn không quên bữa trưa của mình, trên đời sao lại có người cha lạnh lùng đến như thế!

Người này đi tiếp vào thành phố, rẽ vào ngõ rồi tìm đến nhà người nông dân già và nói với vợ ông: “Con trai bà bị rắn độc cắn chết. Chồng bà nhờ tôi nhắn tin cho bà rằng buổi trưa chỉ cần mang suất cơm cho một người là được rồi.”

Bà lão nghe xong chỉ nói lời cảm ơn, nhưng bà cũng không đau buồn. Người ngoại đạo lấy làm lạ hỏi: “Bà lão, lẽ nào bà không thương xót trước cái chết thảm của con trai bà sao?”

Bà lão đáp lại một cách bình thản: “Người con trai này thác sinh vào nhà tôi, không phải là tôi mời chào, mà tự đến, giờ nó đi rồi, tôi không thể giữ nó lại được. Cũng giống như một người khách ở lại quán trọ qua đêm, ban đêm đi qua quán trọ dừng chân nghỉ lại, đến rạng sáng thì rời đi, không ai giữ lại được. Thật ra cũng không cần giữ lại. Giữa mẹ con chúng tôi cũng là như vậy, con trai đến rồi đi tùy theo nghiệp duyên, tôi cũng không cách nào bảo vệ được.”

Nghe những lời này xong, tâm tư người ngoại đạo thầm nghĩ đây quả thực là một cặp vợ chồng lạnh lùng, vừa hồ đồ vừa không có tình người.

Lúc này, một người phụ nữ bước ra khỏi căn phòng, cô là chị của người quá cố. Người ngoại đạo ân cần hỏi han: “Em trai cô mất rồi, cô có buồn không?”

“Cậu ấy chết rồi, sao tôi phải buồn? Chúng tôi giống như những mảnh gỗ kết thành bè lớn, chèo thuyền trong nước, gặp bão lớn thì bè gỗ bị tách ra, các mảnh gỗ cũng trôi theo dòng nước, và các mảnh gỗ cũng không thể buộc vào nhau mãi mãi được. Chúng tôi trở thành chị em ruột là do duyên số. Chúng tôi sống trong cùng một gia đình, nhưng thọ mệnh mỗi người dài ngắn khác nhau. Sinh tử không có thời gian quy định, cậu ấy nếu đã đi trước thì tôi làm chị cũng nào có khả năng cứu được?”

Cô chị vừa dứt lời thì một người phụ nữ khác bên cạnh nói: “Ôi, chồng chết rồi”.

Lúc này, người ngoại đạo vô cùng lúng túng không hiểu chuyện gì, bèn hỏi người phụ nữ: “Chồng của cô đã chết, vậy cứ như không có chuyện gì, không một chút phiền muộn sao? Thật sự là như không có chuyện gì sao?”

Vợ của người quá cố bình thản nói: “Tình nghĩa vợ chồng như chim trời, đêm tới dừng lại ở cùng với nhau, lúc rạng đông thì con nào con nấy rời tổ kiếm ăn. Mỗi người đều có số phận riêng. Một khi chim bay đi không thể quay lại, đó là vận mệnh của nó. Tôi không thể thay thế anh ấy cũng như gánh nghiệp cho anh ấy, giống như những người khách gặp trên đường đi. Sau khi gặp nhau thì ai nấy đều phải đi con đường riêng của mình.”

Nghe những người trong gia đình này nói, người ngoại đạo trong tâm vô cùng tức giận, thậm chí còn hối hận vì phí công đi sai đường, vốn dĩ nghe nói người dân Xá Vệ Quốc có hiếu đạo nhất, nên đã bỏ tà quy chính tới đây tìm kiếm chân lý, ai ngờ lại đều là những người không có đạo lý, không nhân từ như thế này. Tuy nhiên, người này vẫn muốn gặp Đức Phật bởi trở về tay không thì thật đáng tiếc. Vì vậy, anh ta đến Kỳ Viên Tịnh Xá và thỉnh cầu được gặp Đức Phật.

Vì vậy, anh ta đến Kỳ Viên Tịnh Xá và thỉnh cầu được gặp Đức Phật
Vì vậy, anh ta đến Kỳ Viên Tịnh Xá và thỉnh cầu được gặp Đức Phật. (Wikipedia)

Trong lòng người này mang đầy nghi vấn, sau khi gặp Phật thì ngồi im lặng và cúi đầu, cũng không mở miệng hỏi. Thực ra, Đức Phật đã hiểu rõ tâm ý của anh ta, nên Ngài cố ý hỏi: “Điều gì khiến con buồn như vậy?”

“Bởi vì hy vọng không được như nguyện ý, những chuyện gặp phải không như con nghĩ nên mới ưu sầu”, người ngoại đạo trả lời.

“Có chuyện buồn phiền không thể giải quyết gì làm con thất vọng, con hãy nói ra”, Đức Phật từ bi nói với anh ta.

“Con từ phương xa đến đây vì nghe danh tiếng và sùng bái Xá Vệ Quốc được Đức Phật giáo hóa, người dân đều tuân theo Pháp mà thi hành. Ngờ đâu, ngay khi con vừa đặt chân đến đây, đã gặp phải biết bao chuyện không có nhân tính…” Người ngoại đạo kể với Đức Phật về chuyện mình gặp lão nông, con trai và người nhà của ông lão. Người này cho rằng việc này đại nghịch bất đạo, không có tình người, không nói tới từ bi. Ở đất nước của Đức Phật không nên xảy ra chuyện này.

Nhưng Đức Phật đã mỉm cười và giảng cho anh ta: “Lời nói không phải là nói như vậy, những gì con muốn thấy và nghe là những chuyện mang nhân tính và tình người. Nhưng Pháp lý không thể thuận theo nhân tính, tình người. Tinh lọc nhân tính, phù hợp với chân lý, đó mới chính là tu hành quan trọng nhất. Những người trong gia đình mà con gặp đó, về đạo lý, họ không hề sai. Họ có thể biết được nhân sinh vô thường, con người không thể giữ mãi cái thân thể và mạng sống này. Từ ngàn xưa đến nay, tất cả từ vua dân đều như thế. Một người chết đi, mọi người đều khóc lóc đau khổ vì anh ta, liệu có ích gì đối với người đã chết? Huống hồ, khi con người sống thì cũng nhất định có chết. Sinh hỉ tử bi, đó là chỗ mê muội của thế tục đối với sinh tử, vì thế trong vòng tuần hoàn của sinh tử, cũng mãi mãi không có lúc nào dừng lại.”

Sau khi nghe lời của Đức Phật dạy, người ngoại đạo bỗng giác ngộ, từ đó mới thực sự cải đạo, quy y theo Phật, trở thành một tỳ kheo thành kính, tinh tấn.

Con người ư, khi khóc lóc trước người chết, rốt cuộc là khóc vì người đã thoát khỏi biển khổ, hay đang khóc cho chính mình?

Minh An
Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Đức Phật dạy cách giải thoát khỏi nỗi đau mất người thân