Đức mẹ Đồng trinh với các Thiên Thần

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ý muốn của Thiên đàng là gì? Chúng ta có thể đã nghe nói rằng chúng ta nên làm theo ý Trời, nhưng điều đó có nghĩa là gì? Theo tôi, câu hỏi này cảm thấy hơi báng bổ vì những suy nghĩ của con người về Thiên đường có thể vô tình không tôn trọng sự vĩ đại vốn dĩ của nó.

Điều này không nói rằng chúng ta không nên cân nhắc ý nghĩa của việc cư xử như thể chúng ta là những chúng sinh của Thiên đàng hoặc đang trên đường đến Thiên đàng. Nhưng tôi nghĩ rằng ý nghĩ đó nên đi kèm với lòng thành kính và sự tôn trọng cao độ.

Với suy nghĩ đó, tôi chợt nhớ về một bức tranh mà mình đã nhìn thấy nhiều lần trong hơn một thập kỷ qua, ấy là bức ‘Đức mẹ Đồng trinh với các Thiên Thần’ (The Virgin With Angels) của họa sĩ William Bouguereau, bức tranh đã gợi cho tôi suy ngẫm về ý muốn của Thiên đàng.

Triển lãm của họa sĩ Bouguereau tại Salon năm 1881

Vào đầu những năm 1880, kỹ năng sáng tác và vẽ tranh của họa sĩ Bouguereau đã đưa ông lên đỉnh cao của thế giới nghệ thuật Paris. Ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghệ sĩ Pháp, một ủy ban mới được thành lập gồm các nghệ sĩ đặt ra các quy tắc và tổ chức các Salon trong tương lai.

Salon là triển lãm nghệ thuật chính thức hàng năm của Académie des Beaux-Arts ở Paris. Theo cuốn sách ‘William Bouguereau: Cuộc đời và công việc’ của Damien Bartoli và Frederick C. Ross, Salon là ‘sự kiện quan trọng nhất trong năm của Paris’.

Salon đầu tiên do Hiệp hội Nghệ sĩ Pháp tổ chức là năm 1881, nơi đây trưng bày bức tranh của Bouguereau vẽ ‘Đức mẹ Đồng trinh với các Thiên Thần’.

Vào thời điểm mà Bouguereau vẽ bức tranh theo chủ đề tôn giáo này, các họa sĩ trường phái ấn tượng đang trở nên nổi tiếng, và nhiều người trong số họ có ác cảm với Bouguereau và nghệ thuật của ông.

Một tiểu sử trực tuyến về Bouguereau nói rằng “Degas cùng với những mối quan hệ thân thiết của ông ấy”, “đã đặt ra thuật ngữ 'Bouguereauté' trong một bối cảnh không còn dùng nữa, để mô tả bất kỳ phong cách nghệ thuật nào phụ thuộc vào bề mặt nhẵn và không tự nhiên”. Nghĩa là những người theo trường phái ấn tượng quan tâm thể hiện ‘ấn tượng’ của thiên nhiên trên các giác quan của họ hơn là theo đuổi sự hoàn hảo và chủ nghĩa lý tưởng của Bouguereau.

Như đã nói, Bouguereau đã duy trì được sự nổi tiếng với công chúng và giới nghệ thuật thượng lưu trong suốt cuộc đời của mình. Bartoli và Ross chia sẻ phản ứng của nhà phê bình nghệ thuật Edouard Thierry đối với bức ‘Đức mẹ Đồng trinh với các Thiên Thần’ tại Salon năm 1881:

“Toàn bộ bức ảnh toát lên sự dịu dàng sâu lắng. Tôi có thể nói gì? Hãy nhìn ở nơi khác và bạn sẽ không tìm thấy sự quyến rũ đến từ sự tôn kính và tình yêu của đấng thiêng liêng này, trong sự thánh thiện nhất, đơn giản nhất và khiêm tốn nhất.”

‘Đức mẹ Đồng trinh với các Thiên Thần’ là một bức tranh phổ biến cho đến ngày nay. Theo Bartoli và Ross: “Tác phẩm tôn giáo đáng kinh ngạc này đã trực tiếp phá vỡ một số kỷ lục về số lượng người tham dự và sự nổi tiếng khi được trưng bày vào năm 2006 tại Bảo tàng Getty ở Malibu, CA”.

Bức tranh ‘Đức mẹ Đồng trinh với các Thiên Thần (Khúc hát Thiên Thần)’ được họa sĩ William Bouguereau vẽ vào năm 1881. Tranh sơn dầu, kích thước 84 inch x 60 inch. Bảo tàng Forest Lawn, California. (Phạm vi công cộng)
Bức tranh ‘Đức mẹ Đồng trinh với các Thiên Thần (Khúc hát Thiên Thần)’ được họa sĩ William Bouguereau vẽ vào năm 1881. Tranh sơn dầu, kích thước 84 inch x 60 inch. Bảo tàng Forest Lawn, California. (Phạm vi công cộng)

‘Đức mẹ Đồng trinh với các Thiên Thần’

‘Đức mẹ Đồng trinh với các Thiên Thần’ mô tả Đức Trinh nữ Maria cùng với Chúa Giêsu Hài đồng ở bên trái của bố cục. Đức Mẹ Maria ngồi trên một chiếc ghế dài, có vẻ đây là thiết kế của Corinthian, một phong cách thiết kế trang trí công phu nhất và cuối cùng của kiến trúc Greco-La Mã cổ điển. Đức Mẹ ôm Chúa Giêsu vào lòng, và cả hai đều đang ngủ say.

Đức Trinh nữ Maria mặc y phục với các màu đặc trưng của mình là đỏ, trắng và xanh lam. Màu trắng tượng trưng cho sự thuần khiết của Đức Mẹ, màu xanh lam là sự kết nối với Thiên đường, và màu đỏ tượng trưng cho tình yêu và sự hy sinh của Đức Mẹ dành cho con trai mình.

Cùng với Đức Trinh nữ Maria và Chúa Giêsu Hài đồng là ba vị Thiên Thần mặc áo trắng và vàng, với đôi cánh của họ, cho thấy họ là những sinh mệnh trên Trời. Ba vị Thiên Thần dịu dàng âu yếm nhìn Chúa Hài đồng trong khi họ chơi nhạc cho cả hai đang ngủ.

Người họa sĩ vẽ các nhân vật ở một mình trong khung cảnh tự nhiên và yên tĩnh. Đức Mẹ tựa lưng vào một cái cây, một phần tán lá ở phía sau che khuất một vùng nước tĩnh lặng phía trên bên phải của bố cục. Bức tranh thật ấn tượng với dạ khúc du dương của các Thiên Thần bên Đức Trinh nữ Maria và Chúa Giêsu Hài đồng đang say giấc trong khung cảnh trần gian thư thái, êm đềm, đẹp đẽ.

Sự tôn vinh và ý muốn của Thiên đàng

Vậy, bức tranh này gợi ý điều gì về ý muốn của Thiên đàng?

Đầu tiên, Đức Trinh nữ Maria mặc y phục với màu trắng trên đầu và vai, và màu xanh lam bao phủ cơ thể, còn màu đỏ ở viền và bao phủ cánh tay của Đức Mẹ. Màu trắng trên đầu và vai gợi ý về tâm trí và trái tim trong sáng, màu xanh lam bao phủ trên cơ thể biểu đạt ‘cơ thể trinh nữ thuần khiết’ của Đức Mẹ, ấy là sự tinh khiết kết nối với Thiên đường.

Tuy nhiên, màu đỏ trên cánh tay cho thấy tình yêu tương ứng với những điều Đức Mẹ có thể hy sinh, nói đơn giản, chính là những gì Đức Mẹ có thể cho đi vô điều kiện. Trong giây phút này, Đức Mẹ đang ôm lấy Chúa Giêsu Hài đồng, nhưng đến một lúc nào đó, Đức Mẹ nhất định phải buông bỏ điều mà mình gắn bó nhất: Con trai của mình. Bối cảnh này giống với bức Pietà (Đức Mẹ sầu bi), ấy là bức tranh nổi tiếng lúc Đức Mẹ ôm ‘đứa con trai đã mất’ của mình.

Chúng ta có thể thấy, tuy Đức Mẹ đang ôm chúa Giêsu Hài đồng nhưng Đức Mẹ nghiêng về các Thiên Thần nhiều hơn, cho thấy rằng Đức Mẹ đã hướng tâm trí, trái tim và cơ thể của mình về phía Thiên đàng. Nói cách khác, Đức Trinh nữ Maria đại diện cho sự thuần khiết của tâm trí, trái tim và cơ thể; chính sự trong trắng vô tư ấy là ‘chìa khóa’ kết nối với Thiên đàng. Tâm trí, trái tim và cơ thể của Đức Mẹ không bị xâm chiếm bởi ham muốn thú vui và quyền lực trần thế.

Điều thú vị là hai nhân vật nghỉ ngơi trên một chiếc ghế dài được làm theo phong cách kiến trúc Greco-La Mã của Corinthian, là kiến trúc cuối cùng trước khi Chúa Giêsu ra đời. Thành phố Corinth, sau đó được đặt tên theo phong cách kiến trúc, cũng trở thành trung tâm của Cơ đốc giáo thời kỳ đầu. Thực tế thì hai người nghỉ ngơi ở đây cho thấy sự thay đổi mà Chúa Giêsu sẽ mang đến cho Rôma trong tương lai.

Chúa Giêsu Hài đồng được vẽ quay về phía chúng ta, và Ngài khỏa thân, với hai tay chắp trước ngực. Mô tả này gợi ý rằng Ngài đã đến trái đất mà không có gì cả: Ngài xuất hiện trong ‘sự thật trần trụi’ của mình. Phải chăng đây cũng là biểu hiện của sự trong sạch, rằng ‘sự thật trần trụi’ của chúng ta tách biệt khỏi tài sản trần thế của chúng ta?

Nhưng tại sao họ lại ngủ? Ngôn ngữ cơ thể của Đức Trinh nữ Maria và Chúa Giêsu Hài đồng bổ sung cho sự thanh bình của khung cảnh thiên nhiên xung quanh. Mọi thứ được miêu tả thanh bình, tĩnh lặng và tinh khiết. Dáng người đang ngủ chẳng phải đại diện cho sự yên bình và tĩnh lặng đó sao? Trạng thái thanh khiết và từ bi toát ra từ Đức Trinh nữ Maria và Chúa Giêsu Hài đồng chẳng phải cũng là tiền thân của sự thanh thản êm đềm này?

Các Thiên Thần chơi nhạc cho họ trong khi họ đang ngủ. Có phải các Thiên Thần đang chào mừng ‘người mẹ và đứa bé’ này không, ‘hai mẹ con’ tượng trưng cho tâm hồn thuần khiết và trái tim yên bình đầy thanh thản?

Hay các Thiên Thần đại diện cho ý muốn của Thiên đàng, rằng chúng ta chỉ thực sự định hướng cho mình khi chúng ta ngừng ép buộc những ý định cá nhân lên cuộc sống bản thân và cuộc sống của người khác (trong trạng thái đặc trưng của giấc ngủ, chúng ta không tham gia vào các hành động có chủ ý bảo vệ cho mong muốn của mình hoặc can thiệp vào cuộc sống của người khác)?

Cũng có thể là cả hai ý trên, ấy là sự chào đón của Thiên Thần và ý muốn của Thiên đàng!

Bức tranh này nhắc tôi xem xét tầm quan trọng của một tâm trí, cơ thể và trái tim trong sáng ngập tràn thanh thản mà Thiên đàng tôn vinh. Và có lẽ sự thanh thản êm đềm này không phải cố ý mà có được, nó cần thông qua sự hy sinh những gì chúng ta cho là quan trọng, cùng sự chỉ dẫn của Thiên đàng. Nhưng làm sao để hiểu được sự chỉ dẫn của Thiên đàng trong cuộc sống vốn dĩ phức tạp và bộn bề này? Phải chăng chỉ khi tâm hồn chúng ta thực sự tĩnh lặng sâu sắc mới có thể nghe được thanh âm và ý muốn của Thiên đàng?

Thiên Kim

Theo Eric Bess - The Epoch Times

Giới thiệu về tác giả: Eric Bess là một nghệ sĩ theo trường phái tả thực người Mỹ và hiện đang là nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Tiến sĩ về Nghệ thuật Thị giác (Institute for Doctoral Studies in the Visual Arts - IDSVA)



BÀI CHỌN LỌC

Đức mẹ Đồng trinh với các Thiên Thần